Chăn nuôi "lo" hạn chế rủi ro, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường phục vụ nhu cầu dịp cuối năm, các địa phương đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; thúc đẩy việc tái đàn theo hướng an toàn.
Thanh tra Sở Nông nghiệp&PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình: Tập trung làm tốt việc phòng, chống dịch hạn chế rủi ro
Tính từ đợt tăng giá đầu tiên vào cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 9 đợt. Trong khi đó, giá lợn hơi lại giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Điều này đã bào mòn lợi nhuận của người chăn nuôi lợn, nhiều hộ "mắc kẹt" vì bán rẻ thì tiếc mà giữ lại thì không kham nổi chi phí đầu vào.
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thảnh (xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn) đang nuôi 1.000 con lợn, gồm cả lợn thịt và lợn nái. Trung bình 1 tháng, đàn lợn này tiêu thụ hết khoảng 70 tấn cám. So với thời điểm này năm ngoái, hiện nay, giá mỗi bao cám trọng lượng 25kg đã tăng khoảng 100 nghìn đồng, thậm chí loại cám dành cho lợn con tăng tới 150 nghìn đồng/bao. Điều này kéo theo chi phí chăn nuôi mỗi tháng của trang trại tăng thêm khoảng 300 triệu đồng.
Anh Thảnh chia sẻ: Giá cám liên tục tăng nhưng nghịch lý là giá lợn hơi xuất chuồng lại giảm mạnh. Hiện nay chỉ còn 65 nghìn đồng/kg (thấp hơn 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Những trang trại chăn nuôi lớn như gia đình anh tự cung cấp được con giống thì còn hòa vốn, còn những hộ phải đi mua lợn giống ở ngoài thì sẽ bị lỗ.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, hiện nay chi phí cho 1 con lợn đến ngày xuất chuồng (1 tạ/con) bao gồm: tiền cám 4 triệu đồng (tăng khoảng 1,7 triệu đồng), tiền giống 1,8-2 triệu đồng, cộng với tiền điện, nước, thuốc thú y đã lên đến trên 6 triệu đồng nên giá lợn hơi bán ra phải ở mức trên 60 nghìn đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.
Do vậy, thực chất hiện nay bà con đang bán lợn thương phẩm với giá dưới giá thành, thua lỗ nhưng họ cũng không thể giữ lại nuôi vì không kham nổi chi phí đầu vào. Khó khăn quá, một số hộ chăn nuôi đã phải "treo" chuồng, có hộ thì tìm cách tự giết mổ lợn đem ra chợ bán với hy vọng kiếm chút lãi dù biết sẽ thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi để bán 1-2 con lợn/ngày không phải dễ.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi không chỉ giá cám tăng phi mã, giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi còn phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi thường xuyên rình rập, hơn nữa việc giãn cách xã hội khiến hoạt động buôn bán, vận chuyển không thuận lợi. Nông dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có những chính sách nhằm hạ thấp giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm nhập khẩu thịt lợn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và cả Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mà Việt Nam nhập khẩu đến 90% thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.
Trong khi đó, ở đầu ra sản phẩm, giá lợn hơi xuất chuồng thời gian gần đây xuống thấp là do sau một thời gian bị tác động từ dịch tả lợn châu Phi, người dân đã tập trung tái đàn nên tổng đàn lợn đã tăng trở lại, phục hồi gần bằng thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi. Hơn nữa, việc thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm và lưu thông gặp khó khăn.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn hơi xuất chuồng giảm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín để giảm các chi phí trung gian; tăng cường đối tượng vật nuôi như gia súc ăn cỏ, gia cầm để có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn trong nước như cỏ, phụ phẩm trồng trọt, giảm phụ thuộc vào thức ăn tổng hợp. Ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cần cân nhắc khi tái đàn vào thời điểm này.
Hà Nội: Tái đàn đảm bảo nguồn cung thực phẩm Tết
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường phục vụ nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh, nhất là vào dịp cuối năm 2021, cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), chủ của một trong những trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh đầu tiên của Hà Nội cho biết: Mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực, song trang trại của gia đình bà vẫn duy trì hoạt động ổn định. Sản phẩm có tem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên trung bình mỗi tháng trang trại bán ra thị trường gần 1.000 con gà thịt...
Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thông tin thêm, do thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động chăn nuôi bị ảnh hưởng nhất định, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, riêng đàn lợn đã lên tới hơn 90.000 con.
Trong khi đó, với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Ứng Hòa tiếp tục sản xuất ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, thời điểm hiện tại, hợp tác xã vẫn duy trì hơn 2.400 lợn nái và 17.000 lợn thương phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn thịt lợn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Mặc dù chăn nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với những “vùng xanh” (vùng an toàn không có dịch Covid-19), ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi vừa phòng, chống dịch, vừa gia tăng sản xuất nhằm ổn định tổng đàn. Vì vậy, đến hết tháng 8-2021, đàn bò đã lên tới 134.136 con (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020), đàn lợn đạt khoảng 1,3 triệu con (tăng 12,3%), đàn gia cầm 39,8 triệu con (tăng 0,4%)… Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.
Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa thì hoạt động lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lúc đó giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy khiến các chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm trên thị trường... Nhằm chủ động ứng phó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt "mục tiêu kép" trong chăn nuôi: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn vật nuôi ở các “vùng xanh” để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, thành phố phấn đấu duy trì đàn bò 164.000 con, đàn lợn 1,8 triệu con, đàn gia cầm khoảng 41 triệu con...
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương phát triển chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, trang trại; thúc đẩy việc tái đàn và hạn chế rủi ro từ tình trạng “dịch chồng dịch”. Cùng với đó là tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp lưu thông sản phẩm; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương để tiêu thụ qua các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi thực phẩm, các chợ đầu mối”, ông Nguyễn Huy Đăng thông tin.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm để chủ động, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người chăn nuôi cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn.
Thanh Hóa: Chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học
Năm 2018, anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh, thuê 17ha đất của xã chuyển đổi từ diện tích trồng ngô, lạc kém hiệu quả sang trồng mía. Tuy nhiên, giá thu mua mía giảm, chi phí nhân công tăng cao, nên hiệu quả kinh tế thấp. Không nản lòng, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, cùng sự khích lệ, động viên, giúp đỡ của chính quyền xã Xuân Minh, năm 2019, anh Tới đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, kết hợp trồng cây ăn quả.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh.
Trên diện tích trên, anh Tới xây dựng 5 dãy chuồng chăn nuôi gà, với tổng đàn 2 vạn con/lứa; 1 khu chuồng chăn nuôi lợn, với tổng đàn hơn 100 con và 2 ha trồng các loại cây bưởi, mít Thái... Anh Tới chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tại các khu chuồng, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát, quạt gió, hệ thống cho ăn, uống tự động; các khu chăn nuôi gà con, gà thương phẩm được phân chia để thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, anh còn chú trọng đến việc lựa chọn con giống có chất lượng, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và bảo vệ môi trường chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh. Hiện nay, trang trại của anh đang liên kết sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, nên đầu ra của sản phẩm ổn định. Mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt 2 tỷ đồng trở lên.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 25 trang trại chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng công nghệ cao, 45 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học...; trong đó, có 33 trang trại thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn; ứng dụng công nghệ cao; trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, như: lợn hướng nạc, gà lông màu... Khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... và đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi... Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp và bước đầu đã hình thành liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH Bò sữa Vinamilk; sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi của Công ty CP Nông sản Phú Gia.
Đồng thời, các xã, thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện, chuyển giao công nghệ phối giống nhân tạo cho người chăn nuôi để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cũng như chất lượng cao, như: bò lai sind, Brahman, bò Úc, trâu Mura... Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cho người dân xây dựng chuồng trại, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải hoặc làm hầm biogas nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Đi đôi với đó, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định.
Hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi cũng luôn được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn, phương tiện phục vụ chăn nuôi. Các địa phương đã phát động phong trào thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật và hỗ trợ về đầu ra của sản phẩm.
Thời gian tới, huyện Thọ Xuân phấn đấu tăng số lượng đàn, đưa các loại giống mới, phương thức chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất; phấn đấu xây dựng 1 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Theo đó, huyện sẽ tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; trong đó, đối với chăn nuôi lợn, phấn đấu có 90% các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; 90% trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, quy mô chuồng kín hiện đại, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ ELISA, PCR... Đối với chăn nuôi gà, phấn đấu có 95% các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; 85% các trang trại ứng dụng khoa học - kỹ thuật để xử lý chất thải trong chăn nuôi; sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Duy trì việc thực hiện chương trình nâng cao tầm vóc đàn bò bằng tinh bò Zebu.
Đồng thời, thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Phấn đấu 50% tổng đàn gia cầm, 30% tổng đàn lợn, 60% tổng đàn bò thịt chất lượng cao... có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp./.
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa
Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.
Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh
Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.
Giống gà quý chuyên ngủ trên cây
Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.
Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao
Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.
Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ
Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…
Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.
Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg
Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.
Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo
Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.
Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn
Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.
Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao
Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.
Bình luận