Kỳ vọng chè dây: Cơ hội hồi sinh

Cây chè dây ở An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) thực sự có cơ hội hồi sinh khi Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ dự án phục hồi và phát triển chè dây

Dự án chè dây
Theo dược sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban Quản lý dự án trồng dược liệu sạch của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR), vào tháng 10/2020, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu và BIDIPHAR phối hợp cùng UBND huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão khởi động dự án chuyển giao kỹ thuật trồng chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu của  dự án là tiến tới xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu từ cây chè dây nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn.

Dự án còn có mục tiêu nâng cao nhận thức của chính quyền, cán bộ cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương về bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa gắn với định hướng phát triển bền vững, thông qua các hoạt động của dự án lồng ghép với các hoạt động truyền thông của các hội, đoàn thể tại địa phương.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ 50.000 USD, ngân sách tỉnh Bình Định và của huyện An Lão đối ứng 25.000 USD để thực hiện việc phát triển cây dược liệu chè dây trên đất An Toàn.

“Yêu cầu của Quỹ Môi trường toàn cầu là dự án phải được giao cho hội, đoàn thể tại địa phương triển khai để người dân dễ dàng tiếp cận. Do đó, UBND huyện An Lão giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp nhận và thực hiện dự án này. Sau khi tiếp nhận dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão tổ chức tập huấn cho chị em phụ nữ xã An Toàn làm quen với việc trồng, chăm sóc và phát triển cây chè dây thông qua những mô hình được triển khai tại 3 thôn trên địa bàn xã. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Toàn hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy, UBND huyện An Lão chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến với người dân, để dự án triển khai được hanh thông”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.
Tháo gỡ vướng mắc
Dù đã chuẩn bị các bước thật kỹ càng, thế nhưng, khi triển khai đã gặp phải những vướng mắc từ tư tưởng của người dân. Bởi, trước khi dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây được triển khai, trên địa bàn xã An Toàn đã từng rầm rộ nhiều dự án khác về cây dứa và chanh dây.

Về các dự án dứa và chanh dây, bà con cũng được hỗ trợ cây giống, được hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt là được cam kết tiêu thụ sản phẩm rất bài bản. Thế nhưng đến khi thu hoạch thì không có đơn vị nào tiêu thụ sản phẩm như cam kết ban đầu. Dứa ê hề, chanh dây ê hề mà không có người thu mua, bà con phải bán rẻ sản phẩm để thu hồi vốn và công sức bỏ ra. Vậy nhưng đến cả bán rẻ bà con cũng không thể tiêu thụ hết sản phẩm. Thế là những ruộng dứa, vườn chanh dây bị bỏ mặc chẳng ai còn màng đến chuyện thu hoạch. Sau những dự án “mang con bỏ chợ” như đã kể trên, về sau này, người dân An Toàn nghe triển khai dự án mới là đều “lắc đầu, lè lưỡi”, chẳng ai màng đến chuyện dám tham gia. Dự án cây dược liệu chè dây cũng không là ngoại lệ.

che.png

Khu vực trồng chè dây theo hướng GACP-WHO của Công ty BIDIPHAR tại xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Trước tình hình trên, để triển khai dự án, chúng tôi phải phá tan lớp băng e dè trong tư tưởng người dân bản địa bằng công tác tuyên truyền. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền trực quan đến tổ chức các hội thi tìm hiểu về trồng chè dây dưới tán rừng gắn với khai thác hợp lý tài nguyên rừng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải thường xuyên gần gũi với người dân, tỉ tê chuyện trò để họ thấy ý nghĩa của dự án này. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đơn vị bao tiêu sản phẩm là Công ty BIDIPHAR đang đứng chân trên địa bàn xã, đang trồng dược liệu làm nguyên liệu chế biến dược phẩm, chính quyền địa phương cũng đã có mối liên kết với BIDIPHAR về việc tiêu thụ sản phẩm của bà con”, bà Nguyễn Thị Ái Dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão - Trưởng Ban điều hành dự án, chia sẻ.

Cũng theo bà Dân, để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão thành lập những tổ liên kết, vận động những người có uy tín tại địa phương làm nòng cốt để xây dựng những mô hình điểm. Bởi, đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số là nói thôi chưa tin, phải thấy mới tin, do đó cần có những mô hình điểm thành công họ mới làm theo.

“Hiện ở xã An Toàn đã thực hiện được 9 mô hình tại 3 thôn trong xã, mỗi mô hình trồng 2.000m2 chè dây thâm canh trên đất rẫy và 5.000m2 chè dây dưới tán rừng. Trong 2.000m2 trồng chè dây trên đất rẫy, bà con dành ra 100m2 để giâm ươm cây giống theo đúng kỹ thuật của Công ty BIDIPHAR, sau này bà con lấy đó làm nguồn giống trồng nhân rộng. Chè dây là cây bản địa nên rất dễ sống, bảo đảm nguồn giống cho bà con sau này trồng đại trà”, bà Nguyễn Thị Ái Dân cho hay.
Gian nan việc chuyển giao kỹ thuật
Sau khi tháo gỡ được vướng mắc về tư tưởng trong lòng dân, nhóm chuyên gia của dự án lại gặp khó trong việc chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái chè dây theo hướng bảo tồn cho đồng bào tham gia dự án. Nhóm chuyên gia gồm ông Hồ Quang Thạch, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định và dược sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban Quản lý Dự án trồng dược liệu sạch của BIDIPHAR là chuyên gia cấp tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Lão là chuyên gia cấp huyện; 3 trưởng thôn 1, 2, 3 của xã An Toàn là cán bộ hiện trường.

Theo ông Hồ Quang Thạch, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định - Trưởng nhóm chuyên gia, dự án này được triển khai theo nhóm hộ, mỗi thôn có 20 hộ chia thành 2 nhóm. Những hộ tham gia dự án được cung cấp giống, được tập huấn kỹ thuật trồng chè dây dưới tán rừng lẫn trồng thâm canh chè dây trên đất rẫy. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách thu hái chè dây mọc tự nhiên trong rừng đúng quy trình theo hướng bảo tồn.

Trước khi xuống giống, nhóm chuyên gia phải vận động, tuyên truyền. Nhưng việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con còn mướt mồ hôi hơn. Bởi với đồng bào dân tộc thiểu số không thể chuyển giao kỹ thuật qua những lớp tập huấn trong hội trường, mà phải hướng dẫn họ tại ruộng theo kiểu cầm tay chỉ việc. Chuyên gia phải cầm bì cây giống, đào lỗ và bỏ cây giống xuống trồng cụ thể từng động tác, sau đó họ bắt chước làm theo.

Cũng theo ông Thạch, các lớp tập huấn trong hội trường chỉ dành cho cán bộ xã để sau này họ hướng dẫn lại cho nông dân. Sau khi xuống giống, nhóm chuyên gia còn phải bám sát người dân để vận động họ bón phân, chăm sóc cho cây chè dây.

“Đồng bào họ quan niệm “cây trong rừng có cần ai chăm sóc đâu mà nó vẫn lớn ầm ầm”, do đó, họ cứ để cỏ mọc dày, phủ cả cây chè thì làm sao nó phát triển. Muốn họ chăm sóc, mình phải liên tục đi đến từng thôn vận động. Mỗi lần đi vận động phải đi vào ban đêm, ban ngày nhà ai cũng chỉ còn trẻ nhỏ, người lớn đi làm rẫy ráo trọi. Mỗi lần đi vận động phải mang theo rượu, và đương nhiên phải uống rượu thâu đêm với bà con để “nhỏ to” chuyện cây chè dây mình trồng khác với chè dây mọc tự nhiên trong rừng, chè mình trồng phải chăm sóc nó mới phát triển. Trò chuyện với đồng bào mà không uống rượu là không linh, thế nên mỗi lần đi vận động là tôi uống rượu đến đừ người”, ông Hồ Quang Thạch vui vẻ chia sẻ.

 

Bình luận

Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự

Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.

Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn

Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...

Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao

Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Tà Mung vàng ruộm mùa ngô

Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.

Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ

Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.

Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô

Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho

Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong

Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.

Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha

Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.

Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới

Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.