Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Những con đập từ sức dân

Để chủ động ứng phó hạn - mặn, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương ở Bến Tre xây dựng những con đập tạm trên sông, rạch rất hiệu quả.

bt5.png

Nông dân Chợ Lách hùn tiền đắp đập tạm ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Chợ Lách: Mỗi công đất hùn hai trăm rưỡi
Bến Tre là địa phương có nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nhất ở ĐBSCL, được hợp thành bởi 3 dãy cù lao lớn: Cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa cùng rất nhiều cồn, đảo nhỏ. Chúng tôi tìm đến huyện Chợ Lách, vùng sản xuất cây giống hoa kiểng lớn nhất cả nước. Năm nay, ngoài sự chủ động trữ nước trong ao, hồ, túi thì nhân dân ở đây còn “hùn tiền” với chính quyền địa phương để đắp những con đập tạm trên các kinh, rạch tạo thành những hồ trữ nước ngọt rất hiệu quả.

Bắt chuyện với lão nông Nguyễn Quang Trường chuyên trồng cây mai kiểng ở ấp Vĩnh Hưng 1 mới biết chính quyền và bà con nhân dân ở đây mới đắp xong đập tạm ở cầu Cái Da để chống mặn. Con nước rằm cách đây mấy ngày có nước mặn lờ lợ, độ hơn 1‰. Do đập chưa xong nên bà con cũng sống chung với mặn mấy ngày. Bây giờ, đập đắp xong, mặn không còn ảnh hưởng được nữa.

Rút kinh nghiệm mùa hạn - mặn 2 năm trước, hầu hết bà con ở đây ai cũng trong tư thế phòng thủ rất kỹ. Như ông Trường theo dõi báo đài thường xuyên nên biết có mặn, dù ít nhưng ông cũng sẵn sàng túi nước khổng lồ hơn 20 chục khối để tưới đỡ cho mấy trăm chậu mai chờ khi mặn rút sẽ bơm vào trữ tiếp.

bt4.png

Ông Trường tưới mai kiểng từ nguồn nước trữ trong túi. Ảnh: Minh Đảm.

Năm nay mặn thấp với lại đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên lão nông này phấn khởi lắm. Ông nói: “Năm nay nhờ thời tiết và nhờ chủ động của nhà nước, nhân dân nên không hề hấn gì. Như cái đập nhà nước tài trợ một ít, nhân dân đóng góp theo đầu công. Nhà tôi diện tích 1 công, đóng hai trăm rưỡi. Bấy nhiêu đó có là bao so với thiệt hại mấy mùa trước, có đóng 1 triệu tôi cũng đóng”. Ông Trường chia sẻ, ông làm nghề mấy chục năm bị trận mặn 2015 - 2016 sợ lắm rồi. Đến mùa mặn 2019 - 2020, ông cũng chuẩn bị canh nước mặn kỹ lắm nhưng lão nông này cũng cùng cảnh ngộ bao người dân chung xóm.

“Ngày nào tôi nấu nước trà uống thử trước xem có mặn không rồi mới tưới cây. Xui cái bữa hôm đó nấu xong rồi mà chưa uống, tôi đi tưới luôn vô uống mới hay nước mặn chát. Dưới sông thử thì cũng mặn, rồi nó mặn luôn mấy tháng không có nước ngọt tưới rửa. Năm đó, vườn tôi chết mấy chục gốc mai to bằng bắp chân, tổn thất mấy trăm triệu. Nước ngọt khi đó quý lắm, đổ ra rồi hốt lại được tôi cũng hốt”, ông Trường nhớ lại.

Còn giờ đây dưới sông đã có đập tạm trữ nước ngọt, trên bờ có túi nước tưới được cả tuần, ông Trường không còn quá lo lắng về hạn - mặn.

Men theo con đường bê tông phẳng lỳ, càng đi sâu vào làng nghề cây giống hoa kiểng Cái Mơn chúng tôi nhận thấy không chỉ riêng ông Trường mà những hộ dân khác ai cũng có túi nước ngọt chứa vài chục khối đến bể bạt cả mấy trăm thậm chí nghìn khối.

Nói về sự chủ động này, ông Trần Hữu Nghị, Phó Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thông tin: Để chủ động phòng chống hạn - mặn, huyện đã chủ động vận động bà con nhân dân đắp 15 đập tạm theo chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm với kinh phí chỉ khoảng 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách huyện đã đầu tư thêm 5 đập kiên cố. Hiện tỷ lệ khép kín để chống mặn đạt khoảng 75%.

bt3.png

Nông dân phấn khởi an tâm sản xuất vì đã có những con đập ngăn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Châu Thành: Người dân tự hùn tiền đắp đập, trông coi đập

Rời vùng Chợ Lách chúng tôi qua sông Hàm Luông tìm đến các xã chuyên canh cây ăn trái ở huyện Châu Thành như Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long, Phú Túc, Phú Đức. Ghé xã Tiên Thủy, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đến thăm các hộ nông dân địa phương. Bà Huệ nói, bên cạnh các công trình lớn do nhà nước đầu tư thì còn có những con đập nhỏ do nhân dân tự hùn tiền, ngày công làm như đập tạm kinh Tứ Hải, đập tạm rạch Ông Sáu Hải, đập tạm cống Bé Mai. Sau đó, người dân thay nhau trông coi đập. Qua đó, địa bàn xã chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn đợt này.

Lão nông Phạm Văn Ghi (thường gọi Hai Ghi), 70 tuổi, Trưởng ấp Chánh, xã Tiên Thủy có 3 công vườn trồng dừa xen bưởi da xanh phấn khởi nói: “Mùa mặn hai năm trước nhân dân ở đây bị ảnh hưởng nhiều lắm. Như vườn dừa của tôi năm sau không có trái, cây nào có trái thì trái cũng nhỏ xíu bán không được. Năm ngoái, bà con hùn nhau đắp đập Bé Mai để ngăn mặn, hiệu quả lắm”.

Cũng theo ông Ghi, mùa mặn này hồi mấy tháng trước bà con cũng đắp sẵn đập phòng mặn xâm nhập bất ngờ. Cách đây hai tháng nhờ có công trình đầu tư làm lộ của nhà nước nên cái đập tạm Bé Mai được đầu tư thành cống Bé Mai luôn. Nhưng cống này không có nắp, bà con xung quanh tự bảo nhau hùn được 6 triệu mua cái nắp đậy lại, mấy nay chống mặn rất tốt.

bt2.png

Đập tạm do người dân đắp được chính quyền đầu tư thành cống Bé Mai mùa mặn này. Ảnh: Minh Đảm.

Còn anh Phạm Ngọc Trí ở ấp Chánh đang trong vườn ương cây cam giống cho hay: Ngoài tham gia hùn tiền làm đập tạm, anh cũng chủ động mua bạt lót đáy mương trữ nước ngọt. Hiện anh cũng đang trông coi một cửa cống để tháo nước, đậy nắp cống kịp thời. “Theo chương trình của xã vận động, mấy đập tạm ở đây người dân rất ủng hộ, tự bỏ tiền ra làm để đảm bảo sản xuất, thấy cũng tương đối được”, anh Trí nhận xét.

Ông Phan Văn Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành: Ứng phó hạn mặn, từ năm ngoái bà con và chính quyền cấp cơ sở đều đã có sự chủ động hơn. Đến giờ huyện bị mặn xâm nhập nhưng chưa ảnh hưởng. Công trình nào nhà nước đầu tư thì đã đưa vào vận hành kịp thời. Còn những công trình đập tạm người dân đầu tư năm ngoái bây giờ tái lập để trữ ngọt. Người dân rất đồng tình ủng hộ.
Phấn đấu năm 2025 chủ động được nguồn nước ngọt
Theo kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu của các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

bt1.png

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiểm tra phòng chống hạn mặn. Ảnh: TL.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Độ mặn so với năm rồi thì năm nay cao hơn, nhưng do sự chủ động của địa phương ngăn đập, ngăn sông, trữ nước... nên nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vẫn đảm bảo, vùng ven biển thì ổn định. Thí dụ nguyên khu vực cánh đồng huyện Ba Tri, Giồng Trôm và một phần huyện Thạnh Phú, Bình Đại hiện nay hệ thống thủy lợi tỉnh khép kín hết, một cách rất chủ động nên nước vẫn ngọt. Người dân sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt bình thường”.

Tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt vào mùa khô ở xứ dừa không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, khó khăn nay đã giảm dần. Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, bằng những giải pháp công trình, phi công trình, đến cuối năm 2024, địa phương sẽ không còn thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2023, hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước ngọt điều tiết nước, chống xâm nhập mặn của tỉnh hoàn thành, khép kín. Đến năm 2025, tỉnh chủ động được nguồn cung cấp và cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên toàn tỉnh trong điều kiện thiên tai, xâm nhập mặn, khô hạn kéo dài.

 

 

Bình luận

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trái ngọt trên vùng đất nghèo

Những rừng cây ăn quả trĩu nặng thay thế cho cây keo, cây mì kém hiệu quả đã tạo nên vựa cây ăn quả bề thế giữa núi rừng đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Người Khmer vượt khó, làm giàu

Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên “đất trăm nghề”

Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là “chiêm khê, mùa úng” gặp không ít khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế làng nghề ở Minh Khai

Với vị trí địa lý thuận lợi ven đô, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) rất nhạy bén trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ phú nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Khi có của ăn của để, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở TP.HCM đã dốc hầu bao xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh xây dựng mô hình vườn mẫu NTM

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.

Động lực mới giúp các hợp tác xã chuyển mình

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát triển hợp tác xã, làm bàn đạp kinh tế cho người dân nông thôn là tiêu chí luôn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng.