Đề xuất giảm 50% lượng phân bón vụ đông xuân 2021 - 2022

Nông dân có thể táo bạo giảm 50% lượng phân bón để giảm áp lực do giá phân bón tăng quá cao, dù có thể chấp nhận năng suất thấp hơn khoảng vài trăm kg/ha.

Đó là đề xuất của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trong triển khai vụ đông xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh ĐBSCL trong bối cảnh giá phân bón vẫn tăng cao.

Vụ đông xuân đối mặt 4 thách thức lớn
Theo ông Lê Thanh Tùng,  vụ đông xuân 2021- 2022 ở ĐBSCL đứng trước 4 thách thức lớn. Theo dự báo của Tổng cục Thuỷ lợi, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm, thiếu hụt tương đương như mùa khô năm 2015 - 2016. Tình hình hạn hán sẽ sớm hơn, xâm nhập sâu hơn với mức độ cao hơn ở khu vực sản xuất lúa của các tỉnh ĐBSCL.

gia-phan-bon-dang-gay-ap-luc-lon-cho-ba-con-nong-dan-san-xuat-vu-dx-min-1216_20211017_16-154341.jpeg

Giá phân bón tăng cao đang tạo áp lực lớn đối với vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại phân tăng tới 100%. Cụ thể như giá phân Urea là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg. Do đó, áp lực từ chi phí phân bón đang đè nặng lên sản xuất.

Bởi theo Cục Trồng trọt, chi phí phân bón thường chiếm 21 - 24% cơ cấu giá thành của sản xuất lúa. Cá biệt, vụ thu đông 2021, giá phân bón tăng cao khiến chi phí phân bón chiếm đến 30% giá thành của sản xuất lúa.

Ở ĐBSCL vẫn còn nhiều nông dân duy trì thói quen sạ dày, bón phân chủ quan theo cảm tính nên lượng phân bón sử dụng vẫn còn cao. Theo nhiều nhà nông chia sẻ, hiện mỗi vụ họ sử dụng bình quân lên đến 600 kg phân bón/ha.

Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Tùng, đại dịch Covid-19 làm cho lưu thông vận chuyển vật tư nông nghiệp bị chậm trễ. Khó khăn không chỉ ở các nhà máy sản xuất mà còn diễn ra tại các đại lý bán lẻ. Điều này làm cho vấn đề phân bón, vật tư ngày càng khó khăn hơn.

Vấn đề thứ tư, khi thu hoạch lúa đông xuân, vấn đề giá bán, tiêu thụ cũng chưa được dự báo.

Đề xuất giảm 50% lượng phân bón
Theo ông Lê Thanh Tùng, để giải quyết những thách thức về nguồn nước, nguy cơ khô hạn trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Bộ NN-PTNT đã xây dựng bản đồ rủi ro và có kế hoạch thích ứng.

Trong tháng 10/201 này, nông dân các tỉnh ven biển sẽ xuống giống khoảng 400.000 ha vụ đông xuân 2021 - 2022. Khi tình hình khô hạn có thể nặng nề như mùa khô 2019 - 2020, các tỉnh sẽ kết hợp các hệ thống công trình đã hoàn thành như cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh, Cái Bé…, một số cống ngăn mặn để điều tiết nguồn nước.

ong-le-thah-tung-min-1216_20211017_63-154343.jpeg

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến nghị giảm 50% lượng phân bón vụ đông xuân tới. Ảnh: Minh Đảm.

Vấn đề dịch Covid-19, hiện nay các tỉnh ĐBSCL cũng đã từng bước vượt qua. Tuy nhiên, vấn đề giá cả phân bón đang hết sức nan giải. Nếu nhà nông giảm 10% phân bón, giảm nước tưới…, cũng chỉ giảm giá thành được 100 – 200 đồng/kg. Bây giờ, giá phân bón tăng lên gấp đôi, gần gấp ba thì có giảm 10% đi nữa cũng không đáp ứng được nhu cầu lợi nhuận cho bà con nông dân.

“Chúng tôi nghĩ các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu và kinh nghiệm của bà con nông dân chúng ta có thể táo bạo trong vụ đông xuân 2021 - 2022 này chỉ bón 50% lượng phân theo nhu cầu. Chúng ta có thể chấp nhận năng suất thấp hơn khoảng vài trăm ký/ha. Như thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua được áp lực của giai đoạn giá phân bón tăng quá cao như hiện nay.”, ông Lê Thanh Tùng đề xuất.

Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 10, các tỉnh ven biển ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 400.000ha lúa đông xuân.

Nhu cầu phân bón trong thời gian này khoảng 30 - 36 nghìn tấn phân Urea, 27 - 32 nghìn tấn phân DAP và 10 - 12,5 nghìn tấn kali.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tùng cũng đề xuất, bà con nông dân thậm chí có thể giảm đến 70% lượng phân bón.

Theo ông Tùng, khi giảm phân thì năng suất cũng sẽ giảm, nhưng không đến mức nhà nông không còn gì để thu hoạch. Bởi nếu thấp nhất, không bón gì hết, nhà nông cũng có thể thu được từ 3,5 tấn/ha, thậm chí 4 tấn/ha.

Ông Tùng cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc về mức độ đầu tư, lợi nhuận sẽ thu lại được để tính toán giải bài toán chi phí phân bón ở vụ đông xuân 2021 - 2022 theo cách trên.

Bên cạnh đó, nếu các địa phương cân nhắc về chỉ tiêu tăng trưởng, về sản lượng của vụ đông xuân này, có thể vượt qua được khó khăn do áp lực từ giá phân bón tăng cao.

“Tất nhiên, chúng tôi không khuyến cáo bà con bỏ hết, không làm gì. Chúng ta có cách chăm sóc lúa "1 phải 5 giảm". Ngoài giảm phân bón, giảm giống, giảm nước tưới, giảm thuốc BVTV, chúng ta tiếp tục mạnh mẽ giảm phân bón nữa, bởi vì chúng ta canh tác 3 vụ/năm thì khi giảm một vụ, lượng phân bón trong đất vẫn còn, khả năng phù sa vẫn còn.

Tôi nghĩ nếu mạnh mẽ áp dụng việc giảm phân bón này một cách có hiệu quả ở một khu vực nhỏ, có thể nó sẽ lan rộng ra một khu vực lớn. Nếu chúng ta làm được vậy cho 1 triệu 550 ngàn ha canh tác lúa ở ĐBSCL thì áp lực phân bón đối với ĐBSCL sẽ không còn”, ông Lê Thanh Tùng lý giải.

Giảm phân nhưng năng suất không giảm
Thật vậy, vụ thu đông 2021 vừa qua, nông dân Đỗ Hoà Hiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm 3 tăng" của Bộ NN-PTNT kết hợp với quy trình 3N2A của Công ty Bayer, đã có lợi nhuận gấp đôi so với trung bình của nhiều nhà nông khác. Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng giảm được 50% lượng phân bón, cũng như chi phí sản xuất.

nong-dan-do-hoa-hiep-1214_20211017_952-154345.jpeg

Nông dân Đỗ Hoà Hiệp giảm 50% phân bón nhưng lợi nhuận không giảm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đỗ Hoà Hiệp cho biết: "Tôi sử dụng giống xác nhận, sạ thưa với mật độ vừa phải. Thứ hai là giảm phân bón. Tôi sử dụng lân bón lót ngay từ đầu vụ để phân huỷ rơm rạ, tạo hữu cơ cho cây lúa hấp thụ tốt hơn. Bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa.

Đạm thì tôi bón theo bảng so màu lá lúa để tiết kiệm đạm. Giảm thuốc BVTV ở giai đoạn đầu vụ, tôi không phải sử dụng thuốc trừ sâu rầy. Khi dịch hại đến ngưỡng cần thiết thì tôi mới sử dụng. Đồng thời, kết hợp với quy trình 3N2A của Công ty Bayer quản lý dịch hại, nhất là bệnh đạo ôn”.

Đáng chú ý, áp dụng các quy trình trên, ông Hiệp chỉ sử dụng 120 kg giống/ha. Nhờ sạ thưa, kết hợp bón phân theo bảng so màu lá lúa, nông dân này chỉ sử dụng 23 kg phân bón trên 1.000 m2. Mức bón này thấp hơn 50% so với cách làm trước đó và những nông dân xung quanh không áp dụng quy trình.

Do giảm lượng phân bón nên lượng sâu bệnh ít tấn công, kết hợp với quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên ông Hiệp chỉ phun xịt 3 lần cho suốt cả vụ. Từ đó, chi phí vật tư của ông Hiệp chỉ khoảng 847.000 đồng cho 1.000 m2. Điều đáng nói, năng suất lúa vẫn đạt trên 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 20 triệu đồng/ha, gấp đôi so với bình quân chung.

Từ hiệu quả trên, ông Hiệp cho biết sẽ tiếp tục áp dụng quy trình canh tác giảm phân bón trong vụ đông xuân tới. Bên cạnh đó, nhiều nông dân xung quanh ông Hiệp cũng đã bắt đầu tìm hiểu, học hỏi áp dụng lan rộng, phát huy mô hình.

Còn ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay: Hiện nay, giá phân Urea đã đã tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà giá phân bón tăng phi mã như thế này, dự kiến giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân tới sẽ tăng cao. Do đó, HTX sẽ tuyên truyền bà con chọn những giống nhẹ phân, sạ thưa để giảm giá thành.

Cũng theo chia sẻ từ ông Võ Văn Việt, vụ đông xuân thường ít sâu bệnh, nhẹ phân. Dự kiến lượng phân bón cho vụ đông xuân dao động từ 350 - 400 kg/ha nên nông dân cũng nhẹ lo. Bên cạnh đó, lựa chọn các giống lúa chất lượng cao để bán được giá hơn. Dự kiến vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX Mỹ Thành Bắc sẽ xuống giống Đài Thơm 8 và OM 18.

HTX Mỹ Thành Bắc vừa mới thu hoạch xong 400 ha lúa thu đông. Vụ lúa này, HTX gieo sạ 2 giống lúa OM 5451 và OM 18. Nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), HTX đã áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm chi phí sản xuất như: Sạ thưa, bón phân thông minh, sử dụng máy cấy…, lợi nhuận mang lại cho thành viên gần 2 triệu đồng/công, gấp đôi so với bình quân chung của tỉnh.

 

 

Bình luận

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới

Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.

Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1

Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.

Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu

Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.

Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương

Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng

Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.

Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh

Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.

Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận

Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...