Hồ hởi vươn khơi bám biển xuyên Tết
Hiện đang trong vụ chính đánh bắt cá ngừ nên hàng trăm tàu cá tỉnh Khánh Hòa sẽ bám biển xuyên Tết, vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tàu bám biển xuyên Tết tăng mạnh
Nhằm khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 18/1, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã tổ chức buổi lễ ra quân khai thác hải sản năm 2022.
Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tổ chức lễ ra quân khai thác thủy sản năm 2022. Ảnh: KS.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết: Từ ngàn xưa đến nay, biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam. Biển đảo là nhà, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để bảo vệ gìn giữ. Có thể nói kinh tế biển, trong đó có ngành khai thác thủy sản đã đóng góp to lớn và rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Khánh Hòa, với đường bờ biển dài 385 km, cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh kín gió, cảng nước sâu và đặc biệt là Quần đảo Trường Sa rất thuận lợi cho phát triển khai thác thủy sản.
Theo ông Ninh, thời gian qua, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, góp phần ổn định đời sống cộng đồng ngư dân. Năm 2021, khai thác hải sản cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động xấu từ "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, thời tiết trên biển rất khắc nghiệt, tranh chấp chủ quyền trên biển diễn biến phức tạp... Song, ngư dân Khánh Hòa với tinh thần lao động hăng say, cần cù chịu khó vẫn tích cực vươn khơi bám biển. Từ đó, kết quả khai thác thủy sản đã mang về tổng sản lượng đạt 85 ngàn tấn, góp phần cho chế biến xuất khẩu thủy sản đạt 632,4 triệu USD, chiếm 48,65% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và tăng 25,32% so năm 2020.
Các tàu cá tiếp nguyên vật liệu để bám biển xuyên Tết săn cá ngừ. Ảnh: KS.
Tại buổi lễ ra quân khai thác thủy sản năm 2022, thay mặt lãnh đạo Sở NN-PTNT, ông Lê Bá Ninh kính chúc bà con ngư dân đánh bắt hải sản được thuận buồm xuôi gió, được vụ mùa bội thu và đặc biệt là chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” từ Ủy ban Châu Âu.
Còn ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, trong chuyến biển này, toàn tỉnh có 126 tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài sẽ khai thác xuyên Tết, tăng hơn 20 tàu so với năm ngoái. Để động viên ngư dân, Chi cục đã tổ chức lễ ra quân khai thác thủy sản năm 2022, đồng thời trao các phần quà Tết ý nghĩa gồm nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc, áo phao...
Vừa có chuyến biển đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ, ngư dân Trần Văn Hiếu, thuyền trưởng tàu cá KH 99088 TS, ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) cho biết: Dự kiến 2 - 3 ngày nữa tàu anh sẽ quay lại ngư trường khai thác hải sản xuyên Tết.
Đây là năm thứ 14 anh bám biển xuyên Tết, không ăn Tết trên đất liền. Bởi tháng này trở đi là mùa chính đánh bắt cá ngừ, cũng là mùa làm ăn của các chủ tàu và ngư dân. Vì vậy, đã là ngư dân thì phải bám biển kiếm sống, chứ ở nhà kinh tế không ổn định.
“Lúc đầu bám biển xuyên Tết cảm thấy buồn, chứ sau này đi rồi, vài năm thấy cũng quen. Bây giờ đối với ngư dân chúng tôi cảm thấy đây là điều bình thường, quan trọng là làm sao bám biển đánh được nhiều cá, giá cá thu mua cao để ổn định cuộc sống”, ngư dân Hiếu chia sẻ.
Cam kết không đánh bắt bất hợp pháp
Theo các ngư dân, thời điểm này đang là vụ chính đánh bắt cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa. Hiện thời tiết rất thuận lợi, biển êm, giá cá tăng mạnh, cụ thể cá ngừ đại dương từ 145 - 149 ngàn đồng/kg (cao nhất khoảng 10 năm trở lại đây); cá ngừ sọc dưa từ 60 - 65 ngàn đồng/kg (loại 1) và từ 45 - 50 ngàn đồng/kg (loại 2), tăng 10 - 15 ngàn đồng/kg so với chuyến biển trước. Vì vậy, ngư dân rất phấn khởi vươn khơi bám biển xuyên Tết.
Hiện đang trong vụ chính đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.
Theo ghi nhận chúng tôi, ngày 18/1 tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) có 10 tàu đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu để trở lại ngư trường Trường Sa, nhà giàn DK1… để đánh bắt cá ngừ. Trong số này có tàu KH 96445 TS chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương do ngư dân Nguyễn Thành Phước, phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) làm chủ.
Gặp chúng tôi, ngư dân Nguyễn Thành Phước phấn khởi cho biết, để bám biển chuyến xuyên Tết này, tàu ông tiếp 400 cây đá, 3.500 lít dầu và chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm để 5 lao động bám biển được ăn Tết đầy đủ như trong đất liền.
Vì vậy chuyến biển này chi phí mà tàu ông Phước bỏ ra khoảng 100 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với các chuyến biển bình thường. Tuy nhiên với thời tiết thuận lợi, cùng với đó ngư trường đầu mùa được dự báo có luồng cá ngừ chạy. Đặc biệt hơn hết, hiện giá cá ngừ được thu mua tăng mạnh nên tàu ông Phước vươn khơi bám biển khi Tết đang cận kề trong tâm trạng các ngư dân đều rất phấn khởi.
Các tàu chuẩn bị đẩy đủ nhu yếu phẩm để bám biển xuyên Tết. Ảnh: KS.
Còn ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Phước, cũng là chủ tàu KH 96778 TS bày tỏ hi vọng chuyến biển ra quân này, các tàu đều trở về cập cảng sau Tết sẽ được mùa bội thu. Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” phục hồi ngành thủy sản, tàu ông cũng như nhiều ngư dân khác cam kết sẽ chấp hành các quy định của pháp luật, không khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Ngư dân Nguyễn Tấn Lầu cũng xin đại diện cộng động dân cư đề xuất đến các bộ, ngành liên quan cần hiện diện nhiều hơn nữa trên các vùng biển, nhất là vùng biển giáp ranh nhằm kịp thời hỗ trợ cho ngư dân trong các trường hợp gặp nạn, đồng thời ngăn chặn các tàu lạ xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước cần có thêm chính sách mới ưu đãi hơn cho ngư dân trong năm tới để không chỉ mưu sinh mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nuôi tôm công nghệ Semi biofloc không lo nắng nóng, giảm chi phí
Trong khi các vùng nuôi tôm ao đất phải 'treo ao' vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì nuôi tôm công nghệ Semi biofloc vẫn diễn ra bình thường với giá thành thấp.
Những bệnh thường gặp trên thủy sản nuôi mùa nắng nóng
Nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, gây stress cho thủy sản nuôi, nếu thủy sản nuôi mang mầm bệnh trong cơ thể sẽ phát ra thành bệnh gây chậm lớn hoặc chết.
Làm giàu từ nuôi cá chẽm ven sông
Hàng trăm hộ dân xã Quảng Minh, Quảng Lộc thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình vươn lên khá giả nhờ vào nghề nuôi cá chẽm trong lồng ven sông Gianh.
Nuôi xen tôm - cua - cá quảng canh cải tiến, quanh năm rủng rỉnh tiền
Nuôi xen tôm - cua - cá đầu tư rất thấp, chắc ăn, lại không có mùa vụ, người nuôi thu hoạch theo kiểu đánh tỉa thả bù, ngày nào cũng có tiền rủng rỉnh…
Trà Vinh: Khuyến cáo người dân tạm ngưng thả tôm nước lợ
Ngành NN-PTNT Trà Vinh đang tuyên truyền người dân tạm ngưng thả giống tôm sú, tôm thẻ, tập trung cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi 2022 – 2023.
'Bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp giảm nỗi lo bệnh hoại tử gan trên tôm
Thành công từ công trình nghiên cứu của TS Lê Anh Xuân, 'bác sĩ tôm Bạc Liêu' giúp các hộ nuôi giảm bớt nỗi lo về bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm.
Khấm khá từ nuôi cá lồng đặc sản trong núi
Giá cá đặc sản từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/kg giúp nhiều hộ nuôi cá lồng ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá.
Mua nước biển Hạ Long lên Hà Nội nuôi cua biển trong hộp nhựa
Mô hình 'độc lạ' này lần đầu tiên xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội đã không khỏi thu hút sự tò mò của nhiều người.
Giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp
Để chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản từ truyền thống sang công nghiệp, ngành thủy sản cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng.
Hải Phòng: Hiệu quả kinh tế bất ngờ khi nuôi tôm càng xanh toàn đực
Sau khi thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp Hải Phòng đang có kế hoạch nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn.
Bình luận