Nhiệt Đới Farm & chuyện cải tạo công nghệ trồng rau tiên tiến
Không bằng lòng với công nghệ từ Israel, Nhiệt Đới Farm đã mạnh dạn cải tiến cách làm và trang thiết bị phù hợp với thực tế địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.
Đoàn công tác của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy. Ảnh: Trần Trung.
Mô hình rau thủy canh “siêu chuẩn”
Nằm giữa trung tâm TP. Biên Hòa đầy sôi động, nông trại trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy tại KP.4A, phường Trảng Dài là mô hình rau công nghệ cao Israel đầu tiên được thực hiện tại địa phương. Với việc được đầu tư quy mô, bài bản, khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, sản phẩm của Nhiệt Đới Farm đang được cung ứng cho những siêu thị uy tín trong khu vực, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Chúng tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của chị Thúy đúng vào lúc vườn rau quả sắp cho thu hoạch. Đáng chú ý, với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ phương pháp trồng thủy canh chỉ dành cho các loại rau có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bằng một góc nhìn khác biệt, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng, bên cạnh các loại rau cao cấp, những loại rau quen thuộc như muống, mồng tơi cũng được nông trại đưa vào sản xuất. Và điều đáng ngạc nhiên hơn, chủ trang trại ấy là một cô gái trẻ ở thế hệ 9x.
Bên cạnh các loại rau cao cấp, những loại rau quen thuộc như rau muống cũng được chị Thúy đưa vào canh tác nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Ảnh: Trần Trung.
Đứng bên cạnh những luống rau muống, mồng tơi, rau cải xanh mướt trông thật ngon mắt, chị Thúy cho biết, trước vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn đang hoành hành, thì nông sản sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Điều đó đang mở ra cơ hội khởi nghiệp của những người trẻ trong nông nghiệp.
Năm 2017, chị tiếp quản vườn rau công nghệ cao của gia đình. Tuy nhiên, mặc dù cơ sở hạ tầng trồng rau cơ bản được hoàn thiện nhưng vườn rau vẫn phát triển rất chậm, thậm chí bị héo úa, kém chất lượng. Sau khi mày mò nghiên cứu chị phát hiện, việc sử dụng nhà kính để trồng rau tại vùng có khí hậu nóng ẩm như Đồng Nai là không phù hợp.
Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị nhập khẩu từ Israel có một số điểm chưa tương đồng với mô hình. Chị mạnh dạn thay thế toàn bộ hệ thống nhà kính sang dùng nhà mành lưới, đồng thời cải tiến trang thiết bị, qua đó phát huy tối đa hiệu quả canh tác.
Hệ thống Thủy canh hồi lưu được xây dựng ở trung tâm vườn giúp điều tiết nước hợp lý. Ảnh: Trần Trung.
Theo chị Thúy, trồng rau thủy canh là một hình thức trồng rau bằng dung dịch dinh dưỡng, không dùng đến đất. Dung dịch dinh dưỡng được bơm trực tiếp và liên tục từ bồn chứa. Thông qua hệ thống ống dẫn tự động, chất dinh dưỡng được bơm đến từng gốc rau. Hiện có hai hình thức là thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Với trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp, hình thức thủy canh hồi lưu màng mỏng là phương pháp tối ưu nhất.
“Thủy canh hồi lưu màng mỏng có thể hiểu là khi dung dịch thủy canh được bơm thông qua ống từ bể chứa, các chất dinh dưỡng sẽ hòa với nước và chảy qua các ống thủy canh có độ dốc nhất định. Từ đó sẽ tạo ra một màng dinh dưỡng mỏng bám vào rễ cây. Rễ hấp thụ dinh dưỡng và nuôi rau trồng phát triển. Phần nước còn lại sẽ chảy ngược lại vào bể chứa.
Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 đến 3 lần rau trồng bình thường, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất”, chị Thúy chia sẻ.
Tất cả các loại phân thuốc được sử dụng đều có nguồn gốc từ chế phẩm sinh học. Ảnh: Trần Trung.
Chị Thúy cho biết thêm, thay vì trồng cố định 1 loại rau, hiện trang trại canh tác hơn 15 loại rau các loại, với mỗi loại cây khác nhau, thời gian thu hoạch và cách thức thu hoạch sẽ khác nhau. Tuy có phần vất vả hơn nhưng đổi lại lúc nào trong vườn cũng có rau để thu hoạch và hướng tới nhiều đối tượng khách hàng.
Hiện tại mỗi ngày trang trại của chị thu hoạch từ 300-500kg rau, củ các loại và được phân phối cho các một số siêu thị uy tín với giá bán dao động từ 30-50 ngàn đồng/kg tùy loại, bình quân mỗi tháng đem lại lợi nhuận cho trang trại từ 150-200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Ưu điểm rất lớn của rau thủy canh là hạn chế được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp (sản phẩm bị hư thối, dập nát). Cùng với đó, sản lượng rau thu được trên cùng diện tích canh tác cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống. Nhờ vậy, giúp nâng cao năng suất trung bình của cây rau. Mặt khác, rau được sản xuất ra đảm bảo tiêu chí sạch nên được thị trường rất ưa chuộng. Dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng việc xoay vòng vốn khi trồng rau thủy canh lại dễ và liên tục vì thời gian cho rau thành phẩm nhanh.
Hệ thống tưới được cải tiến thành dạng phun sương giúp tiết kiệm nước, rau hấp thu nhanh. Ảnh: Trần Trung.
Bên cạnh việc tái đầu tư cho mô hình, thời gian tới, tôi còn tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm mô hình nuôi cá kết hợp vườn rau thủy canh nhằm hướng tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông trại, hướng đến các đối tượng là những người trẻ thích tìm hiểu về nông nghiệp”, chị Thúy tiết lộ.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh diện tích đất tại các đô thị ngày một thu hẹp, thời gian qua, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các mô hình được nông dân áp dụng khá hiệu quả, phù hợp với diện tích đất và không gian của từng gia đình; trong đó có Nhiệt Đới Farm của chị Cao Diễm Thúy làm chủ là một trong những mô hình đột phá tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai đánh giá cao mô hình rau thủy canh của Nhiệt Đới Farm. Ảnh: Trần Trung.
Để phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao nói riêng và ngành nông nghiệp địa phương nói chung, thời gian gần đây, hàng loạt đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Trong đó, đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được cho là một trong những dự án đột phá, góp phần thay đổi về “chất” trong lĩnh vực trồng trọt, không chỉ tại các vùng nông thôn mà còn tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đề án nhằm tiếp thu có chọn lọc các công nghệ của thế giới nói chung và Israel để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Mục tiêu đề án là chọn những nông sản thế mạnh để đẩy mạnh chuyển giao hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng quốc tế. Trong đó, khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Mô hình rau thủy canh được xem là mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao hiệu quả tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.
“Trong giai đoạn mới, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong những đề án cấp thiết.
"Thông qua đề án, địa phương phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích cây trồng được áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao một phần hoặc toàn phần vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị toàn ngành nông nghiệp…”, ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon
Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...
Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới
Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.
Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1
Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.
Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn
Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.
Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu
Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.
Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương
Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.
Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng
Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.
Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh
Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.
Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận
Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định
Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...
Bình luận