Xã Phù Đổng: Khơi nguồn lực để phát triển du lịch

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) vẫn giữ được vẻ đẹp của một làng quê nông nghiệp truyền thống, đang “vươn mình” để trở thành một phường của quận Gia Lâm trong tương lai.

Bên cạnh đó, Phù Đổng mà còn đồng thời phấn đấu trở thành điểm du lịch của thành phố, gắn với việc phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

dulich.jpg

Học sinh mẫu giáo thăm trại nuôi đà điểu tại Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (ảnh tư liệu).

Đi tìm thế mạnh

Nhiều năm trước, một số khu vực ở thôn Phù Dực 2 (xã Phù Đổng) còn là "ao tù nước đọng", cỏ mọc lút đầu người. Đất bỏ hoang không chỉ là sự lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Từ năm 2015, Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng Xanh cùng Hợp tác xã (HTX) Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư đã cải tạo môi trường, đầu tư xây dựng, biến nơi đây trở thành Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, ban đầu, dự án được thực hiện với mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa và nuôi trùn quế công nghệ khép kín để bảo vệ môi trường, sử dụng đất hiệu quả. Nhận thấy nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm học tập cho học sinh, HTX Hiệp Thư đã xây dựng Khu sinh thái Phù Đổng Green Park nhằm phục vụ nhu cầu của các đối tượng khách. Tại đây có các khu chính: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, Khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và Khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn. Khu sinh thái Phù Đổng Green Park góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm OCOP của xã.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển lâu dài, Phù Đổng đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng xã thành phường. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thế mạnh, tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phục vụ khách du lịch bằng các sản phẩm của địa phương.

Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, từ đầu năm đến nay, xã đã chuyển đổi được 40ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh; triển khai mô hình trồng cà tại thôn Đổng Viên... Đây sẽ là những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Phù Đổng cùng với các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và Lễ hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO công nhận; tham quan Làng nghề hoa giấy Phù Đổng, đình Phù Dực, Công viên văn hóa, lịch sử và công nghệ Thánh Gióng...

Điểm du lịch của thành phố  

Mặc dù sở hữu khá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, du lịch Phù Đổng chưa phát huy được thế mạnh do hệ thống tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả; quy mô cơ sở du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú; cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động du lịch còn yếu và thiếu nên chưa thuận tiện cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến trên địa bàn...

Năm 2020, huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch xã Phù Đổng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường. Để thực hiện các mục tiêu này, Phù Đổng sẽ tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa và du lịch tham quan, du lịch nông nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Phù Đổng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về môi trường, duy trì các tuyến đường hoa; xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái gắn với tham quan trải nghiệm; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn tại các điểm di tích; ứng dụng công nghệ hiện đại vào quảng bá du lịch...

Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết, xã đang phối hợp với các phòng chức năng của huyện Gia Lâm và Sở Du lịch Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Phù Đổng là Điểm du lịch của thành phố Hà Nội. “Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng đưa Phù Đổng trở thành điểm đến hấp dẫn và đánh dấu tên Phù Đổng trên bản đồ du lịch Thủ đô”, ông Phùng Xuân Việt nói.

 

Nguồn: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Bình luận

Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Những con đập từ sức dân

Để chủ động ứng phó hạn - mặn, nhân dân đã cùng với chính quyền địa phương ở Bến Tre xây dựng những con đập tạm trên sông, rạch rất hiệu quả.

Du lịch nông thôn: Làm ngay kẻo muộn!

Sau khi tham vấn các Bộ, ban, ngành, Bộ NN-PTNT vừa gửi Tờ trình lên Thủ tướng, kiến nghị phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Trái ngọt trên vùng đất nghèo

Những rừng cây ăn quả trĩu nặng thay thế cho cây keo, cây mì kém hiệu quả đã tạo nên vựa cây ăn quả bề thế giữa núi rừng đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Người Khmer vượt khó, làm giàu

Những ngày tháng 4, chúng tôi về miền tây đúng vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Trong không khí đón mừng năm mới, câu chuyện vượt khó, làm giàu của người Khmer rôm rả khắp phum sóc.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên “đất trăm nghề”

Là huyện có nhiều làng nghề nhất của thành phố Hà Nội, thế mạnh của Phú Xuyên là tổ chức và phát triển kinh tế làng nghề. Do đó việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất vốn được mệnh danh là “chiêm khê, mùa úng” gặp không ít khó khăn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế làng nghề ở Minh Khai

Với vị trí địa lý thuận lợi ven đô, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) rất nhạy bén trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ phú nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Khi có của ăn của để, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở TP.HCM đã dốc hầu bao xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh xây dựng mô hình vườn mẫu NTM

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.