Giá trứng tăng, nhiều hộ nuôi thở phào
Khảo sát của phóng viên tại nhiều vùng chăn nuôi ở Nam Định, Hà Nam... cho thấy giá trứng gia cầm vẫn đang neo ở mức cao, hàng khá khan. Trong khi đó, việc tiêu thụ gà thương phẩm tại các trang trại lại rất khó khăn, ế ẩm.
Giá trứng gia cầm khởi sắc
Nhờ chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, đàn vịt đẻ hơn 10.000 con của gia đình ông Mai Văn Sơn (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn khỏe mạnh, đẻ nhiều. Trứng vịt của gia đình ông đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao.
Với quy mô đàn vịt lớn, trung bình mỗi ngày gia đình ông Sơn thu về hơn 8.000 quả trứng vịt. Ông Sơn cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm giá trứng lên xuống thất thường, biến động từng ngày. Có thời điểm, giá tụt sâu, ở ngưỡng 2.000 - 2.200 đồng/quả; đầu ra lại nhỏ giọt khiến gia đình ông mất ăn mất ngủ cả tháng trời.
Ông Triệu Văn Tấn kiểm tra trứng gà trước khi xuất bán cho thương lái. Ảnh: M.C
"Hai năm trở về đây, giá gà Móng thất thường lắm. Năm ngoái có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, còn năm nay thì ế ẩm toàn tập. Hơn 3 tấn gà thương phẩm của gia đình vẫn đang tồn đọng ngoài vườn, không xuất bán được". Ông Nguyễn Văn Thắm nói.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng trở về đây, đầu ra sản phẩm đã được khai thông, giá trứng liên tục tăng giúp gia đình ông Sơn có thu nhập cao.
Ông Sơn cho hay: Thị trường đang dần ổn định nên trứng vịt của gia đình tôi đang được tiêu thụ mạnh. Hàng ngày tôi thu gom trứng đến đâu là có thương lái đến mua hết đến đó.
Theo ông Sơn, sau nhiều lần biến động, hiện nay giá trứng đã có sự điều chỉnh, đạt mức 3.000 đồng/quả. Với giá bán này, gia đình ông cũng có lãi để bù đắp vào khoản nợ ở những tháng trước. Ông Sơn hi vọng, thời gian tới giá trứng vịt luôn ổn định, nông dân có lãi để bù lại các khoản thua lỗ trước đây.
Thời điểm này, trang trại chăn nuôi gà Ai Cập siêu đẻ của gia đình ông Triệu Văn Tấn (xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) nhộn nhịp và tất bật hơn. Nhiều thương lái đổ đến thu mua trứng gà khiến chủ trang trại rất vui.
Ông Tấn cho hay, thị trường đang tiêu thụ tốt nên trứng gà xuất bán cũng nhanh, trung bình mỗi ngày trang trại của gia đình cung ứng ra thị trường 3.500 - 4.000 quả trứng với giá bán dao động 2.500 - 2.700 đồng/quả, cao hơn những tháng trước.
"Vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trang trại cũng gặp khó khăn về giá cả, đầu ra. Song thời gian này, giá trứng gia cầm bắt đầu ổn định, dần trở lại trạng thái ban đầu nên tôi và bà con cũng yên tâm hơn" - ông Tấn thổ lộ.
Người nuôi gà thua lỗ tiền tỷ
Ông Nguyễn Văn Thắm buồn rầu vì hàng nghìn con gà Móng thương phẩm đang ế. Ảnh: M.C
Trái ngược với thị trường trứng gia cầm, thời gian qua giá gà thương phẩm các loại đang có xu hướng giảm, nhất là gà lông trắng; giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg khiến người nuôi khốn đốn.
Nhiều năm qua, "Sao Thần nông" Nguyễn Văn Luật (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn chăn nuôi duy trì ổn định 4 vạn gà lông trắng. Với quy mô 6 chuồng, anh chăn nuôi theo hình thức gối vụ để đảm bảo nguồn cung ra thị trường.
Ngoài ra, anh còn liên kết với các vệ tinh trong huyện theo hình thức cung cấp thức ăn, con giống và đứng ra bao tiêu sản phẩm với tổng đàn khoảng 100.000 con gà lông trắng (gần 10 vạn).
Khi được hỏi về giá gà lông trắng, anh Luật buồn rầu nói: "Giá gà rẻ như cho nhưng vẫn khó bán. Hiện giá gà lông trắng thương phẩm ở mức thấp, dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg hơi, tình trạng này đã kéo dài gần 2 tháng nay. Với giá bán bèo bọt như hiện nay thì mỗi con gà (3kg/con) bán được, tôi chịu lỗ khoảng 40.000 đồng".
Theo anh Luật, từ đầu năm đến nay, giá gà lông trắng không ổn định, luôn duy trì ở dưới giá thành chăn nuôi. Đợt đầu tháng 5/2021, giá gà có tăng lên được gần 30.000 đồng/kg, nhưng chỉ được khoảng 1 tuần thì giá bắt đầu giảm dần từ đó cho đến giờ.
Anh Luật cho biết thêm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy; thời gian qua thị trường thức ăn chăn nuôi leo thang mạnh, tính từ tháng 10/2020 đến nay đã 9 lần tăng giá, trung bình mỗi bao 25kg tăng 70.000 - 80.000 đồng.
Giá cám dành riêng cho gà lông trắng đang ở mức 320.000 đồng/bao. Do giá thức ăn chăn nuôi cao, giá gà thương phẩm lại thấp nên những người nuôi gà như gia đình anh đang lao đao, "sống dở chết dở".
Theo anh Luật, giá gà lông trắng phải đạt tới mức 28.000 - 29.000 đồng/kg hơi thì người chăn nuôi mới hòa vốn. Còn cứ duy trì ở mức như hiện nay thì sẽ thâm hụt nặng nề. Tính từ đầu năm đến nay, gia đình anh lỗ hơn 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thắm (thôn Dưỡng Thọ, xã Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam) là 1 trong những hộ chăn nuôi gà Móng (gà đặc sản) lớn nhất tỉnh.
Gia đình ông chuyên cung cấp con giống và gà thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, gia đình ông "đứng ngồi không yên" vì giá cả, đầu ra.
Ông Thắm bảo: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh cấm phương tiện giao thông và người từ tỉnh khác vào nên hàng nghìn con gà Móng thương phẩm của gia đình vẫn đang bế tắc, phải thả rông ngoài vườn. Mỗi ngày gia đình ông vẫn tiêu tốn hết hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn gà đang nuôi "báo cô".
Ông Thắm cho biết thêm, chỉ vì đầu ra bị "đóng băng" nên hàng vạn con giống đã hơn tuần tuổi cũng không có ai mua mặc dù ông đã hạ giá sâu.
Nguồn: Theo báo Dân Việt
Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa
Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.
Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh
Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.
Giống gà quý chuyên ngủ trên cây
Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.
Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao
Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.
Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ
Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…
Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.
Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg
Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.
Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo
Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.
Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn
Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.
Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao
Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.
Bình luận