Nghĩa Đô bảo tồn bản sắc văn hóa để nâng tầm NTM

Với mong muốn “biến di sản thành tài sản”, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) đã tích cực phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Tày để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững...

anh-1.jpg

Những nếp nhà sàn homestay của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô.

Với mong muốn “biến di sản thành tài sản”, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) đã tích cực phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Tày để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, đã và đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) lên tầm cao mới.

Giữ gìn bản sắc và phát triển du lịch cộng đồng

Từ trung tâm huyện Bảo Yên đi gần 30km đường trải nhựa phẳng lì,  trụ sở trạm y tế, nhà văn hoá, trường học… khang trang của xã Nghĩa Đô lần lượt hiện ra. Nhưng qua khu trung tâm là một Nghĩa Đô xanh mướt, thanh bình với những nếp nhà sàn toả khói nép dưới chân đồi cọ, nổi bật trên nền vàng óng ả của lúa chín. Dòng suối Nậm Luông hiền hoà như reo cùng nhịp điệu bản làng.  Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày còn đậm nét văn hoá truyền thống với nhiều nghi lễ, ẩm thực và trò chơi dân gian đặc sắc.

Để bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Đô đã vận động bà con đồng bào Tày giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống bằng vật liệu thân thiện với môi trường, lợp lá cọ. Đồng thời, thực hiện xây dựng nhà văn hóa thôn bản theo mẫu thiết kế chung bằng vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống nhà sàn của đồng bào Tày.

Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, cho biết: “Trong quản lý xây dựng nhà ở tại xã Nghĩa Đô, đặc biệt ở những thôn bản đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, sẽ cam kết và quy ước với cộng đồng không xây dựng nhà ở có kiến trúc khác không phải nhà sàn. Nghiên cứu đề xuất với huyện, tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vận động bà con bảo tồn nhà sàn”.

anh-2.jpg

Người dân cùng nhau tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, xã Nghĩa Đô đã thực hiện ngày hội phục dựng các nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian của đồng bào Tày, tạo sân chơi, tạo không khí phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới như: Nghi lễ gánh nước thiêng là một nghi lễ dân gian mang bản sắc văn hóa, sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên. Duy trì Câu lạc bộ bắn nỏ, làm nỏ đẹp và tổ chức các giải thi bắn nỏ định kỳ trong năm và nhiều hoạt động thể thao dân gian như: thi ném còn, thi đánh yến. Ngoài ra, xã cũng đang phối hợp với nghệ nhân dân gian, chuyên gia tư vấn để sưu tầm, ghi chép, phục dựng một số di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Tày như: nghi lễ Then Tày, nghi lễ mừng thọ…, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống của đồng bào Tày nơi đây, vừa là chất liệu dân gian để tổ chức các buổi trình diễn cho khách du lịch khi tới Nghĩa Đô tìm hiểu trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu tri thức bản địa về cây thuốc, trải nghiệm tắm lá thuốc, rửa mặt và ngâm chân bằng nước lá thơm từ bài thuốc lá bản địa.

Đặc biệt, xã Nghĩa Đô đã thành lập được Hợp tác xã nghề truyền thống, quy tụ được hơn 20 thành viên, thực hiện bảo tồn nghề đan lát, nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tày. Những nghề truyền thống này đang có nguy cơ mai một. Trong đó, Hợp tác xã đã tổ chức khôi phục nghề đan nón lá cọ, sợi khương truyền thống. Hợp tác xã nghề truyền thống hiện đang được chuyên gia tư vấn xây dựng các mẫu thiết kế sản phẩm đan lát, sản phẩm thổ cẩm dựa trên chất liệu truyền thống của đồng bào Tày để tạo ra các sản phẩm mới có ý nghĩa ứng dụng trong đời sống xã hội (quà tặng lưu niệm, trang trí không gian sống, vật dụng trong gia đình...). Đồng thời, đang thực hiện nghề trồng dâu nuôi tằm, trong tương lai sẽ phục dựng và bảo tồn nghề ươm tơ dệt vải từ tơ tằm, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm từ chất liệu tơ tằm…

anh-3.jpg

Ném còn, trò chơi dân gian được ưa thích của đồng bào.

Bên cạnh phát huy bản sắc văn hóa làm du lịch, Đảng bộ, chính quyền xã còn tuyên truyền vận động bà con thực hiện xây dựng hình ảnh Nghĩa Đô xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa như: ra quân trồng cọ ở một số công trình công cộng, thu gom rác thải, làm sạch dòng suối Nậm Luông, trồng hoa ven đường giao thông, đặt các thùng rác thân thiện với môi trường... Với các hộ gia đình làm homestay, xã mời chuyên gia du lịch về tư vấn hướng dẫn trang trí lại nhà cửa, thiết kế cách bài trí trong khuôn viên nhà sàn, tạo cảnh quan sân vườn bằng các chất liệu có sẵn tại địa phương như tre, nứa, cọ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện với môi trường, đặc biệt phát huy bản sắc văn hóa cây cọ của vùng đất này.

Nâng cao tiêu chí NTM

Nghĩa Đô là một trong những xã đã đạt chuẩn NTM, đang phấn đấu hoàn thành “Xã NTM nâng cao” năm 2021 với nhiều tiêu chí nâng cao đã hoàn thành như: Quy hoạch, Giao thông; Điện; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Nhà ở dân cư; Hộ nghèo; Giáo dục; Văn hóa; Quốc phòng và an ninh.

Người dân trong xã hiện đang tích cực đổi mới phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Chuyển đổi các mô hình kinh tế từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung gắn với mục tiêu phát triển du lịch để tăng thu nhập. Phát triển nuôi giống vịt bầu Nghĩa Đô, làng nghề mây tre đan truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng Homestay,… Phấn đấu nâng thu nhập bình quân từ 36,2 triệu đồng/người/năm 2020 lên trên 38 triệu/người/năm 2021.

anh-4.jpg

Nghề đan lát truyền thống được phụ nữ dân tộc Tày giữ gìn và phát triển.

Được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng của huyện, vừa qua, Nghĩa Đô được huyện Bảo Yên phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy hoạch kiến trúc để xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày. Đồng thời, phối hợp với Cục Di sản (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khảo sát đưa vào hồ sơ đề nghị bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô. Hiện tại, xã đang quy hoạch điểm xây dựng bảo tàng sinh thái ngoài trời dọc suối Mường Kem để làm điểm tham quan nghỉ dưỡng cho khách du lịch khi đến Nghĩa Đô theo hướng du lịch xanh. Xây dựng các điểm du lịch văn hóa gắn với truyền thống lịch sử (di tích Đồn Nghĩa Đô với lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô), kết nối tuyến du lịch tâm linh Đền Bảo Hà - Đền Phúc Khánh - Đền Nghĩa Đô…

Thời gian tới, tại xã Nghĩa Đô, sẽ diễn ra ngày hội văn hóa trong dịp mùa lúa chín, với nhiều hoạt động trải nghiệm các sắc màu văn hóa bản địa, ngắm vẻ đẹp mùa vàng Nghĩa Đô, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao cùng với du lịch văn hóa bản địa (không gian văn hóa nhà sàn, nghề đan lát và thêu thổ cẩm truyền thống, văn hóa ẩm thực...). Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề du lịch cho các hộ tham gia làm homestay, đào tạo nghề đan lát thủ công mỹ nghệ cho các thành viên Hợp tác xã nghề truyền thống…

Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, cho biết: “Việc địa phương chủ động mời các chuyên gia uy tín, đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc để thiết kế Trung tâm Bảo tồn và Giao lưu văn hóa Tày đã được tỉnh đánh giá cao. Tuy vậy, để đạt được đích đến như mong muốn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên chặng đường tới. Trong đó, với những ý tưởng sáng tạo, xã Nghĩa Đô sẽ thực hiện quy hoạch kiến trúc bài bản theo chuyên gia tư vấn, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch đặt trong tổng thể không gian bản làng truyền thống, dòng suối Nậm Luông và cảnh quan núi rừng. Các công trình văn hóa xây dựng tại Nghĩa Đô sẽ được quy hoạch thiết kế mang tính biểu tượng, tạo ấn tượng với du khách, trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch,  phát huy, khai thác phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Tày nơi đây”.

Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/nghia-do-bao-ton-ban-sac-van-hoa-de-nang-tam-ntm-post43015.html

Bình luận

Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Những con đập từ sức dân

Để chủ động ứng phó hạn - mặn, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương ở Bến Tre xây dựng những con đập tạm trên sông, rạch rất hiệu quả.

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trái ngọt trên vùng đất nghèo

Những rừng cây ăn quả trĩu nặng thay thế cho cây keo, cây mì kém hiệu quả đã tạo nên vựa cây ăn quả bề thế giữa núi rừng đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Người Khmer vượt khó, làm giàu

Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên “đất trăm nghề”

Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là “chiêm khê, mùa úng” gặp không ít khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế làng nghề ở Minh Khai

Với vị trí địa lý thuận lợi ven đô, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) rất nhạy bén trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ phú nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Khi có của ăn của để, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở TP.HCM đã dốc hầu bao xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh xây dựng mô hình vườn mẫu NTM

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.