Cá lồng, tôm, ốc liên tục rớt giá

Người nuôi thủy sản ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì cá đã đến vụ thu hoạch nhưng không có người mua, trong khi tôm, ốc liên tục rớt giá.

Dịch bệnh kéo dài khiến người nuôi cá lồng ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An “dở khóc, dở cười” khi hàng trăm tấn cá hồng mỹ, cá vược đã đến vụ thu hoạch song thị trường tiêu thụ “đóng băng”, thương lái không tới mua.

Trong khi đó, người dân tại Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ thua lỗ khi tôm thẻ, ốc hương, ngao rớt giá thảm, khó tiêu thụ.

Cá lồng quá lứa vẫn chờ người mua

“Việc thu hoạch cá hồng mỹ, cá vược đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng không ai tới mua, mang đi bán cũng không được. Dừng cho ăn thì sợ cá chết mà cho ăn lại quá lứa, rất khó bán”, ông Võ Văn Tân (67 tuổi, trú xã Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) tâm sự.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng dọc lạch nước ở vùng biển xã Nghi Thủy, ông Tân nói chưa bao giờ gặp cảnh trớ trêu như năm nay. Ông cho biết tháng 10 hàng năm, hai bố con ông bắt đầu thả nuôi gần 20.000 cá vược, hồng mỹ giống vào lồng bè của gia đình.

a4_zing.jpg

Người nuôi cá lồng lo lắng vì đã đến vụ thu hoạch song thị trường tiêu thụ đóng băng. Ảnh: P. Trường.

Gần một năm chăm sóc, đến nay mỗi con cá đều đạt trọng lượng 0,9-1,2 kg. Các năm trước, vào dịp này bố con ông Tân đang tất bật thu lưới cá cho thương lái. Với mức giá 50.000-80.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông cũng thu lãi gần 200 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng.

Thế nhưng, năm nay vụ thu hoạch đã bắt đầu hơn một tháng nhưng thương lái không tới mua, bắt cá đi bán cũng không được do thị trường đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Bán không được nên không muốn cho cá ăn nữa. Nóng ruột lắm nhưng giờ chỉ biết tìm cách hãm cho ăn để cá không tăng ký, không thì khó vớt vát được chút vốn nào”, ông Tân buồn bã.

Ngoài 10 tấn cá đã đến kỳ thu hoạch vẫn chưa thấy người mua, anh Lê Thế Anh (40 tuổi, trú xã Nghi Thủy) vẫn còn gần 2 tấn cá tồn dư lại từ năm trước, đến nay cân nặng đã vượt quá tiêu chuẩn xuất bán.

“Các loại cá lồng có giá trị kinh tế cao, mục tiêu đến khách hàng du lịch hay thị trường trong nước nhưng dịch bệnh khiến người nuôi không tìm được đầu ra, trong khi tiền đầu tư thức ăn khá lớn nên dù bán được cũng chỉ vớt vát phần vốn”, anh nói.

Ông Võ Văn Lý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò, cho biết việc nuôi cá lồng giúp người dân có nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch vùng nuôi, đa phần người dân nuôi tự phát trên các luồng lạch, chính sách hay phương án hỗ trợ gặp khó khăn.

“Hiện còn khoảng 300 tấn cá lồng của người dân nuôi trong vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa thể tiêu thụ. Địa phương cũng đã có báo cáo lên Sở Công Thương để hỗ trợ phương án tháo gỡ khâu tiêu thụ cho người dân”, ông Lý nói.

a1_zing.jpg

Cá hồng mỹ, vược tại nhiều lồng bè đã quá lứa thu hoạch song chưa thể bán. Ảnh: P. Trường.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, nói rằng dịch bệnh làm thị trường bị đứt gãy khiến hàng trăm nghìn tấn hải sản, nông sản của người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Sở đã gửi công văn đến các Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh nhằm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

“Sở đã kết nối với các siêu thị, nhà phân phối các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ trong suốt đợt dịch vừa qua nhưng đó là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, khi dịch bệnh được kiểm soát, các chợ, nhà phân phối và dịch vụ mở lại thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn”, ông Hóa nói.

Tôm, ốc rớt giá 30%

Còn tại xứ Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), nơi được xem là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của tỉnh Hà Tĩnh, người nuôi ốc hương khu vực này cũng đứng ngồi không yên vì ốc đã qua vụ thu hoạch một tháng nhưng không thấy thương lái đến mua, trong khi giá liên tục hạ.

“Ốc đến kỳ thu hoạch nhưng các mối quen đều từ chối mua hàng vì khó bán. Giờ chẳng biết làm sao vì không thể bán, giá lại xuống thấp khiến người nuôi không còn lời lãi gì”, ông Trần Văn Vựng (56 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh), nói.

anh1a_zing.jpg

Ốc hương, tôm rớt giá khiến người nuôi thua lỗ.

Theo người dân, các năm trước, ốc hương đạt 130 con/kg được thương lái mua sỉ mỗi kg với giá 180.000-200.000 đồng. Năm nay sản lượng tăng song giá giảm còn 130.000-150.000/kg. Trong khi đó, giá ốc thương phẩm từng có thời điểm lên tới 280.000-300.000 đồng/kg thì nay chỉ ở mức 230.000-250.000 đồng/kg.

Để gỡ vốn, nhiều người nuôi ốc đành bán giá thấp để gỡ vốn trước mùa mưa bão.

Không chỉ ốc hương mà người nuôi tôm thẻ, ngao, cua ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà… (Hà Tĩnh) cũng lo đổ nợ vì khó khăn trong tiêu thụ, trong khi giá bán liên tục giảm.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh hiện còn gần 7.000 tấn cá nuôi ngọt, 5.000 tấn tôm thẻ, hơn 2.600 tấn nhuyễn thể đang trong vụ thu hoạch song khó khăn tiêu thụ. Ảnh hưởng của dịch cũng khiến giá bán các loại thủy hải sản này giảm 20-30% so với năm trước.

“Dịch bệnh là tình hình chung của cả nước đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản như tôm, ốc, ngao của người dân gặp khó khăn do thị trường đứt gãy. Sở cũng khuyến khích tiêu thụ nhỏ, sử dụng hệ thống thông tin để bán dần, giảm sản lượng song còn gặp khó khăn”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nói với Zing.

Nguồn: Theo Zing

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.