Giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù, nông dân nuôi lợn cầm chừng, đại lý cám cũng "vỡ mặt"
Giá lợn hơi tiếp đà giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg trên cả nước. Tại miền Bắc, giá lợn hơi còn 67.000 - 68.000 đồng/kg, giá gà giá vịt cũng ở mức thấp. Trong khi đó, chưa đầy 1 năm giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 7 đợt...
Trong thời gian qua, giá lợn hơi tại nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm xuống 67.000 - 68.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại tỉnh Lào Cai ghi nhận giá lợn hơi "tụt dốc không phanh", xuống mức 64.000 đồng/kg.
Trái ngược với giá lợn hơi liên tục giảm thì giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao. Tính từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 7 đợt. Gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá.
Trước thực tế này, tại một số vùng chăn nuôi lợn ở miền Bắc như: Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam..., bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng buộc người nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) chỉ chăn nuôi cầm chừng. Ảnh: Minh Ngọc.
Theo thống kê của PV Dân Việt, trong lần tăng giá đầu tiên vào tháng 11/2020, giá thức ăn các loại tăng từ 120 - 260 đồng/kg. Đợt tăng giá thứ 2 (tháng 12/2020), tăng từ 140 - 375 đồng/kg.
Đầu năm nay, sau khi tăng 150 - 380 đồng/kg trong tháng 1, giá thức ăn tháng 2/2021 tăng tiếp 200 - 500 đồng/kg. Tháng 3, giá thức ăn tăng mạnh nhất với mức tăng 270 - 500 đồng/kg. Mức tăng trong tháng 4 thấp hơn một chút, từ 220 - 400 đồng/kg.
Và đến đầu tháng 5/2021, hàng loạt các "ông lớn" cung ứng thức ăn chăn nuôi như C.P, Cargill, ADM, Vina, BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam đồng loạt thông báo tới các đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, Công ty Cổ phần ABC Việt Nam có các mã sản phẩm có mức tăng cao nhất, cụ thể: mã sản xuất Baby 01 tăng 4.000 đồng/kg; Mã các sản phẩm H56A, H56S, A2A, GT1 tăng 6.000 đồng/kg.
Mặc dù chuồng trại có thể nuôi tới 300 con lợn nhưng ông Đinh Văn Mừng, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng chưa dám tăng đàn vào thời điểm hiện tại. Ảnh: Minh Ngọc.
Ông Đinh Văn Mừng, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết, ông bỏ ra 800 triệu đồng để đầu tư chuồng trại khép kín, có thể nuôi tối đa 300 con lợn. Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi vẫn "rình rập", xuất hiện lẻ tẻ, cùng với đó, từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao buộc ông Mừng vẫn chỉ dám nuôi cầm chừng.
Hiện, trang trại của ông Mừng có 37 con lợn nái, 40 lợn con và 40 lợn thịt. Mỗi ngày, đàn lợn này ăn hết 6 bao cám. Theo ông Mừng, hiện mỗi bao cám đã tăng lên 60.000 đồng so với thời điểm 6 tháng trước.
"Chuồng trại của tôi có thể nuôi tối đa 300 con nhưng do dịch tả lợn Châu phi vẫn rình rập, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng buộc tôi chỉ dám chăn nuôi dè dặt. Vừa nuôi vừa lo sợ rủi ro..." - ông Mừng chia sẻ.
Ông Mừng cho biết thêm, do gia đình ông duy trì được đàn lợn nái, nên giá lợn hơi có giảm xuống còn 68.000 đồng/kg thì vẫn có lãi. Còn đối với những hộ phải mua lợn giống ở ngoài, trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi lại giảm như hiện nay thì gần như không có lãi.
Gia đình ông Đỗ Công Anh, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng chỉ nuôi cầm chừng, với 10 lợn nái và 60 lợn con. Ảnh: Minh Ngọc.
Tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình ông Đỗ Công Anh cũng chỉ nuôi 10 con lợn nái và 60 lợn con. Trong khi đó, chuồng trại có thể nuôi tối đa 250 con lợn.
Ông An cho hay, không chỉ gia đình ông mà rất nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Lĩnh cũng đang phải tính toán, thu hẹp đàn lợn để tránh thiệt hại do dịch bệnh cũng như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
"Hiện tại, 2/3 diện tích chuồng trại của gia đình tôi vẫn phải bỏ trống. Nếu bây giờ cứ đánh liều tăng đàn thì nguy cơ thua lỗ là không tránh khỏi" - ông An nói.
Đại lý cám cũng "nợ vỡ mặt"
Không chỉ người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao mà các đại lý cung cấp cũng đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Thoan, đại lý cám ở thôn An Thái, xã Cẩm lĩnh cho biết, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên doanh số bán ra đã giảm tới 50%.
Điều đáng nói, đa phần người dân đều mua chịu tiền cám, trong khi đó ông Thoan phải cầm cố cả sổ đỏ ở ngân hàng để có tiền nhập cám từ công ty về bán.
Theo ông Thoan, để "tính lãi" đối với những hộ mua chịu tiền cám thì giá mỗi bao cám sẽ tăng thêm 20.000 đồng.
"Tổng số tiền người dân mua cám chịu lên đến gần 2 tỷ đồng mà vẫn chưa đòi được. Giá thức ăn chăn nuôi cứ tăng như hiện nay, dịch bệnh không được kiểm soát thì đến cả đại lý cám như chúng tôi cũng nợ vỡ mặt".
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên 2/3 chuồng trại của gia đình ông Đỗ Công Anh, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) vẫn bỏ trống. Ảnh: Minh Ngọc.
Người nuôi gà đứng ngồi không yên
Không chỉ những hộ dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà các hộ chăn nuôi gà ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cũng đang nghe ngóng, không dám "đánh liều" vào đàn thời điểm này.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Đình Tâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Lạc Thủy cho biết, hiện nay huyện đang có tổng đàn gà với khoảng 1,3 triệu con. Với trọng số đàn gà lớn, trong những năm qua nghề chăn nuôi gà đã mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ cho người dân ở huyện miền núi này.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, sau khi xuất bán lứa gà đợt trước và sau Tết Nguyên đán thì nhiều hộ chăn nuôi ở Lạc Thủy chưa vào đàn gà mới ngay lập tức. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng với thời tiết đang bước vào mùa nóng nên nhiều hộ dân vẫn chưa "nóng" vội vào đàn ngay. Có 1 số hộ dân cũng chỉ chăn nuôi cầm chừng, chờ giá thức ăn chăn nuôi "hạ nhiệt".
Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, giá các loại cám cho gia cầm đã tăng từ 800 đồng/kg lên 1.200 - 1.300 đồng/kg. Với tổng đàn 2,5 vạn con gà như hiện nay và giá bán trứng chỉ 1.100 đồng/quả, giá gà giống là 10.000 đồng/1 con, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước thì trung bình mỗi tháng, công ty thua lỗ hơn 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2015 đến quý 3/2020 giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung ổn định, thậm chí có thời điểm giảm. Từ tháng 10/2020, giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng (tăng 5 - 6 đợt với mức tăng 200 - 300 đồng/kg/đợt) và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình 30 - 35%. Theo ông Trọng, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu thường chiếm 80 - 85% so với giá thành sản xuất. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến không ít hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 5 - 10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại. Đến hết quý 2/2021, giá thức ăn chăn nuôi chưa có chiều hướng giảm ngay và dự kiến sẽ chỉ giảm dần hoặc bắt đầu ổn định từ tháng 7. |
Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa
Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.
Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh
Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.
Giống gà quý chuyên ngủ trên cây
Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.
Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao
Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.
Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ
Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…
Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.
Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg
Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.
Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo
Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.
Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn
Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.
Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao
Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.
Bình luận