Người đặt nền móng cho hệ sinh thái từ sợi chuối Việt Nam

Tôi ngồi nói chuyện với anh trong căn phòng dưới chân là thảm sợi chuối, trên trần là vô số đèn lồng bằng tơ chuối, đến ngay cả bộ bàn ghế cũng bằng sợi chuối.

Thanh long, chuối, mít dội chợ nhưng tơ chuối thì không
Anh Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Công ty Musa Pacta bảo với tôi rằng tuổi thọ của các vật dụng này có thể lên tới 20 - 30 năm. Những cái đèn như tôi thấy ở đây trên thị trường thế giới đang bán 200 - 300 USD tương đương 5 - 7 triệu đồng, thậm chí có cái 600 - 800 USD tương đương 14 - 20 triệu đồng.

Khi có dịp đi từ thiện làm đường, xây trường cho các vùng sâu, vùng xa anh đau đáu câu hỏi làm sao để người dân ở đó bớt khổ. Xét cho đến cùng cái nghèo là sự bất đối xứng về thu nhập trong khi đó lại bình đẳng về chi tiêu của người dân ở các vùng miền. Thường xuyên sinh hoạt với các nhóm trợ giúp cho trẻ em đường phố anh cũng trăn trở về cách làm sao để bớt tình trạng người dân quê phải ly hương ra thành phố.

watermark_dsc_6525-1101_20220112_64-112914.jpeg

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sợi tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ sợi chuối, người ta có thể làm đồ thủ công là dệt vải may áo bán rất đắt đến các hàng công nghiệp bí mật như làm giấy in tiền. “Thanh long, chuối, mít của ta đang dội chợ, áp lực của nông sản tươi đến kỳ không thu hái thì vứt còn sợi tơ chuối có thể để hàng năm được, lại tận dụng được nông nhàn. Hơn nữa thị trường quá rộng lớn khi thế giới đang có xu hướng giảm đồ nhựa thậm chí xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.

Lợi thế đầu tiên của sợi chuối đến ngay từ nguồn nguyên liệu, đó là thứ phụ phẩm vốn dĩ bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả. Muốn có 1kg bông, hay đay, gai thì chúng ta cũng phải phá đất ra để trồng, phải chăm, phải chờ đợi, mất công, mất sức. Nhưng với sợi chuối không mất một m2 đất nào mà đã có sẵn hàng trăm ngàn ha, hàng trăm triệu tấn thân đang vứt đi hàng ngày, vừa gây ô nhiễm vừa dễ lây lan các bệnh cho cây chuối như Panama hay tuyến trùng. Thứ hai là tính ưu việt của sợi chuối vừa có tính kháng khuẩn, kháng mốc, vừa dai, bền, lại hút ẩm, thoáng mát gấp 6 - 10 lần so với bông.

watermark_2fea7ae9fb7f612482638b04b11d21d0-1100_20220112_12-112916.jpeg

Máy tuốt sợi tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Quy mô của ngành sợi chuối thế giới trị giá hàng chục tỷ USD, những hãng thời trang cao cấp như Dior, Yves Saint Laurent, Zara, Uniqlo, H&M... đều có các sản phẩm từ sợi chuối, vải sợi chuối. Mức độ tăng trưởng trong 10 năm gần đây của thị trường sợi tơ chuối ở mức từ 16 - 30%/năm”, anh thông tin.

Khi về nước, anh thử nghiệm xưởng sản xuất sợi chuối ở HTX Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) và đối diện với trở ngại chung là thiếu ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi thế mà anh phải làm hầu hết các công đoạn, thậm chí phải cùng đầu tư Công ty Cơ khí chính xác GMF vì để tuốt được sợi tơ chuối nhỏ như sợi tóc đòi hỏi thiết bị phải có độ chính xác rất cao nếu không sẽ dễ bị đứt hay bị lẫn với các bẹ thịt.

Quy trình nghe qua tưởng chừng như đơn giản, thân chuối được thu gom về, bổ ra, tách lấy bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi nhưng anh phải mất 6 tháng để cho ra mẻ sợi đầu tiên.

Những thị trường lớn như nhóm G7, Dubai, Ảrập… đều phải nhập sợi chuối để chế ra nhiều thứ từ dây cáp tàu biển đến vật liệu xe hơi, nội thất.

watermark_dsc_6561-1101_20220112_668-112917.jpeg

Một cái làn bằng sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giao ước dựa trên những sợi tơ chuối
Công ty Musa Pacta được thành lập vào tháng 6/2019 là tên ghép từ tiếng Latinh, musa là chuối, còn pacta là giao ước. Đó là giao ước với nhau để thoát khỏi đói nghèo, để cùng biến sợi chuối trở thành thứ có ích, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới.

Tiên phong trong lĩnh vực mới, khó khăn rất nhiều, thất bại cũng không ít, nhất là khi thành lập đã gặp luôn 2 năm đại dịch nhưng là người luôn hướng về phía trước nên anh cũng chỉ coi đó như những động lực để vươn lên. Hiện sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều nước.

71eb131d3e84a31e1a4d53e8c7b68330-1100_20220112_750-112919.jpeg

Giống chuối khổng lồ. Ảnh: Tư liệu.

Anh tâm sự: “Khởi đầu của sợi chuối cũng rất gian nan giống như lúc tôi họp bàn để làm con đường hơn 20km vào bản Làng Lao của đồng bào Mông (xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có già bản đã bảo trước hơn 300 dân rằng: “Nếu thầy làm được đường thì cứ chặt đầu tôi đi”. Khi tôi làm xong mới bảo ông rằng: “Thế bây giờ thầy cho ông mượn cái đầu trên cổ nhé!”.

Cũng đúng thôi bởi làm đường là điều không tưởng vì 4 - 5 đời nay họ phải đi bộ xuống núi mất trọn 1 ngày ròng, có chỗ phải bò ngang như cua vì một bên là vách núi, một bên là vực sâu, còn tôi đi vào đó mất 1,5 ngày, ngủ lại giữa rừng. Cây chuối rừng trở thành thức ăn nhỡ đường của dân nghèo tại bản, hoa chuối bọc lá chuối nướng lên rồi gỡ ra chấm muối ăn.

watermark_dsc_6554-1101_20220112_949-112920.jpeg

Đèn làm bằng tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi vận động dân tự làm đường còn mình chỉ bỏ tiền ra mua dụng cụ lao động từ cái nồi, cái muôi cho đến xà beng, cuốc, xẻng, muối, gạo nhưng có thời điểm 1 tuần ăn hết 1 tấn gạo vì cả mấy bản ở gần đó gần 700 người cùng dồn sức. Làm mấy năm mới xong con đường, giờ đi từ bản ra quốc lộ chỉ 2, 3 tiếng chạy xe máy...

Khi tôi đang chèo lái con thuyền, bạn có thể cùng lên hoặc không thì đứng trên bờ vỗ tay ủng hộ chứ đừng ném đá bởi sẽ có rất nhiều người vô cớ ném theo. Bao giờ cũng thế, như nhà thơ Lưu Quang Vũ có câu rằng: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ. Chỉ có dựng xây đời là khó khăn thôi”.

Musa Pacta định hình ra hệ sinh thái về sợi tơ chuối tại Việt Nam gồm 5 thành phần vừa đan xen, vừa bổ sung, hỗ trợ cho nhau gồm: 1. Hệ thống các xưởng tuốt sợi có thể phát triển tới các thôn bản trên khắp cả nước để giống như cái máy xát gạo chung, ai đi nương hay trong vườn có vài ba thân chuối tuốt xong để lại sợi ở đó, gom dần rồi bán; 2. Hệ thống các xưởng, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại chỗ; 3. Viện nghiên cứu giống công nghệ cao và chuyển đổi số sẽ trở thành vườn ươm, là chỗ dựa về khoa học, về cây giống cho nông dân, đặc biệt là nông dân trồng chuối;

watermark_dsc_6551-1101_20220112_612-112922.jpeg

Anh Bùi Khánh Dũng bên những sản phẩm làm từ sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

4. Hệ thống các khu bảo tồn sinh thái chuối trong đó có hơn 60 giống chuối bản địa, hơn 200 giống chuối nước ngoài. Đây là một sản phẩm mới của ngành du lịch vì có thể phát triển từ du lịch khám phá, du lịch hội nghị, du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục bởi có những giống chuối vô cùng đặc sắc như chuối đỏ, chuối đen, chuối siêu lùn chỉ 80cm đã có thể ra buồng, chuối siêu cao tới 20m, chuối hàng trăm nải, chuối quả nặng tới 1,5kg; 5. Hệ thống nhà máy sản xuất từ vải bông, sợi chuối cho đến may mặc, các nhà máy chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.

Công ty hiện có gần 10 điểm tuốt sợi chuối tại miền Bắc, dự kiến năm 2022 con số sẽ lên tới hàng trăm, chưa kể đến những điểm làm hoàn thiện thành các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ như bện tết, may đan hay làm giấy. Quy mô đầu tư có thể từ mức 100 triệu với công suất chế biến vài tấn thân chuối/ngày, cho đến vài tỷ đồng với công suất chế biến 60 - 70 tấn thân chuối /ngày, mức độ khép kín cao”. 

watermark_306bb4d62baa39cbae4aa7748a12a822-1100_20220112_24-112923.jpeg

Phơi sợi tơ chuối. Ảnh: NVCC.

Bản thân anh Dũng đã khảo sát gần 10 giống chuối lấy quả phổ biến ở Việt Nam, tất cả đều có khả năng lấy sợi tốt, sản lượng khác nhau ở từng vùng miền nhưng không chênh lệch quá lớn. Thân cây chuối được khai thác khi đã già, lấy xong quả, bên trong bị sơ hóa, chiều dài mỗi sợi tơ từ 1 - 1,5m còn với thân cây non không thể dùng được. 1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15kg sợi chuối phơi khô, hiện đang thu mua từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.

Hàng chục tỷ đồng cộng rất nhiều công sức, trí tuệ đã được anh Dũng và các cộng sự đầu tư cho sợi tơ chuối bé nhỏ. Cũng chính anh là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế thiết bị xử lý thân cây chuối thành sợi, bã, nước hay nói cách khác là không hề có rác thải mà tất cả đều thành hàng hóa, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như giá thể trồng cây, dịch vi sinh tưới cây. Chúng góp phần hữu cơ hóa nền nông nghiệp với một giá thành hợp lý hơn bởi 1 lít dịch chuối có thể pha với 100 lít nước để tưới bổ sung các loại trung, vi lượng mà giá bán chỉ cỡ 30.000 đồng.

Trong thời gian tới khi nhà máy bông, sợi của công ty Musa Pacta khánh thành, có thể hi vọng sẽ có một dòng sản phẩm vải chất lượng cao dành cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một ngành nghề mới, một hệ sinh thái mới dựa trên những sợi tơ chuối dần dần sẽ được thành hình.

“Khi mình đã châm lên một ngọn lửa thì mong nó sẽ bùng lên thành rộng khắp. Còn những người thấy hay mà không làm là vì họ chùn bước trước những khó khăn ban đầu”, anh Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Công ty Musa Pacta.

 

Bình luận

Trồng cây dây thìa canh cho thu nhập gấp 4 lần trồng lúa

Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên).

Người đầu tiên ở Hà Nội nuôi cua biển trong nhà

Thông qua hệ thống lọc tuần hoàn, anh Lê Đức Cảnh, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nuôi cua biển trong nhà với quy mô lớn.

Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi

Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.

Ba Khánh và tầm che phủ của cọng bún

Cơ sở Ba Khánh vẫn mua gạo cứng cơm làm bún, bao phủ thị trường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM...

Làm giàu sau cơn bạo bệnh

Tưởng chừng sẽ gục ngã sau khi bị tai biến, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992) đã hồi phục một cách thần kỳ và quyết định bỏ đô thị về quê làm lại từ đầu bằng mô hình chăn nuôi gà ác lấy trứng và rất thành công.

Cất 2 tấm bằng đại học, bỏ phố lên núi nuôi cá, chàng trai Pa Cô thu tiền triệu mỗi ngày

Có trong tay 2 bằng cử nhân, không ai nghĩ chàng trai người dân tộc Pa Cô Hồ Thanh Phương lại gác mơ ước công việc ổn định nơi thị thành, tìm về quê đào ao, nuôi cá đặc sản thu tiền triệu mỗi ngày.

Nhóm thanh niên làm nông nghiệp kết hợp du lịch kiểu Israel

Nhóm thanh niên 9X đều tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên ngành về nông nghiệp, song có điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian tu nghiệp sinh tại Israel.

Pham Nghia Food và tác động dây chuyền của 'chuẩn hóa'

Không chỉ chả cá thát lát rút xương Kim Sa, Pham Nghia Food có trên 30 sản phẩm chế biến từ cá thát lát là mũi nhọn khi phát triển chuỗi nhà hàng, quán ăn.

Thanh niên Đắk Lắk bỏ phố về quê làm nông nghiệp theo mô hình Israel

Là người thích khám phá điều mới mẻ, chàng trai 32 tuổi người Đắk Lắk đã quyết định từ bỏ việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng để về quê làm nông nghiệp Israel trên đất Khánh Hòa.

Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu.