Nâng tầm sản vật OCOP: Biến dế mèn thành đặc sản 3 sao

Dế là loài côn trùng gắn liền với tuổi thơ của mọi người trước đây. Ngày nay, dế trở thành món khoái khẩu và nghề nuôi dế đem lại thu nhập cao cho nhiều người.

Vạn sự khởi đầu nan     
Từng là món khoái khẩu ở các vùng quê mỗi mùa xuân về, nay món dế đã được “nâng cấp” thành đặc sản nhờ hương vị thơm ngon, "độc", lạ, giàu dinh dưỡng. Ngoài dế tự nhiên, nhiều người dân Tây Ninh đã nghĩ ra cách nuôi và chế biến dế.

bien-de-men-thanh-dac-san-3-sao-090824_436-090831.jpg

Trang trại dế của anh Vĩnh đang là điểm đến của nhiều nhà nông. Ảnh: Trần Trung.

Về xã Suối Dây, huyện Tân Biên hỏi anh “Vĩnh dế” chủ cơ sở chăn nuôi và chế biến dế Vĩnh Oanh do anh Hồ Đắc Vĩnh làm chủ, ai cũng biết, bởi anh Vĩnh là một trong những người đầu tiên thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm. Hơn 2 năm trở lại đây, ngôi nhà của anh đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người muốn làm giàu từ dế cũng như thực khách trong và ngoài địa phương thích ăn món côn trùng thơm ngon, béo ngậy này.

dsc_0179-085546_621-085559.jpg

Anh Vĩnh tận dụng các phụ phẩm tại địa phương làm thức ăn cho dế. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi ra khu vực nuôi dế, cầm trên tay một chú dế đang trong thời kỳ sinh sản, nói về cơ duyên đến với con dế, Anh Vĩnh cho biết: Vốn sinh ra và lớn lên ở xứ cây mì, một trong những thức ăn ưa thích của dế, ngay từ nhỏ anh được tiếp xúc và thưởng thức những món ăn được chế biến từ dế. Có thời điểm, dế trở thành món ăn chính của dân nơi đây trong một thời gian khó. Sau này, để tăng năng suất cho cây mì, không ít người dân sử dụng phân thuốc hóa học quá mức khiến dế trong tự nhiên ngày một khan hiếm. Nhận thấy xu hướng sử dụng thực phẩm từ côn trùng như bò cạp, rết... ngày một nhiều, trong khi từ lâu dế đã trở thành đặc sản của nơi đây, sau nhiều đêm trăn trở, năm 2004, anh quyết định thử sức với nghề nuôi dế thương phẩm.

dsc_0205-085741_204-085749.jpg

Theo anh Vĩnh dế là loài côn trùng hoang dã nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Vĩnh, thời điểm anh bắt đầu nuôi dế, hầu như khắp cả nước chưa có mô hình này, mặc dù đi khắp nơi, thậm chí tìm đến các nhà khoa học nhưng anh vẫn không tìm đâu ra cuốn sách nào dạy cách nuôi dế. Để biết được tập tính của dế, cách ăn, uống, môi trường sống ra sao, suốt nhiều tháng trời anh phải ăn ngủ ngoài đồng, từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Sau khi nắm được quy luật sinh trưởng phát triển của dế, anh bắt đầu đem về để nuôi thử nghiệm.

“Riêng về chủng loại thì dế có tới 8 loại, trong đó có ba loại dế đẻ “mắn” nhất là dế cơm vàng, dế ta và dế sữa. Đặc trưng chung của các loại dế là dễ nuôi, đẻ nhanh, trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ kéo dài 22 ngày. Dế con mới nở đến lúc xuất thịt là 45 ngày, nuôi thêm 30 ngày sau là bắt đầu đẻ.... Theo kinh nghiệm thì tỷ lệ thích hợp nhất trong một chậu dế cho 60 con dế cái sẽ phải ghép 30 con dế đực... Chỉ vài tháng, đàn dế từ mấy chục con phát triển thành mấy chục ngàn con, thành công đang đến rất gần. Thế nhưng, chẳng ai biết được chữ ngờ. Khi đàn dế lên gần 50 ngàn con bỗng nhiên lăn ra chết sạch không rõ nguyên nhân. Nhìn dế chết, anh dường như chết lặng, ý định khởi nghiệp nghề nuôi dế gần như tiêu tan”, anh Vĩnh bùi ngùi nhớ lại.

dsc_0157-090219_530-090248.jpg

Dế sinh sản nhanh, trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ kéo dài 22 ngày. Ảnh: Trần Trung.

Ngập ngừng vài giây, anh Vĩnh kể tiếp, trong một lần tình cờ, đến thăm nhà một người bạn ở Gia Lai, không ngờ người bạn này cũng có sở thích nuôi dế, nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu dùng làm thức ăn cho vật nuôi, điều đáng lạ là chưa bao giờ dế ở đây xuất hiện tình trạng chết hàng loạt. Lấy lại tinh thần, anh quyết tâm ở lại để tìm ra bí quyết. Từ đây, anh nhận định dế chết là do bị “sốc môi trường”. Dế sống ở tự nhiên thưa hơn nên khi đem về nuôi trong chậu, chật chội, ngột ngạt, thức ăn cũng chỉ một loại duy nhất là lá mì nên thiếu chất, sức đề kháng yếu.

Với 1 khay trứng dế mượn từ người bạn, anh làm lại từ đầu. Theo đó, sau khi tách đàn dế muôi riêng từng loại, mật độ thưa hơn, thức ăn cũng có liều lượng, đa dạng rau cỏ, thịt... và đặc biệt dùng những chiếc rế đựng trứng để tạo “môi trường giống tự nhiên”, đàn dế bắt đầu ổn định và lớn nhanh. Đến nay, anh đã có trong tay diện tích nhà xưởng nuôi dế rộng trên 200m2, hơn 50 thùng dế các loại, mỗi thùng dế đến thời điểm bán khoảng 12kg tùy vào điều kiện thời tiết, với giá 140 nghìn đồng/kg như hiện nay, nghề này đã mang lại thu nhập cho gia đình trên 50 triệu triệu đồng/tháng.

bien-de-men-thanh-dac-san-3-sao-090921_582-090938.jpg

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Vĩnh còn chia sẽ bí quyết nuôi dế và bao tiêu sản phẩm cho nhiều bà con trong vùng. Ảnh: Trần Trung.

“Dế là con vật nhạy cảm với thời tiết giá rét, ưa sạch sẽ, bởi vậy, dế phải được nuôi bằng thùng xốp hoặc thùng gỗ, thau, khay, chậu nhựa… có nắp đậy đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát. Ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại để phòng tránh dế bay đi và mèo, chuột bắt dế. Đất dùng trong máng đẻ là đất sạch, tơi xốp, ẩm vừa phải, không dùng đất có kiến, đất bị nhiễm hóa chất độc hại... Trên cùng phủ một lớp cỏ cho dế ăn, ở, sinh trưởng phát triển và sinh sản”, anh Vĩnh bật mí.

Xây dựng thương hiệu cho dế
Theo anh Vĩnh, để nuôi dế thành công là một câu chuyện, xây dựng được thương hiệu dế như ngày hôm nay cũng cả một quá trình.  Lần đầu đến các nhà hàng, quán ăn chào... dế, ai cũng tỏ ra kinh ngạc và từ chối thẳng thừng  bởi một số người biết dế có thể ăn được nhưng dù gì chúng cũng thuộc lớp côn trùng nên nhiều người vẫn thấy “ớn” không dám ăn.

Tuy không biết thế nào là tiếp thị, marketing, nhưng lúc đó anh nghĩ: “Muốn bán được dế thì phải làm sao cho chủ nhà hàng biết món ăn từ dế”. Vào những ngày cuối tuần, anh rủ bạn bè đến nhà cùng chế biến món dế. Mỗi người mỗi ý, mỗi cách làm và tham khảo một số đầu bếp, thực đơn dế của anh đã bắt đầu đa dạng gồm: dế xào, dế chiên bột, bánh xéo dế... Món nào cũng thơm ngon và lạ miệng. Khi bắt đầu được bạn bè tấm tắc khen ngon, anh tiếp cận các nhà hàng, vừa bán dế, vừa hướng dẫn họ cách chế biến, cho mua dế trả tiền sau. Sau gần hai năm, món dế đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng.

bien-de-men-thanh-dac-san-3-sao-091403_91-091411.jpg

Dế xào xả ớt là một trong những sản phẩm dế sấy được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Trần Trung.

“Có nhiều cách chế biến dế thành món ngon như chiên giòn, chiên bột, kho tiêu, dế nướng... trong đó dế xào sả ớt rất hấp dẫn, mới nhìn thôi đã "ghiền". Tùy từng món dế, ta sẽ ướp dế với những nguyên liệu phù hợp. Nhờ đáp ứng đúng tiêu chí ngon - sạch - bổ, món dế, nhất là dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán nhậu, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo béo giòn tan khi ăn đã đưa món dế trở thành món ăn được ưa chuộng nhất trong các món về côn trùng”, anh Vĩnh chia sẻ.

Đặc biệt, ngoài xuất dế tươi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, anh còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, lò sấy để sản xuất dế thành phẩm như dế sấy sả ớt ăn liền, dế sấy bơ tỏi ăn liền, bột dế... Hiện các sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao và có mặt tại một số siêu thị trên cả nước. Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, anh Vĩnh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đánh giá mô hình nuôi dế của anh Vĩnh, bà Nguyễn Kim Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, trong khi nhiều trang trại, gia trại rơi vào cảnh điêu đứng do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì mô hình dế của anh Vĩnh vẫn đứng vững giữa “bão dịch”, thậm chí thu lời hàng trăm triệu đồng, đóng góp tích cực vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

“Cuối tháng 12/2021 vừa qua, sản phẩm dế sấy bơ tỏi ăn liền của anh Vĩnh là 1/24 sản phẩm được tỉnh Tây Ninh bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, các sản phẩm còn lại đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Có thể khẳng định nghề nuôi dế đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần làm đa dạng hoá sinh kế cho người dân. Cùng với bánh tráng Trảng Bàng, mãng cầu Bà Đen, các sản phẩm từ dế tại Tây Ninh từng bước có chỗ đứng trên thị trường, góp phần quảng bá hình ảnh các sản vật tại địa phương, hình thành nên bản đồ du lịch nông thôn gắn với từng địa điểm cụ thể”, bà Nguyễn Kim Phượng cho biết.

 

Bình luận

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Giống gà quý chuyên ngủ trên cây

Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.

Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao

Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg

Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.

Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.

Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn

Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.

Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.