Cọc lớn, cọc nhỏ tiền từ lợn thảo dược

Đã có lúc đàn lợn VietGAHP, lợn thảo dược giúp những cục tiền lớn, cục tiền nhỏ chạy vào túi anh Nguyễn Ngọc Sáng dễ dàng, nhưng không ít lần chúng khiến anh long đong.

tq4.png

Khu trang trại chăn nuôi lợn thảo dược của anh Nguyễn Ngọc Sáng. Ảnh: Đào Thanh.

Cây nghiêng không sợ chết đứng
Chiếc flycam của chúng tôi bay dọc ngọn đồi rộng tới 50ha, những sóng núi điệp trùng mênh mang màu xanh của keo, mỡ, xoan… phần lớn đều là đất đồi rừng của anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Giữa những cánh rừng ấy là khu trang trại chăn nuôi lợn rộng hơn 4ha. Để có khối tài sản khổng lồ này, cuộc đời Sáng không ít đận long đong nhọc nhằn.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng mồ côi bố khi còn là cậu bé 9 tuổi. Nhà Sáng có 8 anh em, 4 trai, 4 gái. Sáng là thứ 6, lúc bố anh mất, đứa em út mới được 3 tuổi. Sau ngày bố mất, mẹ gánh gồng mọi thử thách của cuộc đời, kẽo kẹt sau lũy tre làng tìm hạt thóc, củ khoai nuôi các anh chị em Sáng khôn lớn; mong các con không bị trượt, bị rơi tự do khỏi cuộc đời.

Học hết lớp 10/10, nhìn mẹ ngày một xơ xác như chiếc nón đội đầu bà luôn mang theo mình bao năm tháng, Sáng không học thêm nữa mà xin mẹ cho về Phú Thọ học nghề mộc. Bươn trải với nghề mộc, nghề buôn gỗ giúp anh có những bọc tiền lớn mang về mua đất, mua rừng, mua ruộng để làm kinh tế. Anh bảo, sau nhiều năm quăng quật với đời, anh quyết định về quê hương lấy đất, lấy rừng để gắn bó với cuộc đời.

Để có diện tích rừng lớn như hiện nay, Sáng phải mất 10 năm thu gom đất mua lại của bà con. Khi mua đất số lượng ít, vì đất rừng ở xã Đông Thọ khá sẵn, người dân lại chưa quan tâm nhiều nên việc mua khá thuận tiện. Nhưng để mua với số lượng lớn, liền lô, liền khoảnh thì cũng nhiều khó khăn. Bởi với một số hộ, đất rừng vẫn là nguồn sinh kế lớn đảm bảo cuộc sống của họ. Chính vì thế có những thửa đất giá chỉ vài chục triệu/ha nhưng có thửa anh phải mất đến cả 500 triệu đồng chi phí mua từ mảnh khác để thoả thuận đổi với dân để đổi lấy mảnh liền kề của gia đình mình. Giờ đây, đi bộ đến mỏi chân cũng không hết cánh rừng của anh Sáng.

Năm 2016, nhìn những con lợn gầy quắt queo chạy lông nhông ngoài đường chẳng ai muốn nhận về nuôi, Sáng quyết định phát triển nghề nuôi lợn. Nhưng chuyện khởi nghiệp từ lợn chẳng dễ như anh nghĩ. Bởi ngoài việc chưa được trang bị kiến thức chăn nuôi tốt thì giá lợn thời điểm đó xuống dốc không phanh khiến có tháng anh lỗ cả tỷ đồng.

tq3.png

Chăn nuôi an toàn sinh học là bí quyết giúp anh Sáng thành công. Ảnh: Đào Thanh.

Những ngày nuôi lợn thua lỗ, nhiều hôm liên tiếp khi ngôi nhà chìm trong bóng đêm, Sáng chẳng thể ngủ nổi. Tiếng ếch nhái kêu rỉ rả ngoài đồng, tiếng gà rừng đã kịp gọi trời sáng nhưng mớ rối tối tăm trong đầu Sáng thì vẫn chưa kịp sáng ra.

Lại thêm việc đi đến đâu, sau từng hớp chè chát môi, theo từng làn khói thuốc phả ra bên các quán chợ, bên bờ ruộng hay lưng đồi là lời bàn tán: Đợt này Sáng Nhung chết hẳn rồi!

Vợ anh động viên bảo: Cái số anh là thế, cả đời phải chịu nhiều vất vả thiếu may mắn nên đừng suy nghĩ nhiều. Rồi chị đưa quyển sổ lương giáo viên của mình để anh mang ra ngân hàng thế chấp vay tiền. Cộng thêm việc khi ấy có những người bạn sẵn sàng cho anh mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng khiến anh có thêm tiền trả nợ.

Sự đồng cảm của vợ và những người bạn đã khiến cái sức mạnh của con người có số phận từ khi sinh ra giống như một cái cây nghiêng, bao năm quăng quật với đời không sợ chết đứng trong anh được bật dậy. Bán đất rừng thì tiếc, anh quyết định bán cây rừng non để lấy tiền trả nợ, duy trì và đầu tư tái đàn.

Sau mấy tháng gắng gượng, cái cây nghiêng số phận của Sáng như được dựng lên và sống lại khi nhà nhà bỏ chuồng không, lợn thịt thiếu nghiêm trọng, đàn lợn của Sáng trở thành của hiếm. Giá lợn lên đến 97.000 đồng/kg hơi, anh bán 2 xe tải lợn đã lãi hơn 1 tỷ đồng. Vụ lợn năm 2019, anh lãi gần chục tỷ đồng.

Mình đã sống khổ nên không muốn ai khổ vì mình

Trong khi nhiều người mải mê vì lợi nhuận mà quên đi an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, anh luôn đề cao chăn nuôi an toàn. Bởi vậy, trang trại của anh là trang trại đầu tiên và duy nhất tính đến nay của tỉnh Tuyên Quang được công nhận chuẩn VietGAHP, sau này anh phát triển thêm chăn nuôi lợn thảo dược.

Sáng bảo rằng, đời mình khổ mình biết, nên khi bán được con lợn ra thị trường không đảm bảo an toàn thì chẳng khác nào đem cái khổ cho người khác. Bởi vậy kinh tế càng vững hơn, anh càng thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn.

tq2.png

Đảm bảo an toàn dịch bệnh, mọi thứ được đưa vào trang trại của anh Sáng đều được kiểm duyệt cẩn trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi theo quy trình an toàn nên từ giống lợn, nguồn nước, nguồn thức ăn… khi đưa vào trang trại chăn nuôi của anh đều được kiểm duyệt cẩn thận. Theo anh Sáng thì làm an toàn sinh học tốt thì hạn chế được việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi.
Hệ thống nước thải và phân chuồng một phần anh xử lý để bán cho các nhà vườn trồng cây, phần còn lại làm biogas… Xử lý nguồn nước thải chăn nuôi anh xây dựng bể lắng 8 ngăn. Nguồn nước thải này được lọc ra qua 3 hồ sinh thái đánh lắng rồi dùng men vi sinh xử lý, sau đó mới để chảy theo đường ống ngầm qua cánh đồng dài 1.200m rồi chạy qua mương ra sông. Nhờ vậy, nguồn nước thải không có mùi và gây ô nhiễm môi trường.

Anh Sáng đang tiếp tục đầu tư khoảng 1 tỷ xây dựng hệ thống máy phát điện công suất 100 KW; lắp hệ thống điện bằng gas, nếu thành công thì nguồn điện này sẽ thay thế nguồn điện lưới quốc gia đang được sử dụng trong trang trại.

Khi an toàn sinh học tốt thì có thể bảo hộ được đàn lợn vì có những loại bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi hiện tại chưa có vacxin để ngăn bệnh. Từ ngày có dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng cho đến tai xanh, trang trại lợn hơn 2.000 con của gia đình anh vẫn luôn an toàn và có lợn xuất chuồng đều đặn khi lợn khan hiếm bởi dịch bệnh.

Những con lợn thảo dược nói không với thuốc kháng sinh
Trong số đàn lợn của anh Sáng có những con lợn có chế độ ăn thật đặc biệt, đó là ăn tỏi hành thay thuốc kháng sinh; ăn cám trộn lẫn quế, hồi theo công thức riêng của trang trại, chúng còn được cho ăn các loài cây thảo dược như chè xanh, cà gai leo…

Để có được kỹ thuật chăm sóc lợn thảo dược, đầu năm 2021, Sáng đã về tận Vĩnh Phúc học cách chăm sóc đàn lợn. Từ cách tự chế biến cám đảm bảo đủ độ đạm đến việc xử lý nguồn thức ăn cho thịt lợn săn chắc, đảm bảo độ ngọt và có mùi hương. Sau 9 tháng nuôi, những con lợn cho thịt thơm ngon đậm mùi thảo dược, anh biết rằng mình đã thành công và nhân đàn lợn lên hơn 1.000 con. So với lợn thông thường, giá lợn thảo được bán giá cao hơn từ 15 đến 20%.

tq1.png

Trong tương lai, lợn thảo dược sẽ được anh Sáng lựa chọn là sản phẩm chủ lực của HTX. Ảnh: Đào Thanh.

Dù thơm ngon là vậy, nhưng thị trường hiện nay chưa biết nhiều về thịt lợn này. Đầu năm 2022, anh quyết định đầu tư mở một cửa hàng bán thịt lợn thảo dược tươi sống và các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Anh cũng đã kết nối với một số đại lý, cửa hàng tại Hà Nội để phân phối sản phẩm của HTX, đảm bảo về chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. Anh xác định về lâu dài, lợn thảo dược sẽ là sản phẩm chủ lực trong trang trại.

“Cả đời mẹ tôi mải miết nhìn xuống luống rau, bờ ruộng, bãi phân… cặm cụi nhặt nhạnh nuôi các con khôn lớn nên tôi và các anh chị em của mình luôn cố gắng phấn đấu mong mẹ được ngẩng mặt lên mà hãnh diện. Nỗi nhọc nhằn của mẹ đã giúp cả 8 anh chị em tôi đều thành người. Trong số 3 anh chị được học lên đại học có 1 anh học tới tiến sỹ và đang giảng dạy tại 1 trường đại học ở Liên bang Nga.

Còn tôi, tôi luôn phấn đấu để cung cấp cho thị trường những con lợn đảm bảo an toàn về chất lượng. Khi có thời gian rảnh, tôi đến trường làng quyên góp tiền, gạo ủng hộ các học sinh nghèo; tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi rất có thể, phần quà nhỏ của tôi lại giúp đẩy lùi số phận cơ cực của ai đó như tôi đã từng làm được”, anh Sáng chia sẻ.

Bình luận

Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở cù lao Tân Phú Đông

Mô hình 30ha nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn có quy mô lớn nhất ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi ốc nhồi

Nhiều lần đi ăn gọi món ốc nhồi và nhận được câu trả lời “hết hàng”, chàng vệ sĩ 8X quyết định về quê nuôi ốc để bán ra thị trường. Nay, anh trở thành vị giám đốc trẻ tuổi, thành tỷ phú nhờ con ốc nhồi.

Nuôi gà ri Hòa Bình theo hướng an toàn sinh học

Với quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương của mình, anh Trần Thanh Nhàn, SN 1987, trú tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã gác lại tấm bằng cử nhân kinh tế của Trường Đại học Đà Lạt về quê nuôi gà ri gáy râm ran khắp làng

Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con

Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bí quyết của tỷ phú nuôi tôm CPF-Combine

Nguồn vốn ông Thành, (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 - 20 tỷ

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 1] 'Trùm' gà Minh Dư

Ông 'trùm' gà này đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với gà, đang sở hữu 2 trang trại gà lạnh, 1 trang trại gà Minh Dư hàng chục ngàn con.

Ông 'Minh bưởi' và câu chuyện đam mê ứng dụng công nghệ

Từ người đi sau, ông Minh nay là người trồng bưởi số 1 Bạch Đằng nhờ quyết tâm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị trái bưởi.

Chủ trại lươn giống bậc nhất miền Tây

Nhờ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ươm lươn giống bài bản, trại lươn giống của anh Hiếu hiện mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu con giống chất lượng.

Tỷ phú đất cù lao giàu lên từ con tôm công nghệ cao

Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.

Nuôi cá chép giòn với thức ăn đặc biệt nhập ngoại, lão nông miền Tây thu tiền tỉ mỗi năm

Những con cá chép thông thường, nhờ kỹ thuật nuôi đặc biệt mà thịt cá chuyển từ mềm sang giòn, dai,… Mỗi năm, lão nông ở Đồng Tháp cho ra thị trường khoảng 200 tấn cá, thu về vài tỉ đồng.