Nỗi lo khan hiếm giống lúa vụ hè thu

Với hàng nghìn ha sản xuất lúa giống bị thiệt hại nặng do mưa lũ, Bình Định lo nhất nguy cơ 'đói' giống lúa phục vụ sản xuất vụ hè thu 2022 đang cận kề.

Vụ đông xuân chồng chất khó khăn

Ngày 6/4, đoàn công tác của Cục Trồng trọt đã kiểm tra thiệt hại do mưa lớn gây ra tại Bình Định.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, vụ đông xuân 2021 - 2022, tỉnh này gieo sạ hơn 47.600ha lúa. Trong đó, trên chân ruộng 1 vụ/năm là 1.601ha; chân ruộng 2 vụ/năm 40.137ha; chân ruộng 3 vụ/năm 5.866ha. Về rau màu, cây ngô sản xuất 2.212ha, cây lạc 8.258ha, rau các loại 5.765ha, đậu các loại 1.151ha, cây ớt 1.997ha và cây sắn 8.230ha.

Đến nay, những diện tích lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 tại Bình Định trên chân cao và chân 3 vụ/năm đã thu hoạch xong; chân 2 vụ/năm đang giai đoạn chín - thu hoạch, diện tích lúa đã thu hoạch là 25.457ha, đạt 53,5% so với diện tích thực hiện. Diện tích lúa chín chưa thu hoạch khoảng 18.541ha, diện tích trà muộn giai đoạn trỗ - ngậm sữa là 3.605ha.

lua6.png

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt thăm cánh đồng sản xuất lúa giống BC15 của ThaiBinhSeed tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vụ đông xuân năm nay, nông dân Bình Định không chỉ khó khăn do giá vật tư tăng cao, mà còn liên tiếp chịu thiệt hại do thiên tai. Khi vừa gieo cấy, toàn tỉnh đã có 5.091ha lúa bị thiệt hại do những đợt mưa xảy ra vào cuối tháng 12/2021; trong đó, diện tích bị thiệt hại hơn 70% là 5.060ha; cây rau màu thiệt hại 363ha, tổng giá trị thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Tiếp đến, do đợt mưa lớn xảy ra trong 2 ngày 31/3 và 1/4 đã khiến 15.092ha lúa ở Bình Định bị đổ ngã, hiện nay các địa phương đang rà soát, thống kê chính xác diện tích và mức độ thiệt hại.

Đối với diện tích lúa đã chín bị ngập, đổ ngã, ngành chức năng Bình Định đã chỉ đạo khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước mặt ruộng tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa và hạn chế lúa bị nảy mầm; tranh thủ thời tiết nắng ráo, huy động máy gặt khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín.

Đối với diện tích lúa trỗ chưa chín bị đổ ngã, khẩn trương dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông. Đồng thời phối hợp kiểm tra, rà soát diện tích lúa đổ ngã bị thiệt hại để đề nghị hỗ trợ theo quy định. Đối với diện tích lúa vụ hè mới gieo sạ bị thiệt hại, các địa phương cần tổng hợp và đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 40/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh.

Theo ông Đào văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, những diện tích lúa đông xuân đã chín bị thiệt hại, đề xuất xem xét hỗ trợ gạo cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, mất mùa, giáp hạt theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Nan giải thu hoạch lúa

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2021 - 2022, ngành chức năng Bình Định đã có kế hoạch sản xuất rất tốt, né hết những bất lợi về thời tiết. Thế nhưng đợt mưa lớn trong 2 ngày 31/3 và 1/4 đã khiến nước dâng bất thường, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Mưa lớn khiến nước dâng, thêm vào đó nước trên núi đổ xuống, đồng thời triều dâng nên nước không thoát được, gây ngập hàng chục ngàn ha lúa.

lua5.png

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiểm tra thiệt hại cánh đồng lúa giống của ThaiBinhSeed tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay, những diện tích lúa đã chín bị ngã đổ có thể vận động nông dân thu hoạch với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên nên cứu được phần nào, thế nhưng có những vùng nước chưa thoát khỏi ruộng thì máy gặt đập liên hợp không thể hoạt động. Thêm nữa, lúa đổ ngã bị ngập khoảng 7 ngày có thể cứu được, thế nhưng ngập đến 10 ngày là thua”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện nay đa số diện tích lúa bị đổ ngã ở tỉnh này phải thu hoạch thủ công, bởi máy gặt đập liên hợp không thể hoạt động trong ruộng lún. Những diện tích có thể thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện cũng còn đứng đầy đồng, do máy gặt đập liên hợp không đủ để thu hoạch cùng lúc.

Kể cả những diện tích lúa đã được bộ đội và đoàn viên thanh niên giúp dân thu hoạch khi đưa lên bờ cũng không có máy phun để tuốt lúa, nhiều hộ dân trải lúa giữa đường cho xe cộ lưu thông cán qua để lấy lúa ra.

"Vụ đông xuân này, nông dân kể như trắng tay, bởi chi phí đầu tư rất lớn do giá phân bón tăng cao. Nhiều diện tích lúa thu hoạch xong đã nẩy mầm trên cây, hạt lúa ngấm nước trở màu đen, gặt được về cũng chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm chứ không thể bán hoặc ăn được. Thậm chí hiện nay, nhiều hộ bán lúa ướt cho những hộ nuôi vịt chạy đồng với giá chỉ 2.000 - 2.500 đồng/kg”, ông Đào Văn Hùng cho biết.
Nguy cơ "đói" giống lúa vụ hè thu

Cũng theo ông Đào Văn Hùng, thiệt hại nặng nề nhất của nông nghiệp Bình Định trong vụ đông xuân này là những khoảng gần 2.000ha diện tích sản xuất lúa giống, trong đó khoảng 50 - 60% bị ngập không thể làm giống. Thực tế này khiến ngành chức năng Bình Định lo lắng về giống lúa cho vụ hè thu sắp tới.

lua3.png

Nhiều cánh đồng sản xuất lúa giống tại Bình Định thiệt hại nặng. Ảnh: V.Đ.T.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thống kê nhu cầu giống lúa cho vụ hè thu trong khu vực, từng tỉnh có nhu cầu giống số lượng bao nhiêu.

Song song đó, Viện này cũng tính toán luôn khả năng cung ứng giống cho vụ hè thu trong khu vực Nam Trung bộ. Khoản giống bị thiếu, các địa phương sẽ "cầu cứu" Trung ương xuất kho giống Dự trữ Quốc gia cung ứng. Riêng Cục Trồng trọt sẽ khẩn trương ban hành văn bản gửi đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất giống lúa chuẩn bị giống cung ứng cho bà con trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Chuyển gia công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ), diện tích sản xuất giống trong vụ đông xuân này tại Bình Định khoảng 2.900 ha, tập trung tại Thị xã Hoài Nhơn, Thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, trong đó, diện tích bị đổ ngã khoảng 50 - 60%.

lua1.png

Nông dân tranh thủ trời tạnh ráo đưa thóc ra đường để phơi. Ảnh: V.Đ.T.

Riêng ThaiBinh Seed đã có đến 300ha bị đổ ngã không thể làm giống. Khả năng thiếu giống của Bình Định là hiển hiện và rất nghiêm trọng. Nếu trong vụ hè thu tới đây, ngành chức năng Bình Định không làm tốt công tác quản lý giống, có thể sẽ xảy ra tình trạng giống kém chất lượng thâm nhập thị trường, làm ảnh hưởng đến năng suất của vụ hè thu, khi ấy khó khăn của bà con nông dân sẽ nhân đôi.

Riêng đối với Bình Định, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị ngành chức năng khẩn trương thống kê nhu cầu giống lúa trong vụ hè thu tới, sau đó tính toán luôn khả năng cung ứng giống tại địa phương. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất giống lúa, kể cả những doanh nghiệp ở miền Nam và Tây Nguyên đề xuất mua những giống lúa nằm trong cơ cấu để chủ động nguồn giống.

lua.png

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra mức độ thiệt hại tại “vựa đậu phộng” huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Khi các doanh nghiệp ở xa về Bình Định cung ứng giống, chúng tôi đề nghị ngành chức năng địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung ứng giống và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn giống để bảo đảm năng suất lúa trong vụ hè thu tới nhằm vớt vát sản lượng lúa của địa phương trong năm nay”, ông Lê ThanhTùng đề nghị.

“Về giống lúa hỗ trợ từ nguồn Giống Dự trữ Quốc gia, chúng tôi đề nghị nên đưa những giống lúa phù hợp với cơ cấu giống lúa chủ lực của Bình Định. Nếu đưa giống lúa lạ hoắc về, không phù hợp với khí hậu, đồng đất Bình Định, nông dân nhận về sẽ không làm, mà lấy lúa thương phẩm gieo sạ. Như vậy sẽ rất hoang phí và ảnh hưởng dến năng suất vụ hè thu năm 2022”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị.

 

Bình luận

Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự

Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.

Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn

Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...

Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao

Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Tà Mung vàng ruộm mùa ngô

Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.

Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ

Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.

Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô

Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho

Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong

Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.

Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha

Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.

Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới

Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.