Chăn nuôi gia cầm hồi phục, thị trường gà giống ấm lại

Sau thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện người chăn nuôi gia cầm đã hồi phục sản xuất. Theo đó, thị trường gà giống ấm lại.

Qua cơn bĩ cực

Từ giữa năm 2021, các doanh nghiệp chuyên sản xuất gà giống thương phẩm trên địa bàn Bình Định gần như ngưng trệ hoạt động. Ở Bình Định có 2 doanh nghiệp sản xuất giống gà ta nức tiếng cả nước, đó là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (viết tắt là Công ty Minh Dư) ở huyện Tuy Phước và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (viết tắt là Công ty Cao Khanh) ở huyện Phù Cát.

1-1050_20220221_924-165808.jpeg

Đàn gà bố mẹ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty Minh Dư có nhiều cơ sở sản xuất nằm ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) và xã Nhơn Tân (Thị xã An Nhơn) với quy mô diện tích trên 150 ha, có hệ thống chăn nuôi, ấp trứng theo công nghệ hiện đại Châu Âu. Bình quân mỗi năm, Công ty Minh Dư cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước, vươn lên trở thành 1 trong 4 doanh nghiệp gà lông màu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu về giống gà thả vườn. Còn Công ty Cao Khanh hàng năm sản xuất, cung ứng cho thị trường khoảng 35 - 40 triệu con gà giống.

Ấy vậy mà trong giai đoạn từ giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 hoành hành, khắp nơi áp dụng giãn cách xã hội, gà thịt không tiêu thụ được, đầu ra của gà giống cũng “tắc tị” theo, bởi không ai còn lòng dạ nào mua giống về thả nuôi trong khi thị trường “đóng băng”.

Theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cao Khanh, trong quãng thời gian ấy, sản lượng gà giống của công ty cung cấp ra thị trưởng giảm mạnh đến 90%. Giá gà giống vào thời điểm ấy cũng thấp tịt, chỉ 5.000 - 6.000 đ/con 1 ngày tuổi, tiền thu vào không đủ trả tiền vận chuyển. Sản phẩm không bán được, trong thời gian dài, hầu hết những doanh nhiệp sản xuất gà giống lớn, nhỏ ở Bình Định đều dừng hoạt động sản xuất.

2-1050_20220221_286-165809.jpeg

Nhà máy ấp trứng của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: V.Đ.T.

Qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người chăn nuôi gia cầm trên cả nước phục hồi sản xuất mạnh mẽ. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ gà giống tăng cao, các doanh nghiệp chuyên sản xuất gà giống ở Bình Định phải hoạt động hết công suất để cung ứng cho thị trường.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, qua Tết, giá các loại gia súc, gia cầm ổn định. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ trong dịp Tết đã “ngốn” hết số lượng heo và gà thịt nên giờ trở nên khan hiếm, nên người chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Bình Định đang tăng tốc tái đàn.

Giá gà thịt hiện đứng ở mức gần 50.000 đồng/kg, riêng gà thịt nuôi giống gà ta của 2 Công ty Minh Dư và Cao Khanh có giá 58.000 - 60.000 đồng/kg. Do đó, gà giống đang được tiêu thụ mạnh, giá lại tăng cao gấp đôi so với thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Hiện gà giống 1 ngày tuổi của Công ty Minh Dư và Công ty Cao Khanh có giá bán 12.000 đồng/con.

“Thời gian qua, mặc dù các địa phương lân cận xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng Bình Định đã tiếp tục khống chế được dịch bệnh nên hiện nay người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn để cung ứng cho nhu cầu mạnh mẽ của thị trường”, ông Diệp cho hay.

3-1050_20220221_646-165810.jpeg

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: V.Đ.T.

Sợ không đủ gà để bán

Đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty Minh Dư. Ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty Minh Dư phấn khởi cho biết, tình hình sản xuất của Công ty đang phục hồi mạnh mẽ.

Hiện Công ty Minh dư đã nhận rất nhiều đơn hàng mua gà giống. Dù Công ty đang sở hữu tổng đàn gà giống đến 680.000 con, trong đó có 5.000 con gà cụ kỵ, 50.000 con gà ông bà và 625.000 con gà bố mẹ, mỗi năm sản xuất cả trăm triệu con gà giống nhưng ông Dư lo trong thời gian tới không cung cấp đủ con giống cho người chăn nuôi trên cả nước.

Theo giải thích của ông Lê Văn Dư, trong thời gian thị trường gà giống “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất gà giống quy mô nhỏ không trụ được trước thua lỗ, nên phải dừng sản xuất. Bây giờ, khi chăn nuôi gia cầm phục hồi, những doanh nghiệp còn trụ được trong đại dịch hiện sản xuất gà giống không kịp để cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

4-1050_20220221_100-165812.jpeg

Gà thịt trên thị trường đang hút hàng. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm 2021 là năm thảm hại của ngành sản xuất gà giống, thế nhưng công ty chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và phát triển đàn gà ông bà, bố mẹ. Nhờ đó, khi thị trường gà giống ấm lại, chúng tôi tổ chức sản xuất hết công suất để cung ứng cho các đơn hàng mà công ty đã nhận. Hiện gà giống của công ty đang cháy hàng, giá cũng tốt dần”, ông Lê Văn Dư chia sẻ.

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cao Khanh cho biết thêm: Hiện hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã dần hồi phục, mặc dù sản lượng cung ứng ra thị trường mới chỉ đạt 70% so với những năm trước đây, thế nhưng đây là tín hiệu vui sau thời gian dài bế tắc.

Hiện nay thị trường khắp cả nước đều có nhu cầu về gà thịt. Bởi, trong nửa sau của năm 2021 người chăn nuôi gia cầm các địa phương đều treo chuồng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến gà thịt không tiêu thụ được, thêm vào đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên không ai còn muốn nuôi. Qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng gà thịt ít ỏi còn lại đã tiêu thụ hết, nên giờ thị trường khắp nơi đều hút hàng gà thịt. Đây là động lực lớn để người chăn nuôi tái đàn gà mạnh mẽ.

5-1050_20220221_857-165814.jpeg

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang sản xuất hết công suất để kịp cung ứng cho nhu cầu gà giống của thị trường hiện nay. Ảnh: V.Đ.T.

Trong bối cảnh khởi sắc, Công ty Cao Khanh đẩy mạnh liên kết sản xuất gà thịt với các trang trại, gia trại trên cả nước với số lượng 500.000 con. Công ty Cao Khanh cung ứng cho các đối tác toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi trong suốt lứa nuôi. Hộ nhận nuôi gia công chỉ cần có chuồng trại và công chăm sóc. Trang trại ít nhất nhận nuôi khoảng 10.000 con, trang trại có cơ sở hạ tầng quy mô lớn hơn thì nhận nuôi từ 30.000 đến 50.000 con. Sau khi xuất bán lứa gà, trang trại nhận nuôi gia công được doanh nghiệp trả tiền công chăm sóc cộng với tiền thưởng nếu quản lý, chăm sóc chu đáo, đàn gà phát triển tốt.

Với phương thức nuôi gia công, người nuôi có thu nhập khá mà không lo về đầu ra. Nếu thị trường biến động xấu, doanh nghiệp dù lỗ nhưng người nuôi gia công vẫn được nhận tiền công như thỏa thuận ban đầu. So sánh với những hộ nuôi nhỏ lẻ, thu nhập của hộ nuôi gà gia công cho doanh nghiệp ổn định hơn.

Theo tính toán của người chăn nuôi, nếu nuôi gia công 10.000 con gà, chỉ cần 2 vợ chồng chăm sóc là đủ. Sau mỗi lứa nuôi, hộ nuôi gia công được doanh nghiệp trả công chăm sóc 120 triệu đồng, nếu có thêm tiền thưởng thì số tiền được nhận sẽ tăng lên 140 - 150 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí điện, nước khoảng 35%, số tiền còn lại chia đều từng tháng cho 2 vợ chồng, quy ra mỗi người cũng được hơn 10 triệu đồng/tháng.

6-1050_20220221_121-165815.jpeg

Người chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn gà sau thời gian dài ngưng trệ sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.Đ.T.

“Hình thức đầu tư nuôi gia công doanh nghệp cần phải có tiềm lực kinh tế. Bởi, để đầu tư nuôi gia công 1 triệu con gà, doanh nghiệp cần phải có đến 120 tỷ đồng mới đủ vốn xoay vòng để duy trì lúc nào cũng có 1 triệu con gà trong chuồng. Các doanh nghiệp sản xuất gà giống như chúng tôi không sản xuất được thức ăn chăn nuôi, trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi đang ngất ngưởng nên giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh trên thị trường", ông Cao Văn Khanh cho biết.

"Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhất là những doanh nghiệp nước ngoài đều nuôi gà thịt, có doanh nghiệp nuôi đến hàng chục triệu con. Do không phải mua thức ăn chăn nuôi nên sản phẩm của họ có giá thành thấp, nên có thể bán gà thịt với giá thấp mà vẫn có lãi. Chúng tôi chạy theo giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp đó thì kể như công cốc”, ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cao Khanh than thở về cái khó của người chăn nuôi gà quy mô nhỏ hiện nay.

 

 

Bình luận

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Giống gà quý chuyên ngủ trên cây

Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.

Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao

Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg

Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.

Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.

Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn

Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.

Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.