Sơn La, mùa cây trĩu quả

Vùng cao Tây Bắc mang vẻ đẹp quyến rũ, thu hút với những người từng một lần đến. Riêng với tôi, Sơn La còn là bao kỷ niệm, ấn tượng với từng mùa hoa trái, của mầu hồng phai, ban trắng khi xuân về và tím lịm mận chín, trĩu trịt xoài, bơ, cam, bưởi...

Riêng với tôi, Sơn La còn là bao kỷ niệm, ấn tượng với từng mùa hoa trái, của mầu hồng phai, ban trắng khi xuân về và tím lịm mận chín, trĩu trịt xoài, bơ, cam, bưởi..., là sức hấp dẫn của sắc màu văn hóa huyền ảo, luôn thôi thúc khám phám, trải nghiệm.

d1510sl-1634336201807.jpg

Những vùng chuyên canh cây trồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Sơn La.

Lần đầu gặp gỡ Sơn La đã 20 năm mà tôi vẫn không quên được những đêm hội cồng chiêng sôi động và điệu múa sạp của các chàng trai, cô gái Thái. Và, đến bây giờ, với tôi, vùng núi cao sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em đã dường như thân quen như quê hương khi đi xa trở về. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa đẹp và náo nức đến mê hồn.

Bản sắc, một nét riêng quyến rũ

Lâu lắm, sau giãn cách vì dịch bệnh, tôi mới gặp lại em, cô gái Thái Lò Thị Mai ngày nào, tóc dài đến gót chân, nay đã "tằng cẩu" búi cao, có con, có cháu bế bồng vẫn say mê, ngọt ngào trong điệu dân ca, miệt mài truyền lại cho các thiếu nữ quê nhà các giai điệu quê hương.

Nhờ có các nghệ nhân và những người như Mai, ở các bản làng vùng cao nơi đây còn lưu giữ hàng nghìn sách cổ với những bản trường ca, sử thi, những điệu múa, bài hát, cho thấy văn hóa nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây phong phú, sinh động đến nhường nào.

Các làn điệu dân vũ như xòe (dân tộc Thái), múa chuông (dân tộc Dao), múa khèn, múa ô (dân tộc H’Mông), lắc hông (dân tộc Khơ Mú)... với các dụng cụ như trống, chiêng, sáo, khèn đã làm say đắm bao lữ khách trong những ngày hội hay các phiên chợ sôi động, mang đặc trưng của vùng cao Tây Bắc như hội Xên mường, hội Hoa ban, hội Hết Chá hay lễ hội Cầu mưa, đua thuyền bên dòng sông Đà hùng vĩ... Bản sắc dân tộc cứ thế được trao truyền như dòng chảy ngầm luôn cuộn chảy không dứt, cho dù trong cuộc sống hiện đại hôm nay, mới nhìn thì tưởng chừng đã mai một. Có thể thấy điều đó qua những đội văn nghệ bản làng, những đêm hội lôi cuốn sự tham gia từ người già, đến người trẻ.

Một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, trên toàn tỉnh hiện có tới hơn ba nghìn đội văn nghệ quần chúng và các di sản như xòe Thái, chữ Thái cổ, lễ cúng dòng họ dân tộc H’Mông đã được ghi nhận, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bữa cơm tối ở nơi gió đại ngàn thật vui. Anh bạn có 42 năm lăn lộn với các bản, làng Sơn La đưa tôi đến nhà hàng ở bản Cọ Hài nằm ngay bên con suối thơ mộng được kè sạch sẽ và vững chắc.

Thật lạ, trong quá trình đô thị hóa, thành phố Sơn La mở rộng, nhưng ở nơi trung tâm thành phố vẫn có "bản" như một nét riêng hiếm có và quyến rũ của Sơn La. Cơn bão dịch Covid-19 tràn qua trong những đợt bùng phát, không còn đông vui như trước, số lượng người hạn chế, song vẫn lung linh ánh đèn rực rỡ và trên sạp gỗ nhà sàn vẫn dặt dìu điệu múa cùng câu ví dân ca, có những phụ nữ đã "tằng cẩu" như bạn tôi và cả những gương mặt thiếu nữ còn rất trẻ. Dù cuộc sống có dịch chuyển, đổi thay, hiện đại thì bản sắc dân tộc là điều họ giữ gìn để Sơn La luôn cuốn hút với những người từng đến.

Vóc dáng mới hôm nay

Thành phố Sơn La hôm nay đã "thay da, đổi thịt" rất nhiều, san sát nhà cao tầng, đường phố trải nhựa dọc, ngang hiện đại, thấp thoáng, len lỏi đâu đó những ngôi nhà sàn gỗ mái cong mềm mại bên dãy núi thâm u, điểm tô nét quyến rũ vùng cao.

Một con số so sánh mới thấy hết được sự đổi thay ở vùng cao Sơn La qua những thông tin từ anh Cầm Văn Giáo, nguyên Giám đốc Công ty điện lực Sơn La. Cách đây 25 năm, cả tỉnh chỉ có 9% số hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, trong đó phần lớn sử dụng điện từ các máy phát cá nhân diesel mà cũng chỉ tập trung ở các thị xã, thị trấn. Còn đến nay, có hơn 97% số hộ gia đình trên toàn tỉnh được dùng điện. Sơn La phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 99% số hộ gia đình được dùng lưới điện quốc gia hằng ngày. Nhờ có điện, cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã chuyển biến rất nhiều, trong sinh hoạt và sản xuất, từng bước cơ khí hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lao động, chế biến nông sản, từng bước nâng cao đời sống tinh thần.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong, cả tỉnh hiện có gần 200 hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích khoảng hơn 12 nghìn ha. Đồng thời, tỉnh còn xây dựng 39 chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây an toàn tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Thuận Châu. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong lao động, đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong mỗi gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ một tỉnh không có sản phẩm nông sản tham gia xuất khẩu, nay Sơn La có gần 20 nước hợp tác tiêu thụ nông sản của địa phương, kể cả những thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất,... Đó là thành quả từ những cố gắng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, giúp đồng bào vượt khó vươn lên thoát nghèo. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng tem điện tử thông minh QR-Code bằng tiếng Việt, tiếng Anh và cả tiếng Trung Quốc, góp phần mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, diện tích cây trồng áp dụng VietGAP hoặc GAP khác cũng ngày càng nhiều.

Hiện tại, Sơn La có 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn và 18 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bao gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, chè Ô Long Mộc Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, rau an toàn Mộc Châu, cà-phê Sơn La, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, táo sơn tra Sơn La, nếp tan Mường Và, chè Phỏng Lái Thuận Châu, khoai sọ Thuận Châu, chuối Yên Châu, mật ong Sơn La, cá sông Đà, cá tầm Sơn La. Riêng sản phẩm chè Shan Tuyết còn được bảo hộ thành công tại thị trường Thái Lan. Cũng vì vậy, tổng sản phẩm xã hội của Sơn La đã nâng lên 52 nghìn tỷ đồng năm 2020, đứng thứ năm trong 14 tỉnh miền núi phía bắc.

Phát triển nông sản và các vùng chuyên canh đã trở thành sản phẩm du lịch. Và không chỉ có vậy, nguồn tài nguyên du lịch của Sơn La cũng phong phú, sinh động, có thể xây dựng các loại hình du lịch thu hút khách. Mấy ngày ở Sơn La, tôi đã được bạn đưa đi những điểm du lịch kỳ thú như Nhà máy thủy điện Sơn La - một công trình mang tầm vóc lớn nhất Đông Nam Á ở huyện Mường La, giáp biên giới với nước bạn Lào, rồi hang Dơi và đồng cỏ, đồi chè ở Mộc Châu cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, văn bia Quế Lâm ngự chế bên đền thờ Vua Lê Thái Tông. Tôi và mọi người trong đoàn đã mê mải đọc bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng trên bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến của những thanh niên Hà Nội ngày nào "Quân xanh màu lá dữ oai hùm", ngược đường lên vùng cao, đồng cam cộng khổ cùng đồng bào các dân tộc trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược để nghĩ suy về một thời đã qua và tự hào về công cuộc xây dựng, đổi thay hôm nay.

Đêm cuối ở Sơn La, tôi và bạn đến thăm gia đình người bạn trước đây cùng quân ngũ với anh là Lừ Văn Hán trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Sơn La để cùng nhau nhớ về một thời giữ chốt, chiến đấu kiên cường trên núi đá Vị Xuyên, bảo vệ biên giới phía bắc ở Hà Giang. Vợ anh, cô giáo Hà Thị Thịnh cả một đời gắn bó với công cuộc chăm lo cho những "mầm non" Sơn La. Nay đã nghỉ hưu mà vẫn lăn lộn, trăn trở với sự nghiệp, vẫn tham gia quản lý hệ thống trường mầm non tư thục ở thành phố. Chị cho biết, các trường của chị có gần 800 cháu theo diện bán trú. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự động viên của các cấp chính quyền, ngành giáo dục và sự nỗ lực của những giáo viên tâm huyết, các cháu nhỏ đều được bảo đảm tốt về dinh dưỡng, y tế, học hành. Chăm lo cho thế hệ trẻ là sự đầu tư cho tương lai, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Sơn La. Đó là nhận thức và tâm huyết không chỉ của những giáo viên như chị Thịnh mà của cả ngành giáo dục cũng như các cấp lãnh đạo Sơn La.

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Từ khóa:

Bình luận

Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Những con đập từ sức dân

Để chủ động ứng phó hạn - mặn, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương ở Bến Tre xây dựng những con đập tạm trên sông, rạch rất hiệu quả.

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trái ngọt trên vùng đất nghèo

Những rừng cây ăn quả trĩu nặng thay thế cho cây keo, cây mì kém hiệu quả đã tạo nên vựa cây ăn quả bề thế giữa núi rừng đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Người Khmer vượt khó, làm giàu

Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên “đất trăm nghề”

Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là “chiêm khê, mùa úng” gặp không ít khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế làng nghề ở Minh Khai

Với vị trí địa lý thuận lợi ven đô, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) rất nhạy bén trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ phú nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Khi có của ăn của để, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở TP.HCM đã dốc hầu bao xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh xây dựng mô hình vườn mẫu NTM

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.