Loạn giống chanh dây ở Tây Nguyên

Tràn ngập những nội dung quảng cáo trên Facebook về giống chanh dây 'Made in Đài Loan'. Tuy nhiên thực hư thế nào, chất lượng, và giá cả… xem ra rất khó kiểm soát.

Nhập nhằng giống - giá
Theo thông tin của Báo Nông nghiệp Việt Nam nắm được từ các cơ quan quản lý, từ tháng 9/2020 đến nay, chưa có lô chanh leo (chanh dây) giống nào có xuất xứ từ Đài Loan được nhập khẩu vào Việt Nam. Ấy vậy mà ở các tỉnh Tây Nguyên, không ít đại lý kinh doanh giống cây trồng vẫn công khai đề biển bán giống chanh dây Đài Loan; không ít trang Facebook công khai rao bán giống chanh dây Đài Loan…

Theo địa chỉ từ một trang Facebook, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với một cơ sở bán giống chanh dây. Người phụ nữ nghe điện thoại tự giới thiệu là chủ đại lý nhưng không nêu tên đại lý, không nêu địa chỉ cụ thể, mà chỉ nói là ở Đắk Lắk. “Anh yên tâm, đại lý bên em ship hàng cho khách hàng có nhu cầu ở tất cả các tỉnh”, chị này cho biết.

z2974282551711_96d310e4d697365859f1f4a55c945ed2-1502_20211128_688-145536.jpeg

Vườn ươm giống chanh dây chất lượng cao, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tại huyện Chư Pưh (Gia Lai). Ảnh: Lam Giang.

Khi được hỏi về nguồn gốc giống chanh dây, chị khẳng định: Giống được ghép từ giống thực sinh là cây chanh vàng, ghép với giống của Đài Loan trong nhà lưới, rất đảm bảo chất lượng? Về giá cả, chị này cho biết cứ mỗi một thùng (102 dây giống) có giá 1,7 triệu đồng. Nếu bán sỹ (số lượng lớn) thì giảm giá còn 1,5 triệu đồng/thùng.

Cũng từ một trang Facebook rao bán giống chanh dây, chị Huệ, chủ đại lý không hề dấu giếm khi cho biết địa chỉ của đại lý ở 793, đường Hùng Vương, Thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Thông tin về nguồn gốc giống chanh dây của đại lý này cũng xuất xứ từ Đài Loan.

“Anh yên tâm đi. Giống bên em bán cho nhà vườn ở Chư Sê, Chư Pưh bên Gia Lai từ nhiều vụ rồi, bên đó họ tin tưởng lăm!”, chị Huệ khẳng định. Khi hỏi về giá cả, chị Huệ cho biết: Một thùng 100 dây giống, khuyến mãi thêm 2 dây là 102 dây, giá 3 triệu đồng. “Nếu anh mua số lượng lớn, bên em sẽ giảm, còn 2,7 triệu đồng một thùng”, chị Huệ cho biết.

Mới có hai đại lý ở cùng một địa bàn là tỉnh Đắk Lắk, với cùng một loại giống được giới thiệu là có nguồn gốc từ Đài Loan, giá đã chênh lệnh nhau từ 1,3 - 1,5 triệu đồng mỗi thùng 100 dây, đó là một sự thật khó tin!

Cần xử lý triệt để
Lướt thêm trên Facebook, gặp một trang có tên gọi nghe có vẻ… tin tưởng: “Hội nông dân chanh dây Tây Nguyên Việt Nam”. Một người phụ nữ cầm máy giới thiệu: Đại lý mang tên Kim Huệ ở đường Hùng Vương, Thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Hỏi về giống, chị này khẳng định là giống chanh dây xuất xứ từ Đài Loan.

Khi được hỏi về giá, chị cho biết: “Ba triệu đồng một thùng 102 dây. Từ Thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk ship về huyện Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai, giá ship 50 nghìn đồng mỗi thùng”. Khi hỏi là mua số lượng lớn, khoảng 15 thùng thì có được giảm giá hoặc miễn phí ship hay không? Chị này trả lời: Nếu mua với số lượng lớn, đại lý sẽ miễn ship, còn giá thì vẫn 3 triệu đồng mỗi thùng, không thể bớt. Hơn nữa, bên mua phải chuyển tiền đặt cóc trước mới được đại lý giao hàng.

z2974286012989_5c3ce5a85d835a9bd63ea44c68b5dbd9-1502_20211128_785-145538.jpeg

Nông dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ trước khi chọn mua giống chanh dây. Ảnh: Lam Giang.

Ở Tây Nguyên, thời gian qua chanh dây được mùa, được giá. Nhiều nhà vườn hồ hởi khi có thu nhập ổn định từ vườn cây; không ít hộ nông dân mở rộng diện tích chanh dây hòng mong có những mùa vụ bội thu sau này. Tuy nhiên, với sự nhập nhằng của các đại lý bán giống, nông dân rất khó có thể xác định được giống thật và giống giả, và đâu là giá cả hợp lý nhất.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nông dân ở Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai), cho biết: “Tôi mua 300 cây chanh dây từ một đại lý bán giống chanh dây ở Thành phố Pleiku với giá 34 ngàn đồng/cây để trồng 6 sào. Đây là lần đầu tôi mua giống từ đại lý này, nghe họ giới thiệu là giống có xuất xứ từ Đài Loan, chất lượng tốt thì mua thôi. Giờ chanh đã bắt đầu cho trái nên năng suất chưa biết ra sao. Thú thật, nông dân như chúng tôi thì luôn muốn mua giống đảm bảo chất lượng chớ không khéo thì tiền mất tật mang”.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Về giống chanh dây, trước đây đa số là giống Đài Nông 1 được nhập từ Đài Loan về để sản xuất. Đây là giống đã được cho phép sản xuất và nhập khẩu, muốn nhập vào trong nước phải tiến hành kiểm dịch thực vật, nếu đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của Việt Nam mới được phép nhập khẩu. Đây là giống đủ chuẩn, đã được Bộ NN-PTNT kiểm soát về mặt chất lượng. Tuy nhiên chỉ lo về vấn đề nhập lậu, không thể kiểm soát được.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ giống gốc là giống Đài Nông 1 có xuất xứ từ Đài Loan, sau này được một số doanh nghiệp lớn ghép và tạo ra các loại giống mới, được cấp chứng nhận là giống đầu dòng, đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường. “Qua quá trình kiểm tra giám sát, có thể nói giống này tương đối tốt, đưa vào sản suất cho hiệu quả cao cả về năng suất, chất lượng quả lẫn việc kháng sâu bệnh”, ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm.

chanh-leo-1443_20211123_75-145539.jpeg

Chanh leo là cây trồng có nguy cơ dịch bệnh rất cao, vì vậy việc kiểm soát chất lượng giống ngay từ đầu quyết định tới thành bại của người trồng. Ảnh: TL.

Có một thực tế là hiện tại, giống chanh dây được rao bán tràn lan trên thị trường, tuy được các đại lý giới thiệu là giống chanh dây có xuất xứ từ Đài Loan, nhưng giá cả lại mỗi nơi mỗi khác, chất lượng thì… khó mà thẩm định được! Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn hòng siết chặt quản lý, đảm bảo quyền lợi cho những cơ sở sản xuất giống uy tín, đảm bảo người nông dân có vườn chanh dây với chất lượng cao… Về phía nông dân, rất cần sự tỉnh táo, chọn những đơn vị cũng cấp giống có uy tín, được sự cấp phép của cơ quan chuyên môn, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc cho vườn cây của gia đình.

“Thanh tra Sở NN-PTNT thường xuyên đi kiểm tra tại các cơ sở sản xuất giống, các HTX và các cơ sở kinh doanh giống. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì sẵn sang xử lý triệt để với mục đích không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung của tỉnh, đến vấn đề sâu bệnh sau này, đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai khẳng định.

 

Bình luận

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới

Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.

Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1

Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.

Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu

Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.

Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương

Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng

Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.

Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh

Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.

Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận

Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...