Các địa phương của Hà Nội cần chủ động chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực nông nghiệp, không ít nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp... có tâm lý thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng chờ trạng thái bình thường mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, các địa phương cần chủ động có những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

nn-ha-noi-4.jpg


8 tháng của năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường.

Tăng trưởng trong bộn bề khó khăn

- 8 tháng của năm 2021, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt được nhiều tín hiệu khả quan, góp phần duy trì ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Thủ đô, ông có thể cho biết kết quả cụ thể?

- Đúng vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì ổn định sản xuất.

Diện tích sản xuất rau màu các loại 8 tháng qua đã lên tới 28.454ha, cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 520.000 tấn rau màu các loại. Chăn nuôi không phát sinh dịch bệnh lớn; đàn trâu hiện có 27.200 con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò 130.400 con (tăng 0,6%); đàn gia cầm 39,8 triệu con (tăng 0,4%)... Chăn nuôi lợn phục hồi nhanh, thời điểm hiện tại, tổng đàn đã lên tới 1,37 triệu con (tăng 12,3%) sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 145.600 tấn (tăng 4,1%).

Tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản cũng rất đáng ghi nhận, tính chung 8 tháng năm 2021, sản lượng đạt khoảng 73.800 tấn (tăng 2,9%), trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 72.700 tấn (tăng 3%).

Nông nghiệp Thủ đô đã góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

- Kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận nhưng với lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước, thưa ông?

- Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động lưu thông, phân phối gây không ít khó khăn. Một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến thời điểm thu hoạch không thể mang ra thị trường; thêm nữa, nhiều sản phẩm nông nghiệp còn ở dạng thô, khó cho việc tiêu thụ số lượng lớn như cá, gà, vịt, ếch...

Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá bán sản phẩm bấp bênh cũng như những biến động bất lợi từ thiên tai, dịch bệnh khiến người dân chưa yên tâm đẩy mạnh sản xuất. 

Mặt khác, giá vật tư đầu vào, nhân công lao động không ổn định và luôn có xu hướng tăng làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế... Điển hình như giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi... đã tăng từ 20% đến 50% trong thời gian vừa qua khiến giá thành sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp tăng tới 30-40%.

Cùng với đó là nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết. Trong khi đó, việc tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm phải dừng hoặc lùi thời gian vì một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.

Khó khăn, thách thức rất lớn ở phía trước, nếu như không có hỗ trợ kịp thời của thành phố và các địa phương, ngành Nông nghiệp khó có thể hoàn thành nhiệm vụ là "bệ đỡ" vững vàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kế sinh nhai cho hàng triệu nông dân.

Hỗ trợ, kết nối tạo động lực phát triển

nn-ha-noi-3.jpg

- Hỗ trợ, tạo động lực cho ngành Nông nghiệp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Hà Nội trong mọi hoàn cảnh là hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Vậy ngành Nông nghiệp đã có đề xuất gì với thành phố?  

- Mới đây, ngành Nông nghiệp đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội bổ sung kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2021.

Theo đó, ngành đề xuất thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ đông theo hướng hàng hóa cho cây ngô, đậu tương, khoai tây như hỗ trợ giống, bảo vệ thực vật, chi phí làm đất... với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố giao về các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị thành phố cho phép các huyện mở rộng tối đa diện tích nhóm cây này (các loại cây này có năng suất cao vừa làm lương thực, thực phẩm vừa là nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, thời gian bảo quản lâu, thị trường dồi dào) và sử dụng ngân sách của quận, huyện để hỗ trợ theo mức hỗ trợ của thành phố.

Hai là đề xuất hỗ trợ sản xuất rau vụ đông đảm bảo an toàn thực phẩm như sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, dùng màng che phủ vải không dệt... Thành phố đã phê duyệt nội dung này để Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện, tuy nhiên diện tích chưa nhiều, do vậy, cần cho phép các quận, huyện mở rộng diện tích bằng ngân sách địa phương.

Ba là hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường khu giết mổ, các trang trại; hỗ trợ chế phẩm xử lý môi trường, chế phẩm sinh học cho các vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi sinh học; hỗ trợ chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Với các mô hình điểm của thành phố, rất cần có sự hỗ trợ để nhân rộng ra các địa phương, vừa xây dựng mô hình sản xuất an toàn, vừa thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững.

- Đối với phân phối, lưu thông, tiêu thụ, trong tình hình hiện nay, theo ông thành phố cần có những chính sách hỗ trợ gì để nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh nhất?

- Thực tế cho thấy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cung ứng nông sản, nhất là các loại rau xanh, thịt tươi sống... tại các "vùng đỏ" gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, các "vùng xanh" có lượng nông sản dồi dào, cung và cầu chưa được tạo điều kiện thuận lợi để gặp nhau.

Ngoài việc bán hàng tại các kênh quen thuộc như chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị, chợ dân sinh... thì việc kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội đoàn thể (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên...) dù là giải pháp tình thế nhưng mang lại hiệu quả cao trong thực tế: Kết nối từ nơi sản xuất tới người tiêu dùng nhanh, sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch ở các khu dân cư.

Qua sự hỗ trợ này, đã có hàng trăm tấn nông sản của các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Mê Linh, Hoài Đức được tiêu thụ nhanh chóng. Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh còn những diễn biến phức tạp thì hình thức hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản này cần được duy trì và nhân rộng.

Mặt khác, trong những năm qua, các huyện sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chương trình hợp tác rất hiệu quả, có mối quan hệ khăng khít trong nhiều hoạt động với các quận. Do vậy, với chương trình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, chính quyền cấp huyện cần chủ động phối hợp với chính quyền cấp quận để thiết lập mối quan hệ giữa ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 giữa các địa phương để hỗ trợ nhau công tác hậu cần chống dịch.

Chính quyền cấp huyện kết nối các cơ sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp tới chính quyền cấp quận để các quận kết nối với hệ thống phân phối trên địa bàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong đô thị, trong các khu công nghiệp. 

Đó là giải pháp quan trọng để ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp tại phân vùng 2 và 3 cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho phân vùng 1 và tại phân vùng 1 mở rộng sản xuất hết diện tích nông nghiệp trên địa bàn.

Các quận, huyện cần sáng tạo xây dựng các mô hình kết nối chặt chẽ, hình thành các chuỗi sản xuất cung cấp sản phẩm nông nghiệp bền chặt để tiếp tục phát triển lâu dài, hiệu quả sau dịch.

Cùng với đó là huy động sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn Hà Nội thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND, góp phần ổn định đời sống cho người dân tại vùng 2, vùng 3 và cung cấp đủ sản phẩm nông nghiệp phục vụ tiêu dùng của người dân các quận thuộc vùng 1.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc

Bình luận

Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Những con đập từ sức dân

Để chủ động ứng phó hạn - mặn, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương ở Bến Tre xây dựng những con đập tạm trên sông, rạch rất hiệu quả.

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trái ngọt trên vùng đất nghèo

Những rừng cây ăn quả trĩu nặng thay thế cho cây keo, cây mì kém hiệu quả đã tạo nên vựa cây ăn quả bề thế giữa núi rừng đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Người Khmer vượt khó, làm giàu

Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên “đất trăm nghề”

Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là “chiêm khê, mùa úng” gặp không ít khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế làng nghề ở Minh Khai

Với vị trí địa lý thuận lợi ven đô, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) rất nhạy bén trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ phú nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Khi có của ăn của để, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở TP.HCM đã dốc hầu bao xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh xây dựng mô hình vườn mẫu NTM

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.