Nông dân, doanh nghiệp cùng tăng tốc SX chuẩn bị hàng Tết

Phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân đã tăng tốc sản xuất (SX) và liên kết tìm "đầu ra" cho các mặt hàng nông sản.

34.jpg

Nông dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) tập trung sản xuất rau vụ đông phục vụ thị trường cuối năm.

Hà Nội: Nông nghiệp tăng tốc đảm bảo không lo thiếu hàng

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Hà Nội vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các địa phương có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tăng tốc sản xuất; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Những ngày này, nông dân trên địa bàn Hà Nội đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Còn các cơ sở giết mổ, chế biến nông sản, thực phẩm hoạt động hết công suất bảo đảm đơn hàng cho nhà cung cấp. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, 250 ha rau vụ đông trồng các loại rau như: Su hào, bắp cải, cà chua... đang sinh trưởng, phát triển tốt. Thu hoạch đến đâu, hợp tác xã trồng gối vụ đến đó, mỗi ngày đưa ra thị trường 30-50 tấn rau xanh các loại. Trong đó, 70% cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) thông tin, hợp tác xã đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Dự kiến trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã có thể cung cấp 100-150 tấn thịt cho người tiêu dùng Thủ đô.

Không chỉ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng đang tập trung ký kết hợp đồng với hợp tác xã, trang trại để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường cuối năm. Theo ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), lò giết mổ của công ty đang hoạt động với công suất 100 con/ngày, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn thịt lợn cho thị trường và các tháng cuối năm có thể tăng thêm 20-30%.

Về năng lực sản xuất của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, trong các tháng cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Cụ thể, sản lượng thu hoạch vụ mùa 2021 ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Mỗi ngày, thành phố cung ứng được 1.400 - 1.500 tấn rau, củ các loại cho tiêu dùng. Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương trồng thêm 1.000 ha chuối, bưởi, ổi... (diện tích đang có là 12.347ha).

Đồng thời, Hà Nội sẽ duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi trâu, bò 27.000 con; lợn 1,6 triệu con trở lên; gia cầm 40 triệu con, phát triển thêm 600ha nuôi trồng thủy sản (lên 24.000 ha). Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, nên chưa có thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất.

Ngành Nông nghiệp dự báo, từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi rất lớn, do vậy, các địa phương cần khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng an toàn.

Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, cho biết, để giữ đà tăng trưởng cho ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt mức 4-4,5% và bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong các tháng cuối năm, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo sản xuất, chăm sóc cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất an toàn và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương, khoai tây… làm thực phẩm cho người và nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; đồng thời, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2022.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân. Mặt khác là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất; chủ động tiêu thụ sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản.

“Cùng với điều chỉnh tăng thêm diện tích sản xuất, các huyện cũng có thêm chính sách hỗ trợ nông dân như: Hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón để nâng cao khả năng thâm canh cũng như đầu tư chăm sóc cây trồng, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm…”, ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị cũng như yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sản lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (từ nay đến hết quý I-2022), tính toán kỹ cung - cầu để lên phương án sản xuất cụ thể; đồng thời, sẵn sàng các phương án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp; giảm thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành sản xuất...

Hà Nam: Cơ hội “vàng” chuẩn bị hàng tiêu dùng dịp cuối năm

Phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ cuối tháng 9 âm lịch, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã vào con giống mới. Đây được xem là cơ hội “vàng” để các đơn vị, cơ sở sản xuất, chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ nhằm cải thiện doanh thu sau thời gian dài gặp khó về đầu ra, giá lợn, gia cầm giảm mạnh.

344.jpg

Ông Nguyễn Văn Thắng, Thôn 1, xã Bồ Đề (Bình Lục) vào mới trên 1.000 con lợn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để cung ứng cho dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lứa gà mới vào gần đây của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm tăng số lượng đàn nuôi lên 50% so với những lứa nuôi trước và dự kiến sản lượng gà tiêu thụ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đạt khoảng 500 tấn.

Thời gian này, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, HTX còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mang tới cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn. Vì vậy, HTX áp dụng quy trình khép kín trong các khâu; kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua việc tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh và cho đàn nuôi uống các loại vitamin để tăng sức đề kháng…

Ông Phan Văn Đô, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm cho biết: Những năm gần đây, HTX đẩy mạnh sản xuất gà thương phẩm để tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… Những tháng gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, các nhà hàng, khách sạn, trường học liên tục phải đóng cửa khiến lượng gà tiêu thụ bị giảm mạnh. Giá gà cũng giảm đáng kể so với trước đây khiến cho HTX gặp nhiều khó khăn. Hi vọng vào sự phục hồi thị trường những tháng cuối năm, từ đầu tháng 9 âm lịch, khi vào lứa gà mới, HTX đã đa dạng hoá chủng loại đàn nuôi để đáp ứng nhu cầu nhiều nhóm đối tượng khách hàng.

Còn tại Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, Bình Lục), do giá lợn hơi xuống thấp nhiều tháng nay, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra thưa thớt. Anh Nguyễn Văn Thắng, Thôn 1, xã Bồ Đề (Bình Lục)-một thương lái tại chợ cho biết: Khoảng 2 tháng nay, gần như tôi phải tạm dừng việc nhập lợn về chợ bán vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương và giá lợn hơi xuống thấp. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi hơn 1.000 con lợn thịt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tăng 40% so với các lứa nuôi trước). Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn và kịp thời gian xuất bán dịp cận Tết, gia đình tôi rất chú trọng đến công tác phòng dịch, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn. Thời điểm này, tôi đã kết nối với các đơn vị chuyên cung cấp nguồn lợn với số lượng lớn trong và ngoài tỉnh để thu mua lợn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng Ban Quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam được biết, bình thường, hoạt động mua bán trong chợ diễn ra rất sôi động với khoảng 400 thương lái thường xuyên vận chuyển, thu mua lợn từ các nơi để cung cấp cho thị trường. Giá lợn xuống thấp trong thời gian qua khiến các thương lái cẩn trọng hơn trong việc nhập lợn về bán. Thời gian này, bình quân mỗi ngày, chợ chỉ có vài chục thương lái ra vào chợ. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn cung mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các hộ kinh doanh lợn tại chợ đều đang tập trung chăm sóc tốt cho đàn lợn mới vào nuôi. Cùng với đó, tiến hành khảo sát tình hình chăn nuôi của các hộ dân trong khu vực, liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng thu mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 11.000 cơ sở chăn nuôi lợn, trong đó có 10.136 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, 864 trang trại; 2.227 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trên 500 con… Từ đầu năm 2021 đến nay, sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Tuy nhiên, với việc triển khai thực hiện tốt phát triển chăn nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh nên tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thực phẩm, trong khi giá thức ăn, vật tư chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng cao, giá bán sản phẩm đầu ra giảm… Tuy nhiên, với quy mô đàn lợn đạt trên 370.000 con, đàn gia cầm đạt khoảng 8,2 triệu con, tổng đàn trâu, bò đạt gần 37.000 con sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nam Định: Làng nghề chuẩn bị hàng phục vụ thị trường Tết

Dịp cuối năm, làng nghề truyền thống sản xuất mắm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) rộn ràng, tấp nập hẳn lên. Ở các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm, người dân đang tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của khách dịp cuối năm.

3444.jpg

Làng nghề mắm Ngọc Lâm chuẩn bị vào Tết.

Làng Ngọc Lâm nằm ven cửa sông Đáy với đa số người dân làm nghề chài lưới. Vì gắn với nghề khai thác thủy hải sản, khi khai thác không tiêu thụ hết và do không có phương tiện để bảo quản, người dân đã tìm cách làm nước mắm, mắm tôm để sử dụng trong gia đình. Sau dần các sản phẩm của làng nổi tiếng, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố. Hiện nay, làng Ngọc Lâm có hơn 40 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề làm nước mắm, mắm tôm ở đây được người dân trong làng truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay tuy quy mô đã lớn hơn, song các hộ sản xuất trong làng vẫn giữ nguyên quy trình làm mắm truyền thống của cha ông để lại nên nước mắm Ngọc Lâm có hương vị rất khác biệt, tạo nên nét đặc trưng riêng. Các hộ sản xuất ở đây chỉ sử dụng nguyên liệu cá cơm, cá nục tươi, trộn đều với muối ủ chượp khoảng 12 tháng. Cuối năm là thời điểm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm nói chung và đối với người dân làng Ngọc Lâm nói riêng, tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm, người dân cũng tất bật với những mẻ hàng. Hiện nay, các loại nước mắm công nghiệp rất đa dạng về chủng loại và tiện dụng nên có mặt ở khắp mọi nơi, từ các chợ đến các tạp hóa, siêu thị… nhưng nhiều người vẫn thích sử dụng nước mắm truyền thống vì nó có vị đậm đà và độ đạm cao, tạo nên hương vị đặc trưng trong đó có nước mắm Ngọc Lâm. Trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, người dân đã ủ, tích chứa nước mắm trong các thùng lớn; mọi công đoạn đều thực hiện nghiêm ngặt theo các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó đóng gói, vận chuyển hàng cho khách đến mua và chuyển đi tiêu thụ khắp các vùng miền trong tỉnh và các tỉnh khác trong cả nước. Để đáp ứng nhu cầu tết của khách hàng, các cơ sở nước mắm đã đóng gói nhiều loại chai, từ chai 1 lít, 2 lít đến chai 5 lít với nhiều mẫu mã đa dạng, bắt mắt.

Ông Trần Văn Phú, người đã nhiều năm làm nghề sản xuất chế biến nước mắm, mắm tôm trong làng cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng và hương vị đặc biệt của mắm Ngọc Lâm vẫn là nguyên liệu. Xã Nghĩa Hải được thiên nhiên ưu đãi nằm cạnh cửa sông Đáy, nơi giao hòa với biển tạo ra vùng nước lợ đặc trưng, nên nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm, mắm tôm ngon hơn những khu vực khác. Hơn nữa, nguyên liệu được đánh bắt đưa thẳng đến cơ sở sản xuất cạnh bờ sông để chế biến, nên luôn đảm bảo được độ tươi ngon”. Nguyên liệu sau khi đem về được trộn với tỉ lệ “một muối tám” tức là cứ 10kg cá cho thêm 1,8kg muối trộn đều xong đánh đảo, phơi nắng sau một năm rưỡi mới được rút lấy mắm cốt. Sản phẩm nước mắm của cơ sở ông Phú nói riêng và của người dân làng Ngọc Lâm nói chung vẫn áp dụng quy trình sản xuất truyền thống này từ bao đời nay là dùng bể chượp, nên luôn đảm bảo độ nguyên chất của sản phẩm, không sử dụng hóa chất bảo quản, chỉ có độ muối được thay đổi so với trước kia giảm xuống để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Ngày thường, nước mắm của gia đình ông bán có giá từ 25-100 nghìn đồng/lít; dịp cuối năm này, ông vẫn giữ nguyên giá để phục vụ khách hàng. Năm nay gia đình ông chuẩn bị hơn 1.200 lít nước mắm, 200kg mắm tôm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nhu cầu khách hàng tăng cao, gia đình ông phải huy động thêm lao động thời vụ.

Ông Phú cho biết thêm, dù số lượng hàng khách đặt mua ít hay nhiều thì chất lượng, an toàn thực phẩm và uy tín luôn là vấn đề được cơ sở đặt lên hàng đầu. Do nguyên liệu sản xuất chất lượng và quy trình chế biến thủ công nên nước mắm của cơ sở nhà ông có thời gian sử dụng cao, đặc biệt càng để lâu càng đậm đà. Ngoài cơ sở của ông Phú, còn có nhiều hộ gia đình sản xuất nước mắm, mắm tôm khác như hộ ông Lại Văn Quang, Trần Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… cũng đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ cho dịp cuối năm.

Để góp sức cùng người dân tiếp tục phát triển bền vững nghề truyền thống,  xã Nghĩa Hải đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, phổ biến các quy định, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân; giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Trong quá trình sản xuất, các gia đình hỗ trợ lẫn nhau cùng sản xuất, cùng giữ nghề cho sản phẩm quê hương.

 

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.