Áp lực thiếu giống sắn sạch bệnh ở Tây Ninh

Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây sắn trong cả nước, với tổng diện tích trồng hằng năm đạt trên 50.000 ha.

 

giong-san-080420221.jpg

Sắn giống bị bệnh khảm lá đang được thương lái thu gom để bán lại cho người dân. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, trên 90% tổng diện tích trồng sắn bị bệnh khảm lá khiến cho sản lượng và chất lượng tinh bột của cây sắn bị giảm đáng kể. Hiện nay, việc thiếu nguồn giống sắn sạch bệnh đang là áp lực đè nặng lên đôi vai những người nông dân trồng sắn ở Tây Ninh.

Hiếm giống sắn sạch bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, hiện gia đình ông có vài chục ha đất trồng sắn. Với kinh nghiệm săn giống sắn sạch bệnh, ông Sỹ cho hay, muốn có được giống sắn bớt khảm ông phải mua giống cây sắn từ vùng ngoài, tức là từ Bà Rịa - Vũng Tàu trở ra Đắk Lắc, Buôn Mê Thuột và thậm chí ra tới tận Thanh Hóa. Còn nếu sử dụng lại giống đã canh tác qua một vụ thì bị khảm lá rất nặng, gần như mất trắng vụ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, xã An Cơ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, ông cũng chỉ mới nghe nói về giống sắn HN3, HN5 kháng được bệnh khảm, nhưng chưa tận mắt thấy được loại giống này. Hiện nay, ông vẫn phải mua các loại giống sắn trôi nổi trên thị trường để tái vụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện nhu cầu giống sắn ở tỉnh Tây Ninh rất lớn, địa phương vẫn tồn tại khoảng 80 điểm bán giống tự phát, chưa rõ nguồn gốc tại các huyện như Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu.

giong-san-0804202213.jpg

Sắn giống đang được bán tràn lan trong dân không được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Tỉnh vẫn chưa có các chế tài xử lý các điểm bán giống này, giải pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền vận động các điểm bán giống sắn không nhập các loại giống sắn từ những địa phương bị nhiễm khảm nặng và bán giống chất lượng đúng như cam kết cho người nông dân.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, không riêng cây sắn, hiện tại các cơ sở sản xuất giống về nguyên tắc phải đăng ký và phải thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, chứng minh đầu vào, đầu ra. Nhưng đối với cây sắn giống thì rất khó quản lý, bởi người dân thường đa số chủ yếu mua bán giống theo kiểu tự phát hoặc sang tay qua thương lái tại đồng sau khi thu hoạch. Hiện tại, Tây Ninh không có một cơ sở nào công bố làm giống cây sắn.

"Việc này không phải chỉ là nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, mà đây còn là nhiệm vụ của chính quyền địa phương, các đoàn thể phải vào cuộc để kiểm soát khâu kinh doanh giống. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh và Hợp tác xã Đăng Quang là 2 cơ sở đầu tiên được nhận chuyển giao giống gốc đã qua nghiên cứu, thực nghiệm và cấp phép lưu hành để nhân ra và cung cấp giống cho người trồng sắn ở Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung", ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Sống chung với dịch khảm

Để sống chung với dịch, những năm gần đây bên cạnh thay đổi phương thức sản xuất, người dân địa phương tích cực tìm những giống mới để đưa vào canh tác. Tuy nhiên, để có được giống khảm nhẹ đảm bảo năng suất, người dân trải qua rất nhiều khó khăn, còn giống hoàn toàn sạch bệnh thì không thể tiếp cận.

giong-san-08042022.jpg

Đồng sắn vừa trồng đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Ông Trần Văn Thành, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, gia đình ông có hơn 3 ha trồng sắn canh tác được hơn 20 năm. Theo ông Thành, trước đây bà con chủ yếu canh tác các loại giống sắn truyền thống tại địa phương, trung bình mỗi ha đạt năng suất trên 50 tấn/ha. Thế nhưng từ khi xuất hiện bệnh khảm lá trên cây sắn năng suất chỉ đạt 25-28 tấn/ha và trữ lượng tinh bột trong củ sắn cũng giảm từ 5-7 chữ bột, khiến người trồng sắn tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Thành, vụ sắn vừa qua, gia đình ông đã chọn giống KM 05, mặc dù vẫn bị khảm nhẹ, tuy nhiên, năng suất vẫn đạt 35 - 40 tấn/ha, đạt từ 27 - 29/30 thang chữ bột. Nếu như trước đây giá sắn chỉ dao động 2.500 đồng/kg thì  vụ vừa qua giá sắn đã phục hồi với giá từ 3.300 – 3.500 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha.
 
Tương tự anh Trần Minh Kha, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng đang chật vật xoay sở với 3 ha sắn của gia đình đang đổ bệnh vì khảm. Theo anh Kha, cây sắn đã gắn bó xuyên suốt với hầu hết người dân tại địa phương, dù bị khảm nhưng loại cây này vẫn cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác như mía, ngô, nên bà con vẫn gắn bó với cây sắn bất chấp dịch bệnh.

Tìm nhiều loại giống thay thế

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, thời gian vừa qua đơn vị này đã tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị  như Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc Đồng Nai, Viện Di truyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục thực hiện các đề tài, dự án để tìm ra những bộ giống mới thích ứng vùng đất Tây Ninh và kháng được bệnh khảm có năng suất và chữ bột tốt nhất.

Điển hình như năm 2021, Viện di truyền cũng đã phối hợp các ngành nông nghiệp địa phương tìm ra được 2 giống HN3, HN5 cơ bản kháng được bệnh khảm. Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện để tiếp tục theo dõi, đánh giá tính ổn định và khắc phục những tồn tại hạn chế nên nhân giống vẫn còn chậm.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhận định, hiện hai giống HN3, HN5 mới chỉ nhân giống được khoảng trên 50 ha, khả năng cung cấp giống chỉ chiếm 1% so với tổng diện tích trồng sắn là con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân.

Ông Hà Thanh Tùng cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ nhân giống, bên cạnh 50 ha sắn giống đang nhân bản theo cách truyền thống, Trung tâm phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện nhân giống trong nhà màng. Theo đó, hiện xây dựng nhà màng đã hoàn tất và chuẩn bị đưa vào vận hành, trung bình 1 nhà màng, chỉ cần 50 bó mì giống sẽ nhân ra được 50 ha cây mì giống, hiện với 4 nhà màng tương đương gần 200 ha giống.

Song song đó, năm 2022, Trung tâm khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Xuân Lộc tìm kiếm những bộ giống mới có triển vọng kháng được bệnh khảm để bổ sung nguồn giống.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã có rất nhiều các nỗ lực để khống chế dịch bệnh, nhưng dịch vẫn lây lan mạnh, đến nay gần như khắp cả nước, đặc ra những thách thức rất lớn trong vấn đề sản xuất sắn của Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Trước tình hình đó, sở đã tích cực phối hợp nghiên cứu với các nhà khoa học đi sưu tập những giống tốt qua các Viện nghiên cứu sắn, sưu tập những giống sắn khắp cả nước, thậm chí nước ngoài về trồng thử, trồng chung với cây sắn bệnh để xem  giống nào có khả năng chống chịu bệnh tốt, kết hợp phân tích AND tìm ra được những ren kháng bệnh để lai tạo.

Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã có gần 10 giống sắn triển vọng, nhất là 2 loại giống HN3 và HN5 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép trồng đại trà tại khu vực Đông Nam bộ. Đây là tín hiệu mừng và không dừng lại đó, sở sẽ tiếp tục tìm ra những giống mới, xây dựng những bộ giống để ít nhất có từ 5 - 7 bộ giống cho năng suất cao và chống được khảm lá. Tuy nhiên, không thể nóng vội, phải khảo sát kỹ xem nó phải phù hợp với từng loại đất và khả năng kháng các bệnh khác như chổi rồng, thối củ, xì mủ ở thân hay không.

Hiện nay, diện tích đất trồng sắn tại Tây Ninh hằng năm đạt trên 50 nghìn ha, với năng suất đạt bình quân 31,7 tấn/ha, sản lượng trung bình khoảng 1,7 triệu tấn/năm, được trồng hầu hết tại 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, tập trung nhiều tại 4 huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu, với các loại giống sắn được trồng chủ yếu là KM 419, KM 94, KM 140, KM 505.

 

Nguồn: Theo báo Tin tức

Bình luận

Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự

Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.

Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn

Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...

Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao

Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Tà Mung vàng ruộm mùa ngô

Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.

Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ

Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.

Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô

Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho

Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong

Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.

Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha

Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.

Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới

Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.