Trồng trọt thắng lợi toàn diện
Ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Nhân dịp này, Cục Trồng trọt vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ thi đua cho Cục Trồng trọt. Ảnh: Minh Phúc.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 13,5%
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt năm 2021 đạt 2,7%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 21,49 tỷ USD (tăng 13,5% so với năm 2020).
Cơ cấu sản xuất có sự thay đổi, giá trị sản xuất cây hàng năm 2021 là 64,62% (giảm 0,85% so với năm 2020). Giá trị sản xuất cây lâu năm là 35,38% (tăng 1,6% so với năm 2020); tỷ trọng trồng trọt đạt 44,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; giá trị xuất khẩu đạt 21,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,2% toàn ngành.
Năm 2021, trong điều kiện sản xuất và lưu thông hàng hoá hết sức khó khăn, nông dân vẫn duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Qua đó, sản lượng rau tăng hơn 300.000 tấn so với năm 2020, sản lượng sắn cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao, giá trị xuất khẩu lúa đạt 3,28 tỷ USD.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, sản xuất lúa gạo năm 2021 của nước ta vẫn tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích canh tác giảm. Ảnh: LHV.
Trong năm 2021, Cục Trồng trọt đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thuỷ lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai và ngành dự báo khí tượng thuỷ săn bám sát tình hình, từ đó tham mưu cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế của thời tiết, khí hậu và thuỷ văn. Đặc biệt, dù diện tích lúa giảm 40.000 ha nhưng sản lượng vẫn tăng 1,1 triệu tấn.
Nhiều loại cây ăn quả tăng mạnh diện tích
Năm 2021, diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả vẫn tăng tăng trưởng, đặc biệt nhóm cây ăn quả tăng gần 40.000 ha so với năm 2020, nhiều nhất là sầu riêng, mít, bưởi, xoài, chuối, dứa. Trong đó, diện tích trồng mít và sầu riêng đều tăng trên 10.000 ha. Hầu hết cây công nghiệp đều tăng diện tích, nhất là cây điều tăng hơn 10.000 ha so với năm 2020, cà phê cũng hơn 10.000 ha.
Năm 2021, nhiều loại cây ăn quả có lợi thế tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: NNVN.
Có 3 cây trồng diện tích giảm theo chủ trương và khuyến nghị của Bộ NN-PTNT là cây cao su giảm 7.000 ha, hồ tiêu giảm khoảng 5.000 ha và cam giảm khoảng 8.000 ha.
Năm 2021, cơ bản tất cả cây công nghiệp và cây ăn quả đều có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2020, có những cây giá trị cao gấp 1,5 lần như cao su tăng trưởng trên 150%.
Để phát huy những thành quả đạt được trong năm 2021, năm 2022, Cục Trồng trọt đã xây dựng kế hoạch để thúc đẩy phát triển các nhóm cây này trồng có lợi thế theo định hướng của Bộ NN-PTNT.
Riêng đối với cây cao su, trong 5 năm qua, do giá cao su giảm sâu nên ngành nông nghiệp đã định hướng cắt giảm sản lượng mủ và giảm mức độ thâm canh để giảm chi phí sản xuất. Nhưng đến năm 2021, giá mủ cao su tăng cao, bà con đẩy mạnh thâm canh, từ đó đẩy năng suất tăng theo. Do đó, Cục Trồng trọt sẽ có các giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích bà con tăng cường thâm canh cây cao su.
Thành quả của Chương trình Tái canh cây cà phê giai đoạn 5 năm vừa qua đã tạo cú hích tăng trưởng năng suất cây cà phê Việt Nam. Ảnh: NNVN.
Với cây cà phê, sau khi Chương trình Tái canh cây cà phê kết thúc, trên cơ sở những kết quả ấn tượng thực tế, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh cây cà phê để đạt năng suất, chất lượng cao. Với nhóm cây chè và hồ tiêu, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương đi vào phát triển bền vững. Bởi với chè và hồ tiêu, điều quan trọng nhất là sản phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Nhớ lại năm 2015, hoạt động xuất khẩu sản phẩm chè gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm bị quốc qua nhập khẩu trả lại. Nhưng 5 năm vừa qua, Cục Trồng trọt đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để siết chặt quản lý vấn đề này, đồng thời hướng dẫn các quy trình chăm sóc phù hợp. Nhờ đó đến năm 2021, không còn lô chè xuất khẩu nào bị trả lại. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng”, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) chia sẻ.
Trồng trọt thắng lợi toàn diện
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: “Đây là một năm thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp nói chung trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực lâm nghiệp và trồng trọt”.
Bằng chứng là tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt 2,7% trong khi quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các lĩnh vực phi nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.
“Năm nay, giá trị xuất khẩu nông sản tăng trưởng 13,5% so với năm 2020 và chắc chắn có thặng dư. Đây là thành quả của quá trình chúng ta kiên trì thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định và phân tích thêm, năm 2021, dù diện tích sản xuất lúa giảm 40.000 ha nhưng sản lượng lúa vẫn tăng 1,1 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao đã đạt 77%, và tỷ lệ gạo chất lượng cao xuất khẩu đạt 87%. Bên cạnh đó, chúng ta đã phòng, chống tốt dịch bệnh trên cây trồng, nên hạn chế được thiệt hại xảy ra.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý kinh nghiệm: Còn nhớ, đợt hạn mặn vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, ĐBSCL bị thiệt hại 1,3 triệu tấn lúa. Có những vùng sản xuất tại Sóc Trăng thời điểm đó bị mất trắng, nhưng đến vụ đông xuân 2019 – 2020, mặc dù hạn mặn xảy ra khốc liệt hơn nhưng tại vùng đất đó, năng suất lúa đạt 8 tấn/ha.
Ở Tiền Giang, hầu hết các vườn trái cây ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và thiếu nước đã được chủ vườn đào rãnh trữ nước ngọt để phục vụ trong thời điểm khô hạn, nhờ đó, tránh được thiệt hại so với thời điểm 4 năm trước.
“Đối với cây cà phê, từ thời Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta đã mày mò để tìm cách tái canh. Thất bại rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm đặt mục tiêu phải tái canh khoảng 120.000 ha, nhưng đến bây giờ đã đạt hơn 160.000 ha.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (đứng) chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.
Năng suất bình quân cây cà phê thế giới là 0,8 tấn/ha nhưng ở Việt Nam, năng suất cà phê đạt khoảng 3 tấn/ha, cá biệt có những địa phương như Lâm Đồng đạt xấp xỉ 3,5 tấn/ha. Như vậy, năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần so với thế giới”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ và cho rằng, đây là công sức rất lớn của khối ngành trồng trọt. Chúng ta vừa phát triển thuỷ lợi, vừa bảo vệ thực vật và áp dụng chế độ dinh dưỡng cây trồng hiệu quả.
Thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt cần siết chặt quản lý giống cây ăn quả, cây công nghiệp. Bởi đây là những cây trồng có vòng đời rất dài, mất nhiều năm mới được thu hoạch, khai thác. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để nâng cao năng suất cây điều trong nước. “Chúng ta phải nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu điều để phục vụ chế biến, xuất khẩu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, hiện nước ta vẫn phải phụ thuộc gần 100% vào nguồn giống rau từ nước ngoài, trong khi ở gần nước ta, Thái Lan làm rất giỏi. Để phát triển một cách toàn diện và bền vững, ông yêu cầu Cục Trồng trọt cần nhanh chóng xây dựng và trình Bộ NN-PTNT Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 để làm “kim chỉ nam” cho các địa phương, các đơn vị cùng triển khai, thực hiện.
|
Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự
Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.
Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn
Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...
Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao
Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Tà Mung vàng ruộm mùa ngô
Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.
Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ
Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.
Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô
Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho
Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong
Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.
Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha
Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.
Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới
Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.
Bình luận