Bỏ phố về quê làm bột rau, 8X Hải Phòng thu tiền tỷ mỗi năm

Luôn đau đáu, trăn trở tìm đầu ra cho nông sản, chị Ngô Thị Hiền (An Lão, Hải Phòng) đã quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp với mô hình sản xuất bột rau.

Trăn trở với ngành nông nghiệp

Sau 10 năm đi làm công ăn lương, chị Ngô Thị Hiền (sinh năm 1987, ở xã An Thắng, An Lão, Hải Phòng) quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bởi lẽ trước khi nghỉ, chị từng là kiểm định viên cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khá cao.

"Công việc cũ cho tôi được đi, được đến nhiều nơi trên thế giới. Cho nên, mỗi khi ra nước ngoài, tôi đều cố gắng tìm hiểu, học hỏi những cách làm hay, mô hình mới. Trong đó, tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đến ngành nông nghiệp vì tôi sinh ra, lớn lên ở quê, bố mẹ tôi đều làm nông. Khi tôi sang Thái Lan, Trung Quốc, tôi thấy, nông nghiệp đó rất phát triển, họ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến khiến nông sản nâng tầm giá trị", chị nói.

bot-rau-1.jpeg

Sau 10 năm đi làm công ăn lương, chị Ngô Thị Hiền quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp.

Chị Hiền nhận thấy nông sản ở Việt Nam có chất lượng khá tốt, không thua kém gì nước bạn nhưng vẫn chật vật tìm đầu ra, thậm chí cứ đến mùa còn phải "giải cứu". Vì thế, chị luôn trăn trở, đau đáu và muốn làm một điều gì đó góp sức cho nền nông nghiệp.

"Một cơ duyên đưa tôi đến gần hơn với nông nghiệp là khi em dâu tôi mua bột rau về cho con ăn. Tôi có hỏi thì được biết đây là loại bột rau nhập khẩu được nhiều mẹ bỉm sữa săn lùng, tìm mua dù chúng có giá thành đắt đỏ. Vì vậy, tôi mới đặt ra câu hỏi, loại rau này đều có ở nước ta mà sao phải đặt mua từ nước ngoài", chị Hiền kể lại cơ duyên khởi nghiệp của mình.

bot-rau-2.jpg

Khu vực trồng rau.

Từ câu hỏi đó, chị bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu thêm về các loại bột rau. Qua khảo sát, chị thấy thị trường Việt Nam đang rất chuộng loại thực phẩm này, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa, dân văn phòng và người tập gym. Cho nên chị đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua trang thiết bị, máy móc về thử sản xuất.

"Năm 2018, tôi tự mua máy móc về thử nghiệm, chế tạo bột rau. Diếp cá và rau má là 2 loại đầu tiên tôi làm, tuy nhiên, chất lượng vẫn chỉ ở mức khá, chưa đạt với yêu cầu đề ra. Do đó, thời gian đầu, bột tôi làm ra không bán mà chỉ gửi tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp để xin ý kiến, đánh giá, rồi từ đó, mình cải tiến, hoàn thiện dần dần", chị thông tin.

rau.jpg

Hệ thống máy nghiền bột rau.

Để thực hiện giấc mơ lớn hơn, tháng 4/2019, chị Hiền quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp. Đầu tiên, chị mượn 5 sào ruộng của bố mẹ để tiến hành trồng rau. Chỉ sau 3 tháng, ruộng rau đã được thu hoạch, tuy nhiên, vấn đề mà chị gặp phải là hệ thống máy nghiền cũ hiện không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Mơ lớn, nghĩ lớn, làm lớn

Nhằm đồng bộ hóa lại dây chuyền sản xuất, chị Hiền bỏ ra 1 tỷ đồng đề đầu tư trang thiết bị mới. Lần này, chị chọn cối đá granite để xay nghiền rau. Theo đánh giá, đây là loại cối khiến bột mịn hơn, giữ trọn màu và không làm mất chất dinh dưỡng. Đồng thời, chị ứng dụng phương pháp sấy lạnh theo công nghệ Nhật Bản vào việc sấy rau.

"Tư tưởng của tôi là không làm thì thôi, đã làm thì đến nơi đến chốn. Vì thế, tôi cố gắng đi vay mượn tiền để đầu tư, mua trang thiết bị về sản xuất. Tôi chọn các công nghệ mới, tiến tiến nhất và nhất định không dùng công nghệ cũ, lạc hậu", chị khẳng định.

Chị cho biết, những ngày đầu tiếp xúc, vận hành máy móc, chị gặp không ít khó khăn. Mỗi lần như vậy, chị đều phải gọi điện nhờ thợ hướng dẫn, nhưng may mắn, nhờ có vốn tiếng Anh tốt, chị nhanh chóng giải quyết được vấn đề.

"Những ngày đầu, tôi chủ yếu tự học hỏi, tự mày mò. Máy có trục trặc thì gọi thợ nhờ hướng dẫn. Tuy nhiên, có nhiều lỗi hiếm gặp, tôi phải vào các website nước ngoài xem", chị nhớ lại.

bot-rau-4.jpg

Nhân viên ở xưởng đang phân loại rau.

Sau 3 năm khởi nghiệp, chị Hiền hiện sở hữu hơn 4.000 m2 đất trồng rau, 6 cối đá granite và một xưởng sản xuất, chế biến bột rau củ rộng 300 m2. Tại đây, các công đoạn chọn rau, rửa, sấy lạnh, nghiền, đóng gói được làm khép kín.

"Để mở rộng nguồn nguyên liệu đầu vào, ngoài vùng rau tự trồng, tôi còn liên kết với các cơ sở trồng rau sạch, đạt tiêu chuẩn Vietgap. Hiện tại, tôi đang chế biến và thu mua 7 loại rau gồm rau má, diếp cá, chùm ngây, tía tô, bó xôi, cải xoăn và cần tây", chị tiết lộ.

Theo ước tính, mỗi tháng, chị Hiền bán ra thị trường lượng lớn bột rau mang về doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng. Đồng thời, chị còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

bot-rau-5.jpeg

Bột rau thành phẩm sau khi được nghiền.

"Hiện nay, sản phẩm của tôi chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa theo 3 hướng: Thứ nhất là cung cấp nguyên liệu cho các công ty thực phẩm để họ chế biến cùng các sản phẩm khác; Thứ hai là bán theo dạng đại lý, ở Việt Nam tôi đang có 20 đại lý phân phối sản phẩm này. Thứ ba là bán lẻ cho khách hàng cá nhân thông qua fanpage, website", chị thông tin.

Trong thời gian tới, chị Hiền dự định sẽ mở rộng sản xuất bằng việc mua thêm các thiết bị, nâng quy mô, công suất xưởng. Ngoài ra, chị còn muốn đưa sản phẩm bột rau ra thị trường nước ngoài, đến tay khách hàng quốc tế.

Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Trung Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thắng (An Lão, Hải Phòng) cho biết, mô hình sản xuất bột rau của chị Ngô Thị Hiền là mô hình tốt, tiêu biểu của xã. "Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này còn giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng của nông nghiệp như tìm được đầu ra cho nông sản, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân ở địa phương hay liên kết được với nhiều chuỗi sản xuất nông nghiệp", Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thắng thông tin.

Nguồn: Theo báo Dân trí

Bình luận

Trồng cây dây thìa canh cho thu nhập gấp 4 lần trồng lúa

Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên).

Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà

Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.

Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi

Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.

Ba Khánh và tầm che phủ của cọng bún

Cơ sở Ba Khánh vẫn mua gạo cứng cơm làm bún, bao phủ thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM...

Làm giàu sau cơn bạo bệnh

Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992) đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ đô thị về quê làm lại từ đầu bằng mô hình chăn nuôi gà ác lấy trứng và rất thành công.

Cất 2 tấm bằng đại học, bỏ phố lên núi nuôi cá, chàng trai Pa Cô thu tiền triệu mỗi ngày

Có trong tay 2 bằng cử nhân, không ai nghĩ chàng trai người dân tộc Pa Cô Hồ Thanh Phương lại gác mơ ước công việc ổn định nơi thị thành, tìm về quê đào ao, nuôi cá đặc sản thu tiền triệu mỗi ngày.

Nhóm thanh niên làm nông nghiệp kết hợp du lịch kiểu Israel

Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian tu nghiệp sinh tại Israel.

Pham Nghia Food và tác động dây chuyền của 'chuẩn hóa'

Không chỉ chả cá thát lát rút xương Kim Sa, Pham Nghia Food có trên 30 sản phẩm chế biến từ cá thát lát là mũi nhọn khi phát triển chuỗi nhà hàng, quán ăn.

Thanh niên Đắk Lắk bỏ phố về quê làm nông nghiệp theo mô hình Israel

Là người thích khám phá điều mới mẻ, chàng trai 32 tuổi người Đắk Lắk đã quyết định từ bỏ việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng để về quê làm nông nghiệp Israel trên đất Khánh Hòa.

Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu.