Bứt phá chăn nuôi đại gia súc từ lai hóa đàn bò

Quảng Trị đã và đang tạo sức bật mới cho chăn nuôi đại gia súc bằng việc ưu tiên nguồn lực để việc lai hóa, cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt.

Hiệu quả gấp 2 lần 
Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh Quảng Trị có hơn 55.650 con, tỷ lệ bò lai Zebu trên 60% tổng đàn. Để đạt được kết quả trên, trong nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt.

b1.png

Nhờ lai hóa đàn bò, hiệu quả kinh tế đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với chăn nuôi bò địa phương như trước đây. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Thực hiện Nghị quyết 03/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó bò là đối tượng con nuôi được quan tâm hỗ trợ đầu tư, đặc biệt ưu tiên phát triển đàn bò lai. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò, hàng năm, tỷ lệ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt trên 100%. Năm 2021, chương trình cải tạo đàn bò đã phối thành công 10.200 con bò (trong đó hơn 5.900 con sử dụng tinh bò Zebu; 4.300 con sử dụng tinh bò chuyên thịt).

Nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò sử dụng tinh bò Zebu, tỷ lệ đàn bò lai tăng lên từng năm, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 20 - 25 kg, bê khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường, sinh trưởng phát triển nhanh, bê dễ nuôi, dễ ăn, lớn nhanh, nuôi đến 12 tháng tuổi đạt từ 230 – 250 kg với giá bán khoảng 21 – 25 triệu đồng, cao hơn bò vàng địa phương từ 10 – 12 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần. Như vậy, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò, ước tính nguồn thu hàng năm từ chương trình hơn 115 tỷ đồng.

b2.jpeg

Thế hệ bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò đã "lột xác" về tầm vóc, khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Thông qua chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, cho thấy nhu cầu chăn nuôi bò chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 25 – 31 kg/con, ưu thế lai vượt trội, sinh trưởng phát triển nhanh, trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 270 - 300 kg, với giá bán từ 25 – 30 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò lai Zebu. Như vậy, ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, ước tính nguồn thu khoảng 83 tỷ đồng/năm.

Tạo đột phá với bò lai chuyên thịt
Gia đình bà Trần Thị Diễn, thôn Nam Hùng, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh gắn bó với nghề chăn nuôi bò đã nhiều năm nay. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên gia đình bà thực hiện phối giống bằng tinh bò 3B, một trong các giống bò nhóm chuyên thịt chất lượng cao. Bê lai F1 được sinh ra trên nền bò cái lai Zebu với tinh bò 3B nhập ngoại.

“Trước đây gia đình tôi nuôi bò cỏ, bò đẻ nhiều nhưng con nhỏ, sau đó chuyển sang nuôi bò lai, rồi nghe bò 3B nhanh lớn nên chuyển sang thụ tinh giống bò 3B. Đây là giống bò thịt dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, cơ bắp phát triển, nổi rõ nhất phần cơ mông, ngoại hình đẹp, bê sinh ra sau 7 tháng nuôi trọng lượng đã bằng bò lai Sind 1 năm tuổi", bà Diễn tấm tắc khen.  

Theo ông Nguyễn Hoàng, dẫn tinh viên xã Phong Bình, huyện Gio Linh, bò chuyên thịt được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng bởi tầm vóc to lớn, khả năng tăng trưởng nhanh. 

b3.jpeg

Sự đầu tư kịp thời về nguồn lực cho thụ tinh nhân tạo đã giúp Quảng Trị nhanh chóng bứt phá về chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp Quảng Trị, năm 2022, tổng đàn bò của tỉnh đạt 60.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai đạt trên 63%. Trung tâm Khuyến nông tỉnh dự kiến số lượng bò cái phối giống là 10.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng. Trong đó, sử dụng tinh nhóm bò Zebu là 3.500 con, tinh ngoại nhập là 6.500 con.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bò sinh ra từ tinh bò chuyên thịt được các thương lái tìm mua vì đây là giống bò có tỷ lệ thịt xẻ cao, xấp xỉ 70%, thịt thơm ngon nên đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Với sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò, trong đó cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt tạo ra con lai hướng thịt có năng suất và chất lượng cao. Từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển chăn nuôi bò thịt mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị của sản phẩm chăn nuôi cũng như khai thác tốt tiềm năng sẵn có tại các địa phương.

Ông Trần Đình Quốc Lĩnh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết: Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như UBND huyện Gio Linh, chương trình Zebu hóa đàn bò đã thu được một số kết quả tích cực.

Từ chương trình Zebu hóa đàn bò, đã nâng tỉ lệ Zebu trên đàn bò của huyện từ 26,3% lên 61% hiện nay. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền rộng khắp chương trình này trên địa bàn toàn huyện để tăng nhận thức của bà con về vai trò quan trọng của việc lai cải tạo đàn bò. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện hỗ trợ xây dựng chương trình này để nâng cao hiệu quả kinh tế hộ". 

b4.png

Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc lai hóa đàn bò trong thời gian tới. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò, việc cải tạo chất lượng con giống thông qua chương trình Zebu hóa đàn bò theo hướng chuyên thịt là hết sức cần thiết. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai chương trình cải tạo đàn bò, bằng cách sử dụng tinh của các giống bò chuyên thịt nhập ngoại lai tạo trên nền bò cái lai Zebu chọn lọc, có tỷ lệ lai đạt từ 50% trở lên. Qua đó, tạo ra con F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh cho các hộ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền cho bà con chăm sóc tốt đàn bò, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thâm canh cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho bò. Từ đó nâng cao tỷ trọng, giá trị chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả.

Gia đình anh Lê Văn Hoàn, thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh gắn bó với nghề chăn nuôi bò đã nhiều năm nay, hiện tại gia đình anh có tổng đàn bò 12 con. Đàn bò gia đình anh được phối giống bằng bằng tinh bò 3B do chương trình cải tạo đàn bò của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện.

Anh Hoàn đánh giá: Bê 3B này lúc mới sinh trọng lượng đã lớn hơn các giống bò khác. Chúng phàm ăn hơn, tốc độ lớn nhanh hơn. Dù điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt vẫn chống chịu rất tốt. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng bò 3B đã đạt khoảng 1,4 tạ, nặng hơn nhiều lần so với bò lai bình thường (chỉ khoảng 35 kg). 

Ông Lê Văn, thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, một hộ đang chăn nuôi bò chuyên thịt cho biết: Cùng điều kiện chăm sóc, nhưng so với bò địa phương, bò lai các giống bò chuyên thịt dễ nuôi, khả năng sử dụng thức ăn tốt, sức đề kháng cao, ít bị bệnh.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh, bò chuyên thịt được các thương lái tìm mua vì đây là giống bò có tỷ lệ thịt xẻ cao, tỷ lệ thịt xẻ bò 3B cao đạt hơn 60 %, trong khi các giống bò khác chỉ đạt từ 38 – 40%. Thịt bò 3B cũng thơm ngon, mềm, ngọt nên đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường. Một con bò 3B chăm sóc tốt có thể nói bằng 3 con bò cỏ mình", ông Văn phấn khởi.

 

Bình luận

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Giống gà quý chuyên ngủ trên cây

Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.

Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao

Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg

Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.

Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.

Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn

Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.

Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.