Giá mía tăng không theo kịp giá vật tư leo thang

Năm nay, giá mía tăng, nhưng người trồng mía không vì thế mà vui, bởi tính ra, lợi nhuận chẳng đáng lá bao khi giá vật tư, nhất là phân bón tăng phi mã.

Khi cây mía không còn thực sự ngọt
Ông Nguyễn Lý Luận ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành (Tây Ninh) có thâm niên hơn 20 năm trồng mía, từng là chủ đồn điền mía rộng lớn đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Thế nhưng khi giá mía bắt đầu chu kỳ suy thoái, diện tích mía của gia đình ông cũng giảm theo, đến nay chỉ vỏn vẹn 6 ha.

 

Theo ông Luận, mía là loại cây dễ trồng và khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh, đặc biệt, khi nhà nước quan tâm đầu tư vào hệ thống thủy lợi, năng suất mía không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như trước đây, 1 ha mía chỉ đem lại năng suất 50 tấn/ha thì nay đã gần 100 tấn/ha.

Mặc dù năng suất cải thiện, nhưng do chi phí đầu vào từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nhân công và tiền thuê đất để trồng mía thời gian qua đều liên tục tăng cao, nên chung quy lại lợi nhuận từ cây mía vẫn rất èo uột. Niên vụ 2021 - 2022 vừa qua, giá mía tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây nhưng lợi nhuận đem lại cũng không đáng là bao.

m1.png

Từng là chủ đồn điền hơn 100 ha mía, nay ông Luận chỉ còn vỏn vẹn 6ha. Ảnh: Trần Trung.

Đứng bên ruộng mía chuẩn bị thu hoạch, ông Luận nhẩm tính: Hiện nhà máy đường đang thu mua mía cho nông dân với giá 930.000 đồng/tấn (9 CCS), cao hơn 200.000 đồng/tấn so với cùng kỳ 2 năm trước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao, có thời điểm tăng gấp đôi so với năm ngoái.

"Để đầu tư cho 1 ha mía, cần phải đầu tư 500kg NPK, 300kg phân đạm, 300kg phân lân và 400kg kali, tính với giá hiện tại là khoảng 19 triệu đồng, tăng so với trước khoảng 9 triệu đồng. Giá nhân công từ 180.000 đồng/công nay cũng đã trên 250.000/công, chưa kể chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiền điện, tiền giống… Nếu trồng trên đất mình, nông dân còn có lời, còn nếu thuê đất với giá 20 - 25 triệu đồng/ha thì không mấy hiệu quả", ông Luận ngán ngẩm.

Chị Huỳnh Thị Kim Anh ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cũng có hơn 10 năm trồng mía. Chị là một trong số ít "đại điền chủ" ở Tân Biên đang sở hữu tới gần 100ha mía. Chị Kim Anh cho biết, mặc dù vừa là đầu công (đứng ra thuê đất), vừa là chủ ruộng mía, song trồng mía thời gian qua hiệu quả không quá cao.

Chị thú thực, vì quá yêu cây mía nên không đành từ bỏ loại cây này. Mặt khác, đặc thù của vùng đất địa phương, nắng thì khô, mưa thì ngập úng nên cho dù có chuyển đổi sang các cây trồng khác cũng không đem lại hiệu quả cao.

“Hễ năm nào giá mía tăng, năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. 1 ha mía của gia đình tôi vừa bán xong, trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng. Ở đây không trồng mía, nông dân cũng không biết trồng cây gì, nên vẫn đành trụ lại với cây mía”, chị Kim Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Công cho rằng, thời gian trước giá mía giảm sâu khiến người trồng không mấy mặn mà với cây mía nguyên liệu, do vậy, diện tích mía trên địa bàn xã có giảm. Nếu như cách đây 10 năm, bà con tận dụng cả vườn nhà để trồng mía thì nay chỉ trồng ngoài đồng, với tổng diện tích toàn xã chỉ có hơn 200ha, giảm khoảng 800ha so với trước.

“Năm nay giá mía tăng, nhưng nếu tính toán đầu vào, đầu ra thì người trồng mía vẫn chưa có lợi nhuận đáng kể, bởi giá phân bón tăng quá cao so với mức tăng của giá mía. Nhà nước cần phải có sự bình ổn giá phân bón. Nếu không duy trì được sự ổn định của giá phân bón thì rất khó có thể cải thiện được thu nhập cho bà con trồng mía, đặc biệt người dân sẽ không mặn mà đầu tư trồng mới.

Chưa kể, mía là cây luân canh, chu kỳ phát triển chỉ kéo dài từ 3 - 4 năm, sau đó lại phải trồng mới. Chính vì thế, nếu không có sự ổn định, khi giá mía giảm xuống thì người dân lại phá bỏ trồng mì (sắn), cao su. Khi đó, việc giữ vững diện tích quy hoạch, đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Công chia sẻ.
Nhiều hỗ trợ "cứu" vùng nguyên liệu mía
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tỉnh này từng được xem là thủ phủ của ngành mía đường cả nước, với diện tích trồng cao điểm lên đến 38.000ha. Thời điểm đó, cây mía cũng là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Tuy nhiên những năm gần đây, giá vật tư đầu vào liên tục tăng, trong khi giá mía tụt dốc khiến không ít hộ phải chuyển đổi sang cây trồng khác, số ít hộ vẫn phải gắn bó với cây mía dù đối mặt nhiều khó khăn.

Năm 2021, tổng diện tích mía của địa phương chỉ còn 6.135ha, sản lượng 452.453 tấn. Dự kiến kế hoạch sản xuất mía năm 2022 của tỉnh khoảng 6.500ha (tăng nhẹ so với năm 2021), sản lượng ước đạt 513.500 tấn. Với giá mía hiện nay, người trồng mía vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, để đánh mức giá lợi nhuận của cây mía so với cây trồng khác để tính hiệu quả mới là điều quan trọng, trường hợp so với cây ăn quả thì lợi nhuận của cây mía sẽ thấp hơn rất nhiều.

Hiện nay, bên cạnh giá phân bón và các vật tư đầu vào tăng phi mã, ngành sản xuất mía đường còn một số khó khăn bất cập làm giảm sức cạnh tranh của cây mía với cây trồng khác như: Vùng nguyên liệu chủ yếu của hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, khó có thể cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, thiếu lao động (lao động nông thôn đang chuyển dịch vào làm việc ở thành phố hay khu công nghiệp) khiến chi phí sản xuất bị đội lên.

Ngoài ra, còn tồn tại những bất cập trong khâu kiểm tra, đánh giá chữ đường, tạp chất... khi tiêu thụ mía, chưa có sự thống nhất giữa nhà máy và người sản xuất để tạo lòng tin và tăng sự gắn kết đồng hành cùng nhau.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, để đảm bảo cho cây mía phát triển, UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân. Từ năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định về việc ban hành chính sách hỗ trợ tạm thời cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (500 ngàn đồng/ha). Qua 3 năm (2009 - 2011), tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho đối tượng trồng mới cây mía với tổng diện tích được hỗ trợ hơn 21 nghìn ha, tổn kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Năm 2013, Tây Ninh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 (1 triệu đồng/ha). Qua 3 năm (2013 - 2015), đã triển khai chính sách hỗ trợ cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 13 nghìn ha, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13 tỉ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT tỉnh đang tham mưu các giải pháp nhằm nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản lượng, giảm giá thành sản xuất bằng các công tác, giống tốt kháng bệnh, có năng suất, chữ đường cao, áp dụng cơ giớ hóa bằng các phương pháp cày ngầm, cày vùi lá, bón phân tiết kiệm….

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh mong muốn, các nhà máy tiếp tục tạo điều kiện chia sẻ lợi nhuận cùng người trồng mía, tạo điều kiện giãn nợ cho các đơn vị sản xuất trong bối cảnh giá đường phục hồi.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các nhà máy đường xây dựng và phổ biến các mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía, đặc biệt mô hình trồng giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để phổ biến cho người trồng mía; tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch để nâng cao năng suất, góp phần hạ giá thành sản xuất để nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.