Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vùng Nam sông Hậu

Là vùng sản xuất nông sản trọng điểm của cả nước, do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản...

nong-san-24820212.jpg

Nông sản của người dân Hậu Giang được tập kết trước khi đi TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, từng bước giúp nông dân vượt qua đại dịch.

Nông sản ùn ứ tiêu thụ khó

Tại thành phố Cần Thơ, các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ phổ biến nhất là các mặt hàng thủy sản, cây ăn trái, rau màu các loại.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nay do tình hình dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm cho việc tiêu thụ hàng hóa của nông dân gặp rất nhiều khó khăn, giá bán nông sản của nông dân cũng giảm so với trước đây từ 10 đến 50% tùy loại.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp thành phố, từ ngày 21/7 đến nay, số lượng nông sản, thủy sản tồn đọng cần phải tiêu thụ là khoảng 15.800 tấn; trong đó phần lớn là cây ăn trái còn tồn trên 10.500 tấn, thủy sản khoảng 4.000 tấn (chủ yếu là cá tra) và khoảng 1.500 tấn rau củ. Trước đây, bà con nông dân thường tiêu thụ qua kênh thương lái, do đó khi thực hiện giãn cách thì đội ngũ thương lái đi đến các địa phương rất khó khăn nên không triển khai thu mua. Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin các giấy phép hoạt động nên trong những ngày đầu của mùa dịch tình hình tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn..

Hiện nay, qua kết nối tiêu thụ từ các kênh thương mại điện tử, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và nhất là sự hỗ trợ của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., hàng hóa tồn đọng dần dần đã được tiêu thụ, giải tỏa bớt.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong tháng 8/2021, khả năng toàn tỉnh Hậu Giang sẽ sản xuất hơn 270.000 tấn nông sản các loại; trong đó, lúa đạt gần 250.000 tấn, cây ăn trái các loại gần 10.000 tấn, rau màu các loại gần 6.000 tấn, chăn nuôi hơn 3.000 tấn, thủy sản hơn 2.000 tấn... Trong khi tỉnh chỉ tiêu thụ được khoảng 30.000 tấn nông sản các loại, số nông sản còn lại cần tiêu thụ ở các thị trường khác.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn huyện còn nhiều nông sản cần tiêu thụ như cam, chanh, dâu... Thời gian qua, thông qua một số sàn giao dịch trực tuyến, huyện đã kết nối và tiêu thụ được từ 700 kg đến 1.000 kg/ngày. Nhưng hiện nay việc vận chuyển thông qua các sàn giao dịch này không còn thực hiện được nữa, nên lượng nông sản tại địa bàn gặp khó khăn đầu ra. Huyện đang tìm cách kết nối, cũng như kêu gọi các nguồn hỗ trợ, thu mua nông sản cho người dân.

Đối với địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ngoài khó khăn trong khâu tiêu thụ, nông dân và chính quyền địa phương ở đây còn gặp khó khăn trong vấn đề thu hoạch lúa do thiếu phương tiện và nhân lực sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa Hè Thu 2021 trên địa bàn tỉnh xuống giống được gần 59.000 ha, sản lượng ước đạt trên 331.000 tấn. Hiện nay, máy gặt đập trong tỉnh chỉ có 253 máy, với diện tích thu hoạch lúa rất lớn, nếu thực hiện điều phối máy cắt trong tỉnh hoạt động thì chỉ đáp ứng từ 50 - 60%. Như vậy, tỉnh cần hỗ trợ máy cắt ngoài tỉnh khoảng từ 40 - 50% số máy mới đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn.
Mặt khác, qua nắm tình hình thực tế sản xuất cho thấy, sản lượng lúa để lại tiêu thụ trong dân và được các đơn vị liên kết bao tiêu sản lượng thu mua chỉ chiếm khoảng 40%. Còn lại 60% sản lượng do các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua. Tuy nhiên, do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đến thời điểm này các thương lái vẫn chưa đến địa phương để có kế hoạch thu hoạch thu mua lúa nên nông dân đang rất lo lắng.

Ông Trần Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết, qua rà soát thực tế, hơn 90% nguồn tiêu thụ là đến từ thương lái ngoài tỉnh. Do vậy, để tiêu thụ được phải có phương tiện (chủ yếu là phương tiện thủy) ra vào, tỉnh. Trong điều kiện phải thực hiện chặt chẽ việc quản lý người, phương tiện ra vào tỉnh như hiện nay, vụ lúa Hè Thu của huyện với khoảng 100.000 tấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết thêm, trên địa bàn huyện hiện có 76 máy gặt, chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu hoạch trong giai đoạn đầu. Đến khi hoạch rộ, nhu cầu cần từ 50 - 80 máy gặt. Do đó, nếu áp dụng không cho người ngoài tỉnh vào như hiện nay thì khâu thu hoạch lúa của huyện sẽ rất khó khăn.

Hỗ trợ giải quyết đầu ra
        

kien-giang-24821k.jpg

Nông dân huyện Giang Thành (Kiên Giang) thu hoạch dưa lê. Ảnh: TTXVN

Do thực hiện giãn cách xã hội đề phòng, chống dịch, thiệt hại trong sản xuất cũng như khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại các địa phương là không thể tránh khỏi. Hiện lãnh đạo nhiều địa phương và cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.
        
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nay toàn bộ diện tích lúa Hè Thu năm 2021 trên địa bàn thành phố đã được nông dân thu hoạch xong và được tiêu thụ gần hết.
         
Riêng đối với các mặt hàng nông sản khác như: cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản..., thành phố đang tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn để giới thiệu hàng hóa, số lượng hàng hóa còn tồn đọng cần tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh kết nối cung ứng hàng cho các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân, siêu thị, cửa hàng tiện ích ... Đến nay, thành phố đã cơ bản đã giải quyết tiêu thụ được phần lớn lượng hàng hóa tồn đọng trong dân.
         
Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, nhìn chung trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và địa phương kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua một lượng khá lớn nông sản của nông dân. Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông, thủy sản.
         
Cùng với đó, ngành công thương tỉnh cũng sẽ làm việc với ngân hàng để rà soát các chính sách cho vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh thu mua nông, thủy sản của tỉnh để trữ đông, nhằm tiêu thụ một lượng lớn nông, thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn đầu ra.
         
Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt các kênh tiêu thụ hiện có như đưa vào siêu thị, đưa lên sàn thương mại điện tử, dịch vụ đi chợ hộ... Cũng như phát động trong cán bộ công chức, viên chức và người lao động của tỉnh, kêu gọi các tiểu thương trên địa bàn các huyện, thị, thành phố hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ của người dân...
         
Đối với tỉnh Bạc Liêu, chính quyền các địa phương đang tích cực đưa ra nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để giúp người dân thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè thu 2021 được thuận lợi.
         
Theo ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, để giải quyết tình hình thiếu máy gặt trong thu hoạch, trước mắt các địa phương cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hoạch, vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, thống kê chính xác diện tích và thời gian thu hoạch lúa; kết nối với các mối lái truyền thống trong và ngoài tỉnh để thu hoạch, tiêu thụ lúa thông thương cho nông dân.
         
Mặt khác, tỉnh cũng đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc vận chuyển hàng hóa lưu thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, nắm tình hình về nông sản cần tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương lái đến thu mua lúa, vừa đảm bảo thông thương vừa thực hiện tốt việc phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng khẩn trương xây dựng những “vùng xanh” để vừa phục vụ thu hoạch, vừa tiêu thụ nông sản cho địa phương được an toàn, hiệu quả và nhanh chóng.
         
Tỉnh Kiên Giang cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, nhằm giảm tối đa những thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh, duy trì phát triển sản xuất.
         
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, sở thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, công ty, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, vật tư… phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hải sản Hải Thành (TP Hồ Chí Minh) đến tỉnh Kiên Giang thu mua cá xuất khẩu.
         
Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan, huyện, thành phố, Viettel Post, VN Post và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về cung cầu sản phẩm nông sản, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã… với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
         
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Kiên Giang cũng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh, chợ đầu mối, hệ thống phân phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để ứng phó dịch COVID-19. Đặc biệt, Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh đang có nhu cầu mua một số loại sản phẩm thủy sản tươi sống để cung cấp cho các cửa hàng Bách hóa Xanh tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân Kiên Giang tiêu thụ thủy sản hàng hóa, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá nuôi lồng bè trên biển.
         
Tiếp đến, tỉnh Kiên Giang duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến” tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là những nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang tạm ngưng hoạt động khôi phục lại sản xuất chế biến. Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra tiêu thụ hàng thủy sản cho nông dân, với giá cả ổn định, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, giải quyết việc làm cho công nhân lao động.         
     
Đối với gần 50% diện tích lúa Hè Thu của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa thu hoạch và cần được tiêu thụ nhanh, ngành nông nghiệp các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ ...đã thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn. Các doanh nghiệp cập nhật danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Đồng thời sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo như  thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy….
         
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh.  
         
Tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ cũng đã làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
         
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh An Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa Hè Thu không bị ách tắc; tuy nhiên, các hoạt động này phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Tỉnh đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp lớn để liên kết, hỗ trợ thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh; trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị trung tâm, giúp tỉnh An Giang kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản khác ở trong và ngoài tỉnh.
        
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thống kê, lập danh sách lực lượng lao động tham gia phục vụ thu hoạch, vận chuyển lúa Hè Thu 2021, các thương lái trên địa bàn… để tiến hành test nhanh miễn phí cho lực lượng này, nhằm đảm bảo tiến độ thu hoạch cũng như hỗ trợ việc tiêu thụ lúa và nông sản cho người dân được thuận lợi.

Nguồn: Theo TTXVN

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.