Tôm mới thả, đã chết như ngả rạ
Nhiều vùng nuôi ở Khánh Hòa tôm mới thả chưa đầy 1 tháng đã chết la liệt, người nuôi bỏ đầm. Thời tiết bất thường được nhận định là nguyên nhân khiến tôm chết.
Chúng tôi đến vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chứng kiến nhiều ao nuôi đất đã tháo cạn nước, chẳng còn thấy không khí nhộn nhịp như khi bước vào vụ nuôi mới.
Nhiều ao nuôi ở thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc đã bị thiệt hại, tháo cạn nước. Ảnh: KS.
Ông Bảy Thành, một người nuôi tôm ở khu vực này nói: “Mới thả tôm vụ đầu nhưng hầu hết người nuôi nơi đây đều thiệt hại. Tôm thả chưa gần 1 tháng đã chết như ngả rạ, người nuôi trở tay không kịp, đành xả ao sớm”.
Như gia đình ông Bảy Thành có 2 ao nuôi, với diện tích 1ha. Mặc dù vụ đầu ông thả thưa, khoảng 20 vạn giống/ao (5.000m2) nhưng nuôi mới 27 ngày tôm đã bị đỏ thân, chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.
Về nguyên nhân tôm bị chết, ông Bảy Thành nhận định thời tiết trong những tháng qua biến động phức tạp. Mọi năm sau khi ăn Tết xong, gió bắt đầu êm, nhưng năm nay mưa gió liên tục bất thường khiến môi trường nước hồ nuôi tôm thay đổi nhanh chóng. Nhiệt độ ban ngày và đêm khuya rất chênh lệch. Điều này khiến tôm rất dễ suy yếu hệ miễn dịch, nhiễm bệnh rồi chết.
Tại vùng nuôi tôm trong ao đất ở thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc), hiện một số hộ nuôi đã xuống giống đợt 2. Ông Nguyễn Chiến, một hộ nuôi ở đây cho biết, các ao đã thả vụ 2 gần 20 ngày, chứ vụ đầu bị ảnh hưởng thời tiết nên tôm chết hết sạch.
Gia đình ông Bảy Thành bị thiệt hại nặng vụ đầu thả tôm. Ảnh: KS.
Qua thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), không khí nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây cũng trầm lắng. Các ao nuôi nơi đây để cỏ mọc um tùm, nhiều ao đang lấy nước vào. Ông Nguyễn Văn Thoại, một người nuôi tôm nơi đây đang loay hoay vớt cá tạp trong ao đã tiêu diệt để chuẩn bị thả tôm trở lại.
Gặp chúng tôi, ông cho biết từ nhiều năm nay, do nuôi tôm không hiệu quả nên bà con không còn chú trọng đầu tư. Đa số bà con thả tôm nơi đây lấy nước trực tiếp từ kênh vào rồi xử lý diệt tạp, chứ không lắng lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi như trước đây. Do đó, hiện bà con chủ yếu nuôi tôm quảng canh kết hợp thả cua, nhưng tôm nuôi cũng chết lên chết xuống.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, hàng chục ha nuôi tôm ở đây chẳng có người nuôi nào thu hoạch xuất bán. Hầu hết tôm bị rớt trước gần 1 tháng thả nuôi. Riêng anh em gia đình của ông Thoại có 12 ao bị thiệt hại 120 vạn con giống, mất hơn cả trăm triệu đồng.
“Môi trường và thời tiết bây giờ rất khó nuôi tôm. Bà con nuôi chủ yếu giữ đất, chứ nuôi tôm kiểu quảng canh lời lắm kiếm vài chục triệu đồng/vụ chứ không có nhiều. Hiện bà con cũng không có vốn nhiều để đầu tư quy mô”, ông Thoại bày tỏ.
Ông Bảy Thành cho biết, môi trường bây giờ rất khó nuôi tôm. Ảnh: KS.
Không chỉ vùng nuôi tôm trên ao đất mà vùng nuôi tôm trải bạt, nhiều hộ nuôi cũng bị thiệt hại vụ đầu do thời tiết mưa gió bất thường. Ông Trần Văn Gần, một hộ nuôi tôm ở khu vực Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) cho biết, vụ đầu khoảng 60 - 70% diện tích thả nuôi ở khu vực thôn Tuần Lễ bị thiệt hại nên đành xả ao sớm. Trong khi đó, số diện tích tôm nuôi chưa dính bệnh thì phát triển èo uột, chậm lớn. Riêng gia đình ông Gần vụ một thả 50 vạn giống, sau 27 ngày nuôi thì tôm chết hàng loạt, thiệt hại trên 100 triệu đồng.
“Chưa năm nào thời tiết biến đổi thất thường như năm nay, đáng lẽ thời điểm này trời êm, mát mẻ, thuận lợi cho việc nuôi tôm. Nhưng suốt thời gian vừa qua, gió vẫn thổi mạnh như mùa đông, nhiệt độ giữa ban ngày, ban đêm chênh lệch nhiều nên khó nuôi tôm”, ông Gần than vãn.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ xác nhận, đối với diện tích đã thả tôm vụ một, thời gian qua rất nhiều hộ bị thiệt hại bởi thời tiết phức tạp, xuất hiện mưa lớn, gió trái mùa và con giống thả nuôi chất lượng kém.
Bà Nguyễn Toàn Thư, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cũng cho rằng, thời tiết thời gian qua rất bất lợi cho thả tôm nước lợ. Nhiều diện tích thả tôm vụ đầu bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại.
Vùng nuôi tôm thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích giờ xuống cấp, ao nuôi để cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: KS.
Do đó để tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ, vừa qua Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện, hướng dẫn người nuôi cần theo dõi thường xuyên hơn tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 - 6/2022) như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu tảo... để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Cùng với đó, bám sát khung thời vụ thả giống, tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của các cơ quan chức năng tại địa phương. Chuẩn bị ao thật kỹ (bờ, cống ao, bạt lót...) nhằm tránh thất thoát nước; đảm bảo vệ sinh, sát trùng ao, dụng cụ sử dụng; dùng các dụng cụ (ca, xô, chậu, vợt...) riêng cho từng ao, tránh lây nhiễm chéo trong các ao nuôi.
Lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm như EHP, WSSV, AHPND. Lưu ý, thả giống ở mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi nhằm đảm bảo việc quản lý và chăm sóc cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho tôm phát triển. Định kỳ thu mẫu tôm và mẫu nước để kiểm tra Vibrio spp., EHP, WSSV, AHPND. Khi phát hiện tôm có biểu hiện bất thường hay nhiễm các loại bệnh trên cần báo với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
Những vuông tôm trống vắng, không còn người chăm sóc. Ảnh: Kim Sơ.
Trong quan trình chúng tôi tìm hiểu nuôi tôm ở xã Ninh Lộc và Ninh Ích nhận thấy, hầu hết người nuôi đều thả giống trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chỉ 200 - 300 ngàn đồng/vạn, rất thấp so với mức giá khoảng 1 triệu đồng/vạn của các giống tôm có thương hiệu. Tuy nhiên khi hỏi người dân vì sao lại mua giống kém chất lượng, họ cho rằng, do nguồn vốn eo hẹp, chi phí đầu vào lại tăng cao nhưng giá bán sản phẩm bấp bệnh nên không mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, môi trường nguồn nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp cũng không đảm bảo việc nuôi tôm kiểu bán công nghiệp, công nghiệp như trước đây.
Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng mỗi năm
Từ 2003 bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng
Khó khăn nghề cá ở Thanh Hóa
Đầu năm nay, nhiều phương tiện nghề cá ở Thanh Hóa “nằm bờ” nên sản lượng đánh bắt hải sản 4 tháng đầu năm giảm hơn 4% so cùng kỳ. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách bình ổn, hỗ trợ giá dầu để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Làm nông trên lưng chừng núi giữa biển Tây
Sống ở đảo khơi với quỹ đất hạn hẹp, nông dân huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) phải lên lưng chừng núi, chắt chiu những triền đất ít dốc để làm nông rất vất vả.
Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'
Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.
'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn
Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.
Nguy hiểm đeo chì lặn biển bắt ốc, vớt rong
Ngư dân bất chấp nguy hiểm đeo chì nặng vào người để người lặn sâu xuống nước bắt ốc, vớt rong. Ngành chức năng đã cảnh báo và tịch thu dụng cụ nguy hiểm này.
Giải lời nguyền cho cây thanh long: Mối liên kết rời rạc, vai trò hợp tác xã mờ nhạt
Khó khăn về thị trường khiến người trồng bắt đầu chặt bỏ cây thanh long, giống cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đấy là hệ quả của tập quán sản xuất kiểu nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tại trong vùng trồng thanh long
Giải "lời nguyền" cho cây thanh long: “Vị đắng cây làm giàu”
Hệ quả của việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những người trồng khiến thanh long mất dần giá trị và ngày càng thất thế trên thị trường.
Ngư dân cần được tiếp sức để vươn khơi
Ngư trường ngày một thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao đẩy ngư dân khắp vùng biển Nghệ An vào tình cảnh lao đao.
Kiên Giang góp vốn xoay vòng theo vụ lúa – giúp nhau thoát nghèo ở vùng biên
Tổ góp vốn xoay vòng theo vụ lúa của chi hội Phụ nữ ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ra đời từ năm 2013, đến nay đã gần 10 năm vẫn được duy trì và phát triển hiệu quả. Nhờ tổ góp vốn, nhiều chị em hội viên nghèo có tiền để đầu tư
Bình luận