Ông 'Minh bưởi' và câu chuyện đam mê ứng dụng công nghệ

Từ người đi sau, ông Minh nay là người trồng bưởi số 1 Bạch Đằng nhờ quyết tâm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị trái bưởi.

Nghĩ khác, làm khác
Ai từng đặt chân đến xã cù lao Bạch Đằng, một địa phương duy nhất của tỉnh Bình Dương không bị tác động bởi công nghiệp hóa, chắc hẳn sẽ không thể quên được vẻ đẹp thanh bình, yên ả của vùng nông thôn mới với những vườn bưởi xanh ngát, trải rộng. Đi trên những con đường liên ấp, hương hoa bưởi thoang thoảng níu chân du khách.

h9.png

Vườn Bưởi của gia đình ông Minh tại xã Bạch Đằng. Ảnh: Trần Trung.

Đã từ lâu, cù lao Bạch Đằng được ví như thiên đường của cây bưởi với tổng diện tích khoảng 600ha. Ngoài các giống bưởi chủ lực như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, nơi đây còn nổi tiếng với giống bưởi ổi, bưởi hồng. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, người nông dân xã Bạch Đằng đã "điều khiển" để cây bưởi ra trái theo ý muốn. Đặc biệt, nhờ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bưởi Bạch Đằng có giá trị kinh tế cao hơn và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Theo chân ông Nguyễn Minh Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Võ Văn Minh, một trong những lão nông dày dạn kinh nghiệm, tiên phong áp dụng quy trình VietGAP vào canh tác bưởi đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

h8.png

Ông Sang (bên trái) hào hứng nghe ông Minh giới thiệu quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi ra vườn bưởi xanh ngát, hệ thống tưới tự động phủ khắp, cạnh bên là một bể nổi rộng gần 500m2 đầy ấp phân bò đã được phối trộn men vi sinh đủ sử dụng đến hết mùa cho vườn cây. Cầm quả bưởi to tròn, chín mọng trên tay, ông Minh kể, là người con của vùng đất Bạch Đằng, gia đình sở hữu diện tích trồng bưởi lớn bậc nhất nơi đây, nhưng trước đây ông đã từng không muốn “kế tục” nghề của gia đình. Sau khi có bằng kỹ sư lâm nghiệp trong tay, ông thử sức mình ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Tuy nhiên, đến năm 2000, ông chính thức bỏ phố về làng để theo nghề trồng bưởi như mong muốn của cha. Giai đoạn đầu, khi trồng mới vườn bưởi, ông gặp không ít khó khăn vì kiến thức cha truyền dạy chỉ là những kinh nghiệm truyền thống, còn mong muốn của ông là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra hàng hóa.

h7.png

Nhằm giúp quả bưởi thêm phần sáng bóng, tránh thối cuống và tránh vàng da do nắng, ông Minh tận dụng vỏ bao để làm giá thể che quả, tiết kiệm chi phí hiệu quả cao. Ảnh: Trần Trung.

Thấy nhiều người trồng bưởi theo kinh nghiệm mà thiếu áp dụng kỹ thuật, ông cũng không dám nói vì nghĩ mình là người đi sau, không khéo lại bị chỉ trích “trứng khôn hơn vịt”! Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm âm thầm xây dựng vườn bưởi với mong muốn từ thành công của mình sẽ thuyết phục được nhiều người học hỏi và làm theo. Và quả đúng như vậy, đến nay ông đã được nhiều người công nhận là người trồng bưởi “số một” tại Bạch Đằng.

Trò chuyện với ông Minh, chúng tôi nhận thấy tính khoa học thể hiện trong từng câu nói. Không dài dòng, ông trả lời đúng trọng tâm những gì chúng tôi muốn lắng nghe. Theo ông Minh, trồng bưởi là nghề truyền thống vì vậy những kinh nghiệm của ông cha để lại là rất quý, tuy nhiên điều quan trọng là phải biết ứng dụng kinh nghiệm như thế nào cho phù hợp. Đơn cử như việc quét vôi cho cây bưởi, nhiều người cho rằng là để phòng trừ một số loại nấm nên chỉ quét ở gốc, nhưng với ông lại khác. Theo ông Minh, vôi có thể bổ sung một số loại chất cần thiết cho cây bưởi, chính vì vậy ông dùng máy phun vôi cho cả cây bưởi, vừa phòng trừ được nhiều loại nấm gây hại, vừa làm tăng hiệu quả sản xuất.

h6.png

Ông Minh quy hoạch gần 500m2 đất ngay tại vườn để ủ phân chuồng để chủ động chăm sóc vườn cây. Ảnh: Trần Trung.

Sau hơn 10 năm gắn bó với cây bưởi, ông Minh đã trở thành lão nông kỳ cựu của xứ bưởi Bạch Đằng. Vườn bưởi của gia đình ông chỉ trồng duy nhất loại bưởi đường lá cam và lúc nào cũng xanh tốt, cho năng suất ổn định. Với khoảng 1ha trồng bưởi, hàng năm ông Minh thu về từ 500 - 600 triệu đồng. Không những thế, ông còn có thể xử lý cho bưởi ra hoa trái vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường theo ý muốn. Có được thành công này chính là nhờ lòng say mê học hỏi và chịu khó áp dụng kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng hệ thống tưới tự động, sử dụng máy xới đất, máy cắt cành, máy phun thuốc...

h5.png

Ông Minh chia sẻ bí quyết canh tác cho các thành viên trong HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Minh chia sẻ, là nông dân cũng phải học và luôn vận động. Có như vậy thì cây trồng của mình mới đạt năng suất cao, sản phẩm chất lượng hơn. “Với tôi, hoàn toàn không có “bí quyết” gì trong việc trồng bưởi cả, mà điều quan trọng là làm sao ứng dụng các kiến thức đã học vào sản xuất sao cho phù hợp nhất. Nếu ai muốn học hỏi cách trồng bưởi, tôi sẵn sàng chia sẻ”, ông Minh nói.

Liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị
Theo ông Minh, thành công trong quy trình sản xuất tuy quan trọng, nhưng làm sao để liên kết các chủ vườn bưởi và cả vùng bưởi lại với nhau để nâng cao giá trị của cây bưởi mới là điều quan trọng hơn. Có liên kết với nhau thì mới có thể nâng cao trình độ sản xuất, chế biến sâu sản phẩm để tăng thu nhập cho người trồng bưởi. Chính lẽ đó ông đã đứng ra vận động người dân địa phương thành lập tổ hợp tác trồng bưởi, nay là Hợp tác xã (HTX) Bưởi Bạch Đằng.

h3.png

Ông Minh giới thiệu phương pháp chưng cất rượu từ trái bưởi ngay tại gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Để tránh tình trạng đắt đồng ế chợ, được mùa mất giá, ông Minh cất công tìm tòi, nghiên cứu và hoàn thiện được quy trình chế biến từ xử lý nguyên liệu, ủ rượu, chưng cất trích ly tinh dầu, ngâm và sấy mứt... tạo giá trị gia tăng cao.

“Bưởi được mệnh danh là “quả đến từ thiên đường” bởi trong mỗi 100g bưởi có chứa 135mg kali, 42 kalo và rất nhiều chất xơ pectin hòa tan, lycopene, vitamin A và beta-carotene… Chúng có nhiều tác dụng đáng ngạc nhiên như chống oxy hóa, ngăn ngừa sỏi thận, giảm cân. Đối với bưởi Bạch Đằng, từ lâu đã nổi tiếng với phẩm chất “tứ tuyệt”, tức là: nhiều nhất, ngon nhất, quý nhất, danh tiếng nhất. Điều quan trọng nhất, việc đưa vào chế biến sẽ không phải bỏ bất cứ thứ gì và tránh tình trạng thừa hàng dội chợ. Mặt khác, việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, quảng bá và đưa hình ảnh, danh tiếng quả bưởi quê hương đi xa hơn”, ông Minh chia sẻ.

h2.png

Các sản phẩm do HTX và ông Minh gầy dựng được trang trí một góc ngay ngắn để khách hàng và người đến thăm quan trang trại tiện tìm hiểu. Ảnh: Trần Trung.

Ông Minh cho biết thêm, việc xây dựng được quy trình chế biến sâu tạo hàng rào bảo vệ cho giá trị của trái bưởi. Các sản phẩm làm từ trái bưởi, như tinh dầu bưởi, rượu có giá trị cao, lại đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. “Hiện nay, các sản phẩm tinh dầu bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi... của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu “Hai Dương”. Hợp tác xã đang xúc tiến xây dựng quy trình đăng ký các thủ tục để phân phối tại hệ thống Coop Mart và trên Website của MyVietel. Các sản phẩm mang thương hiệu “Hai Dương” được cam kết sản xuất theo chuỗi an toàn từ nhà vườn đến thu hoạch, chế biến. Trong tương lai, HTX sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà vườn tham gia vào HTX để khai thác “tài nguyên bản địa” một cách tốt nhất”, ông Minh nhấn mạnh.

h1.png

Việc thường xuyên tham gia các diễn đàn, hội chợ nông sản là một trong phương pháp để HTX tiếp cận thị trường. Ảnh: HTX.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện môi trường thiên nhiên, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương.

Ông Văng Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2010, xã Bạch Đằng được UBND tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm; tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014. Bạch Đằng trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

“Trong giai đoạn 2021 - 2025, xã Bạch Đằng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn xã, chú trọng phát triển giao thông gắn cảnh quan môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Trong sản xuất, xã Bạch Đằng sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, và sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết”, ông Văng Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương nói.
Ông Nguyễn Minh Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh luôn có nhiều chính sách hỗ trợ trong quá trình giữ gìn và phát triển vườn bưởi đặc sản. Nông dân xã Bạch Đằng luôn được hỗ trợ kịp thời từ nguồn kinh phí, phân bón để phát triển vườn đặc sản. Khi xây dựng làng thông minh, nông dân sẽ được hỗ trợ thêm thông tin sản xuất nông nghiệp đến tận vườn nhà. Với lợi thế chủ lực là vùng bưởi đặc sản, bưởi Bạch Đằng là một trong những đối tượng điển hình trong việc triển khai và thụ hưởng lợi thế từ kế hoạch Làng thông minh”.

 

Bình luận

Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở cù lao Tân Phú Đông

Mô hình 30ha nuôi tôm công nghệ cao của anh Ngô Minh Tuấn có quy mô lớn nhất ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi ốc nhồi

Nhiều lần đi ăn gọi món ốc nhồi và nhận được câu trả lời “hết hàng”, chàng vệ sĩ 8X quyết định về quê nuôi ốc để bán ra thị trường. Nay, anh trở thành vị giám đốc trẻ tuổi, thành tỷ phú nhờ con ốc nhồi.

Cọc lớn, cọc nhỏ tiền từ lợn thảo dược

Đã có lúc đàn lợn VietGAHP, lợn thảo dược giúp những cục tiền lớn, cục tiền nhỏ chạy vào túi anh Nguyễn Ngọc Sáng dễ dàng, nhưng không ít lần chúng khiến anh long đong.

Nuôi gà ri Hòa Bình theo hướng an toàn sinh học

Với quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương của mình, anh Trần Thanh Nhàn, SN 1987, trú tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã gác lại tấm bằng cử nhân kinh tế của Trường Đại học Đà Lạt về quê nuôi gà ri gáy râm ran khắp làng

Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con

Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bí quyết của tỷ phú nuôi tôm CPF-Combine

Nguồn vốn ông Thành, (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 - 20 tỷ

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 1] 'Trùm' gà Minh Dư

Ông 'trùm' gà này đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với gà, đang sở hữu 2 trang trại gà lạnh, 1 trang trại gà Minh Dư hàng chục ngàn con.

Chủ trại lươn giống bậc nhất miền Tây

Nhờ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ươm lươn giống bài bản, trại lươn giống của anh Hiếu hiện mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu con giống chất lượng.

Tỷ phú đất cù lao giàu lên từ con tôm công nghệ cao

Đến cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang hỏi đến tên ông Tuấn Hiền - tên thường gọi của anh Ngô Minh Tuấn thì rất nhiều người biết và trầm trồ ngợi khen tấm gương lao động giỏi, làm giàu từ mô hình nuôi trang trại tôm công nghệ cao.

Nuôi cá chép giòn với thức ăn đặc biệt nhập ngoại, lão nông miền Tây thu tiền tỉ mỗi năm

Những con cá chép thông thường, nhờ kỹ thuật nuôi đặc biệt mà thịt cá chuyển từ mềm sang giòn, dai,… Mỗi năm, lão nông ở Đồng Tháp cho ra thị trường khoảng 200 tấn cá, thu về vài tỉ đồng.