Hà Nội sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật nhờ đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật của Thủ đô.

watermark_dsc_4731-1728_20210704_919-145827.jpeg

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Duy trì các lớp IPM từ năm 1992
So với các tỉnh, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Hà Nội thế nào thưa ông?

Nếu so với các tỉnh phía Bắc diện tích đất trồng trọt của Hà Nội chỉ đứng sau tỉnh Thanh Hóa, khoảng 150.000ha, riêng lúa đã là gần 100.000ha. Cách đây 4-5 năm Thành phố Hà Nội sử dụng trên 320 tấn thuốc BVTV/năm năm 2020 chỉ còn 239 tấn/năm, tức trung bình 1,5kg/ha/năm, trong đó có những huyện rất thấp như Phú Xuyên 0,26kg/ha/năm, Chương Mỹ 0,3kg/ha/năm, Ứng Hòa 0,3kg/ha/năm…

Nông dân Hà Nội sử dụng ít thuốc BVTV bởi từ trồng lúa, rau, quả đến chè được tập huấn thường xuyên, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức về sản xuất.

Về lúa, đầu vụ chúng tôi họp, chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật các quận, huyện, thị xã từ chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non, thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối.

Về cây ăn quả, thu hoạch xong vệ sinh, cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là hữu cơ hoai mục kết hợp với vôi, lân chứ không lạm dụng phân hóa học.

Về rau, nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGap, hữu cơ, sử dụng bẫy bả, bẫy dính để thu hút các con trưởng thành vào bẫy. Khi không có con trưởng thành sẽ hạn chế tối đa trứng, sâu non. Sâu bệnh ít, nếu có đã bị các thiên địch tiêu diệt gần hết nên thường chưa đến ngưỡng phải phòng trừ.

"Còn bảo không sử dụng tí thuốc BVTV nào là không đúng, đến ngưỡng đương nhiên phải dùng. Ngay cả thế giới họ cũng phải dùng thuốc BVTV khi sâu, bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ, nhưng dùng ở mức độ nào, dùng như thế nào mới là điều đáng nói." Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương.

Vai trò của hệ thống “chân rết” nhân viên kỹ thuật trồng trọt, BVTV ở cấp xã như thế nào thưa ông?

Hệ thống này có từ trước khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhưng hồi ấy chỉ hưởng phụ cấp. Từ 10 năm nay chúng tôi có hệ thống khoảng 400 cán bộ của mình ở từng xã. Họ có 9 chức năng, nhiệm vụ gồm: Tham mưu giúp việc cho UBND các cấp thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về trồng trọt, BVTV; Dự tính dự báo quản lý sâu bệnh gây hai cây trồng; Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; An toàn vệ sinh thực phẩm; Quản lý chất lượng đất; Quản lý vật tư nông nghiệp,…

watermark_dsc_4694-1728_20210704_907-145829.jpeg

Kiểm tra sâu bệnh trên rau ở Thụy Hương huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khác với nhiều tỉnh, thành từng bỏ các lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Hà Nội vẫn duy trì từ năm 1992 đến nay trên lúa, rau, cây ăn quả... Trước đây mỗi năm chỉ vài ba chục lớp nhưng từ năm 2009 khi thành phố có đề án rau an toàn, cao điểm mỗi năm hàng trăm lớp, còn trung bình có 50-70 lớp.

Mỗi lớp học này kéo dài trung bình 3,5 tháng với tổng số 14 buổi. Mỗi buổi kinh phí hỗ trợ cho học viên là 30.000 đồng, ngoài ra còn vật liệu giảng dạy, ruộng đất để thí nghiệm và giảng viên là người của Chi cục.  

Tất cả các nhân viên trồng trọt BVTV cấp xã đều được đào tạo qua lớp học quản lý dịch hại thực tế trên đồng ruộng. Khi ra thông báo sâu bệnh chúng tôi không tuyên truyền qua đài, loa phát thanh để nhà nhà, người người đi phun mà chỉ đến từng ruộng, từng bờ, từng thửa. Ruộng nào quá ngưỡng mới phun. 

Hệ thống các nhân viên trồng trọt, BVTV xã này được Chi cục trả lương nên chỉ đạo thẳng theo ngành dọc. Trước đây, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, họ được trả lương theo bằng cấp nhưng năm 2019 bên kiểm toán mới vào, bảo phải tổ chức thi tuyển hay xét tuyển nên từ đó lương của họ giữ nguyên, không tăng, không giảm.

"Chúng tôi mong muốn thành phố Hà Nội tạo điều kiện để tổ chức thi viên chức cho đội ngũ cán bộ nhân viên trồng trọt, BVTV này, trả lương theo vị trí việc làm để họ yên tâm công tác, để chúng tôi dễ quản lý. Nếu cứ trả lương thấp anh em họ chán lại bỏ mất công đào tạo. Cách tổ chức hệ thống nhân viên trồng trọt, BVTV cấp xã này trước đây một số tỉnh cũng có nhưng giờ không biết có còn giữ được không, có trả lương theo bằng cấp như Hà Nội không?" Ông Nguyễn Mạnh Phương.

Chỉ dùng thuốc khi đến ngưỡng
Theo ông, nông dân hiện nay và nông dân cách đây 10 năm có khác gì nhiều không?

Xưa nông dân làm nông nghiệp kiểu cha truyền, con nối chứ không được trang bị kiến thức, không hiểu thế nào là sản xuất an toàn, VietGap, hữu cơ. Giờ họ được Nhà nước trang bị các kiến thức nên hiểu được từ chọn giống, làm đất, lên luống, bón phân đến chăm sóc phòng trừ sâu bệnh. Nếu đến ngưỡng phải dùng thuốc BVTV họ sử dụng đúng thuốc, đúng đối tượng, pha đúng nồng độ, bơm thuốc đúng cách hơn chứ không bơm bừa như ngày xưa, kể cả ngược chiều gió hay giơ cần lên cao.

watermark_dsc_4650-1727_20210704_416-145830.jpeg

Bón phân cho lúa chét trong mô hình lúa-cá-vịt ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không phải cứ thuốc sâu, thuốc bệnh là độc mà còn tùy vào nó là hóa học hay sinh học. Vậy tỷ lệ thuốc sinh học của Hà Nội là bao nhiêu thưa ông?

Việc chuyển đổi từ thuốc BVTV hóa học sang sinh học được khoảng 8-10 năm nay, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học của Hà Nội khoảng gần 60%. Để thay đổi nhận thức, ngoài các lớp IPM dài hạn còn có các lớp tập huấn ngắn hạn, trang bị kiến thức cho nông dân.

Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nông dân rằng thuốc sinh học khác với hóa học ở chỗ phun vào sâu không giãy đành đạch chết ngay mà bị ốm, nằm im không cắn phá, sau hai ba ngày sau mới chết. Vấn đề mấu chốt trong an toàn thực phẩm là cuối vụ phải ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc.

Vừa qua các vi phạm hành chính về mất vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội xử lý rất nghiêm theo ba cấp từ thành phố, quận huyện đến xã phường. Trừ hàng hóa ở chợ đầu mối là nhập nhiều nguồn trong đó có các tỉnh, thành về nên khó kiểm soát chứ nông sản của Hà Nội đa phần là đạt chuẩn.

Giảm thiểu thuốc BVTV trên rau là khó nhất, vậy cách làm của Hà Nội cụ thể ra sao thưa ông?

Khi bắt đầu thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Hà Nội giai đoạn 2009-2016, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt trên 5.000ha, lớn nhất toàn quốc. Sản lượng rau an toàn đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng. Hàng năm chúng tôi đem đi phân tích 300-1.000 mẫu rau, chỉ 1-2% vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV.

Để đạt được kết quả trên, đến nay chúng tôi đã tổ chức 1.139 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 34.170 nông dân, có 100% nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền được 50.000 nông dân khác; 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 49.500 người, có 100% người sản xuất nắm được các quy định về an toàn thực phẩm. Triển khai, thực hiện trên 500 thử nghiệm kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV như: che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã…

Hồi đầu thực hiện đề án, Chi cục có hỗ trợ thuốc sinh học, thảo mộc cho nông dân nhưng khi thực hiện theo Nghị quyết 10 phần vật tư hỗ trợ lại giao cho quận, huyện. Từ đó việc hỗ trợ thuốc sinh học, thảo mộc không được đồng bộ, nơi làm, nơi không.

watermark_dsc_4692-1728_20210704_344-145832.jpeg

Thu hái rau mơ ở xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cách đây mấy năm có tình trạng 5.000ha rau an toàn của Hà Nội gặp bất cập trong cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hiện nay chuyện đó ra sao?

Trước đây thành phố giao cho Chi cục BVTV lấy mẫu đất, nước, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Hiện nay lại phân ra: Cấp giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư được ủy thác cho các đơn vị chuyên ngành của Sở NN-PTNT cấp; Cấp giấy phép kinh doanh do quận, huyện được ủy thác cho các Phòng Kinh tế các quận, huyện. Giấy chứng nhận chỉ có thời hạn 3 năm.

Đa phần sản xuất rau hiện nay do các HTX đứng ra làm đại diện nhưng chỉ có những đơn vị thực sự kinh doanh, khi giấy chứng nhận hết hạn mới sốt sắng đi làm còn không cứ để đấy. Hiện tại tỷ lệ cấp lại chỉ được khoảng 50%.

Theo Thông tư 51 (nay là thông tư 17) của Bộ NN-PTNT, mọi mặt hàng sản xuất khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều phải đảm bảo an toàn cho nên không phải chỉ có hơn 5.000ha từng được cấp giấy đủ điều kiện mà hơn 12.000ha rau của toàn thành phố đều phải sản xuất đảm bảo an toàn. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ phải ký cam kết với xã, phường đã sản xuất là phải đảm bảo an toàn.

Hà Nội đã làm tốt cơ bản việc kiểm soát thuốc BVTV trên những sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng thuốc BVTV trên hoa, cây cảnh vẫn còn cao tại một số vùng chuyên hoa của Hà Nội (Mê Linh, Bắc Từ Liêm…). Vậy ông có thể cho biết định hướng trong thời gian tới cho hoa, cây cảnh thế nào?

Tới đây chúng tôi sẽ mở nhiều lớp IPM trên hoa để nâng cao kiến thức, tuyên truyền cho bà con. Thứ nữa triển khai một số mô hình giảm thiểu thuốc BVTV trên hoa, cây cảnh trong đó đưa ra các bộ thuốc hướng dẫn phù hợp với địa phương, đào tạo hướng dẫn bà con, gọi các cửa hàng bán thuốc lên để trao đổi, hợp tác. Đánh giá tất cả các mối nguy hại… Từ những thứ đó xã, thôn sẽ ban hành ra các quy chế quản lý của địa phương về sử dụng thuốc BVTV để làm sao giảm thiểu được.

Dựa vào thực tế việc giảm thiểu thuốc BVTV, theo ông các tỉnh, thành có làm được như Hà Nội không?

Làm thì vẫn làm được nhưng phải có kinh phí để xây dựng đội ngũ chân rết dưới xã là các nhân viên trồng trọt, BVTV. Phải tổ chức được các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn, các mô hình trình diễn. Hướng dẫn chỉ đạo sâu bệnh đến từng vùng, từng ruộng, từng thửa tránh tình trạng “nhà nhà đi phun, người người đi phun”.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới

Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.

Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1

Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.

Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu

Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.

Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương

Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng

Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.

Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh

Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.

Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận

Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...