Đầu xuân, thăm những đồi chè vùng cao

Mặc dù là xứ sở của cây chè, nhưng những năm trước đây, người dân tại các địa phương trong tỉnh trồng chè chủ yếu ở vùng thấp.

Chè lên non

Gần đây, đến các xóm bản vùng cao, ta lại bắt gặp thấp thoáng trong mây những nương chè xanh mướt trải dài trên những ngọn núi xa, thực sự là những tác phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp.

Hành trình từ chân núi lên được xóm Mỏ Ba là quãng đường dài hơn 10km, dừng chân nửa chừng, nhìn xuống bên dưới, qua những đám mây trắng mỏng là cánh đồng lúa xanh mướt mải và khu trụ sở của UBND xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, (Thái Nguyên) nổi bật bởi những mái nhà màu đỏ sẫm. Tầm nhìn này tương đương với hàng chục phút đồng hồ chạy xe từ trung tâm huyện Đồng Hỷ, qua UBND xã Tân Long rồi đến Mỏ Ba - một trong các xóm nằm ở nơi cao nhất tỉnh.

1-174912_43.jpg

Chị Lý Thị Pàng, xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương thu hái lứa chè mới. Ảnh: Đồng Văn Thưởng. 

Khuất sau những cánh rừng và những tầng mây, ở đỉnh ngọn núi cao nhất, gần 1.000m so với mực nước biển, Mỏ Ba hiện có xấp xỉ 170 hộ dân, người Mông gần 100 hộ, người Kinh 12 hộ, còn lại là các dân tộc Cao Lan, Dao, Mường, Thái. Trong số đó, hộ nghèo vẫn chiếm tới hơn 50%.

Anh Dương Văn Tư, 43 tuổi, dân tộc Dao, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỏ Ba, cũng là gương làm ăn giỏi nhất xóm tâm sự rằng trước đây, gần như tất cả các hộ đều nghèo đói, nhờ có cây chè mà cuộc sống được cải thiện nhiều. Cụ thể như nhà anh Tư, năm 2010 bắt đầu xuống xã theo học các lớp về tập huấn sản xuất chè an toàn, cũng là hộ đầu tiên của xóm làm chè với diện tích lớn, hiện giờ có 2 ha.

Nhờ chè mà gia đình anh thoát nghèo và có vốn để phát triển chăn nuôi. Năm 2017, anh Tư đầu tư nuôi 150 con dê chăn thả và nhanh chóng trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện với thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Mới đây, anh Tư đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng 2 ha ba kích và đinh lăng xen với chè nhằm tìm hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mỏ Ba đã có khá nhiều hộ trồng chè, tổng diện tích chè của cả xóm trên 16 ha, đa số là chè trung du, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng chè búp khô khá cao. Gia đình bà Hoàng Thị Tân trồng chè từ năm 1990, trước đây chỉ để phục vụ gia đình và bà con trong xóm, sau này mới mở rộng diện tích để sản xuất hàng hoá.

Chè chính vụ có giá từ 120 -150 nghìn đồng/kg búp khô, chè ngon nhất có lứa lên tới gần 300 nghìn đồng. Mặc dù giao thông khó khăn nhưng chè cũng dễ tiêu thụ, người buôn vẫn đến tận nhà để thu mua.

2-175125_936.jpg

Ngôi nhà của gia đình chị Lý Thị Pàng tại xóm vùng cao Na Sàng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh phát triển cây chè trong xóm, HTX Nông nghiệp Mỏ Ba được thành lập năm 2017, hoạt động chính là sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ chè của các hộ trong xóm, các năm vừa rồi mỗi năm sản lượng đạt khoảng 15 tấn búp khô, chiếm gần 20% sản lượng chè của xã Tân Long. HTX đã được đầu tư 4 máy vò và 3 tôn quay để sao sấy chè.

Với triển vọng của cây chè, bà con Mỏ Ba tiếp tục mở rộng diện tích, dự kiến lên đến 30 ha và đưa các giống chè mới về trồng. Trong đó có nhiều hộ đồng bào Mông đã bắt đầu làm quen với cây chè và kỹ thuật trồng chè đặc sản.

Vợ làm chè, chồng làm rừng...

Nói về người Mông làm chè giỏi, phải kể đến các hộ ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Đến được Na Sàng cũng phải vượt qua những con đường núi gian nan. Xóm có chưa đầy 30 hộ dân, phần lớn là người Mông. Cây chè đã giúp tha đổi bộ mặt xóm vùng cao này, giúp nhiều hộ dân trở lên khá giả. Điển hình là các gia đình anh Hoàng Văn Bình, Bí thư chi bộ xóm và anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm.

Anh Bình kể rằng trước đây bà con chủ yếu phá rừng để trồng ngô, tự cung tự cấp, no đói đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Hơn chục năm nay, Nhà nước đẩy mạnh đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư, phân bón và dạy bà con cách làm ăn, nhờ thế các hộ đều biết sản xuất theo hướng hàng hoá, trồng rừng, trồng chè.

Cây chè có hiệu quả kinh tế hơn nên bà con đã chuyển đổi nhiều diện tích ngô sang chè. Cả xóm hiện có 7ha chè, hầu hết đều được trồng bằng giống chè lai cao sản như LDP1, TRI 777, sản lượng trên 10 tấn chè búp khô mỗi năm, giá bán trên dưới 200 nghìn đồng/kg, là nguồn thu nhập đáng kể của các hộ gia đình trong xóm.

3-175216_292.jpg

Anh Dương Văn Tư, xóm Mỏ Ba, xã Tân Long huyện Đồng Hỷ chăm sóc nương chè. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Riêng về cây chè, nhà anh Bình có hơn 6 sào, trồng và chăm bón đúng như cán bộ khuyến nông tập huấn nên năng suất khá cao. Vợ anh Bình là chị Lý Thị Pàng đã nhanh chóng nắm bắt quy trình sản xuất, chế biến chè và trở thành lao động chính.

Mỗi năm, bình quân gia đình anh Bình, chị Pàng thu hái 4 lứa chính và 4 lứa phụ, được hơn 1 tấn chè búp khô, bán tại nhà giá bình quân từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Tiền bán chè đủ phục vụ chi tiêu trong gia đình, đầu tư vào chăn nuôi và trồng 5 ha rừng keo. Gia đình anh Bình mới xây được ngôi nhà to nhất xóm, không thua kém các căn biệt thự dưới xuôi.

Gia đình anh Nhính có hơn 8 sào chè, 8 sào lúa và 7 ha rừng. Hai vợ chồng chia nhau vợ làm chè, chồng làm rừng. Hàng ngày chị Lỵ vợ anh đi làm đổi công cho các nhà trong xóm, từ làm cỏ chè đến hái chè, sao chè.

Anh Nhính tính toán rằng, nếu không làm chè sẽ không có lực để đầu tư vào rừng. Tuy là bán rừng sẽ có món tiền to nhưng cũng cần thời gian trồng và chăm bón đến năm, bảy năm mới được thu, trong khi đó cần đủ thứ vốn nào là cuốc hố, nào mua cây giống, mua phân bón, thuê người làm cỏ, phát cành..., rồi cái ăn cái mặc hàng ngày, tiền học cho con đều phải trông vào cây chè.

Ở Na Sàng, hầu hết các gia đình đều có mối quan hệ họ hàng ruột thịt, việc sản xuất theo kiểu đổi công hỗ trợ lẫn nhau, nhờ vậy các hộ làm chè ở Na Sàng luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè. Điều này kết hợp với yếu tố khí hậu má mẻ, trong lành của xóm nằm ở vùng núi cao đã tạo nên sản phẩm chè Na Sàng có chất lượng khá nổi trội, không hề thua kém các vùng chè đặc sản của xã và của huyện. 

Anh Nhính tự hào bảo rằng trước đây nói đến vùng cao là nói đến đói nghèo lạc hậu. Còn nay, nói đến vùng cao là nói đến cuộc sống thanh bình, là không khí trong lành, là những sản phẩm xanh sạch và thiên nhiên tươi đẹp hiền hoà.

Nhìn những ngôi nhà khang trang, đường xe ô tô lên tận đỉnh trời, lại nhìn trên sườn núi cao, những vạt chè xanh non đan xen với màu xanh biếc của cây rừng và màu xanh thẳm của nền trời, cảm nhận rõ về sức sống của vùng cao hôm nay.

 

Bình luận

Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự

Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.

Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn

Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...

Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao

Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Tà Mung vàng ruộm mùa ngô

Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.

Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ

Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.

Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô

Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho

Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong

Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.

Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha

Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.

Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới

Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.