Nông dân gặp khó vì giá phân bón
Từ đầu năm đến nay, giá các loại phân bón đồng loạt tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC (Ðạm Cà Mau). Ảnh: HUỲNH THẾ ANH
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng nên áp dụng các biện pháp như tạm dừng xuất khẩu, tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại phân bón.
Nhà nông “oằn mình” với phân bón
Ông Hà Minh Triều ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) vừa thu hoạch xong 10 ha lúa giống OM 18. Ông Triều cho biết, năm nay, hầu hết các loại giống lúa ở trong vùng gieo sạ vụ lúa hè thu đều cho năng suất thấp hơn so với cùng kỳ. Ðiển hình như giống lúa OM 18 chỉ đạt năng suất 5,5 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ 1,3 tấn/ha. Năng suất giảm, chi phí sản xuất tăng, giá bán lại không ổn định. Hiện tại, lúa OM 18 có giá 6.000 đồng/kg; OM 5451 giá từ 5.200 đến 5.300 đồng/kg; IR 50404 có giá từ 4.500 đến 4.800 đồng/kg... Nếu so với đầu vụ lúa đông xuân, giá lúa giảm từ 200 đến 600 đồng/kg, tùy loại. Ông Triều tính toán, thông thường, chi phí đầu vào cho mỗi héc-ta lúa khoảng từ 17 đến 18 triệu đồng, nhưng vụ lúa năm nay mất gần 20 triệu đồng, trong đó chi phí phân bón chiếm khoảng 40%. Lợi nhuận vụ lúa này chỉ đạt khoảng 13 triệu đồng/ha, so với vụ lúa hè thu năm trước thấp hơn khoảng 10 triệu đồng/ha. Nếu so với vụ đông xuân vừa qua thì thấp hơn rất nhiều. Thời điểm sản xuất vụ đông xuân giá phân bón chưa tăng, năng suất và giá lúa đạt cao, cho nên lợi nhuận đạt tới 30 triệu đồng/ha.
Từ khoảng tháng 2, giá phân bón ở Hậu Giang bắt đầu tăng giá. Theo ông Nguyễn Văn Vo, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố Vị Thanh, so với thời điểm đầu năm, giá phân bón tăng cao, trong khi giá cây ăn quả và lúa đều xuống thấp, cho nên nhà nông hạn chế sử dụng phân bón cho vườn cây và ruộng lúa, thậm chí nhiều nông dân cho biết sẽ không sản xuất lúa vụ ba.
Cũng giống như đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm cây công nghiệp Tây Nguyên cũng rơi vào cảnh tương tự. Bước vào vụ hè thu, ngoài diện tích cây hằng năm, hơn một triệu héc-ta cây công nghiệp và cây lâu năm khác cần một lượng lớn phân bón để bón lót, bón thúc. Tuy nhiên, do thị trường phân bón “nóng” ngay từ đầu vụ cho nên nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, thôn 1, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Ðắk Lắk) cho biết, mùa mưa chúng tôi thường bón ba đợt phân cho cây cà-phê. Nhà tôi trồng 2,5 ha, thời điểm này đã vào phân đợt hai cho cây. Giá phân bón tăng cao, tôi phải cắt giảm phân bón cho cây. Chúng tôi biết cây trồng không được chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả nhưng điều kiện khó khăn, mấy năm nay cà-phê rớt giá liên tục khiến nhà nông cạn vốn. Phần lớn bà con mua phân theo hình thức ghi nợ với các đại lý, giá cà-phê chạm đáy, thu không bù chi, không có điều kiện tái đầu tư, nhiều hộ trồng cà-phê đã phải bỏ rẫy.
Giá phân bón tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhà nông.
Thiếu quyết liệt trong việc bình ổn giá
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), giá phân bón thời gian qua tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào như khí NH3, than, lưu huỳnh, axit H2SO4, quặng apatit, chi phí vận chuyển tăng khiến giá phân bón trên thế giới và trong nước tăng theo, mức tăng từ 8 đến 77% tùy loại. Trước thực trạng giá phân bón tăng ở mức cao kỷ lục, trong lúc chờ cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bình ổn giá, thời gian qua ngành nông nghiệp các địa phương đã triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó khuyến cáo người dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm.
Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, Ðắk Lắk có khoảng 665.000 ha cây trồng, riêng cây công nghiệp lâu năm chiếm hơn 304.600 ha. Mỗi năm, nhu cầu phân bón của tỉnh cần khoảng 1.227.000 tấn. Trong đó, phân vô cơ khoảng 736.000 tấn, chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Ðể hạn chế tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vào đầu vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn và tập huấn cho người dân các địa phương các biện pháp bón phân cân đối. Trong đó, hướng dẫn nông dân phân tích nông hóa thổ nhưỡng để bón phân cân đối trên từng cánh đồng, vừa giúp tiết kiệm lượng phân bón vừa giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh gây hại. Ðồng thời, khuyến cáo người dân chú ý hạn chế bón phân đạm vì loại phân này có mức tăng giá cao. Nhờ vậy, nhiều diện tích đã giảm được từ 15% đến 35% lượng phân bón vô cơ.
Giải pháp sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm một số địa phương đang áp dụng hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để góp phần kiềm chế đà tăng giá của phân bón cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước như: tạm dừng xuất khẩu, tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại phân bón. Hiện nay, giá các loại phân bón sản xuất trong nước được đánh giá tăng ở mức thấp hơn so với mức tăng nguyên liệu và giá phân bón nhập khẩu cùng loại. Thế nhưng, trong lúc thị trường trong nước đang “nóng” thì các doanh nghiệp vẫn ưu tiên nguồn hàng phục vụ xuất khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón trong tháng 6 đạt gần 88 nghìn tấn, tương đương 45,5 triệu USD. Tính chung sáu tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt 663 nghìn tấn, tương đương 231 triệu USD, tăng 41% về lượng và tăng 71% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, hiện nay nước ta chưa có luật nào cấm xuất khẩu phân bón. Tuy nhiên, để kiểm soát giá phân bón, bình ổn thị trường, căn cứ vào các hiệp định thương mại song phương, đa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét, đánh giá toàn diện các chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu, phòng vệ, nhằm góp phần giảm áp lực tăng giá phân bón.
Theo Cục BVTV, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta mỗi năm khoảng 10,5 triệu tấn. Trong đó, các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng khoảng 7,5 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu. Cả nước hiện có 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm và sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân lân, phân urê, phân bón hỗn hợp NPK (trừ phân SA và phân kali phải nhập khẩu). Trong giai đoạn này, cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tối đa công suất và ưu tiên phục vụ thị trường trong nước. Ðồng thời, để giảm áp lực cho phân hóa học cần tăng cường việc sản xuất và khuyến khích người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Nhiều địa phương kiến nghị, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cơ quan chức năng nên có chính sách hỗ trợ giá hoặc nguồn vốn vay ưu đãi để người dân có điều kiện tái sản xuất.
Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nong-dan-gap-kho-vi-gia-phan-bon-655817/
Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn
Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.
Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra
Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.
Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ
Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.
Ứng phó với giá phân bón tăng cao
Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.
Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá
Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.
Trái cây được mùa, mất giá
Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.
Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp
Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.
Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng
Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".
Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.
Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài
Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.
Bình luận