Nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành chăn nuôi phải phát triển theo một chuỗi khép kín tuần hoàn, hữu cơ mới có thể giảm việc xả thải ra môi trường.

thu-truong-tien-3-1740_20220221_73-190355.jpeg

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tất cả các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường để có thể phát triển nhanh và bền vững hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngành chăn nuôi xả hơn 60 triệu tấn chất thải ra môi trường mỗi năm
Thưa Thứ trưởng, hiện nay ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với tình trạng xả phát thải, gây ô nhiễm môi trường ra sao? Và chúng ta cần phải có những hành động như thế nào để giải quyết vấn đề nan giải này?

Quá trình phát triển đất nước xoay quanh 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Quan điểm xuyên suốt của Đảng đó là: Không đánh đổi môi trường để tăng trưởng cũng như phát triển phải gắn với công bằng xã hội.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trong đó trồng trọt và chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn. Trong nhiều năm qua, công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi có những tồn tại nhất định. Khi trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ NN-PTNT cũng rất lưu ý vấn đề này. Bên cạnh đó, không chỉ chăn nuôi mà lâm nghiệp, thủy sản cũng như các ngành khác đều rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường để có thể phát triển nhanh và bền vững hơn.

Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và 523 triệu con gia cầm hiện nay, một năm, trên 60 triệu tấn thải đã được xả ra môi trường ở cả khu vực trang trại, khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ nông dân.

Trong ngành chăn nuôi của Việt Nam nói chung, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn. Chính vì vậy việc xử lý môi trường, xả thải môi trường cần phải được đặc biệt quan tâm. Chúng ta cần phải đưa hệ thống văn bản pháp luật như Chiến lược Chăn nuôi, Luật Chăn nuôi cũng như Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi và Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác… vào cuộc sống.

watermark_img_0128-1736_20220221_471-190357.jpeg

Ngành chăn nuôi là lĩnh vực có tỉ lệ phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khi đời sống được nâng cao, người dân cũng tự nâng cao ý thức về việc xử lý ô nhiễm môi trường. Với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, môi trường được xem là một tiêu chí. Do vậy người dân đã rất ý thức xử lý chất thải để làm phân hữu cơ.

Chúng ta đã có nhiều chương trình, biện pháp để giải quyết vấn đề chất thải trong chăn nuôi theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn như việc dùng chế phẩm để đảm bảo tiêu hóa, giảm phát thải khí mê tan từ chăn nuôi, đồng thời cân đối lại khẩu phần và nguyên liệu cho bò thịt và bò sữa…

Các doanh nghiệp chăn nuôi cần phải đánh giá tác động môi trường ĐTM theo công suất, quy mô. Hộ gia đình và các trang trại ở quy mô nhỏ phải có kế hoạch và cam kết xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường.
Phát triển chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn 
Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về quá trình xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay cũng như việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình phát triển nền kinh tế?

Chi phí để xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, chính vì vậy các ngành, lĩnh vực đều phải thực hiện theo cam kết của Thủ tướng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, nhận thức của người dân, các trang trại, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi tích cực. Để có thể thực hiện theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, chúng ta cần thông tin truyền thông, xử lý vi phạm một cách nghiêm túc, đồng thời nhân rộng những mô hình sản xuất thực hiện tốt công tác xử lý chất thải ra môi trường.

Tôi tin rằng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, với tốc độ chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp như hiện nay, chúng ta sẽ có quy hoạch của những vùng chăn nuôi và có những giải pháp kĩ thuật trên cơ sở các đề tài nghiên cứu về xử lý thức ăn dinh dưỡng, xử lý chất thải…

Quan điểm của Đảng về chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung là phải theo một chuỗi khép kín. Đó chính là yêu cầu để chúng ta đi sâu vào hội nhập khu vực quốc tế, đặc biệt trong việc thực hiện 16 Hiệp định Thương mại tự do Thế hệ mới (FTA).

lap-dat-cong-trinh-khi-sinh-hoc-2-1353_20210818_476-174524-1737_20220221_911-190358.jpeg

Đào hầm xây dựng hố biogas giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Ảnh: Minh Đảm.

Chăn nuôi cũng phải đi theo hướng khép kín, hữu cơ, tuần hoàn. Tuần hoàn từ giống, thức ăn dinh dưỡng, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, cho đến vận chuyển sơ chế, chế biến giết mổ, bày bán đều phải được triển khai một cách chặt chẽ. Còn hữu cơ là nuôi theo quy trình, theo quy chuẩn tiêu chuẩn, yêu cầu; chất thải phải được xử lý để mang ra bón cho nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Vậy thì nhiệm vụ và mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra để có thể góp phần thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP26 là gì, thưa Thứ trưởng?

Bộ NN-PTNT là một thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Bộ cũng đã và đang làm việc với các tổ chức quốc tế để tiếp tục triển khai những mô hình giảm phát thải.

Đối với ngành chăn nuôi, cần phải triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, tuần hoàn, hữu cơ. Đặc biệt đối với chăn nuôi đại gia súc, hiện đang chiếm khoảng 21% lượng phát thải trong chăn nuôi, chúng ta đã có những đề tài nghiên cứu, áp dụng tiến bộ công nghệ về thức ăn dinh dưỡng và xử lý môi trường.

Đối với ngành trồng trọt, Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh nội dung xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn.

Đối với ngành thủy sản, cần phải nghiên cứu và xử lý thức ăn cho nuôi trồng. Đối với lâm nghiệp, cần phải tiến tới đạt được 1 triệu ha rừng có chứng chỉ bền vững.

Như vậy trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã có những chiến lược để cùng với Bộ Công thương, Bộ TN-MT thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Bộ NN-PTNT sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ những hộ nông dân hay những doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường cũng như giảm khí phát thải, thưa Thứ trưởng?

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về việc truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, thông tin minh bạch về các sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai những mô hình và những đề tài nghiên cứu để đưa ra những hướng dẫn cho người dân và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi.

Người sản xuất, hộ nông dân, trang trại hay các doanh nghiệp phải hiểu được giá trị mà chăn nuôi an toàn, giảm phát thải mang lại. Các sản phẩm sẽ có giá trị hơn, an toàn hơn và sạch hơn. Đồng thời đó cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam đảm bảo việc thực hiện mục tiêu của Hội nghị COP26.

Trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng đã gợi mở 8 nội dung cần tập trung thực hiện gồm: Tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; kế hoạch giảm phát thải khí mê tan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; phát triển rừng để hấp thu khí CO2; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia...

 

Bình luận

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Giống gà quý chuyên ngủ trên cây

Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.

Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao

Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg

Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.

Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.

Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn

Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.

Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.