Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cũng như các tỉnh, thành phố phát hiện nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp.

Điều này gây không ít lo ngại bởi nông dân đang gieo trồng cây vụ đông, chuẩn bị gieo trồng vụ xuân, đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương phải siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp để bảo đảm sản xuất hiệu quả.

phanbon-1.jpg

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nhãn hàng hóa, không có hóa đơn tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang).

Vẫn là vấn đề “nóng”

Theo ông Phạm Khắc Diến, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã kiểm tra khoảng 20 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, xử phạt với số tiền là 58 triệu đồng. Hiện các đơn vị chức năng đang tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua việc thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 61 cơ sở trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng… Đặc biệt, mỗi vụ sản xuất lúa, Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống (khoảng 33.600 tấn) nhưng đã có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng từ các đại lý tới tay người nông dân. Thực tế, có nhiều giống lúa "dởm", chất lượng thấp bán trên thị trường đã gây thiệt hại cho nông dân.

Cũng về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiệp, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thông tin: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất là mặt hàng phân bón.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT là do công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả. Nhiều địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

Từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thành phố hiện có 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, thậm chí có những cơ sở chỉ kinh doanh theo thời vụ, gây khó khăn cho công tác quản lý; vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để... Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá lúa giống hiện đã lên tới 15.000 đồng/kg; giá thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước... 

Siết chặt việc quản lý

Để từng bước kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp khi đưa vào sử dụng, tạo ra các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn và không gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cho hay, công ty hoàn toàn có thể cung cấp các loại giống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Song, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty BioWish Việt Nam cũng cho rằng, cần tuyên truyền để nông dân chuyển từ sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn tập trung quy mô lớn, qua đó quản lý được chất lượng vật tư, nguyên liệu “đầu vào” khi sản xuất các loại nông sản, thực phẩm.

Với Hà Nội, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Khắc Diến cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố sẽ siết chặt việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp bán trên thị trường. Đặc biệt, các lực lượng chức năng sẽ chuyển từ thanh tra thường kỳ sang đột xuất để sớm phát hiện vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nắm bắt, không mua hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Quốc Doanh, để khắc phục tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, các địa phương cần giảm bớt việc thanh tra theo kế hoạch, tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối phó, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác là nhân rộng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

 

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/

Bình luận

Cà Mau tích cực ngăn chặn các hành vi đánh bắt hải sản trái phép

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Cà Mau đã xử lý 176 vụ tàu cá vi phạm IUU (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Xử lý nghiêm tình trạng nhập khẩu cá tầm lai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu cá tầm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần tìm ra chính xác những lô, những cá thể cá tầm lai nhập khẩu

'Bẫy lừa' doanh nghiệp xuất khẩu

Lợi dụng việc doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu còn để xảy ra sơ hở, nhiều đối tượng ở nước ngoài đã lừa đảo chiếm đoạt hàng và tiền. Các đối tượng ở nước ngoài vòng vo tạo ra bẫy lừa khá tinh vi nên nhiều DN đã thành nạn nhân và bị thiệt hại lớn.

Lâm Đồng: Lập biên bản vụ ly cà phê 'đắt nhất Việt Nam'

Ngày 12/4, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) gồm đại diện Phòng Tư pháp, Chi cục Thuế và Công an phường Lộc Tiến đã kiểm tra quán Photo And Bike Coffee ở địa chỉ số 1037 đường Trần Phú.

Hà Nội: Không nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm

Quý I/2022 là giai đoạn cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần

Cảnh báo lừa đảo trong xuất khẩu sang Nigeria

Doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng sang thị trường Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi cần cẩn trọng với hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức.

Phát hiện 350kg cá ngựa nhập lậu

Lực lượng Hải quan vừa phát hiện một lượng lớn cá ngựa nhập khẩu trái phép được ngụy trang cất giấu trong đáy container.

Yến sào Phú Yên bị làm giả

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian gần đây, sản phẩm yến vụn Phú Yên đang được rao bán trên mạng xã hội với mức giá rất thấp so với giá trị thật, có nhiều dấu hiệu bị làm giả.

Tôm hùm 'giải cứu' ồ ạt bán đầy chợ mạng, giá chưa đến 200.000 đồng/kg

Lấy lí do cấm biên, nhiều gian thương đang quảng cáo bán tôm hùm với mức giá rẻ chưa từng có chỉ 199.000 đồng/kg.

Xử phạt 53 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 DN, hộ kinh doanh cá thể nhập khẩu, sản xuất, bán phân bón kém chất lượng.