Sâm Ngọc Linh 30 triệu đồng một lạng vẫn hút khách

Những củ sâm Ngọc Linh trên 16 năm tuổi, nặng hơn 100 gram có giá bán 30 triệu đồng 100 gram (một lạng) vẫn được nhiều người đặt mua.

Ghi nhận của VnExpress tại cửa hàng sâm Ngọc Linh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP HCM), mỗi ngày đều có khách đặt hàng sâm củ loại có trọng lượng trên dưới 100 gram, có giá 25-30 triệu đồng một lạng.

"Loại này có tuổi đời lên tới 16 năm được khách khá ưa chuộng. Đôi lúc hàng chưa kịp trưng bày hết ngày, khách đã mua hết", nhân viên cửa hàng trên nói.

Tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh cũng thu hút nhiều người tiêu dùng. Ở phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 51 diễn ra hôm 4/3, có trên 1.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được khoảng 3,2 tỷ đồng, trong đó, sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 25 kg, thu về gần 3 tỷ đồng.

Chị Oanh, một thương lái buôn sâm ở Kon Tum cho biết, năm qua dịch bệnh phức tạp nhưng số lượng đặt hàng vẫn tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước đó. Tuy nhiên, theo chị Oanh, số lượng sâm có hạn nên chị không thể đáp ứng đủ nhu cầu, chỉ có thể cung ứng với số lượng tăng 20% so với 2020.

Tương tự, chị Thảo – một hộ trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum cho hay, khách đặt mua nhiều nhưng hàng không có. Mỗi lần chị chỉ gom được của các hộ xung quanh thêm khoảng 2,3 lạng sâm trên 8 năm tuổi.

samnl-1646647672-9353-16466479-7797-7458-1647834398.jpg

Sâm củ Ngọc Linh tại cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (TP HCM). Ảnh: Thi Hà

Ông Nguyễn An, Giám đốc thương mại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum – đơn vị sở hữu 1.000 ha sâm Ngọc Linh - cho biết loại này không chỉ được thị trường trong nước mà cả quốc tế cũng ưa chuộng.

"Năm 2021, doanh thu từ sâm Ngọc Linh của công ty tăng trưởng 50% so với cùng kỳ 2020", ông An nói.

Theo ông An, để "quốc bảo" của Việt Nam được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, công ty đã bày bán sâm tươi và các sản phẩm chế biến tại các cửa hàng chuyên biệt ở các trung tâm thương mại và cửa hàng trên 25 tỉnh thành. Toàn bộ sản phẩm đều có mã vạch để truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng tránh được hàng giả, hàng nhái.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, giá sâm củ Ngọc Linh trên thị trường hiện dao động 15-30 triệu đồng 100 gram (tùy kích cỡ). Ngoài sâm củ, các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh như sâm yến, dịch chiết suất, mật ong ngâm sâm Ngọc Linh có giá 660.000 đồng đến 4 triệu đồng một hộp hoặc hũ.

Nhu cầu cao, nguồn hàng lại khan hiếm nên thị trường xuất hiện nhiều loại củ "đội lốt" sâm Ngọc Linh với giá rẻ được bán tràn lan.

Theo đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum), thời gian qua rất nhiều sản phẩm là tam thất có xuất xứ ở miền Bắc được đưa vào Tây Nguyên để giả sâm Ngọc Linh bán ra thị trường.

Đầu tháng 3, cơ quan này phát hiện 3 thùng xốp trên một xe khách đường dài từ phía Bắc vào được bỏ xuống lề đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Đăk Tô. Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện 2 kg củ và 12 kg lá của loại cây tam thất. Loại tam thất này rất giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum đang được bán với giá rất cao trên thị trường.

Trước đó, nhà chức trách cũng kiểm tra một doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh tung ra thị trường nhiều sản phẩm, quảng bá rầm rộ. Họ còn công bố sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh nhưng khi ngành chức năng yêu cầu chứng minh thì không chứng minh được.

Do đó, cơ quan quản lý thị trường cảnh báo người dân cần mua hàng ở những nơi có uy tín và truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh mất tiền oan.

Ngoài ra, để phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật, PGS.TS Trần Công Luận, Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP HCM cho rằng, người mua cần đem tới trung tâm kiểm nghiệm để biết thành phần của chúng. Tuy nhiên, là người có nhiều năm kinh nghiệm, ông Luận cho rằng có thể dựa vào các dấu hiệu trên củ sâm.

Thứ nhất, sâm Ngọc Linh tự nhiên mỗi năm chỉ mọc 1 thân, củ sâm có rất nhiều mắt. Các mắt sâm lõm vào trong và có vị trí so le với nhau. Thứ hai, sâm Ngọc Linh thật có u cục ở gốc, vỏ sần sùi, lõi có màu vàng hoặc tím đậm, tím sẫm. So với sâm giả từ củ tam thất hoang, khi sờ sẽ thấy vỏ nhẵn nhụi, ít u và có màu trắng.

Thứ ba, sâm thật có mùi thơm nồng rất đặc trưng, dễ nhận biết. Ngược lại, củ tam thất khi ăn sẽ thấy sồn sột, dai, vị ngái, nóng rát ở cổ. Thứ tư, Sâm Ngọc Linh lâu năm có điểm thắt, mọc không đều, củ hơi gầy. Nếu là sâm giả, củ sẽ đồng đều hơn, có điểm thắt, màu nhạt, mờ và nhẵn.

Điểm khác biệt thứ năm là lá của cây sâm Ngọc Linh mỏng, có răng cưa và đều, mỗi tán gồm 5 lá. Cuối cùng, cành sâm nhỏ và vươn cao, rất dai và cứng, khó bị đứt.

Sâm Ngọc Linh, loại sâm có hàm lượng saponin cao, được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam - một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm Thủ tướng, từng đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó yêu cầu làm rõ sâm này là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới.

Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tìm ra năm 1972. Lúc đó, dược sĩ Long được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực vật, đặc biệt là đi tìm nguồn sâm ở vùng K5 phục vụ bộ đội. Khi đến độ cao hơn 1.000 m của núi Ngọc Linh, ông phát hiện ra loại sâm tiết trúc quý hiếm. Loại sâm này từng được các nhà thực vật phát hiện ở Lào Cai, Lai Châu.

Khi đó, dược sĩ Long gọi là sâm tiết trúc K5, rồi sau gọi là sâm đốt trúc Ngọc Linh theo tên địa danh phát hiện ra. Sâm Ngọc Linh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất gọi là Sâm Việt Nam, với tên khoa học là Panax Vietnamesis Ha & Grushv.

 

Nguồn: Theo Vnexpress.net

Từ khóa: sâm Ngọc Linh

Bình luận

9 đặc sản vùng miền Việt Nam được công nhận kỷ lục châu Á

Tổ chức Kỷ lục châu Á mới đây đã chính thức công nhận kỷ lục châu Á cho 9 món ăn, đặc sản vùng miền Việt Nam. Đó là những đặc sản nào?

Săn phật thủ Bồ Tát Hoàng Kim cực quý hiếm

Thời gian gần đây xuất hiện một loại phật thủ siêu quý hiếm có tên là Bồ Tát Hoàng Kim, sản vật thờ cúng dịp Tết có tiền chưa chắc đã mua được.

Làm mưa nhân tạo, lão nông miền Tây nuôi loài cá quý hiếm, sắp tuyệt chủng

Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), ở Cồn Sơn - giữa sông Hậu (Cần Thơ) nuôi hàng nghìn con cá chốt chuột - loại cá đang hiếm dần trên dòng Mê kông.

Đặc sản dân dã lên sàn thương mại điện tử đắt hàng như tôm tươi

Rau sắn được coi là món ăn đặc sản ở Phú Thọ, loại rau này hiện được bán ở khắp các sàn thương mại điện tử và khá "hút" khách, có shop bán hàng trăm suất mỗi ngày.

Những lợi ích của nho với sức khỏe

Nho chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường; cải thiện trí nhớ, tâm trạng; ngăn rụng tóc, hỗ trợ giấc ngủ…

Xoài Yên Châu

Xoài Yên Châu là trái cây đặc sản được trồng ở các xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán… thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Theo người dân địa phương, giống xoài này được trồng ở Yên Châu từ rất lâu đời, tập trung trên vùng gò đồi có địa hình thấp.

5 lợi ích của dầu hạt bông cải xanh đối với sức khoẻ

Dầu hạt bông cải xanh được tạo ra bằng cách ép lạnh những hạt nhỏ của mầm bông cải xanh. Mầm bông cải xanh được cho là chứa chất chống oxy hóa sulforaphane nhiều hơn 80-100 lần so với bông cải xanh. Dưới đây là một số công dụng của loại dầu này đối với sk

1,2 triệu đồng một kg nấm mối đầu mùa

Mỗi kg nấm mối búp đầu mùa được các đầu mối bán giá 1,2 triệu đồng nhưng vẫn có nhiều khách đặt mua.

Sầu riêng Thái Lan dội chợ, giá đắt gấp đôi hàng Việt vẫn ‘cháy hàng’

Được quảng cáo thuộc top ngon nhất thế giới, loại sầu riêng Thái Lan có múi nhỏ xíu, cơm vàng óng mềm mịn, vị ngọt sắc liên tục cháy hàng dù giá đắt gấp đôi sầu riêng Việt Nam.

Cà cuống: Món ngon quý hiếm từ sình lầy, không phải ai cũng có cơ hội ăn thử

Nghe cái tên cà cuống có vẻ quen tai nhưng không phải ai cũng từng nhìn thấy hay được thưởng thức chúng.