Giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ nông sản
Đẩy mạnh liên kết, mở rộng kênh phân phối, chú trọng các kênh bán hàng online và bán hàng phục vụ người dân trong các khu cách ly, phong tỏa…
Hàng chục tấn bơ của nông dân huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) được các doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên tiêu thụ ngay trong tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cùng nhiều hội nhóm, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động giúp bà con nông dân tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả…
Đặc sản vùng cũng bí đầu ra
Riêng trong tháng 7 và đầu tháng 8, ông Trần Công Khanh, tổ 12 thôn Láng Cát, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) phải liên tục nhổ bỏ các luống rau đến kỳ thu hoạch bởi không có người mua.
Vụ này, ông Khanh xuống giống 200 luống rau các loại, gồm: cải thìa, cải ngọt và các loại rau thơm. Ông Khanh cho biết: “Rau phải nhổ bỏ bởi thương lái không tới mua. Gia đình tôi mất trắng khoảng 7 tấn các loại, thiệt hại hàng chục triệu đồng”.
Còn ông Trần Văn Lợi, tổ 13, thôn Láng Cát, xã Tân Hải cũng ngậm ngùi: “Rau quá thời gian thu hoạch 15 ngày đều phải nhổ bỏ. Loại nào cho gà, heo ăn được thì để lại, còn không thì phải tiêu hủy. Vụ này, gia đình tôi thiệt cả 100 triệu đồng”.
Cách khu vực trồng rau xã Tân Hải không xa, các hộ trồng rau tại phường Kim Dinh, TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng lâm vào cảnh khó khăn. Bà Phạm Thị Vân, tổ 3, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh, cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 1 tấn rau để bỏ mối cho các chợ tại TP Hồ Chí Minh; nhưng hiện nay, khoảng 10 tấn rau đang phải cắt bỏ dần, bởi thương lái không tới mua như trước.
Không chỉ rau xanh, các đặc sản mang thương hiệu Bà Rịa- Vũng Tàu vốn nổi tiếng trên thị trường, như: nhãn xuồng cơm vàng, bơ, nấm… cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết, địa phương có khoảng 450 ha nhãn xuồng cơm vàng, sản lượng hàng năm ước tính 3.000 tấn. Từ tháng 7, nhãn bước vào vụ thu hoạch chính, ước sản lượng gần 2.000 tấn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các thương lái ngừng mua khiến nhãn không tiêu thụ được.
“Thông thường, nhãn xuồng cơm vàng bán tại vườn giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ chỉ bán giá 15.000 nghìn đồng/kg. UBND huyện Xuyên Mộc đã phải có văn bản gửi các ngành chức năng nhờ giải cứu”, ông Dương Tấn Linh cho hay.
Tại 1 số huyện như Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, 1 số nông sản như: nấm, rau xanh, thủy sản, gia cầm cũng rớt giá và quá lứa do khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trước đó, bơ, xoài của huyện Châu Đức… cũng gặp khó khăn tương tự.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến đầu tháng 8, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 453 tấn nhãn, 13 tấn bưởi da xanh, 163 tấn tôm nước lợ, 103 tấn cá ngước ngọt, 14 tấn cá mặn, lợ và 17 tấn hàu chưa tiêu thụ được.
Đẩy mạnh liên kết, mở thêm các kênh phân phối mới
Khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ nông sản tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay chính là kênh vận chuyển hàng hóa bị đứt gãy. Trước tình trạng này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản giao 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Công thương có giải pháp hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, như: nhãn, thanh long, chuối, nấm, rau, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản…
Nhãn xuồng cơm vàng của nông dân Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) được thu mua, phân phối vào các chợ truyền thống và khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để bảo đảm vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng: “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”. Các doanh nghiệp sản xuất duy trì nguồn cung tại chỗ; mở rộng hệ thống phân phối; tăng dự trữ hàng tại kho và bổ sung mỗi ngày. Đồng thời, bổ sung nhân sự, đội ngũ vận chuyển hỗ trợ giao hàng nhanh, miễn phí tận nhà cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đỗ Minh Tuấn cho biết, ngay sau khi dịch bùng phát, rút kinh nghiệm từ những lúng túng ban đầu, Sở đã phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh tháo gỡ “nút thắt” về vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, phối hợp các tổ chức, đoàn thể, các hợp tác xã, các câu lạc bộ giao thương, Hiệp hội Doanh nghiệp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… mở thêm các kênh phân phối mới, trong đó chú trọng thị trường nội tỉnh với thế mạnh là các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại… Sở cũng đã kết nối với Viettel Post đưa nông sản lên sàn Voso.vn; kết nối các nền tảng mạng xã hội giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Bà Rịa-Vũng Tàu tại các tỉnh, thành phố bạn.
Tại các địa phương, nhiều hội nhóm, đoàn thể cũng đã vào cuộc để hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản. Các chương trình “Chuyến xe nông sản 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, phát quà từ thiện tại các khu vực cách ly, phong tỏa đều sẵn sàng lựa chọn nông sản của địa phương.
Anh Lê Anh Quỳnh, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Các chuyến xe nông sản 0 đồng do Nhà văn hóa thanh niên tỉnh tổ chức thời gian qua đã mang hàng nghìn phần quà đến với những hộ gia đình nghèo, gặp khó khăn do đại dịch. Tất cả đều là nông sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do bà con nông dân trong tỉnh sản xuất”.
Mới đây nhất, Công ty Dịch vụ kỹ thuật ô-tô Hoàng Anh đã phối hợp Câu lạc bộ Giao thương G9 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thu mua hàng tấn nông sản, gồm nhãn, bí đỏ, rau củ… của các xã Hòa Hiệp, Hòa Hội, Phước Tân (huyện Xuyên Mộc), xã Láng dài (huyện Đất Đỏ) để trao tặng bà con vùng dịch TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng tổ chức đến tận nhà vườn thống kê số lượng nông sản sắp thu hoạch, nhận đăng ký bán hàng và giúp vận chuyển, giao hàng miễn phí.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, tính từ ngày 19/7 đến 1/8, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ khoảng 1.047 tấn nhãn; 220 tấn chuối; 60 tấn mít; 73 tấn bưởi da xanh; 1.005 tấn rau các loại. Về chăn nuôi, đã tiêu thụ 1.621 tấn thịt heo; 336 tấn thịt trâu bò; gia cầm 1.253 tấn và 11.303 quả trứng. Về thủy sản, đã tiêu thụ 163 tấn tôm nước lợ, 103 tấn cá nước ngọt và 31 tấn các loại cá nước mặn và hàu…
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, ứng dụng các phần mềm kết nối để vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa hỗ trợ hiệu quả cho bà con nông dân.
“Nếu có sự kết nối, phối hợp tốt, chắc chắn nông sản của bà con nông dân sẽ không phải đổ bỏ mà người tiêu dùng cũng sẽ được mua với giá bình ổn”, ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định.
Nguồn: Theo báo Nhân dân
Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn
Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.
Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra
Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.
Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ
Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.
Ứng phó với giá phân bón tăng cao
Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.
Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá
Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.
Trái cây được mùa, mất giá
Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.
Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp
Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.
Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng
Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".
Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.
Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài
Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.
Bình luận