Nông dân Tây Nguyên trồng dưa nguy cơ trắng tay

Đến ngày thu hoạch nhưng thương lái chưa mua do cửa khẩu phía Bắc ùn ứ, nhiều nông dân trồng dưa ở Gia Lai đứng ngồi không yên.

Gần một tuần nay, mới ngủ dậy anh Nguyễn Văn Tân, 47 tuổi, mở điện thoại xem tình hình cửa khẩu phía Bắc và gọi điện các chủ vườn lân cận xem có thương lái nào tới thu mua dưa. Thông tin một số cửa khẩu ở Lào Cai thông quan trở lại không làm anh vui hơn vì tình hình thu mua ở địa phương không mấy khả quan.

"Ruộng dưa đã trễ 5 ngày, 10 ngày tới thương lái không đến mua, tôi đành bỏ cả ruộng, tay trắng về quê", anh Tân nói. Hơn 10 năm làm nghề, anh chưa từng lâm cảnh khốn đốn như bây giờ.

trongdua-2032-1640279057.jpg

Đồng dưa của anh Tân đã chín 5 ngày nhưng chưa có thương lái đến mua. Ảnh: Trần Hoá

Ba tháng trước, khi kết thúc vụ dưa thất bát ở quê nhà, anh Tân cùng vợ thuê ôtô tải chở máy móc, đồ đạc từ thị xã An Nhơn (Bình Định), vượt hơn 200 km lên Tây Nguyên thuê 30 sào đất (500 m2 một sào) với giá gần 30 triệu đồng để trồng dưa. Ia Lâu, xã biên giới Gia Lai đầy nắng gió, đất đai màu mỡ là nơi vợ chồng anh đặt hy vọng cuối cùng, bao nhiêu vốn liếng họ dồn cho vụ dưa Tết.

Những ngày đầu, vợ chồng anh Tân dựng căn lều bên cánh đồng. Sau đó họ dọn dẹp, lên luống, lắp máy móc và hệ thống tưới nước, thuê 5 nhân công trồng dưa hấu. Gần 3 tháng ròng, mỗi ngày anh và vợ thức dậy lúc 4-5h, người tưới nước, phun thuốc, người làm cỏ, bón phân... Tổng chi phí đầu tư ruộng dưa ước tính trên 200 triệu đồng.

Những vất vả của vợ chồng anh Tân tan biến khi thấy vườn dưa tươi tốt, quả lớn nhanh, năng suất 1,8 tấn một sào, hứa hẹn cái Tết đầm ấm. Đầu tháng 12, khi dưa sắp thu hoạch, công việc neo dần, người vợ về quê chuẩn bị gieo sạ, mình anh Tân ở lại trông nom. Ngỡ mọi chuyện suôn sẻ, không ngờ cửa khẩu phía Bắc ách tắc khiến vườn dưa đã chín mà chưa thấy bóng dáng thương lái.

"Ruột nóng như lửa đốt vì dưa chưa bán được. Ngày nào vợ ở quê cũng gọi lên hỏi, tôi chỉ biết an ủi. Những vụ trước giá thấp nhưng còn vớt vát phần nào, còn năm nay muốn bán không ai mua", anh Tân nói và cho biết, số tiền đầu tư vụ dưa này, một ít là tiền tích cóp, còn chủ yếu vay ngân hàng.

Cạnh vườn anh Tân, trong căn lều bạt, chị Tô Thị Hiệp, 42 tuổi, quê Bình Định, ngồi nhìn ra vườn dưa vẻ lo lắng. Tay chị luôn cầm điện thoại để không bỏ lỡ cuộc gọi của thương lái. Song suốt mấy hôm nay không có ai hỏi han trong khi cánh đồng dưa của gia đình vài ngày nữa là thu hoạch.

e3ddf0af-8f05-4601-bfb7-b30c85-4542-2359-1640249388.jpg

Lán trại vợ chồng chị Hiệp dựng để ở trong 3 tháng chăm sóc vườn dưa. Ảnh: Trần Hoá

Nhiều tháng qua, vợ chồng chị Hiệp sống trong căn lều chừng 15 m2, chịu cảnh nắng nóng, mưa dột để chăm sóc vườn dưa rộng 32 sào. Chị chỉ mong bán được số dưa mà vợ chồng bỏ ra gần 250 triệu đồng đầu tư. "Phân, giống, nước... bao nhiêu thứ, giờ không bán được coi như đổ nợ", chị nói.

Năm ngoái vợ chồng chị Hiệp cũng thuê đất ở Ia Lâu trồng dưa. Mới vào vụ thu hoạch, thương lái từ nhiều nơi đổ về, tranh giành mua. Ôtô tải chở dưa chạy rầm rộ suốt ngày đêm, đậu hàng dài bên đường. Còn năm nay vắng hoe, thỉnh thoảng vài doanh nghiệp thuê xe đến vườn thu hoạch dưa vì đã đặt cọc tiền trước.

Tây Nguyên - vùng đất rộng lớn, màu mỡ, phù hợp cho nghề trồng dưa hấu. Nhiều năm nay người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên lại ngược lên Gia Lai, Đăk Lăk... thuê đất trồng với diện tích hàng nghìn ha.

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết năm nay người ở xứ khác tới xã thuê đất trồng dưa, diện tích ước khoảng 60 ha. Nửa tháng trước, nhiều hộ bán được giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Phần lớn diện tích dưa vào vụ thu hoạch, nhưng đang gặp khó về tiêu thụ do hàng nông sản bị ách tắc ở cửa khẩu vì dịch bệnh.

"Trong vài ngày tới, thương lái không đến mua, nhiều ruộng dưa phải cắt bỏ", ông Công nói và cho biết nếu tình hình này tiếp tục kéo dài chính quyền sẽ phải kêu gọi người dân, tổ chức trên địa bàn giải cứu dưa giúp nông dân.

un-tac-nong-san-o-lang-son-ngo-6803-8065-1640278762.jpg

Hàng nghìn container chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Gần đây, Trung Quốc tăng kiểm soát dịch với hàng hóa khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, hàng nghìn container ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc. Thống kê đến ngày 21/12, hơn 4.500 xe hàng nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma (Lạng Sơn).

Hiện chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị thông quan, mỗi ngày gần 100 xe hàng của Việt Nam được xuất qua, còn cửa khẩu Tân Thanh dừng thông quan từ 18/12, Chi Ma từ 8/12. Hôm 21/12, chính quyền Đông Hưng, Trung Quốc, thông báo tạm dừng thông quan hàng hóa với cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.

 

Nguồn: Theo Vnexpress.net

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.