Lần đầu tiên trình làng mắt máy ủ mầm hạt giống lúa

Sử dụng máy khử khuẩn và nảy mầm ILSSANG Hàn Quốc, thời gian nảy mầm của hạt giống sẽ sớm hơn và tỷ lệ nảy mầm hạt lúa cao hơn cách ngâm ủ truyền thống.

Trị "bệnh khó nảy mầm" của lúa Japonica
Hiện nay, hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất lúa đã được cơ giới hoá. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngâm, ủ mầm hạt giống, nông dân vẫn phải làm thủ công với những thiết bị thô sơ. Đặc biệt, tỷ lệ nảy mầm phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, những năm qua, diện tích gieo cấy các giống lúa hạt tròn Japonica được mở rộng ở rất nhiều vùng sinh thái của Việt Nam. Ưu điểm của giống lúa này là chất lượng gạo ngon, thích nghi với nhiều vùng sinh thái và có giá trị khá cao trên thị trường.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao giống lúa này vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do hạt lúa giống có vỏ dày, khó nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm thấp và không đồng đều. Rất nhiều công ty vật tư nông nghiệp đã phải “trả giá đắt” bởi sau khi bán hạt giống cho nông dân, bà con không tuân thủ kỹ thuật ngâm ủ nảy mầm, dẫn đến hạt giống bị thối, phải bỏ đi.

l3.png

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giới thiệu về máy khử trùng và ủ nảy mầm của một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển giao. Ảnh: Minh Phúc.

Để giải quyết bài toán trên, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với đơn vị cung cấp máy nảy mầm lúa ILSSANG – Hàn Quốc để thử nhiệm tính năng khử trùng và ủ nảy mầm hạt giống lúa.

Máy ủ mầm này hình tròn có nấp đậy, được cấu tạo bởi hệ thống thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, tấm ván hình tròn có thể xoay 180 độ, dùng để đặt hạt giống lên mặt phẳng, đồng thời có thể khử trùng cả hạt giống ở trong túi dứa bằng nước ấm ở nhiệt độ 62 – 65 độ C trong khoảng 10 phút mà không cần dùng thuốc sát khuẩn, sau đó rửa vào nước lạnh dưới 30 độ C (hiệu quả sát khuẩn lên đến trên 90%).

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, từ vụ mùa năm 2021, Trung tâm đã sử dụng hạt giống lúa VAAS16 (là giống lúa Japonica, có thời gian ngủ nghỉ, khó nảy mầm) với số lượng 100kg để thử nghiệm. Trong đó 50kg hạt giống đã qua 90 ngày ngủ nghỉ sau thu hoạch; 50kg hạt giống lúa vừa thu hoạch vụ xuân năm 2021 tại miền Bắc.

Sau khi được khử trùng và hạ nhiệt, hạt giống được đưa vào máy nảy mầm lúa. Máy nảy mầm tạo điều kiện tối ưu cho hạt giống nảy mầm thuận lợi, duy trì nhiệt độ thích hợp, cung cấp đủ oxy để hạt giống nảy mầm.

Theo công bố của nhà sản xuất, sau 48 tiếng ngâm ủ, hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm. Tuy nhiên, thử nghiệm trên thực tế (với nhiều công thức khác nhau) đối với giống lúa VAAS16 tại Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông trong vụ mùa cho thấy, thời gian hạt giống nảy mầm sớm nhất là 5 ngày, sớm hơn trung bình 36 giờ (1,5 ngày) so với ủ theo phương pháp sản xuất của Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ nảy mầm đạt khoảng 90%.

Trong điều kiện vụ xuân 2022, ở điều kiện thời tiết lạnh hơn so với vụ mùa, nếu sử dụng máy khử khuẩn và nảy mầm ILSSANG Hàn Quốc, thời gian nảy mầm của hạt giống sẽ sớm hơn và tỷ lệ nảy mầm hạt lúa cao hơn công thức đối chứng ngâm ủ truyền thống, hạt giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao ở thời điểm ngâm ủ 108 giờ (4 - 5 ngày), sớm hơn công thức đối chứng là 60 giờ.
Giữ tối đa dinh dưỡng cho phôi hạt giống
Ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết, công suất của máy khử trùng, ủ mầm giống lúa ILSSANG Hàn Quốc là 300kg lúa/mẻ. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng hạt giống bằng nước ấm (không sử dụng hoá chất), cần phải lưu ý một số điểm.

l2.png

Quy trình khử khuẩn hạt giống lúa trong nước nóng khoảng 62 độ C được thực hiện trong khoảng 10 phút. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ nhất, phải lựa chọn giống lúa khoẻ. Nếu nhiệt độ dưới 58 độ C thì sẽ không khử trùng được nhưng nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm tỷ lệ nảy mầm. Thời gian khử trùng (ngâm trong nước) tiêu chuẩn là 10 phút, nhưng mỗi loại giống sẽ có thời gian ngâm tiêu chuẩn khác nhau. Sau khi ngâm trong nước ấm, cần vớt hạt giống ra và ngâm kỹ trong nước lạnh ở nhiệt độ dưới 30 độ C trong 30 phút là có thể ngâm ủ. Mục đích khử trùng hạt giống bằng nước ấm là để tiết kiệm chi phí mua thuốc khử trùng; phòng bệnh von lúa, hướng đến hệ thống canh tác thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, ưu điểm của máy nảy mầm hạt giống là giữ lại tối đa dinh dưỡng trong phôi hạt giống, nhờ đó nâng cao khả năng sinh trưởng và phát triển của cây lúa sau này; tỷ lệ nảy mầm có thể đạt 95%, tỷ lệ phát triển đồng đều đạt 85%. Đặc biệt, dù trời mưa gió hay nhiệt độ, thời tiết thay đổi cũng không bị ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm.

Ngoài giống lúa Japonica VAAS16, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông còn thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của máy nảy mầm ILSSANG Hàn Quốc với các giống lúa Indica (như giống BT09) và lúa nếp (Nếp 98), kết quả, tất cả các giống lúa trên đều nảy mầm tốt.
Doanh nghiệp mừng húm, muốn được tiếp cận
Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi đang độc quyền cung ứng giống lúa Japonica J02. Hiện nay, bà con đã mở rộng diện tích từ Gia Lai, Kon Tum đến các tỉnh miền núi phía Bắc.

l1.png

Hạt giống được ủ nảy mầm bằng máy nảy mầm (trái) và hạt giống ngâm ủ nảy mầm bằng phương pháp truyền thống. Ảnh: Minh Phúc.

Trong những năm đầu, Công ty phải trả giá rất nhiều khi chuyển giao giống lúa J02 vào sản xuất, bởi đặc tính của giống là rất khó nảy mầm và tỷ lệ nảy mầm thấp. Thậm chí, có những năm Công ty phải tự ngâm ủ giống, sau đó vận chuyển đến Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên... cho bà con gieo cấy.

Đặc biệt, tại Gia Lai và Kon Tum, do giống J02 khó nảy mầm nên có nơi bà con gieo tới 200kg giống/ha, rất lãng phí. Bởi vậy, khi biết thông tin Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông thử nghiệm máy nảy mầm hạt giống lúa, tỷ lệ nảy mầm đạt cao và đồng đều, Công ty thấy rất phù hợp. “Chúng tôi rất mong sớm tiếp cận với thiết bị nảy mầm hạt giống này thông qua các mô hình thí điểm hoặc ký kết hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng để nhập máy từ Hàn Quốc về Việt Nam”, bà Tâm nói.

Đồng quan điểm, ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Việc phát triển các giống lúa Japonica ở thời điểm ban đầu rất khó khăn, nhất là việc chuyển giao và mở rộng sản xuất.

Chính vì đặc điểm của giống là nảy mầm không đồng đều và nảy mầm chậm, nên khi gieo cấy, những cây lúa trên ruộng phát triển không đều, trỗ không tập trung. Vào thời điểm thu hoạch có cả hạt chín, hạt xanh, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Sau khi thăm mô hình ủ nảy mầm hạt giống Japonica tại Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, ông Sáu đánh giá ưu điểm lớn nhất của việc ủ mầm bằng máy là hạt lúa nảy mầm đồng đều. Nhờ đó, khắc phục được những “sự cố” nêu trên.

Để mô hình máy nảy mầm hạt giống lúa của Hàn Quốc được ứng dụng rộng rãi, ông Sáu cho rằng, Trung tâm nên đẩy mạnh giới thiệu công nghệ này vào các tỉnh phía Nam, bởi hiện nay rất nhiều địa phương ở đó sản xuất lúa Japonica quy mô lớn. Các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX cung ứng dịch vụ mạ khay, máy cấy sẽ có nhu cầu sử dụng sản phẩm này.

TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Để đánh giá toàn diện hơn về công dụng và tính ứng dụng của máy, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông cần thực hiện thêm các công thức thí nghiệm không chỉ với hạt giống lúa mà các giống cây trồng khác. Thông qua đó, tích hợp đa giá trị trong một sản phẩm. Trung tâm cũng cần ban hành quy trình chuẩn để hướng dẫn người dân, HTX và doanh nghiệp vận hành máy hiệu quả hơn.

Mặc dù đánh giá cao về công dụng của máy trong việc khử trùng và ủ nảy mầm hạt giống lúa, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho rằng: “Hiện nay thời vụ gieo trồng lúa không dài mà tập trung trong khoảng 15 ngày đối với vụ mùa, còn vụ xuân có thể kéo dài hơn. Do đó, cần phải nghiên cứu làm sao để sử dụng máy này hiệu quả nhất.

Theo ông Vương, thời gian ngâm, xử lý, ủ hạt giống ít nhất 48 giờ mới nảy mầm, bởi vậy mỗi vụ lúa máy chỉ hoạt động được tối đa 8 mẻ, như vậy, mức độ khai thác máy là rất hạn chế. Ông Vương đề nghị Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông tìm các giải pháp khác để có thể sử dụng máy hiệu quả hơn. Ví dụ, quy trình khử trùng (diệt nấm bệnh) hạt giống trong nước ấm khoảng 62 độ C chỉ mất 10 phút. Vậy, có thể sử dụng sản phẩm này để chuyên khử trùng hạt giống, còn khâu ủ nảy mầm sẽ được thực hiện bằng biện pháp khác để quay vòng sử dụng máy nhanh hơn.

 

Bình luận

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới

Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.

Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1

Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.

Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu

Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.

Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương

Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng

Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.

Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh

Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.

Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận

Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...