Người hiểu được tiếng của gà, của lợn

Gà vui kêu chóc chóc, bới xẹt xẹt rồi nằm xuống phủ đất lên còn lợn vui kêu ụt ụt, chủ kỳ cọ, gãi cổ, gãi lưng là nằm xuống ngoan như chó con…

watermark_dsc_4050-1403_20210509_56-135503.jpeg

Vợ chồng anh Thanh vui với thành quả lao động. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mắt sáng không lấy lại chọn mắt mù
Kỳ nhân khiếm thị Lục Văn Thanh ở thôn Kim Chòi xã Đồng Tân (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã nói với tôi như vậy. Sinh ra trong gia đình Nùng có 9 anh em, lúc 3 tuổi anh chẳng may bị lên sởi nên đôi mắt dần chìm vào trong bóng tối.

Bố mẹ mất sớm, lớn lên anh sống cùng người em trai chưa vợ trong ngôi nhà nát, lăn lộn bằng đủ thứ nghề, từ đóng gạch, đào giếng, chăn lợn đến ươm cây giống, bởi mù nên nghề nào cũng vất vả cả. Đào giếng thì người mắt sáng ở trên kéo đất còn người mắt mù ở bên dưới đào, mỗi cái sâu hơn 10m phải làm 4-5 ngày mới xong.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền là người Kinh ở ngoại thành Hà Nội, mới cưới nhưng chồng lại bỏ đi mất tích sau những ngày bị ngơ ngẩn vì theo môn võ bí hiểm có tên gọi quyền thề. Một bận lên nhà chị gái anh Thanh chơi và được giới thiệu: “Nhà tôi có hai cậu, đến gặp thích lấy ai thì lấy!”.

Chị đến, một ngôi nhà trình tường đất ba gian, mái dột nát thấy cả những khoảng trời bên ngoài bởi người em mắt tinh nhưng không chịu sửa còn người anh mắt mù thì mải tối ngày đi kiếm cơm. Duyên số run rủi thế nào chị lại chọn anh: “Phần bởi ông trời đã định, phần bởi tôi nghĩ mình xấu thì lấy người xấu thôi chứ không dám ước mơ gì!”.

watermark_dsc_4014-1402_20210509_110-135506.jpeg

Vợ chồng anh Thanh cùng nhau quây cót để chuẩn bị úm gà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biết con gái mình chuẩn bị lấy một người khiếm thị, mẹ chị đã khuyên: “Tao đã khổ vì lấy phải người chồng bệnh tật, suốt ngày chạy chợ để kiếm miếng ăn, mày lại lấy phải thằng mắt kém thì còn khổ nữa”. Chị trả lời, số phận con đã thế rồi, không thay đổi được.  

Năm 1999 họ cưới nhau. Lúc đó trong nhà không xe máy, xe đạp chỉ có hai tạ thóc cùng đôi lợn là có giá. Trời lấy đi của anh đôi mắt nhưng bù lại đôi tai rất thính nhạy và anh vận dụng chúng vào việc nuôi lợn rất tài tình.

“Hễ đói là chúng kêu, không chịu nằm yên tôi lại cho ăn. Hễ nóng là chúng thở mạnh, tôi lại múc nước từ cái giếng sâu hơn 10m lên mà kỳ cọ, gãi lưng; chúng kêu ụt ụt, nằm xuống ngoan như chó con là đang vui đấy. Hễ lạnh thì tôi lại lấy những tàu lá chuối khô treo thành lớp phủ lên lưng chúng để tạo ổ ấm”...

Anh sờ để biết lợn béo hay gầy, hễ lưng nhô lên như cái sống dao là gầy, còn phẳng để được bát nước lên không đổ là béo, có thể xuất chuồng. Bán lợn anh đong gạo, phần tiền thừa lại mua giống nuôi tiếp.

Cưới rồi, anh chị mua vôi, đá mạt về tự đóng 7.000 viên gạch ba banh, xây xong nhà thì nợ mất đúng 45 triệu. Thế rồi ba đứa con, 1 trai, 2 gái lần lượt ra đời khiến cho họ phải bươn bả hơn. Không chỉ là nuôi đôi lợn thịt như hồi còn độc thân, anh chuyển sang nuôi lợn nái với những kỹ thuật phức tạp hơn hẳn.

watermark_dsc_4030-1403_20210509_271-135509.jpeg

Vợ chồng anh Thanh đang trải trấu để lót chỗ úm gà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh phải nhờ người em kết nghĩa phụ trách trại lợn của doanh trại bộ đội gần đó hướng dẫn. Lúc đầu, người em tiêm thì anh lấy tay đo từ tai đến cổ lợn xem khoảng cách bao nhiêu. Rồi người em dạy những triệu chứng bệnh thì anh cố nhớ nằm lòng để tự điều trị.

Mắt không nhìn thấy nên anh phải nhờ vợ xem phân lợn rồi mô tả cho mình: “Màu xi măng là bị thương hàn; màu trắng là bị Ecoli; màu đen loãng là bị rối loạn tiêu hóa…”. Mỗi thứ bệnh anh lại kê một loại thuốc.

Có bận lợn đẻ tới 18 con trong khi chỉ có 12 vú, như người ta thì phải bán số thừa ấy rẻ như cho nhưng anh giữ lại, đóng hai cái cũi để san ra làm hai đàn. Bắt từng con đàn thứ nhất cho vào bú mẹ rồi chờ một lúc lại bắt từng con của đàn thứ hai. Lợn mẹ không đủ sữa thì mua thêm sữa ngoài.

watermark_dsc_4019-1403_20210509_76-135512.jpeg

Anh Thanh đang san trấu lót chỗ úm gà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăn 3 con lợn nái cùng với 30 con lợn thịt, anh là người đi đầu trong bản về làm kinh tế. Lãi vài chục đến cả trăm triệu/năm giúp cho họ mua thêm đất, nuôi con ăn học. Đùng cái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, lợn chết trắng chuồng đã chán nhưng không bằng đận nhà nhà, người người nuôi lợn nên giá xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg.

Bán 30 con tổng trên 3 tấn, cầm tiền mà anh rớt nước mắt như vừa bị mất cắp, quyết chuyển sang nuôi gà, từ 500 con sau lên 1.000, 1.500, 2.000 rồi 7.000 con với những giống lai Mía, lai Hồ.

Mùa đông, anh thắp điện sưởi cho gà, sờ thấy chúng nằm thành một vòng tròn, quay đầu về phía bóng đèn, im lặng là no, còn kêu toáng, chạy vấp cả vào chân người, đi đâu theo đấy là đói. Nằm duỗi chân là khỏe còn co chân là yếu.

Kêu khịt khịt là sắp mắc bệnh. Lần theo bao nhiêu tiếng kêu là bấy nhiêu con ốm, sờ vào là thấy mỏ vểnh, cổ vươn, chân lạnh thì bắt riêng ra mà chữa. Chăn nuôi giỏi có tiếng nên dân bản bảo: “Thằng Thanh mù mà làm còn hơn nhiều thằng sáng mắt, được cả Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen”.

"Tôi cứ một tai ghi, một tai lọc. Câu nào có ý nghĩa thì nhớ còn không bỏ ngoài tai nên chẳng đôi co với ai bao giờ". - anh Thanh nói.

Tôi theo anh ra trại gà. Quá quen thuộc với con đường nên bàn chân anh đi như có mắt. Trước đó nó chỉ là lối mòn đặt vừa bàn chân người, một bên là đồi, một bên là dòng Thương sâu hun hút. Đã có lần anh bị vấp ngã, tưởng lăn xuống sông, may mà bám được vào cái gốc cây nên hút chết, sau đó mới thuê máy xúc đến để mở rộng ra như hiện tại.

watermark_dsc_3997-1409_20210509_316-135514.jpeg

Anh Thanh trên đường từ nhà ra trại gà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng anh là một phép cộng trừ, nương tựa vào nhau. Chị mắt sáng thì anh mắt kém. Chị nhớ nhớ, quên quên thì anh tính toán giỏi. Chị hiền lành thì anh nóng nảy. Họ gắn với nhau như hình với bóng. Thăm mô hình, dự hội thảo ở gần thì chị chở đi còn ở xa thì lại có người hàng xóm tốt bụng là Hứa Văn Thượng giúp. Anh sờ vào con giống để cảm nhận rồi bảo vợ hay hàng xóm đi cùng tả lại xem cơ sở vật chất của trại ấp thế nào mà quyết định mua hay không.

Đúng dịp nhập gà nên tôi được chứng kiến từ vệ sinh chuồng trại, quây cót, trải trấu đến đón con giống đều tự tay vợ chồng anh làm hết. “Chân tròn bóng mỡ, lông mát như lụa, để lên tay giẫy mạnh là gà khỏe còn nằm im là yếu, nếu sờ vào rốn lại còn hở nữa thì vứt”.

Đã có lần anh bị người ta lừa, bán cho thứ gà Mía lông đỏ nhưng nuôi được 2 tuần thì chuyển sang trắng bởi nhuộm phẩm, 1.000 con lỗ mất 25 triệu nên từ đó rất cẩn trọng.

Tuần đầu vào gà, anh ăn ngủ luôn tại trại cùng với 3 chú chó dù nhà chỉ cách đó chừng 400m để lắng nghe tiếng của chúng. Chạy loạn lên mà kêu là có chuột, còn thở ò ò là có rắn hổ mang, phải đuổi đi dù cho nó ngóc đầu lên cao cả mét để dọa, phun nọc độc.

Rét thì lũ gà nhảy lên nhau, phải tăng điện thắp sáng, đắp chiếu phủ lên bên trên chỗ úm, đủ nhiệt thì chúng tản đều ra. Tất cả đều phải rờ rẫm bằng bàn tay, ngay cả cái bóng điện cũng vậy, sờ không thấy nóng anh mới biết là cháy.

watermark_dsc_4041-1403_20210509_493-135517.jpeg

Lắp bóng điện để úm gà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cám mua về anh nếm xem có bị mốc hay không, vị ngô, vị đậu, vị tép có đậm đà. Ngay cả thuốc cũng vẫn nếm, ngọt là đúng trị Ecoli, đắng là đúng trị ký sinh trùng, nhấm vào nước rồi bóp mà dính là phải ngửi xem có bị pha thêm bột nếp, bột sắn.

Mắt mù nhưng có lần anh còn bắt được cả kẻ trộm bởi trước đó nghe tiếng chó sủa, ra ngoài kiểm tra, sờ thấy cái xe đạp giấu trong bụi cây, cả đêm thức trắng ngồi rình rồi tóm gọn.

Lúc thả gà ra đồi chỉ cần nghe tiếng kêu là anh biết chúng đang vui hay buồn: “Gà vui kêu chóc chóc, bới đất xẹt xẹt, chủ đi qua thì vùng dậy văng cả đất vào chân, mình cũng vui lây. Gà vui sẽ lớn nhanh và mã đẹp nên tôi bao giờ cũng đổ 1 - 2m3 cát để chúng ăn, chúng tắm. Còn gà buồn kêu khịt khịt thì mình cũng buồn theo”. 

watermark_dsc_4076-1413_20210509_821-135520.jpeg

Kiểm tra gà giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rồi lại đến thời kỳ nhà nhà, người người nuôi gà khiến giá xuống một mạch làm cho anh hai năm nay nợ đến 160 triệu.

Nhắc lại chuyện trên, anh bảo: “Giờ tôi chỉ mong vay được trên 100 triệu để duy trì đàn gà vì bên cám không cho mua chịu nữa. Chỉ một lứa được giá là có thể kéo lại tất cả. Tôi còn muốn bắn lưới quanh mấy ha vườn rồi thả gà nuôi theo kiểu VietGAP chứ nuôi thế này giá cả bấp bênh lắm”.

Một người mù cùng xã có lần đến rủ anh… đi ăn mày: “Cứ theo em lên thành phố, anh mắt kém thì chị dẫn đường đi ăn xin, mỗi ngày kiếm ít nhất 600.000 - 700.000 đồng”. Quả thực anh ta chỉ ăn xin có mấy năm mà về quê xây được nhà to nhưng sau đó vợ bỏ nên phải thuê một người mắt sáng dẫn đi hành nghề. Phần vì xấu hổ, phần bởi xác định chăn nuôi đã là nghiệp nên anh Thanh từ chối ý tốt đó.

watermark_dsc_4087-1413_20210509_622-135523.jpeg

Bê giống vào chỗ úm. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Vợ chồng thi thoảng có cãi nhau nhưng tôi toàn chủ động nhịn bởi biết anh nóng tính vì nhiễm nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ, trĩ, chứ rất hiền", vợ anh Thanh tâm sự.
Trồng cây trong bóng tối
Tôi ngó ra xung quanh là màu xanh mướt mát của 200 gốc nhãn, 200 gốc mít, vài chục gốc na khổng lồ Đài Loan, 1ha bạch đàn. Đó là thành quả những tháng ngày trồng cây trong bóng tối của anh. Mắt không thấy gì nhưng có lần anh còn bắt cả xe khách xuống Học viện Nông nghiệp Việt Nam dưới Hà Nội để mua cây giống rồi bị lạc, phải lần dò mãi.

Anh đi quanh gốc cây, đo bằng sải tay rồi ước lượng, tỉa tạo tán. Ngày ngày anh thường dậy lúc 5 giờ sáng để ra vườn rờ rẫm dù sương rơi đẫm áo. Sờ vào lá, hễ thấy tròn, dày là biết khỏe mạnh còn bé mỏng là ủ bệnh bên trong. Sờ vào thân, thấy thay vẩy, vỏ hơi bung ra là đủ phân, thấy khô ráp là thiếu dinh dưỡng, còn thấy những lỗ ướt là bị sâu đục thân, phải tẩm tí dầu để hun cho nó sặc khói. Sờ vào hoa để biết năm nay được hay mất mùa.  

watermark_dsc_4072-1404_20210509_495-135525.jpeg

Vợ anh Thanh bên những cây na giống Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tôi thích nhất là ngửi mùi của hoa, mùi hoa keo hơi nồng hắc, mùi hoa nhãn, hoa bưởi rất thơm. Đã thế, mỗi khi có gió thổi qua vườn nghe rì rào rất vui nên trưa hè thường mắc võng dưới tán cây mà ngủ”.

Anh khiêm tốn: “Giờ chúng tôi vẫn còn đang bò, chưa giàu được”. Nhưng tôi biết khu vườn ấy, khu trại ấy đang có giá vài tỉ đồng, bán cái là có tiền ngay dù anh chẳng bao giờ mơ màng đến chuyện đó.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nguoi-hieu-duoc-tieng-cua-ga-cua-lon-d291464.html

Bình luận

Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở cù lao Tân Phú Đông

Mô hình 30ha nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn có quy mô lớn nhất ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi ốc nhồi

Nhiều lần đi ăn gọi món ốc nhồi và nhận được câu trả lời “hết hàng”, chàng vệ sĩ 8X quyết định về quê nuôi ốc để bán ra thị trường. Nay, anh trở thành vị giám đốc trẻ tuổi, thành tỷ phú nhờ con ốc nhồi.

Cọc lớn, cọc nhỏ tiền từ lợn thảo dược

Đã có lúc đàn lợn VietGAHP, lợn thảo dược giúp những cục tiền lớn, cục tiền nhỏ chạy vào túi anh Nguyễn Ngọc Sáng dễ dàng, nhưng không ít lần chúng khiến anh long đong.

Nuôi gà ri Hòa Bình theo hướng an toàn sinh học

Với quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương của mình, anh Trần Thanh Nhàn, SN 1987, trú tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã gác lại tấm bằng cử nhân kinh tế của Trường Đại học Đà Lạt về quê nuôi gà ri gáy râm ran khắp làng

Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con

Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bí quyết của tỷ phú nuôi tôm CPF-Combine

Nguồn vốn ông Thành, (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 - 20 tỷ

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 1] 'Trùm' gà Minh Dư

Ông 'trùm' gà này đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với gà, đang sở hữu 2 trang trại gà lạnh, 1 trang trại gà Minh Dư hàng chục ngàn con.

Ông 'Minh bưởi' và câu chuyện đam mê ứng dụng công nghệ

Từ người đi sau, ông Minh nay là người trồng bưởi số 1 Bạch Đằng nhờ quyết tâm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị trái bưởi.

Chủ trại lươn giống bậc nhất miền Tây

Nhờ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ươm lươn giống bài bản, trại lươn giống của anh Hiếu hiện mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu con giống chất lượng.

Tỷ phú đất cù lao giàu lên từ con tôm công nghệ cao

Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.