Muỗi hành gây hại cục bộ lúa đông xuân

Hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân sạ trễ đang bị muỗi hành gây hại. Một ít diện tích lúa ở An Giang nông dân dự định phá bỏ do muỗi hành phá hại.

m1.png

Nông dân ĐBSCL phun thuốc BVTV phòng ngừa dịch muỗi hành gây hại ở lúa đông xuân muộn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sạ thưa ít bị muỗi hành
Ông Huỳnh Trung Thu ở xã Ða Phước, huyện An Phú (An Giang) cho biết: Lúa đông xuân năm nay bị muỗi hành gây thiệt hại nặng ở một số vùng gieo sạ muộn. Tuy nhiên, những ruộng có xử lý rơm rạ bằng vi sinh tốt như của gia đình ông (4ha) thì lúa cứng cây, ít bị muỗi hành phá hơn hẳn. Còn các ruộng khác gần đó bị muỗi hành tấn công, sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất ở cuối vụ. 

Vụ đông xuân này, gia đình ông Thu xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh EMUNIV; sạ cụm bằng máy, sạ thưa 6 kg/1.000m2, bón phân NPK 35 kg/1.000m2. Ruộng của ông còn giảm 50% thuốc BVTV (2 cữ phòng vì ít sâu bệnh). Dự kiến, lúa sẽ thu hoạch vào ngày 10/4/2022. Trong khi đó, ruộng đối chứng sạ bình thường 20 kg/1.000m2; bón phân NPK 60 kg/1.000m2; sử dụng thuốc BVTV lên đến 6 cữ phòng ngừa sâu cuốn lá, sâu đục thân, chích hút, rầy phấn trắng, cháy lá, lem lép, muỗi hành... Tuy nhiên, những ruộng đó vẫn bị muỗi hành tấn công.

m2.png

Nông dân An Giang kiểm tra lúa đông xuân bị nhiễm muỗi hành. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú (An Giang) cho biết: Hiện nay toàn huyện có khoảng 22ha bị muỗi hành tấn công ở trà lúa đông xuân muộn (gieo sạ trong tháng 1/2022), đa phần diện tích bị muỗi hành phá hại ở giai đoạn lúa làm đòng và chuẩn bị trỗ. Diện tích bị muỗi hành xuất hiện rải rác ở các xã như: Đa Phước, Phú Hội, Quốc Thái và Thị trấn An Phú…

Ngày 8/3, nhận được thông tin từ người dân báo lên, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú đã đi thực tế đến từng hộ dân và thăm đồng để nắm tình hình muỗi hành trên địa bàn. Theo ông Tường, vụ lúa đông xuân năm nào cũng có xuất hiện muỗi hành nhiều hay ít. Vụ lúa đông xuân năm nay, diện tích xuất hiện muỗi hành rất ít so với đông xuân năm rồi, chỉ tập trung ở trà lúa muộn và với diện tích không đáng lo ngại. 

Theo ngành nông nghiệp huyện, các ruộng lúa bị nhiễm muỗi hành chỉ ở mức nhẹ từ 5 - 10%, có chỗ nhiễm nặng từ 30 - 40% nhưng chỉ xảy ra cục bộ, không lan rộng. Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện xuống giống trên 14 ngàn ha, đã có 10% diện tích bước vào thu hoạch. Rất mừng lúa đông xuân năm nay năng suất khá cao, đạt 7,5 - 8 tấn/ha, có doanh nghiệp và thương lái đến tận ruộng thu mua từ 5.600 - 6.700 đồng/kg tùy theo từng loại giống. 

m3.png

Vòng đời muỗi hành. Ảnh: TL.

Tại Kiên Giang, một nhóm nông dân gồm các ông Phạm Quốc Thông, Phạm Văn Minh và Vũ Tân Định ở xã Tân Phước B, huyện Tân Hiệp cho hay: Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, trên cánh đồng lớn liền kề của xã, nhiều bà con bất ngờ vì dịch muỗi hành hồi đầu vụ. Dịch bộc phát rồi lan rộng cả cánh đồng khiến nông dân trở tay không kịp, theo cán bộ BVTV và kinh nghiệm nông dân có thể do thời tiết. Lúc lúa sau khi sạ chỉ cần phát hiện trễ không kịp xử lý thì dịch đã bùng phát. Dịch này khiến năng suất lúa có thể làm giảm 30 - 50%.

Tại TP Cần Thơ, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Theo dõi, thăm đồng xuyên suốt vụ đông xuân 2021 - 2022 cho thấy, dịch muỗi hành chỉ xảy ra cục bộ trên địa bàn huyện Thới Lai khoảng 66 ha. Tuy nhiên, lúa bị nhiễm nhẹ nên không ảnh hưởng đến năng suất. Dịch muỗi hành bộc phát là do thời tiết không thuận lợi nên dễ phát sinh. Dù vậy, năng suất lúa vụ đông xuân năm nay trên địa bàn các huyện trồng lúa của Thành phố được ghi nhận mức thấp, khoảng 7,2 tấn/ha. Nguyên nhân do chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp tăng quá cao nên nông dân ngán ngại, không đầu tư đúng mức.

Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Kiên Giang cho biết: Vụ đông xuân 2021 - 2022, nông dân trong tỉnh đã xuống giống khoảng 62 nghìn ha. Hiện nay, trà lúa đông xuân đang trong giai đoạn thu hoạch. Để phòng chống hạn mặn, tỉnh có kế hoạch xuống giống lúa hè thu từ khoảng giữa tháng 4/2022. Đối với vấn đề muỗi hành, có phát hiện nhưng gây hại chỉ cục bộ. Đến nay, trà lúa đang vào giai đoạn thu hoạch nên dịch muỗi hành không ảnh hưởng.

Cần gieo sạ đúng lịch thời vụ
Trong khi đó ở vùng lúa đông xuân muộn tỉnh Sóc Trăng, phần lớn nông dân trúng mùa và diện tích lúa nhiễm sâu hại không đáng kể.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng nhận xét: Điểm cốt yếu là bà con nông dân gieo sạ đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo. Thời tiết thuận lợi, dịch bệnh ít phát sinh. Thêm nữa, qua mấy vụ lúa nông dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bón phân cân đối nên mật số thiên địch tăng, sâu hại như sâu đục bẹ, sâu đục thân… giảm đáng kể. Do đó từ đầu vụ, dù mật số muỗi hành qua kiểm soát từ bẫy đèn nhiều gấp 3 - 4 lần nhưng nông dân vẫn chủ động phòng trị sớm, không để lan thành dịch gây thiệt hại lúa.

m4.png

Ruộng lúa của ông Huỳnh Trung Thu ở xã Ða Phước, huyện An Phú, An Giang xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh EMUNIV, sạ thưa 6 kg/1.000m2, bón phân NPK 35 kg/1.000m2 nên rất ít bị muỗi hành tấn công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Theo thống kê tuần qua, lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 trong tuần nhiễm 11 đối tượng như: Chuột, đạo ôn lá, sâu cuốn lá và muỗi hành với tổng diện tích nhiễm trong tuần là 9.018 ha. Trong đó, có các đối tượng nhiễm đáng chú ý như: Rầy nâu, diện tích nhiễm trong tuần là 939 ha, tuổi 3 - 5, mật số 1.000 - 1.500 con/m2, nhiễm từ đầu vụ 7.440 ha. Sâu cuốn lá, diện tích nhiễm trong tuần là 1.036 ha ở tuổi 1 - 3, mật số 20 - 25 con/m2, nhiễm từ đầu vụ 12.552 ha. Còn muỗi hành diện tích nhiễm trong tuần là 2.360 ha, chiếm tỷ lệ gây hại 10 - 60%, tính từ bị nhiễm muỗi hành cho đến nay là 25.117 ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho hay: Nông dân tỉnh Tiền Giang đã thu hoạch xong trà lúa đông xuân với diện tích khoảng 50 ngàn ha. Vấn đề muỗi hành, chỉ xuất hiện ít ở vụ đông xuân nhưng không ảnh hưởng đến trà lúa này.

Hiện nông dân 4 huyện phía tây của tỉnh đang xuống giống vụ lúa xuân hè với diện tích khoảng 20.000 ha. Qua thăm đồng, hiện chưa thấy muỗi hành xuất hiện. Tuy nhiên, muỗi hành thường gây hại khi lúa từ 16 ngày tuổi trở lên, do đó khuyến cáo người dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

m5.png

Muỗi hành gây hại nặng lúa từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh trên ruộng sạ dày, thường xuyên ngập nước, bón thừa đạm, ruộng nhiều cỏ dại và lúa chét. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Đình Nhân, Trưởng phòng Quảng bá, Công ty TNHH Phú Nông cho biết: Trong các yếu tố ảnh hưởng đến dịch muỗi hành, ẩm độ là yếu tố rất quan trọng làm tăng khả năng sinh sản và phát triển của ấu trùng (ẩm độ thích hợp 85 - 95%, nhiệt độ 26 - 30 độ C).

Muỗi hành thường gây hại nặng lúa từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh, trên ruộng sạ dày, thường xuyên ngập nước, ruộng bón thừa đạm, ruộng nhiều cỏ dại và lúa chét, gieo sạ không tập trung, quá sớm hay quá muộn.

Biện pháp quản lý: Hạn chế trồng các giống hấp dẫn muỗi hành như Jasmine 85, OM 5451, Nàng Hoa 9… Diệt cỏ xung quanh ruộng. Diệt lúa tạp. Bón phân cân đối vào đúng thời kỳ đẻ nhánh tập trung. Ruộng chớm bị sâu non cần tháo nước.

Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trước đây có xuất hiện muỗi hành, nhưng khoảng hơn 5 năm trở lại đây xuất hiện rất ít, không đáng kể. Khi cây lúa đang ở giai đoạn sinh trưởng, đẻ nhánh thì muỗi hành sẽ tấn công vào, làm cho lá cây lúa không nở bung ra được mà cuốn lại như cọng hành lá làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Mấy năm trước đây, muỗi hành thường xuất hiện trên lúa cao sản. Muỗi hành thường xuất hiện và phát triển mạnh khi thời tiết nóng. Đối với vụ lúa đông xuân năm 2021 – 2022, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chủ yếu xuất hiện rầy nâu, đạo ôn và lem lép hạt. Vụ lúa đông xuân 2021 – 2022, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 48.000 ha, đến nay đã thu hoạch được 300 ha.

 

Bình luận

Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon

Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...

Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới

Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.

Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1

Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.

Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.

Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu

Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.

Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương

Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.

Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng

Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.

Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh

Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.

Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận

Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...