Những mô hình kinh tế hiệu quả ở Tây Bắc

Các địa phương ở Tây Bắc được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và khí hậu. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển.

Mô hình cà chua Beef ở Vân Hồ

Sau hơn 4 tháng triển khai mô hình, cây cà chua Beef được trồng thí điểm trong nhà màng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ (Sơn La) được đánh giá sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh, phù hợp với khí hậu tại Vân Hồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống cà chua thường.

ca-chua.jpg

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ chăm sóc cây cà chua Beef.

Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được hỗ trợ xây dựng 1 nhà màng sản xuất nông nghiệp, có diện tích 360 m², tổng kinh phí đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới cây khoảng 200 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp. Đây là nơi xây dựng các mô hình cây trồng mới áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trở thành mô hình mẫu, điểm tham quan học tập trên địa bàn huyện. Qua nghiên cứu, Trung tâm lựa chọn giống cà chua Beef được nhập từ Đà Lạt làm thử nghiệm đầu tiên trong nhà màng, với hệ thống tưới nhỏ giọt Israel nên hạn chế được nhiều sâu bệnh hại, giảm chi phí và công lao động.

Chị Hà Thị Thu, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Cà chua Beef có nguồn gốc từ Hà Lan, được ghép trên cà dại nhằm hạn chế được sâu bệnh hại, có nhiều ưu điểm là quả chắc, ít hạt, hương vị đặc trưng thơm ngon. Cây cà chua Beef được trồng 2 vụ, vụ xuân trồng vào tháng 3-4, vụ thu trồng từ tháng 8-9.  Cây cà chua Beef thích hợp trồng trong nhà kính, nhà lưới, trồng trên đất màu, tơi xốp, giàu mùn... Mật độ trồng từ 1.650 - 1.700 cây/1.000 m², thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, thời gian bắt đầu thu hoạch 70 ngày sau trồng, thu từ 10-12 lứa trong thời gian từ 2 đến 2,5 tháng.

Để cây cà chua Beef đạt hiệu quả, năng suất cao, hiệu quả, cơ sở vật chất phải đảm bảo, việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Nhà màng phải kín để tránh côn trùng bên ngoài có cơ hội xâm nhập; sử dụng phân chuồng đã ủ hoai, khô, không mùi, không làm ảnh hưởng đến môi trường, cũng như không tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Ở từng giai đoạn sinh trưởng, tùy thời tiết mỗi ngày cây cà chua sẽ có nhu cầu nước và dinh dưỡng khác nhau. Trong quá trình chăm sóc cây cà chua, việc tỉa chồi phụ thường xuyên, các chồi phụ này thường làm tiêu hao dinh dưỡng của cây trồng, vì vậy nên tỉa chồi phụ khi chưa dài quá 5 cm, tránh tình trạng để chồi phụ phát triển quá lớn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Ngoài ra, phải thường xuyên tỉa lá già, tỉa quả (chỉ nên để 3-4 quả/chùm) để cân bằng sinh trưởng giữa phát triển thân lá và nuôi quả, đồng thời tạo sự thông thoáng cho vườn, tiến hành tỉa lá, tỉa chồi vào buổi sáng có nắng để nhanh khô vị trí tỉa lá, tỉa chồi, tránh sự xâm nhiễm nấm bệnh.

Sau hơn 4 tháng trồng, chăm sóc, Trung tâm đã thu hoạch được hơn 2,2 tấn quả/360 m², giá bán từ 15.000-17.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về hơn 14 triệu đồng/360 m² (tương đương gần 40 triệu đồng/1.000 m²). Với quy trình sản xuất cà chua Beef được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, thị trường tiêu thụ chủ yếu của cà chua Beef - Vân Hồ hiện nay được cung cấp về các siêu thị tại Hà Nội, một số ít được bán lẻ tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và được các khách hàng, người tiêu dùng phản hồi chất lượng quả, mẫu mã đẹp, thơm ngon.

Sau khi tham quan mô hình, ông Hoàng Văn Khun, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, chia sẻ: Trên địa bàn xã quy hoạch khoảng hơn 30 ha trồng các loại rau. Qua được giới thiệu, nhận thấy cây cà chua Beef có hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để trồng loại cây này, người dân phải đầu tư ban đầu khá lớn xây dựng nhà lưới, nhà màng; đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao để trồng, chăm sóc và thu hoạch theo đúng quy trình.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Trên cơ sở những kết quả trồng thử nghiệm giống cà chua Beef, Trung tâm sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ nông dân làm nhà màng nhân rộng mô hình cà chua Beef trên địa bàn; tăng cường liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định lâu dài; phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tham quan mô hình tại Trung tâm và mở các lớp tập huấn trồng cây cà chua Beef, khuyến khích bà con nông dân sản xuất các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn, sạch và bền vững.

Liên kết trồng lạc đỏ ở Mường Toong

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Toong (Mường Nhé, Điện Biên Phủ) đã ra mắt Tổ liên kết trồng lạc đỏ với sự tham gia của 35 hộ gia đình hội viên, phụ nữ xã. Mô hình được đánh giá là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực; về lâu dài sẽ hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ xã, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương.     

Với vị trí thuận lợi về giao thông; khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Toong rất phù hợp với cây lạc, nhất là lạc đỏ. Tuy nhiên nhiều năm nay, sản phẩm lạc đỏ do người dân làm ra khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh, khiến người trồng chưa mấy mặn mà. Trước thực trạng đó, sau khi tham vấn ý kiến của lãnh đạo xã, Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình Tổ liên kết trồng lạc đỏ. 35 hộ gia đình hội viên, phụ nữ xã đã đăng ký tham gia Tổ liên kết.

Bà Lù Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Toong cho biết: Mô hình được triển khai trên diện tích hơn 2ha tại 3 bản: Mường Toong 1, Mường Toong 2 và Mường Toong 3. Sau khi đi vào hoạt động, Ban điều hành Tổ có nhiệm vụ đề xuất Hội cấp trên tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng lạc theo đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm lạc thu hoạch có chất lượng theo phương thức hàng hóa (liên kết giữa sản xuất - tiêu dùng); giúp thành viên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong trồng trọt, kịp thời vụ, đạt năng suất, có chất lượng, hợp nhu cầu thị trường. Cùng với đó, là đầu mối liên kết để mở rộng quy mô hoạt động; thường xuyên giữ mối liên hệ với Hội LHPN xã, Hội LHPN huyện để kết nối đầu ra sản phẩm…

Chị Dì Thị Dinh, bản Mường Toong 3, Tổ trưởng Tổ liên kết chia sẻ: Thành viên tham gia Tổ liên kết cơ bản là hộ gia đình điều kiện kinh tế khó khăn. Chính vì thế, chúng tôi mong với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể; sản phẩm lạc đỏ sẽ dễ tiêu thụ. Từ đó, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Đánh giá bước đầu về mô hình Tổ liên kết trồng lạc đỏ, ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong nhận định: Đây là hoạt động ý nghĩa tích cực, thể hiện tinh thần và ý chí sáng tạo của phụ nữ xã Mường Toong. Mô hình sẽ góp phần khuyến khích, hỗ trợ, tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, tìm kiếm thị trường, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… từ đó hỗ trợ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ xã Mường Toong.

Hiệu quả kinh tế cây tre măng Bát độ ở Văn Yên

Những ngày này, bà con trên khắp các vườn đồi ở xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) đang tích cực thu hoạch măng tre Bát độ. Từ thôn Trung Tâm đến thôn Khe Trang, măng được thu hoạch, sau đó, chuyển đến các điểm thu mua của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi, đơn vị được thành lập theo chuỗi liên kết thu mua măng tre Bát độ trên địa bàn xã.

man-bat-bo.jpg

Vườn ươm cây giống tre măng Bát độ của gia đình ông Huỳnh Văn Đại ở xã An Bình, huyện Văn Yên. Ảnh: Báo Yên Bái

Anh Trần Văn Hưởng, thôn Khe Trang cho biết: "Hiện, gia đình tôi có khoảng 5 ha tre măng Bát độ nhưng năm nay mới có một nửa diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Bên cạnh đó, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi cùng với một số hộ trồng măng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi ký kết hợp đồng liên kết, thu mua toàn bộ sản phẩm tre măng trên địa bàn”. 

Theo thống kê của xã An Bình, từ năm 2017 đến nay, nhân dân trên địa bàn xã trồng được 150 ha tre măng Bát độ; trong đó, có trên 50 ha đang cho thu hoạch. Dự kiến năm 2021, nhân dân xã An Bình thu hoạch gần 1.400 tấn măng tươi, thu về trên 4 tỷ đồng. 

Cùng với xã An Bình, cây tre măng Bát độ cũng được trồng ở nhiều xã của Văn Yên như: Tân Hợp, Đông An, Lâm Giang... Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có khoảng 300 ha tre măng Bát độ, trong đó có 200 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. 

Ông Lê Văn Quyền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Việc chuyển diện tích trồng keo, bồ đề kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ là một trong những giải pháp mũi nhọn của huyện trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại huyện. Với việc trồng tre lấy măng, nhiều hộ trên địa bàn đã thoát nghèo và đi lên làm giàu từ loại cây này. So với những cây trồng trước đây như bồ đề, keo thì giá trị cây măng cao hơn 2,5 - 3,0 lần nếu trồng trên đất đồi rừng”.

Để phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đã và đang triển khai đẩy mạnh phát triển các dự án về nông lâm nghiệp; trong đó, có cây tre măng Bát độ.

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung của gia đình ông Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) đã đem lại hiệu quả thiết thực, cho giá trị kinh tế cao, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

gia-suc.jpg

Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình. Ảnh: Báo Lai Châu

 Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi trâu, bò tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền. Chuồng trại chăn nuôi được anh xây dựng kiên cố, khoa học, các máng ăn được đổ bê tông sạch sẽ. Mặc dù trời mưa tầm tã, nhưng vợ chồng anh vẫn đội mưa để cắt cỏ voi cho đàn gia súc. Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu khởi nghiệp, anh nhớ lại: năm 2014, với số vốn tích cóp được, anh nuôi 2 con trâu, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh tích cực tìm tòi, học hỏi trên sách báo, tivi, những hộ chăn nuôi nhiều năm ở trong bản. Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh nên trâu béo tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh. Thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu mang lại, năm 2017 anh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc.

Anh Tuyền chia sẻ: “Để đàn gia súc lớn nhanh, khỏe mạnh, tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ. Khi đã có kinh nghiệm, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Năm 2017, tôi nuôi 10 con trâu, bò sinh sản. Nhờ chăm sóc, phòng dịch bệnh kịp thời nên đàn trâu, bò mạnh khỏe, sinh sản nhanh, đến nay gia đình tôi có 25 con trâu, bò lớn, nhỏ. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Đại gia súc là tài sản lớn, chính vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ trâu, bò được gia đình anh hết sức chú trọng. Để phòng tránh dịch bệnh, anh tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi 6 tháng 1 lần. Vào mùa đông, để đàn gia súc không bị đói, rét, anh dùng bạt để chắn gió, giữ ấm cho chuồng, đồng thời dự trữ thức ăn khô. Cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho đàn gia súc, hàng ngày anh cho trâu, bò ăn 3 bữa. Thức ăn chủ yếu là ngô, cỏ voi, bã đậu… Để có nguồn thức ăn cho gia súc tại chỗ, anh trồng hơn 1ha cỏ voi. Sau khi cắt cỏ voi, anh dùng máy nghiền để làm nhỏ, cho trâu, bò ăn trực tiếp.  

Cũng theo anh Tuyền, việc đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, nhóm hộ liên kết chăn nuôi tập trung hiện nay là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua số lượng trâu, bò lớn để phát triển kinh tế vì kinh phí đầu tư ban đầu là rất lớn. Hiện nay, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ áp dụng đối với những hộ bắt đầu xây dựng mô hình, anh mong muốn Nhà nước, tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ đã đầu tư chuồng trại kiên cố, chăn nuôi tập trung để họ mở rộng quy mô chăn nuôi. Đối với những hộ có hướng xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung cần có hỗ trợ phù hợp hơn về vốn, kinh phí xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, kêu gọi liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm… để người dân yên tâm sản xuất.

Đồng chí Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình đánh giá: “Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đàn trâu, bò được nuôi tập trung, phát triển tốt, bán được giá thành cao. Nhờ phát triển chăn nuôi, kinh tế gia đình anh khấm khá hơn. Anh thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con trong bản để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững".

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/

Bình luận

HTX kiểu mới ở Sơn La: Hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Cùng với đổi mới tư duy từ chính những người nông dân, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Sơn La đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ mở rộng về quy mô, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Dự án VnSAT tiếp sức các hợp tác xã đi vào hoạt động chiều sâu

Dự án VnSAT góp phần thay đổi tư duy quản lý của lãnh đạo các HTX, từ đây nhiều ý tưởng kinh doanh mới ra đời, đưa hoạt động HTX đi vào chiều sâu.

Khoảng 277 trang trại ở Hà Nội liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 277 trang trại liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý...

Sơn La: Nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trái cây xuất khẩu

Ngày 2/4, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với UBND thành phố Sơn La tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.

Thái Bình đầu tư hơn 32 tỷ đồng để nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, hơn 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho việc hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Thái Bình trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Bước chuyển tích cực bắt nhịp thị trường

Nhằm thích ứng và phát triển trong năm 2022, không ít hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, tạo đà phát triển linh hoạt trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để có thể bật dậy mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Kinh tế hợp tác xã - Liên kết từ ý tưởng đến hành động

Năm 2022, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, cùng với các khu vực kinh tế khác, khu vực hợp tác xã đã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động với mức thu nhập ngày càng tăng.

Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi hải sản an toàn và hiệu quả

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu nuôi 3.890 cá lồng bè với sản lượng 3.535 tấn; nuôi nhuyễn thể 23.950ha, sản lượng 74.465 tấn các loại hến biển, sò huyết, vẹm xanh, nghêu lụa; nuôi ngọc trai 100ha...

Cả nước có 19.667 trang trại nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 19.667 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNN PTNT cho hiệu quả kinh tế cao. Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất 61,8%, trồng trọt 22%.

Bạc Liêu: Quyết tâm trở thành 'thủ phủ' ngành công nghiệp tôm của cả nước

Bạc Liêu đặt ra quyết tâm trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện giai đoạn 1, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2.