Người tôn vinh hương sắc cốm Hà thành

Khi những chùm quả trên cây bàng cổ thụ góc đường đã ngả màu vàng xuộm, ấy là những khoảnh khắc thần diệu của đất trời Hà Nội đang vào tiết thu già, trong bầu nắng mật ong đặc sánh và dưới những làn gió heo may se sắt.

Và như thế, một mùa nếp mới lại dâng hương. Những hạt cốm hanh hanh xanh vàng với mùi thơm ngọt ngào nằm trên tàu lá sen xanh biếc nổi cát óng ánh lại theo chân người bán từ làng về phố. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hương sắc mùa thu Hà Nội.

banhcom1.jpg

Bà Ngô Thị Tính (thứ hai từ trái sang) kiểm tra dây chuyền sản xuất bánh cốm tại nhà máy (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).

Như rất nhiều người con gái lớn lên giữa lòng phố cổ, cho đến bây giờ bà Ngô Thị Tính hằng năm vẫn ngóng trông mùa thu đến với những đôi quang gánh đơn sơ của những người đàn bà chân quê áo nâu, khăn vấn về lại bên hè phố, cùng những thức đặc sản tuyệt vời của mùa thu xứ Bắc: Cốm Vòng. 

Những mẻ cốm đầu mùa thanh khiết thảo thơm nhất luôn được dành để dâng cúng Trời Phật, tổ tiên và chiêu đãi những người thân trong nhà. Cái nếp quen bao đời của người Hà Nội vẫn thế. Một đĩa cốm xào xanh óng rắc những sợi dừa nạo trắng muốt. Dăm bát chè bột sắn trong vắt bên trên lấm tấm những hạt cốm như bầu trời đầy sao. Chồng bánh cốm gói lá xanh tươi buộc lạt điều. Nải chuối trứng cuốc chín vàng xuộm. Chục hồng trứng căng mọng, đỏ tươi. Mâm cỗ đầu mùa thu rực rỡ như một bức tranh màu nước sống động. 

Hàng chục năm nay, bà Tính luôn ôm ấp ước muốn đem hương sắc cốm Hà thành đến với không chỉ gia đình, họ hàng mà với cả những người bạn phương xa có lòng yêu mến đặc sản nổi danh đất kinh kỳ. Và cứ mỗi mùa cốm mới, cái ước muốn ấy lại càng thêm rõ nét. Những lúc ấy, bà Tính lại nhớ đến bà ngoại của mình, người đã truyền cho bà bí quyết làm bánh, nấu chè từ thời con gái.

Nhu cầu thị trường quà bánh ngày một tăng, càng đòi hỏi việc đa dạng hóa các mặt hàng chế biến từ chất liệu dân tộc sao cho vừa đảm bảo được phẩm cấp, hương vị truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu ngày một phong phú, mới mẻ của thực khách. Đó là mục tiêu mà bà Tính theo đuổi bất chấp mọi khó khăn. Ngay từ khi khởi nghiệp với thương hiệu Bánh cốm Bảo Minh vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, bà Tính đã sớm xác định phải thay thế hàn the bằng chế phẩm phụ gia sinh học, thay các chất phẩm màu công nghiệp độc hại bằng phẩm màu thực phẩm an toàn. Mặc dù việc thử nghiệm rất tốn kém, song bà đã thành công. Các sản phẩm được chế biến tại Bảo Minh vừa đảm bảo hương vị truyền thống, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. 

banhcom2.jpg

Sản phẩm bánh cốm Bảo Minh.

Đã thành thói quen, cứ đầu mùa cốm mới, gia đình bà Tính không quên sắm sửa mâm lễ dâng cúng tại chùa Hòe Nhai nằm trên phố Hàng Than (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) để cảm tạ Trời Phật đã cho gia đình bà và người dân trong khu phố làm ăn thuận lợi, giữ gìn được nghề truyền thống của cha ông. Phố Hàng Than từ vài mươi năm nay đã dần trở thành một dãy phố chuyên nghề bánh cốm, sau này trở thành dãy phố chuyên bán đồ cưới hỏi và các loại quà bánh đặc sản. Dẫu bánh cốm Bảo Minh được bày bán ở khắp Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng bà Tính vẫn giữ cửa hàng trên phố Hàng Than như nếp quen của nhiều gia đình Hà Nội cũ: “Buôn có bạn, bán có phường”.

Hai chữ Bảo Minh mang hàm ý về sự quý giá. Với gia đình bà Tính, bảo vệ uy tín, thương hiệu là sự sống còn của doanh nghiệp. Nhất là khi quy mô sản xuất liên tục được mở rộng tới 400 - 500 công nhân làm việc liên tục suốt đêm ngày ở hai nhà máy tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc quản lý chất lượng sản phẩm càng trở nên quan trọng.

Tất tả, bận rộn quanh năm suốt tháng với công việc làm ăn, nên những giờ phút được đoàn viên cùng gia đình càng trở nên quý giá. Hai người con của bà Tính đều đã tốt nghiệp cao học tại nước ngoài, trở về Việt Nam làm việc và lập gia đình riêng rất hạnh phúc. Đó là những phần thưởng mà vợ chồng doanh nhân Ngô Thị Tính coi là lớn nhất của cuộc đời. 

Hương vị ngọt ngào, thân thương của niềm hạnh phúc gia đình, đó là điều xưa nay không gì có thể thay thế. Đó cũng là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng ước muốn được tận hưởng, lưu giữ bên mình mãi mãi.

 

Bình luận

9 đặc sản vùng miền Việt Nam được công nhận kỷ lục châu Á

Tổ chức Kỷ lục châu Á mới đây đã chính thức công nhận kỷ lục châu Á cho 9 món ăn, đặc sản vùng miền Việt Nam. Đó là những đặc sản nào?

Săn phật thủ Bồ Tát Hoàng Kim cực quý hiếm

Thời gian gần đây xuất hiện một loại phật thủ siêu quý hiếm có tên là Bồ Tát Hoàng Kim, sản vật thờ cúng dịp Tết có tiền chưa chắc đã mua được.

Làm mưa nhân tạo, lão nông miền Tây nuôi loài cá quý hiếm, sắp tuyệt chủng

Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), ở Cồn Sơn - giữa sông Hậu (Cần Thơ) nuôi hàng nghìn con cá chốt chuột - loại cá đang hiếm dần trên dòng Mê kông.

Đặc sản dân dã lên sàn thương mại điện tử đắt hàng như tôm tươi

Rau sắn được coi là món ăn đặc sản ở Phú Thọ, loại rau này hiện được bán ở khắp các sàn thương mại điện tử và khá "hút" khách, có shop bán hàng trăm suất mỗi ngày.

Những lợi ích của nho với sức khỏe

Nho chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường; cải thiện trí nhớ, tâm trạng; ngăn rụng tóc, hỗ trợ giấc ngủ…

Xoài Yên Châu

Xoài Yên Châu là trái cây đặc sản được trồng ở các xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán… thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Theo người dân địa phương, giống xoài này được trồng ở Yên Châu từ rất lâu đời, tập trung trên vùng gò đồi có địa hình thấp.

5 lợi ích của dầu hạt bông cải xanh đối với sức khoẻ

Dầu hạt bông cải xanh được tạo ra bằng cách ép lạnh những hạt nhỏ của mầm bông cải xanh. Mầm bông cải xanh được cho là chứa chất chống oxy hóa sulforaphane nhiều hơn 80-100 lần so với bông cải xanh. Dưới đây là một số công dụng của loại dầu này đối với sk

1,2 triệu đồng một kg nấm mối đầu mùa

Mỗi kg nấm mối búp đầu mùa được các đầu mối bán giá 1,2 triệu đồng nhưng vẫn có nhiều khách đặt mua.

Sầu riêng Thái Lan dội chợ, giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’

Được quảng cáo thuộc top ngon nhất thế giới, loại sầu riêng Thái Lan có múi nhỏ xíu, cơm vàng óng mềm mịn, vị ngọt sắc liên tục cháy hàng dù giá đắt gấp đôi sầu riêng Việt Nam.

Cà cuống: Món ngon quý hiếm từ sình lầy, không phải ai cũng có cơ hội ăn thử

Nghe cái tên cà cuống có vẻ quen tai nhưng không phải ai cũng từng nhìn thấy hay được thưởng thức chúng.