Để mùa tôm thắng lợi
Ngành nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2022, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD
Vùng nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng.
Năm 2021, ngành tôm nói chung, tôm nước lợ nói riêng gặp khó khăn ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là những nơi sản xuất giống và nuôi tôm. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, địa phương vào cuộc kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người nuôi, doanh nghiệp, cho nên ngành tôm nước ta vẫn đạt kết quả khả quan. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 920.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020.
Vượt qua thách thức
Mới đây, tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022, các địa phương đã đồng thuận kế hoạch đề ra diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Đặt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu vượt 4 tỷ USD là một nỗ lực của ngành tôm Việt Nam.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phản ánh, là tỉnh có vùng nuôi tôm khoảng 280.000 ha, Cà Mau phát triển nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến... và là tỉnh có mô hình nuôi tôm-lúa lớn nhất vùng. Tuy nhiên, phần lớn số hộ nuôi tôm có diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ; điều kiện hạ tầng thủy lợi vùng nuôi chưa được bảo đảm; nguồn tôm giống vẫn chưa được quản lý chặt. Cà Mau kiến nghị Trung ương có đề án, dự án riêng cho các tỉnh có vùng tôm-lúa nhằm khai thác lợi thế sản phẩm đặc hữu tôm-lúa chất lượng cao của vùng.
Trong khi đó, Sóc Trăng có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh 53.000 ha; số trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 9%, năng suất cao, hiệu quả. Tỷ lệ nuôi tôm thiệt hại giảm chỉ còn 6%. Sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 189.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu tôm hơn 1 tỷ USD. Năm 2022, Sóc Trăng phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 75.000 ha; tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 283.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 196.000 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ, tỉnh đang đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện tại các vùng sản xuất tập trung; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án phát triển nuôi tôm nước lợ. Tỉnh hướng những hộ nuôi nhỏ lẻ hợp tác với nhau thành các hợp tác xã, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 135.000 ha và hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135.000 tấn/năm. Năm 2021, thủy sản xuất khẩu của Bạc Liêu đạt 73.790 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 776 triệu USD. Trong đó, tôm đông lạnh đạt hơn 755 triệu USD. Năm 2022 tỉnh triển khai nhiều giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng từ phục vụ nuôi đến việc thực hiện tốt việc điều tiết nước và quản lý chặt vật tư đầu vào, nhất là chất lượng con giống giúp người nuôi tôm sản xuất được thuận lợi và ổn định hơn.
Còn ở Kiên Giang, năm 2021 diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt hơn 137.000 ha, vượt hơn 101% kế hoạch, tăng 2,37% so cùng kỳ; sản lượng 104.694 tấn, đạt gần 107% kế hoạch, tăng 13,19% so cùng kỳ. Năm 2022 ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích 140.630 ha, sản lượng 108.500 tấn.
Hiện, tại vùng nuôi tôm nước lợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không khí mùa tôm năm 2022 đang trở nên nhộn nhịp. Từ cải tạo, nâng cấp ao nuôi cho đến khâu lấy nước, xử lý nước, thả giống, thậm chí có những diện tích thả sớm đang chuẩn bị thu hoạch lứa tôm đầu tiên. Quy trình nuôi tôm đã có nhiều cải tiến, người nuôi chủ động trong việc kiểm soát môi trường nuôi, có thể điều chỉnh thời gian nuôi, nhờ đó hạn chế nhiều việc thu hoạch ồ ạt và gián tiếp hạn chế việc giảm giá tôm thương phẩm.
Triển vọng xuất khẩu tôm
Thời gian qua, xuất khẩu tôm của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Trương Đình Hòe cho biết, Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, trong đó tập trung vào một số thị trường chính như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm vào EU giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV năm 2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ. Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường EU bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ...
Trong khi đó, Nhận Bản là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu. Hiện, sản phẩm tôm Việt Nam vẫn chiếm thị phần cao nhất tại Nhật Bản. Trong năm 2022, thị trường Nhật Bản đang phục hồi và tăng trưởng trở lại, đặc biệt là các sản phẩm tôm chế biến và tẩm bột và đây cũng là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách “Zero Covid-19”, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm sâu nhất trong vòng 5 năm nay. Điểm nổi bật của ngành tôm Việt Nam khi vượt qua đại dịch Covid-19 là xuất khẩu tăng trưởng 4%, góp phần đưa xuất khẩu thủy sản tăng 5,8%.
“Hiện, giá xuất khẩu tôm trung bình tăng, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ tăng 1-2 USD/kg. Đây là thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam. Hơn nữa, trong năm 2022, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng khi chính phủ nước này thực hiện chính sách tăng chất lượng bữa ăn cho người dân. Còn lại các thị trường truyền thống cũng đang có xu hướng tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam”-chuyên gia Trương Đình Hòe phân tích.
Theo Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng 8,9% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 vẫn tiếp tục tăng. Vì vậy, đây cũng là những thách thức, tác động trực tiếp đối với ngành tôm Việt Nam bên cạnh các yếu tố khác như giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm, nhiều thay đổi về quy định kiểm dịch an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu...
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 ngành nông nghiệp tiếp tục có giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững ngành tôm. Cùng với triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, ngành sẽ tăng cường liên kết giữa các địa phương nuôi tôm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19.
Đẩy mạnh các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trước tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Tăng cường tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam; ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong thời gian tới vẫn tập trung vào các thị trường chính, chủ lực, có thể sẽ có sự thay đổi thứ tự giữa các thị trường. Vì vậy doanh nghiệp cần phải có chiến lược để phát triển sản phẩm thế mạnh tại các thị trường này. Dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, vượt mốc 4 tỷ USD, trong đó, tăng trưởng về giá trị từ 7-10% và về sản lượng là 2-3%.
Nguồn: Theo báo Nhân dân
Nuôi tôm công nghệ Semi biofloc không lo nắng nóng, giảm chi phí
Trong khi các vùng nuôi tôm ao đất phải 'treo ao' vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì nuôi tôm công nghệ Semi biofloc vẫn diễn ra bình thường với giá thành thấp.
Những bệnh thường gặp trên thủy sản nuôi mùa nắng nóng
Nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, gây stress cho thủy sản nuôi, nếu thủy sản nuôi mang mầm bệnh trong cơ thể sẽ phát ra thành bệnh gây chậm lớn hoặc chết.
Làm giàu từ nuôi cá chẽm ven sông
Hàng trăm hộ dân xã Quảng Minh, Quảng Lộc thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình vươn lên khá giả nhờ vào nghề nuôi cá chẽm trong lồng ven sông Gianh.
Nuôi xen tôm - cua - cá quảng canh cải tiến, quanh năm rủng rỉnh tiền
Nuôi xen tôm - cua - cá đầu tư rất thấp, chắc ăn, lại không có mùa vụ, người nuôi thu hoạch theo kiểu đánh tỉa thả bù, ngày nào cũng có tiền rủng rỉnh…
Trà Vinh: Khuyến cáo người dân tạm ngưng thả tôm nước lợ
Ngành NN-PTNT Trà Vinh đang tuyên truyền người dân tạm ngưng thả giống tôm sú, tôm thẻ, tập trung cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi 2022 – 2023.
'Bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp giảm nỗi lo bệnh hoại tử gan trên tôm
Thành công từ công trình nghiên cứu của TS Lê Anh Xuân, 'bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp các hộ nuôi giảm bớt nỗi lo về bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm.
Khấm khá từ nuôi cá lồng đặc sản trong núi
Giá cá đặc sản từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/kg giúp nhiều hộ nuôi cá lồng ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá.
Mua nước biển Hạ Long lên Hà Nội nuôi cua biển trong hộp nhựa
Mô hình 'độc lạ' này lần đầu tiên xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội đã không khỏi thu hút sự tò mò của nhiều người.
Giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp
Để chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản từ truyền thống sang công nghiệp, ngành thủy sản cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hải Phòng: Hiệu quả kinh tế bất ngờ khi nuôi tôm càng xanh toàn đực
Sau khi thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp Hải Phòng đang có kế hoạch nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn.
Bình luận