Nông sản miền Tây, Đà Lạt ùn ứ

Các loại trái cây từ miền Tây rớt giá, không tiêu thụ được khi thị trường chính là các chợ đầu mối ở TP HCM đóng cửa.

Ông Nguyễn Văn Thuận, một nhà vườn trồng nhãn Đồng Tháp xã An Nhơn, huyện Châu Thành, mấy ngày qua như "ngồi trên đóng lửa". Vườn nhãn thái hơn một hecta của ông đến ngày thu hoạch nhưng thương lái bặt tăm. Trong khi đó, giá nhãn cũng lao dốc còn 10.000-15.000 đồng một kg, giảm hơn 50% so với trước dịch bùng phát.

nong-san-3175-1625880899.jpg

Nhãn Châu Thành đến ngày thu hoạch nhưng khó bán, giá giảm sâu. Ảnh: Ngọc Tài.

Theo ông Thuận, dù nhà vườn đã áp dụng xử lý ra trái rải vụ để tránh dội chợ nhưng phải "bó tay" trong tình cảnh dịch lan rộng, nông sản ùn ứ. "Vườn nhà tui, cần phải bán hơn 20 tấn, còn toàn cù lao này từ đây đến cuối tháng sẽ có thu hoạch suốt, nhưng chưa ai bán được. Hàng trăm tấn nhãn chỉ có nước chờ giải cứu", ông Thuận chia sẻ.

Tương tự, khoai lang tím của nông dân ở huyện này cũng chưa tiêu thụ hết mặc dù đã được các nơi giải cứu hơn một tháng qua. Xã Hòa Tân còn hơn 40 ha diện tích khoai quá lứa, tổng sản lượng hơn 1.200 tấn chưa bán được. Tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hàng loạt chợ đầu mối lớn đóng cửa càng rút hết hy vọng bán nông sản của những nông dân "một nắng hai sương".

Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Hoà Tân, cho biết, giá mua tại ruộng khoảng 50.000 - 60.000 đồng một tạ (tạ khoai 60 kg), mà có ngày không bán được củ nào. "Giờ nông dân không biết làm sao, không bán được chỉ có thể dỡ bỏ, để hoài trên đồng thì hư đất, không thể làm vụ sau", ông nói.

Ông Trần Văn Năm, một thương lái cho biết, lượng trái cây các loại thu gom mỗi ngày ở Cần Thơ hơn 50 tấn, cung cấp cho các chợ đầu mối ở TP HCM. Nhưng số lượng mua vào giảm dần khi chợ đầu mối Hóc Môn, rồi Bình Điền lần lượt ngưng hoạt động.

"Khi chợ Thủ Đức ngừng hoạt động thì tôi ngừng thu gom luôn vì không có đầu ra", ông nói.

Khoảng 30 nhà xe tải, vốn vẫn chở 60-80 chuyến (6,5-15 tấn) cung cấp cho các chợ đầu mối ở TP HCM mỗi ngày cũng đang nằm chờ. "Một số đơn vị tìm cách giao mối nhỏ lẻ bên ngoài nhưng không đáng kể. Vì thế hàng hoá ùn ứ nhiều là điều không tránh khỏi", một nhà xe lớn, chuyên vận chuyển hàng Cần Thơ – Sài Gòn nói.

Anh Võ Thanh Thiện, một tài xế chở hàng từ Đồng Tháp cho chợ đầu mối ở TP HCM cho biết, trái cây, rau củ phải toả ra các chợ nhỏ. Suốt dọc đường đi phải qua nhiều chốt kiểm dịch, thêm kiểm tra giấy xét nghiệm nên các xe chở hàng càng mất thời gian.

"Nhanh thì 15 phút một chốt, chậm thì một vài tiếng, có khi kẹt xe cả 2 km cũng phải chịu. Không muốn hàng tới chợ trễ thì phải đi sớm hơn, trừ hao thời gian nhưng cũng trễ hoài. Tài xế cực, chi phí cũng đội cao hơn so với bình thường", anh Thiện cho biết.

Nông trường sông Hậu, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ có 1.500 ha xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan cùng 400 ha nhãn Ido, nhãn tím. Thị trường tiêu thụ chính của các loại trái cây này là TP HCM.

Ông Ngô Sĩ Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh, Nông trường Sông Hậu cho biết, bình thường mỗi ngày có 30-40 chuyến xe tải (6,5-8 tấn) vào lấy hàng chở đi cung ứng cho các chợ đầu mối tại TP HCM. Nhưng hiện không còn xe nào vào nhận hàng nữa, thương lái cũng không đến.

Từ cuối tháng 4 đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng tiêu thụ giảm mạnh, giá đã rớt nhiều lần. Xoài cát Hoà Lộc giá tại vườn ở 25.00-30.000 đồng mỗi kg nay còn chưa tới 10.000 đồng nhưng thương lái không mua. Xoài Đài Loan 8.000-10.000 đồng mỗi kg giảm còn 500-1.000 đồng cũng không bán được.

Hiện người buôn bán lẻ vào nông trường mua xoài cát Hoà Lộc chở đến các chợ nông thôn tiêu thụ với số lượng thấp. Đối với xoài Đài Loan, nhiều chủ vườn kêu cho các thương lái, nhà xe tải nhưng cũng không ai nhận.

nhan-nong-truong-song-hau-9145-1625738620.jpg

Vườn nhãn Ido tại nông trường sông Hậu. Ảnh: Hưng Lợi.

Hiện còn khoảng 5% diện tích xoài của nông trường đến kỳ thu hoạch (khoảng 20 tấn mỗi ha). 400 ha nhãn mới vào mua thu hoạch (khoảng 8.000 tấn) nhưng không có đầu ra, giá bán bình thường các vụ trước tại vườn 30.000- 40.000 đồng mỗi kg nay chỉ còn 7.000-9.000 đồng nhưng không ai mua.

Ông Lê Văn Suốt, 54 tuổi, cho biết gia đình trồng 13 ha nhãn Ido, trong đó 7 ha đang tới lúc thu hoạch, sản lượng hơn 100 tấn. Mỗi ngày bán nhỏ lẻ cho người dân tại các chợ địa phương vài trăm kg. "Với giá này, mỗi kg nhãn, nông dân ở đây lỗ 3.000-5.000 đồng. Còn nếu không tiêu thụ được coi như mỗi ha trồng nhãn mất trắng 70-90 triệu đồng", ông nói.

Rau Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng khi các chợ nông sản đầu mối tại TP HCM dừng hoạt động. Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã rau thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt) cho biết, vừa xây dựng xong App mua nông sản trực tuyến để đối phó với dịch bệnh những tháng qua. Nhưng khi các nơi phong tỏa diện rộng, một số điểm tập kết nằm trong khu bị phong tỏa, anh sẽ phải vận chuyển đi nơi khác. Rau là mặt hàng tươi, thời gian sử dụng ngắn sau khi thu hoạch nên quá trình này sẽ làm rau hư hỏng. Hợp tác xã của anh đã phải thu hẹp sản xuất trong tổng số 3 ha.

Từ đầu năm đến nay một số mảnh vườn hợp tác xã liên tục phải "nghỉ đất" vì tác động từ dịch. "Giờ các chợ đầu mối nông sản tại TP HCM đóng cửa chưa rõ ngày mở lại nên tình cảnh bi đát của người trồng rau càng nặng nề", anh nói và cho biết

Chị Thảo Nguyên (phường 11, TP Đà Lạt) cho biết, chợ đầu mối không vào được, bây giờ phải nhờ người quen dưới TP HCM đăng bán rau, củ lên mạng xã hội. "Gom đủ số lượng khoảng 2 ngày đi một đợt. So với trước giảm tới 70-80% nhưng giờ đi được chút nào hay chút đó", chị nói.

Một số nhà vườn tại Đà Lạt bị kẹt không xuất bán được hoặc chưa kịp bán liền liên hệ các nhóm thiện nguyện đến thu hoạch miễn phí rau để gửi đi TP HCM.

thu-hoach-rau-4842-1625880899.jpg

Các nhóm thiện nguyện xin rau ở các vườn sau đó gửi về TP HCM hỗ trợ người dân vùng dịch. Ảnh: Khánh Hương

Nhiều nhà vườn tại Đà Lạt hiện bỏ trống đất để đợi qua đợt dịch được đánh giá sẽ kéo dài này. Chỉ khoảng 30% diện tích rau còn sản xuất theo kiểu cầm chừng.

"Có một số thời điểm giá rau tăng cao nhưng số lượng trên rất ít so với cả lứa trồng nên giờ không nhiều nông dân dám liều mà xuống giống. Bất đắc dĩ mà phải để vườn nghỉ ngơi", anh Dũng, chủ trang trại rộng hơn 2 ha chuyên trồng các loại rau xà lách tại Đà Lạt nói.

Cơ quan chức năng các địa phương đang kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và gấp rút kết nối, tìm đường tiêu thụ cho nông sản.

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng và việc phân phối trên các sàn thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nơi hiện có hàng nghìn ha xoài, măng, chôm chôm, cam, quýt, nhãn, xoài, sầu riêng đang cho thu hoạch..., cho biết, đang tìm phương án an toàn để nối lại việc cung ứng các mặt hàng nông sản cho thị trường TP HCM. Đơn vị này cũng đang kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, trước mắt là trái nhãn. Đồng thời, ông kêu gọi cộng đồng, hệ thống chính trị chung tay tiêu thụ giúp bà con nông dân.

Sáng 7/7, Sở Công thương Đồng Tháp, tổ chức hội nghị trực tuyến công bố các chương trình ứng dụng thương mại điện tử giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp. Ngoài website chuyên về nông sản, đặc sản Đồng Tháp, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh này còn kết nối hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường bán hàng trực tuyến, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ livestream bán hàng, xây dựng thông tin, website, quản trị bán hàng đa kênh...

 

Nguồn: Theo vnexpress.net

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.