Vựa cam Cao Phong sẵn sàng lên phương án tiêu thụ
Vựa càm Cao Phong (Hòa Bình) sắp vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, tổng diện tích và sản lượng cam giảm. Huyện Cao Phong đã sẵn sàng các kịch bản tiêu thụ.
Tổng diện tích và sản lượng giảm
Hiện vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Theo nhiều chủ vườn, trong niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cam tại các vườn tăng hơn so với năm trước.
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết: Hiện, HTX có 200 ha trồng cam, trong niên vụ 2021 - 2022, có 150 ha cho thu hoạch, sản lượng dự kiến 1.000 tấn, tăng hơn so với niên vụ 2020 - 2021 (đạt gần 600 tấn).
Ông Bùi Văn Quyết, xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) vui mừng khi sản lượng cam thu hoạch năm nay dự kiến cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.
Theo ông Cương, năng suất cam năm nay tăng do các diện tích cam cho thu hoạch của HTX đã bước vào thời kỳ cho quả đạt năng suất nhất. Rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại từ những vụ cam trước nên HTX đã sớm áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, nhờ đó đã hạn chế được tỷ lệ rụng quả.
Tương tự, ông Bùi Văn Quyết, xóm Chiềng, xã Thung Nai (Cao Phong) chia sẻ: Gia đình ông có 2 ha trồng cam, sản lượng cam năm nay dự kiến đạt 15 - 20 tấn (tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, đạt 12 tấn).
Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết mưa kéo dài, những diện tích đã kịp phun thuốc BVTV trước đợt mưa thì tỷ lệ thối nhũn quả và rụng quả sẽ ít, diện tích nào không kịp phun thuốc tỷ lệ rụng quả xảy ra nhiều hơn. Một số diện tích độ dốc kém, nước ngập gốc sinh ra hiện tượng úng rễ, làm khả năng cung cấp dinh dưỡng cho quả kém nên không đạt được độ ngọt như mong muốn.
Mặc dù sản lượng cam ở các vườn trồng có chiều hướng tăng, tuy nhiên, theo phòng NN-PTNT huyện Cao Phong, tổng sản lượng cam của toàn huyện lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho biết: Tính đến tháng 6/2021, diện tích cây ăn quả có múi của toàn huyện là hơn 1.900 ha (giảm so với năm 2020 là hơn 2.800 ha), sản lượng dự kiến 22.000 tấn (giảm so với năm 2020 là 26.000 tấn). Riêng diện tích cây cam hơn 1.500 ha (hiện có khoảng 1.000 ha cam lòng vàng bắt đầu cho thu hoạch), sản lượng cam dự kiến 17.000 - 18.000 tấn.
Theo ông Bùi Văn Dán, nguyên nhân diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện giảm là do nhiều diện tích cây đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nên người dân phá bỏ để tái canh lại cây mới.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tình hình bệnh trên cây ăn quả có múi, nhất là cây cam có chiều hướng gia tăng như: Bệnh vàng lá Greening, vàng lá do côn trùng, thối nhũn quả, ruồi vàng… làm cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng bị ảnh hưởng, cây yếu, thời gian thu hoạch giảm nên nhiều hộ dân đã chuyển sang cây trồng khác...
Lo tiêu thụ khó khăn
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong cho biết: Hiện tại, giá bán cam chưa có sự ổn định, mỗi vườn có một giá khác nhau tùy vào chất lượng quả. Cụ thể, nếu cắt chọn tại những vườn đẹp hiện đang có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, cam chọn loại 2 có giá 13.000 - 14.000 đồng/kg, có vườn lại có giá 10.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn.
Ông Vũ Văn Thuấn, xóm Khụ, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) khá lo lắng khi cam được mùa, nhưng số lượng thương lái đặt hàng giảm mạnh so với những năm trước. Ảnh: Trung Quân.
Theo anh Cương, những vườn có giá bán thấp thường là vườn cây cam đã già, yếu nên không thể tiếp tục duy trì việc nuôi quả, nếu không thu hoạch quả sẽ rụng. Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài thời gian qua khiến lượng đường trong quả bị giảm, mẫu mã không đẹp nên khi buộc phải thu hoạch giá bán sẽ giảm theo.
Hiện những vườn cây khỏe mạnh, các hộ trồng sẽ tiếp tục chăm sóc, đợi thời tiết tạnh ráo trở lại, quả đạt độ ngọt mới thu hoạch, vừa đảm bảo uy tín về chất lượng vừa có giá cao hơn. Hiện, tại những vườn đẹp, chủ vườn chỉ tiến hành cắt chọn những cây có quả đạt chất lượng và theo yêu cầu của người mua, còn việc bán xô theo cây hoặc cả vườn chưa diễn ra.
Về tiêu thụ, theo anh Cương, hiện dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến khó lường, nên dự báo việc tiêu thụ cam sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Vừa trải qua đợt dịch kéo dài, kinh tế, tâm lý, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi theo chiều hướng tiết kiệm, tập trung những mặt hàng thiết yếu và dự phòng. Điều này có thể khiến sức mua của thị trường với mặt hàng cam sẽ giảm mạnh”, anh Cương cho hay.
Bên cạnh đó, lực lượng thương lái, mối hàng quen tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh… hiện nay đều chủ động giảm số lượng đặt mua để nghe ngóng tình hình. Ngoài ra, nhà hàng, quán ăn, trường học, lễ hội… chưa hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên lượng mua bị giảm đáng kể, trong khi cam quả chủ yếu là bán tươi, sản phẩm chế biến chưa nhiều.
Ông Vũ Văn Thuấn, xóm Khụ, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình) chia sẻ: Hiện, gia đình ông có 10 ha trồng các loại cam, trong đó có 5 ha cam cho thu hoạch. Trong niên vụ 2021, sản lượng cam thu hoạch dự kiến 100 tấn, tăng hơn so với năm 2020 đạt sản lượng chỉ đạt 70 tấn. Giá cam hiện tại không có biến động nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ cam năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn.
“Mọi năm, thời điểm này đã có rất nhiều thương lái đến thăm vườn và đặt mua, nhưng năm nay hiện mới có 2 thương lái là mối quen đặt hàng với số lượng ít hơn năm ngoái”, ông Thuấn lo lắng.
Cũng theo ông Thuấn, cam quả chủ yếu bán tươi, trong khi gia đình không có điều kiện đầu tư kho lạnh bảo quản hay chế biến, nên trong trường hợp tiêu thụ cam không thuận lợi, gia đình sẽ huy động các xe nhỏ để đi bán lẻ tại các cửa hàng và ngoài chợ, dọc các vệ đường...
Tăng chế biến, tiêu thụ online nếu dịch Covid-19 phức tạp
Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, trong khi các diện tích các cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.
Để đảm bảo chủ động tiêu thụ hết sản lượng với giá cao, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản chủ lực theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh.
Thành viên HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong, Hòa Bình), đang cắt tỉa những quả đã đạt chất lượng gửi cho khách hàng mua lẻ. Ảnh: Trung Quân.
Theo đó, với cây ăn quả có múi, sản lượng dự kiến 22.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022, tập tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nông sản tiêu thụ thuận lợi: Dự kiến sản lượng tiêu thụ qua thương lái chiếm 60%; qua kênh bán lẻ, online 25%; bán tại chỗ phục vụ khách du lịch 5%; đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị 10%.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: Tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu thụ thông qua thương lái chiếm 45% sản lượng; qua các kênh bán lẻ, online, qua sàn thương mại điện tử khoảng 40%, bán lẻ tại các chợ dân sinh, khu dân cư, siêu thị khoảng 15%.
Trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa: Dự kiến tiêu thụ qua thương lái chiếm 30%; kênh bán lẻ, online, qua sàn thương mại điện tử khoảng 40%; bán lẻ tại các chợ dân sinh, khu dân cư khoảng 15%; đưa vào chế biến khoảng 3.000 tấn, chiếm 12% (dự kiến chế biến qua nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược ở Vân Hồ, Sơn La).
"Trong niên vụ 2021 - 2022, UBND huyện Cao Phong đã phối hợp, kết nối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam. Hiện tại, đã có sàn TMĐT Postmart cam kết hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn cam, VoSo hỗ trợ tiêu thụ 2.000 tấn… Đồng thời, khuyến khích người dân đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, đẩy mạnh bán hàng qua sàn TMĐT, qua các ứng dụng như Facebook, Zalo... để giảm áp lực tiêu thụ khi bước vào giai đoạn chính vụ", ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho hay. |
Để hành tím bung ra 'xuất ngoại': Phải sản xuất hữu cơ thực sự
Để hành tím Sóc Trăng vươn ra xuất khẩu, việc sản xuất không chỉ dừng lại theo hướng hữu cơ, mà phải đạt chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế uy tín.
Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn
Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...
Giống cà chua trái cây tạo sự khác biệt cho nông nghiệp công nghệ cao
Với giống cà chua trái cây, Rijk Zwaan mong muốn mang lại sự phát triển mạnh mẽ trong nền nông nghiệp, đặc biệt tạo sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Tà Mung vàng ruộm mùa ngô
Vụ xuân hè 2022, ngô được mùa, đặc biệt thị trường giá ngô tăng cao (ngô khô thương lái mua tại dân giá 7.000 - 8.000đ/kg) nên bà con vùng cao vô cùng phấn khởi.
Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ
Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.
Cần bảo tồn, phát triển giống nếp than của người Pa Kô
Nếp than là giống lúa nếp bản địa của bà con người dân tộc Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giống nếp có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo...
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho
Vùng đất Ninh Thuận vốn sở hữu thời tiết đầy nắng và gió, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Dồn lực tái canh 1.500ha cây có múi tại Cao Phong
Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500ha, sau đó mở rộng tại các huyện khác.
Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha
Đầu tư tưới tiết kiệm, màng che chống ruồi đục quả, thâm canh theo hướng VietGAP, năng suất vùng táo xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đạt 50 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.
Tà Mung náo nức mùa chanh leo mới
Với sự ra đời của 2 hợp tác xã liên kết trồng chanh leo với DOVECO tại xã vùng cao huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con thiểu số nơi đây đang tràn niềm vui.
Bình luận