Tìm giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng FSC ở Bắc Kạn

Năm 2018, hàng trăm hộ dân ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) ký hợp đồng với Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ sản phẩm gỗ có kiểm soát (FSC) trên diện tích hơn 920 ha rừng keo.

trongrungobackan-1645849991554.jpg

Rừng FSC của người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) đã đến tuổi khai thác nhưng không có đơn vị thu mua như cam kết. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)

Theo cam kết, khi đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu mua, chế biến xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, đến nay, sau bốn năm người dân bỏ công chăm sóc, Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam lại từ chối thu mua, gây thiệt hại cho người dân. 

Cao Kỳ là một trong những xã có số lượng người dân tham gia thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC nhiều nhất tại huyện Chợ Mới. Diện tích người dân tham gia thực hiện hơn 200 ha, tập trung ở ba thôn, gồm: Nà Cà 1, Nà Cà 2 và Tổng Sâu. Từ hai năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, huyện, xã thì vấn đề được người dân Cao Kỳ đặt câu hỏi nhiều nhất chính là việc bao giờ mới thu mua gỗ rừng FSC như cam kết.

Trưởng thôn Tổng Sâu, Vũ Ngọc Tùng cho biết, bản thân gia đình anh khi được tuyên truyền rằng Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam cam kết sẽ thu mua gỗ trồng rừng FSC với giá cao hơn giá thị trường 100 nghìn đồng/m3, nên đã tham gia trồng gần 2 ha rừng keo. Việc trồng rừng FSC vất vả hơn so với trồng rừng thông thường do cần bảo đảm những quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến nay, công ty không thu mua khiến anh rất thất vọng, bức xúc.

Riêng tại thôn Tổng Sâu đã có hàng chục hộ dân tham gia trồng rừng FSC với diện tích hơn 20 ha, ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Woodsland nhưng nay công ty phá hợp đồng, người dân không biết giải quyết ra sao.

Hiện tại, một số hộ dân trong thôn đã bán ra thị trường gỗ trên diện tích khoảng 2 ha với giá thấp hơn giá công ty cam kết thu mua. Điều rất đáng tiếc là việc có chứng chỉ FSC không dễ khi phải trải qua quá trình thẩm định rất nghiêm ngặt của các tổ chức quốc tế. Lợi ích rất lớn khi có chứng chỉ này là gỗ trong vùng dự án sẽ đủ điều kiện xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường khó tính như châu Âu. Tuy nhiên, nay khi có chứng chỉ rồi thì người dân xã Cao Kỳ lại phải bán gỗ cho các xưởng gỗ bóc trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ Đồng Phúc Toản cho chúng tôi xem chứng chỉ rừng FSC cho nhóm hộ gia đình của xã đã được cấp có thời hạn từ năm 2018 đến 2023. Đồng chí Toản cho biết: Vấn đề Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam không thu mua gỗ theo cam kết đã được người dân kiến nghị rất nhiều lần lên xã, lên huyện. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, Công ty đã có văn bản gửi tỉnh là sẽ không thu mua nữa, nên lãnh đạo xã cũng chỉ biết trả lời người dân như vậy. Điều băn khoăn là, công ty có phải chịu trách nhiệm về việc phá hợp đồng hay không?

Điều tương tự cũng xảy ra tại xã Nông Hạ. Theo người dân, quá trình chăm sóc, tỉa thưa rừng được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ công ty. Để cấp chứng chỉ FSC, các diện tích rừng phải trải qua hai lần thẩm định, kết quả là cơ bản các hộ tham gia đều đạt tiêu chí.

Tuy nhiên, khi đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện khai thác thì lại không thấy doanh nghiệp đến thu mua. Hồi đầu năm, được biết có đơn vị khác thế vào chỗ Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam để thu mua gỗ, nhưng người dân chờ mãi cũng không thấy đến. Một số người dân không chờ lâu được đã khai thác gỗ bán ra theo giá thị trường với giá thấp hơn giá công ty cam kết thu mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, năm 2017, hơn 900 ha rừng keo của các hộ dân tại các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục của huyện Chợ Mới đã được Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam phối hợp thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Việc cấp chứng chỉ rừng FSC và duy trì chứng chỉ là một việc làm có bước đột phá trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại Bắc Kạn, tạo vùng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc xuất xứ, phù hợp tiêu chuẩn châu Âu. Đến năm 2018, qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt của tổ chức quốc tế, hơn 900 ha rừng nêu trên đã được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, từ 2018 đến khi rừng đủ tuổi khai thác, Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam, đơn vị cam kết thu mua gỗ của người dân vẫn bặt tin, khiến người dân có gỗ FSC lo lắng vì không biết bao giờ gỗ rừng trồng mới được thu mua như cam kết. Không chờ được công ty, người dân phải bán ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, theo cách này người dân dễ bị ép giá, nhất là những diện tích rừng nằm ở xa, chưa có đường vận chuyển, dẫn tới thiệt thòi công lao động.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, vừa qua, Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam đã có văn bản chính thức thông báo tới Sở là sẽ không tiếp tục thực hiện dự án, không thu mua gỗ rừng trồng như đã cam kết. Hiện tại, cũng có một đơn vị đề xuất thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, nguyên tắc công nhận rừng đạt chứng chỉ FSC là cứ sau một năm phải đánh giá, thẩm định lại một lần. Việc thẩm định hiện phải do các tổ chức quốc tế có chức năng thực hiện. Sau khi Công ty cổ phần Woodsland-Việt Nam có văn bản không tiếp tục thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng liên hệ, ký văn bản thỏa thuận với một công ty trong nước nhận chuyển giao lại số diện tích rừng FSC này, xuất bán gỗ cho một công ty bên Thụy Điển để xuất khẩu vào châu Âu. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 cùng với thủ tục pháp lý nhận chuyển giao còn vướng mắc nên chưa thực hiện được. Trong tháng 4 tới, UBND tỉnh sẽ mời một công ty của Mỹ tới làm việc để thảo luận, đề xuất nhận chuyển giao diện tích rừng FSC nêu trên. Quan điểm của tỉnh là cố gắng hết mức duy trì, củng cố, mở rộng được rừng FSC.

Bắc Kạn là tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào trồng rừng. Hiện diện tích rừng trồng của tỉnh lên tới hơn 100.000 ha, tạo vùng nguyên liệu gỗ rất lớn, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 76%, cao nhất nước. Mục tiêu của tỉnh trong trồng rừng giai đoạn tới chính là rừng gỗ lớn và rừng FSC để hướng tới xuất khẩu.

Về mặt pháp lý, tỉnh có thể bỏ tiền để thuê các tổ chức quốc tế thẩm định, công nhận chứng chỉ rừng FSC. Nhưng vì là tỉnh nghèo nên Bắc Kạn chưa bố trí được kinh phí thực hiện. Việc trồng rừng FSC ở huyện Chợ Mới những năm qua đổ bể đang khiến người dân mất niềm tin. Đây sẽ là cản trở rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu trồng rừng FSC trong thời gian tới cần được tỉnh Bắc Kạn quan tâm tuyên truyền, có giải pháp xử lý thấu đáo, không để tái diễn

Nguồn: Theo báo Nhân dân

Bình luận

Xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững phục vụ xuất khẩu

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu thì nhu cầu nguyên liệu gỗ cũng tăng cao. Gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu nhưng tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ chỉ chiếm từ 30-40%

Phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ đến hồi bức thiết

Những năm qua, nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu bị đứt gãy, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đã đến lúc phải quyết liệt thực hiện.

Cần cách nhìn đúng về giá trị cây keo

Việc phát triển cây keo một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, sử dụng giống không phù hợp, canh tác không bền vững... dẫn tới nhận thức sai lệch về vai trò của cây keo.

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Nhiều năm trở lại đây, ngành gỗ là một trong những ngành luôn dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn còn tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế

Rừng ngập mặn là vũ khí chống biến đổi khí hậu

Ngài Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của rừng ngập mặn.

Cả nước còn hơn 1,2 triệu héc ta đất chưa sử dụng

Ngày 2-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 387/QĐ-BTNMT về phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020.

Đắk Nông chi hơn 1,7 tỷ đồng mua cây giống trồng rừng

Các huyện, xã, phường, thị trấn đồng loạt tổ chức ra quân trồng cây xanh, gắn với các hoạt động chuẩn bị mùa trồng rừng năm 2022, phấn đấu trồng hơn 1.650ha rừng các loại.

Đâu là bí quyết giúp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có?

Đầu xuân Nhâm Dần, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), cho biết, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tín chỉ các bon thúc đẩy chuyển hướng nền kinh tế xanh

Chương trình giảm phát thải của Việt Nam sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng để đầu tư vào rừng, tạo ra thu nhập cho các chủ rừng, phát triển bền vững.

Ngành gỗ vẫn quyết đạt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh động viên cán bộ và khối doanh nghiệp ngành lâm nghiệp, đồng thời cho rằng nhiều cơ hội mới sẽ đến sau dịch bệnh.