Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi: Còn nhiều thách thức

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nỗ lực đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi, qua đó gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường...

chan-nuoi-cong-nghe-cao.jpg

Tuy nhiên, để phát triển một nền chăn nuôi hiện đại trên nền tảng công nghệ cao, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Hiệu quả đáng ghi nhận từ những mô hình

Ông Trần Văn Thắng (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) cho biết, gia đình ông đang nuôi hơn 500 con bò thịt và 1 khu nuôi trùn quế nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn… Để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, xây dựng hệ thống xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Hiện, trang trại của gia đình ông cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Là một trong những doanh nghiệp thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên Đặng Đình Tiên thông tin, công ty đã đầu tư xây dựng 8 chuồng trại hiện đại với quy mô chăn nuôi 150.000 gà đẻ và liên kết với 15 trang trại của các hộ chăn nuôi tại địa phương để đưa ra thị trường 3-4 triệu quả trứng/tháng. 

Về việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn mà còn hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Toàn thành phố hiện có 557 trang trại sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín; 26 trang trại sử dụng dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động... Ngoài ra, có 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc… Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như đòi hỏi nguồn vốn lớn và quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Gắn phát triển công nghệ cao với quy hoạch

Để tháo gỡ những “rào cản” và thúc đẩy đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi, Giám đốc Công ty cổ phần Giống Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc đề xuất: Các sở, ngành cần tham mưu với thành phố có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi; đồng thời cho doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, môi trường. Mặt khác là tháo gỡ những vướng mắc về quỹ đất cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi như được thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất…

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ cao cho các chủ trang trại, từ đầu tư chuồng trại đến xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường... phấn đấu trở thành một trong những huyện chăn nuôi trọng điểm của thành phố. Huyện Chương Mỹ đã và đang chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; sản xuất theo chuỗi khép kín phục vụ nguyên liệu tại chỗ cho Nhà máy Chế biến thịt gia súc, gia cầm thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 của thành phố, căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được thành phố phê duyệt cũng như thực trạng sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần chú trọng định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất như: Giao thông, điện, nước, xử lý môi trường... Qua đó nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng chuồng trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Cùng với đó là xây dựng phương án tổ chức chăn nuôi công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương.

"Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp ở các vùng chăn nuôi tập trung có đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử; đồng thời tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Các trang trại cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống chuồng trại khép kín; tự động hóa các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường... qua đó thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững", ông Tạ Văn Tường khuyến nghị.

 

 

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/

Bình luận

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Trang trại gà 'độc nhất vô nhị' ở Tây Ninh

Biến mái điện năng lượng mặt trời thành trang trại nuôi gà an toàn sinh học là mô hình 'có 1 không 2', cho hiệu quả cao của chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh.

Giống gà quý chuyên ngủ trên cây

Giống gà Liên Minh ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có thịt ngon, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao đang được chú trọng bảo tồn nguồn gen, nhân rộng sản xuất.

Vịt biển thích nghi rộng, thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao

Vịt biển thích nghi rộng, thịt ngon, dễ bán. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ sau 70 ngày nuôi.

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Gà bản Đầm Hà đắt hàng nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Gà bản Đầm Hà là giống gia cầm đặc sản được HTX Tuyền Hiền đầu tư chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các hộ dân xung quanh, giúp giải quyết bài toán thu nhập.

Giá lợn hơi tăng "chật vật", chỉ 1 tỉnh chạm mức 60.000 đồng/kg

Dù nông dân đang thua lỗ, nhưng giá lợn hơi tăng rất chật vật, trên cả nước chỉ An Giang là tỉnh duy nhất đạt mức giá 60.000 đồng/kg.

Nuôi dê sữa Saanen gắn du lịch nông nghiệp, sự kết hợp hoàn hảo

Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả.

Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với khó khăn

Giá thức ăn tăng cao cùng nhiều chi phí khác bị đội lên nhiều sẽ khiến cho người chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong cả năm nay.

Giá dê hơi vùng ĐBSCL đang tăng cao

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều điạ phương vùng ĐBSCL tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi dê rất phấn khởi.