Éo le cho nông dân Việt "khóc ròng" khi bỏ tiền tỷ trồng chuối bên Lào
Bỏ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để thuê đất trồng chuối ở nước bạn Lào, nay dịch COVID-19 bùng phát, ngành chức năng siết chặt đường biên khiến nhiều nông dân ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bó gối, khóc ròng
Thủ phủ chuối lao đao
Tại rất nhiều xã ở huyện vùng biên Hướng Hóa, cây chuối là loại cây chủ lực, mang về thu nhập cao cho nhiều người dân với khoảng 4.100 ha, sản lượng trên 55.000 tấn/năm. Chuối Hướng Hóa thường xuất đi Trung Quốc, các nước Asean và tiêu thụ trong nước.
Chuối Tân Long nổi tiếng trong vùng Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) - Ảnh: N.P
Trong đó, xã Tân Long được xem là thủ phủ chuối của huyện Hướng Hóa. Từ khi chuối bắt đầu xuất khẩu, phong trào trồng chuối ở Tân Long phát triển mạnh, diện tích chuối không ngừng tăng lên.
Năm 2005, diện tích chuối trên địa bàn xã Tân Long gần 410 ha, đến nay toàn xã đã trồng được 950 ha chuối. Với giá bán 3.000- 10.000 đồng/kg chuối, mỗi năm toàn xã Tân Long thu về cả trăm tỉ đồng từ tiền bán chuối.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, chợ chuối Tân Long là nơi vào ra tấp nập của các thương lái Bắc-Nam. Cũng tại đây, vào dịp Tết, chủ vườn có những buồng chuối đẹp có thể hét giá 2-5 triệu đồng cho mỗi buồng là chuyện rất bình thường.
Nhưng 2 năm trở lại đây, thủ phủ chuối Tân Long lâm vào cảnh đìu hiu. Tất cả cũng vì dịch COVID-19 hoành hành.
Từ giữa năm 2020, công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua các cửa khẩu bị ngưng trệ. Giá chuối cùng bắt đầu tụt dốc theo sự bùng phát của dịch bệnh, có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Trong khi đó, lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp đóng cửa; học sinh nghỉ học… Thậm chí, có thời điểm, tư thương nhiều ngày không nhập chuối khiến các hộ dân không bán được, nếu có thì với mức giá rất thấp.
Người dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã có 2 mùa chuối lao đao -Ảnh: N.P
Sang năm 2021, giá chuối bắt đầu nhích lên thì 1 khó khăn khác nảy sinh. Theo ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long thì ngoài canh tác chuối ở địa phương, có khoảng 300 người dân Tân Long sang các vùng giáp biên thuộc đất Lào thuê đất để trồng chuối, tổng diện tích lên tới 1.200 ha.
“2 năm nay, dịch COVID-19 bùng phát, ngành chức năng 2 nước siết chặt biên giới, bà con không sang bên kia để thu hoạch chuối về được, dẫn đến kinh tế khó khăn”, ông Cương thông tin.
Cho "Chộ" nhưng ... không cho ăn
Ông Võ Hoành (50 tuổi), trú tại thôn Long Thành, xã Tân Long cho biết ông sang Lào thuê đất trồng chuối từ năm 2002, trước khi có dịch xảy ra ông có khoảng 12 ha chuối ở bản A Xing (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào).
Theo ông Hoành, 2 năm không thể sang Lào chặt chuối mang về, ông mất đi một nguồn thu rất lớn và giờ rẫy chuối của ông không ai quản, một phần chuối chín bị hư hỏng, một phần bị người ta chặt trộm hết.
“Trong số đó, có 1 vườn chuối 900 gốc rất đẹp, tôi mua 155 triệu đồng, mới khai thác được 4 năm đã thu về 500 triệu đồng rồi. Giờ chỉ biết ngồi tiếc. Nhưng tôi dù sao vẫn còn có tí vốn liếng lận lưng từ những vụ trước để cầm cự, chứ những người mới vào nghề, vay vốn ngân hàng để sang Lào mua vườn chuối thì chỉ có... chết đứng”, ông Hoành cho biết.
Tương tự, ông Đoàn Văn Ly (51 tuổi), cũng trú ở thôn Long Thành cho biết ông cùng 1 người bà con chung vốn và hiện có 7.000 gốc chuối ở bản A Rực (huyện Sê Pôn, Lào).
Sang nước bạn trồng chuối từ năm 2013 đến nay nhưng chưa khi nào gia đình anh lại rơi vào cảnh éo le như 2 năm nay.
“Đợt dịch 2020, số chuối bên Lào xem như bỏ vì đường biên bị kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch bệnh. Sang đầu năm 2021, dịch giã thưa thưa 1 chút, chúng tôi gồng mình sang lại nước bạn, bỏ thêm mấy chục triệu đồng thuê nhân công nhổ cỏ, phát cây, bón phân cho vườn chuối, mong gỡ gạc lại chút ít. Nhưng giờ dịch lại bùng phát, máy móc chưa kịp thu dọn, chuối chín đầy vườn bên kia, còn chúng tôi ngồi đây… chơi không, giữa lúc tiền lãi ngân hàng đến tháng vẫn phải nộp”, ông Ly ngao ngán nói.
Anh Võ Hoàng ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) kiểm tra lại chiếc xe máy chở chuối, 2 năm qua không mấy khi dùng -Ảnh: N.P
Vợ ông Ly nói chen vào, ý rằng vụ chuối thứ 2 này tiếp tục thất thu nhưng gia đình bà còn rất lo cho cả vườn chuối những năm tiếp sau. “Trồng chuối là phải làm cỏ, tỉa cây, chặt lá… định kỳ. Giờ để không, chẳng ai chăm, cây cỏ mọc lên um tùm, chuối nó rụi hết và coi nhưng công chăm mấy năm trước đó đổ sông đổ biển”, bà nói.
Đáng nói, không chỉ ông Hoành, ông Ly và người dân ở xã Tân Long, mà có rất nhiều người nông dân ở các xã Thanh, Thuận, Lìa, Tân Thành, Tân Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng ngồi “khóc” vì vườn chuối bên Lào.
Có người đứng bên bờ sông Sê Pôn, ngóng sang vườn chuối của mình ở bên kia đang chín rục mà than trời: “Đúng là cho chộ (thấy) nhưng… không cho ăn!”.
Chờ phương án ... giải cứu
Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết địa phương rất hiểu cho nỗi buồn, nỗi lo của bà con nông dân có rẫy chuối bên Lào nhưng lực bất tòng tâm.
“Chuối bà con không thu hoạch cũng chịu, vì tất cả phải đảm bảo quy định phòng chống COVID-19. Họp dân, bà con có ý kiến nhiều nhưng chúng tôi cũng chỉ biết ghi nhận, báo cáo lên trên, đồng thời động viên bà con chịu khó để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Cương nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Mĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long cho biết hầu hết người dân sang Lào trồng chuối vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, người ít thì vài trăm triệu, người nhiều thì cả tỉ đồng.
“Trong hoàn cảnh này, các hộ dân cũng như chính quyền địa phương rất mong muốn các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi hoặc khoanh nợ cho bà con. Hiện, phía Ngân hàng Chính sách xã hội đã có phương án giúp bà con nông dân rồi”, ông Mĩnh thông tin.
Nguồn: Theo báo Quảng Trị
Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn
Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.
Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra
Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.
Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ
Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.
Ứng phó với giá phân bón tăng cao
Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.
Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá
Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.
Trái cây được mùa, mất giá
Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.
Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp
Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.
Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng
Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".
Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.
Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài
Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.
Bình luận