Phập phù cây sắn

Sau thời gian sắn không ngừng tăng tốc, "vượt rào" quy hoạch, gần đây Bình Định đã khống chế được đà tiến của cây sắn, song lại đang chật vật với bệnh khảm lá.

LTS: Canh tác "ăn xổi", thiếu bền vững; thiếu liên kết sản xuất chặt chẽ; nông dân chạy theo tín hiệu ngắn hạn của thị trường; bệnh khảm lá hoành hành... Số phận cây sắn luôn tiềm ẩn những rủi ro, phập phù.

Chặn đà "vượt rào" quy hoạch
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, định hướng đến năm 2030, tỉnh này sẽ phát triển ổn định 11.000 ha sắn. Tuy nhiên đến năm 2018, diện tích sắn của tỉnh đã vượt lên trên 13.000 ha. Nguyên nhân khiến diện tích sắn ở Bình Định tăng mạnh, sớm “vượt rào” quy hoạch là do loại cây này dễ trồng, chi phí đầu tư ít. Nếu sắn nguyên liệu hàm lượng tinh bột đạt 30% có giá bán đứng ở mức từ 2.000 - 2.800 đ/kg thì người trồng có lãi hàng chục triệu đồng/ha.

s.jpeg

Những năm trước đây, diện tích cây sắn ở Bình Định tăng vùn vụt, nhưng đến nay đã giảm dần. Ảnh: V.Đ.T.

Thế nhưng những năm gần đây, dù giá sắn nguyên liệu ổn định từ 2.000 - 2.800 đ/kg, nhưng do năng suất cây sắn trên địa bàn Bình Định giảm mạnh, lại thêm bệnh khảm lá hoành hành nên nông dân ngày càng quay lưng với cây sắn. Thêm vào đó, nhiều địa phương đã phủ kín hệ thống thủy lợi, khi đã có nước tưới, nông dân lập tức chuyển những diện tích trồng sắn sang trồng các loại cây trồng cạn khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như đậu phộng (lạc) và bắp (ngô).

Ví như ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định), nơi trước đây có đến 200 ha sắn thì hiện chỉ còn khoảng 100 ha. Riêng ở HTX Nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang), vùng đất trước đây có đến 100 ha sắn hiện chỉ còn khoảng 30ha. Nhiều diện tích trồng sắn nay đã được thay thay thế bằng cây đậu phộng và bắp.

Theo ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang, trước khi trên địa bàn có kênh tưới Thượng Sơn, HTX Thượng Giang có nhiều diện tích đất nông nghiệp thiếu nước tưới, nông dân không biết trồng cây gì ngoài cây sắn và cây mía. Đến khi Công ty Cổ phần Đường Bình Định dừng hoạt động, diện tích sắn càng tăng cao do nông dân đồng loạt phá bỏ mía để trồng sắn.

2-0925_20220222_484-165017.jpeg

Hiện nhiều diện tích chuyên canh sắn đã được chuyển sang cây đậu phụng, hoặc trồng xen. Ảnh: V.Đ.T.

“Có thời điểm, diện tích sắn trên địa bàn tăng đến 100 ha, thế nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 ha. Nguyên nhân diện tích sắn giảm mạnh là do mấy năm gần đây cây sắn mất mùa liên tục, năng suất bình quân chỉ từ 10 - 10,4 tấn/ha. Giá sắn vụ vừa rồi 2.000 đ/kg, tăng so với trước đây, nhưng do năng suất thấp nên 1 sào (500m2) sắn nông dân chỉ thu nhập khoảng 1 triệu đồng, tiền bán sắn chỉ đủ bù công chứ không lời lãi gì. Từ khi kênh tưới Thượng Sơn chạy ngang qua địa bàn, bà con đồng loạt phá sắn để trồng đậu phộng và bắp, những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Thọ cho hay.

Tại huyện Phù Cát (Bình Định), nơi từng được mệnh danh là “xứ củ mì”, bởi trên đất cát không thể trồng cây gì khác ngoài cây sắn. Cây sắn là cây trồng chính của nông dân Phù Cát chỉ sau cây lúa và cây đậu phộng với diện tích canh tác hàng năm 3.500 - 3.600 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Trinh, Cát Hanh. Thế nhưng từ khi hệ thống kênh tưới của đập Lại Giang dẫn nước về, diện tích trồng sắn ở huyện Phù Cát ngày càng giảm dần, thay vào đó diện tích cây đậu phộng tăng lên.

3-0925_20220222_217-165018.jpeg

Giá sắn hiện nay cao hơn những năm trước nhưng năng suất ngày càng tụt nên nông dân không có lãi. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Phù Cát chỉ còn 2.500 ha sắn. Trong đó, nhiều nhất là xã Cát Hiệp với 870 ha, tiếp đến là xã Cát Lâm với 432 ha, xã Cát Trinh 406 ha, xã Cát Hanh 360 ha, Cát Sơn và Cát Nhơn mỗi xã 150 ha, còn lại được trồng rải rác tại các xã khác. Diện tích sắn nói trên, đã giảm đến hơn 1.000 ha so với những năm trước”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, nếu như năm 2018, diện tích sắn ở Bình Định hơn 13.000 ha thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 11.358 ha, năng suất đạt hơn 272,6 tạ/ha, sản lượng đạt gần 309,6 tấn. Đến năm 2021, diện tích sắn ở Bình Định tiếp tục giảm xuống còn 10.500 ha, năng suất giảm còn 270 tạ/ha, sản lượng còn 284,2 tấn.
Chật vật với bệnh khảm lá 

Thời gian gần đây, bệnh khảm lá tấn công diện rộng trên cây sắn ở Bình Định. Theo thống kê của ngành chức năng, trong nửa đầu của năm 2021, trên địa bàn Bình Định đã có gần 400 ha sắn bị bệnh khảm lá, tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Vân Canh và Thị xã Hoài Nhơn, trong đó có một số diện tích bị bệnh nặng.

Bệnh khảm lá ở cây sắn tại Bình Định đang lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và hom giống. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, thời gian tới, bệnh khảm lá sắn sẽ còn tiếp tục lây lan, gia tăng cả diện tích và tỷ lệ gây hại.

4-0925_20220222_619-165019.jpeg

Lá cây sắn úa vàng khi đã bị bệnh khảm lá. Ảnh: V.Đ.T.

Trong năm 2021, nông dân huyện Vân Canh trồng khoảng 600 ha sắn, trong đó có 25% diện tích bị bệnh khảm lá, diện tích sắn bị bệnh tập trung ở các xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận và Thị trấn Vân Canh. “Bệnh khảm lá trên cây sắn xuất hiện tại địa phương với tỷ lệ khá cao. Những nơi bị nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng củ. Khi hàm lượng tinh bột trong củ thấp, các nhà máy thu mua giá rẻ hơn”, ông Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh cho biết.

Theo bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Hoài Nhơn, vụ sắn năm 2021, trong số 1.800 ha sắn trồng ở địa phương này có hàng trăm ha bị bệnh khảm lá nặng, đến nỗi không phát triển nổi, nhiều diện tích bị nông dân bỏ mặc, không chăm sóc. Cũng theo bà Ức, cây sắn ở Hoài Nhơn hầu hết được trồng giống KM94 và KM196. Đây là những giống sắn bà con đã đưa vào sản xuất từ rất lâu. Ban đầu, 2 giống sắn nói trên không phát sinh bệnh khảm lá, nhưng về sau này, do giống đã thoái hóa nên bị bệnh xâm nhập. Ban đầu bệnh nhẹ, càng về sau càng tăng dần cả về diện tích nhiễm bệnh lẫn tỷ lệ gây hại.

5-0925_20220222_644-165020.jpeg

Năm 2021, có nhiều diện tích sắn bị bệnh khảm lá rất nặng, không phát triển nổi, nông dân bỏ bê, không chăm sóc. Ảnh: V.Đ.T.

Ở Bình Định, các giống sắn được nông dân trồng nhiều nhất là KM94, KM419, HLS11. Qua ghi nhận, tất cả các giống này đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá, đặc biệt là giống HLS11 bị nhiễm nặng nhất. Hiện nay, tổng diện tích sắn tại Bình Định ở cả 2 vụ đông xuân và hè thu là 10.500 ha. Những năm qua thời tiết ở Bình Định nắng nóng kéo dài, bệnh khảm lá càng làm cho cây sắn cằn cỗi, mất năng suất. Bên cạnh đó, các loại côn trùng phát triển mạnh cũng là nguyên nhân lây lan bệnh trên diện rộng. Trong khi đó, người dân lại có thói quen giâm hom cây giống cho vụ sau nên khó tiêu diệt được mầm bệnh.

Theo ngành chức năng, hiện nay cây sắn phải chung sống với bệnh khảm lá giống như con người phải chung sống với dịch bệnh Covid-19, bởi bệnh khảm lá trên cây sắn là bệnh virus, không thể chữa bệnh bằng thuốc. Để hạn chế bệnh khảm lá trên cây sắn, điều quan trọng nhất là phải khảo nghiệm các giống sắn mới để đưa vào sản xuất, hạn chế lấy giống từ những diện tích đã bị nhiễm bệnh. Trước khi xuống giống, cần phải vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt mầm bệnh.

6-0925_20220222_306-165023.jpeg

Bình Định hiện đang khảo nghiệm những giống sắn mới thay thế những giống dễ bị bệnh khảm lá. Ảnh: V.Đ.T.

“Về giải pháp phòng bệnh khảm lá sắn, ngành chức năng hướng dẫn nông dân không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn cũng như vận chuyển từ nơi khác đến. Tuyệt đối không trồng giống HLS11, bởi đây là giống sắn ngoài cơ cấu, bị nhiễm bệnh nặng.

Không lấy những cây sắn bị nhiễm bệnh để làm giống, chỉ chọn hom giống từ những ruộng sắn khỏe mạnh, sạch bệnh để trồng. Đối với diện tích sắn đã nhiễm bệnh, trong quá trình làm cỏ, bón phân cần hạn chế tạo vết thương cho cây sắn, vì virus có khả năng lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe qua các vết thương do dụng cụ làm vườn gây ra.

Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn, ví như cây cà chua, cà pháo, bầu bí, ớt… ở những vùng sắn đã bị bệnh khảm lá ít nhất 1 vụ”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định khuyến cáo.

 

Bình luận

Mít Thái 6.000 đồng/kg, chuối 5.000 đồng/kg: Giá rớt thảm, dân khốn đốn

Giá nhiều loại nông sản Việt giảm mạnh vẫn ế ẩm. Giá mít Thái, chuối chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan có giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’.

Hàng triệu tấn nông sản bí đầu ra

Nhiều loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ sắp tới.

Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ

Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.

Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Sầu riêng giảm năng suất, chất lượng do hạn mặn, cháy lá

Do ảnh hưởng mặn từ những năm trước, cộng thêm bệnh cháy lá xảy ra nhiều khiến năng suất sầu riêng chính vụ năm nay ở Vĩnh Long giảm mạnh, giá bán cũng chỉ ở mức trung bình.

Trái cây được mùa, mất giá

Trái cây được mùa nhưng hầu hết các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đều đang kém vui.

Trái măng cụt đặc sản đầu mùa giá cao nhưng sản lượng thấp

Giá măng cụt đầu mùa hiện dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa đến sớm, nhà vườn trồng măng cụt ở tỉnh Bình Dương lo thất thu vì sản lượng tụt giảm.

Nông dân "xanh mặt" vì giá thức ăn chăn nuôi lại sắp tăng

Mặc dù đã tăng giá 4 lần trong 4 tháng qua, nhưng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sắp vào đợt tăng mới, khiến người nuôi "xanh mặt".

Giúp nông dân đảm bảo lợi nhuận trong 'bão giá' vật tư nông nghiệp

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nhiều loại rau Đà Lạt tăng giá do mưa kéo dài

Do mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận tăng cao, gần gấp đôi so với thời điểm lễ 30/4 vừa qua.