Tưới tiết kiệm, giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng khô hạn
Ninh Thuận là vùng khô hạn, để sử dụng hiệu quả nguồn nước, những năm qua ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều công nghệ tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng khác nhau.
Đến nay, Ninh Thuận là một trong những địa phương đi đầu tại các tỉnh miền Trung áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, mang lại nhiều lợi ích. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận xung quanh vấn đề này.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.
Trong điều kiện nước tưới thường xuyên bị thiếu, thì giải pháp tưới tiết kiệm là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả. Xin ông cho biết thực trạng tưới tiết kiệm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được triển khai như thế nào?
Tỉnh Ninh Thuận chúng tôi có diện tích gieo trồng cây trồng hàng năm khoảng 84.000 ha, trong đó cây lương thực (lúa, ngô) chiếm phần lớn với diện tích, khoảng 55.000 ha; cây mía 2.500 ha, sắn 4.000 ha, cây công nghiệp dài ngày 4.728 ha và cây rau đậu các loại. Ngoài ra diện tích các loại cây lâu năm khoảng 12.628 ha, trong đó Nho 1.209 ha, Táo 996 ha, các loại cây ăn quả khác khoảng 3.685 ha.
Như các bạn đã biết, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô nóng quanh năm, mùa mưa rất ngắn nên thường xuyên bị khô hạn, điều này đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, khí hậu khô hạn cũng tạo điều kiện thích hợp cho sự phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Nho, Táo, Hành tỏi, Măng tây xanh, Nha đam, Rong sụn, sản xuất giống thuỷ sản, giống cây trồng và chăn nuôi Dê, Cừu.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII đã định hướng sản xuất nông nghiệp, đó là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Với tình hình thực tế khan hiếm nguồn nước, tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới thường xuyên xảy ra, do đó việc triển khai tưới tiết kiệm đã được ngành nông nghiệp chúng tôi triển khai từ nhiều năm qua, với nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân.
Tưới tiết kiệm cho nho giảm 30 - 40% lượng nước so với tưới tràn. Ảnh: M.Hậu.
Kết quả ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2020, diện tích cây trồng áp dụng tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 1.523 ha. Trong đó, cây hàng năm 271,4 ha; cây ăn quả các loại 575 ha (Nho 204 ha; Táo, Thanh long, Chuối, Mãng cầu và một số cây ăn quả khác 371 ha); rau màu và đậu các loại 677 ha (Măng tây 80 ha, rau màu còn lại 597 ha).
Ngoài ra, trên cây lúa chúng tôi đã triển khai thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, áp dụng phương pháp dùng ống chia vạch (tưới ướt khô xen kẽ) được thực hiện từ năm 2010 đến nay, với diện tích nhận rộng hàng năm khoảng 10.000 – 12.000 ha.
Lợi ích của tưới tiết kiệm mang lại là gì, thưa ông?
Việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng ở địa phương chúng tôi đã mang lại kết quả rất tốt. Theo tôi, giải pháp tưới tiết kiệm là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như tỉnh Ninh Thuận nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống của người dân.
Qua thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, phương pháp tưới tiết kiệm đã giảm được lượng nước tưới rất lớn so với tưới tràn truyền thống. Nó giúp giảm áp lực khai thác nguồn nước ngầm và đủ nước sử dụng trong cả mùa khô kéo dài. Tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái ở các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm tại Ninh Thuận được chúng tôi triển khai ứng dụng trên cả mặt đất bằng phẳng và không bằng phẳng, tùy theo từng loại cây trồng mà người dân áp dụng công nghệ tưới phù hợp mang lại hiệu quả cao.
Qua thực tế, việc áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng tại Ninh Thuận đã giảm từ 20-40% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động, tiết kiệm 30% năng lượng điện và phân bón, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 10-15%.
Xin ông cho biết công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm được áp dụng tại Ninh Thuận nào mang lại hiệu quả cao nhất và có thể triển khai áp dụng rộng rãi?
Theo tôi, tùy theo từng đối tượng cây trồng để lựa chọn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm khác nhau và có thể áp dụng. Hiện tại công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nhỏ giọt được áp dụng cho các loại cây trồng dài ngày như nho, táo, cây ăn quả; công nghệ tưới phun tia và tưới phun mưa tầm thấp đối với các cây rau màu, đậu các loại, cỏ chăn nuôi…
Hệ thống tưới tiết kiệm trên cánh đồng măng tây xanh của Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố. Ảnh: M.Hậu.
Tại địa phương chúng tôi, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện nay người dân ít áp dụng hơn so với công nghệ tưới phun mưa tầm thấp hoặc phun tia (MINIZET). Bởi, hạn chế của hệ thống tưới nhỏ giọt là cần phải dùng loại phân bón chuyên dùng nhằm làm tăng hiệu quả sử dụng, nhưng hiện nay loại phân bón này chưa phổ biến và giá bán rất cao. Vì vậy, đa số người nông dân ít sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hơn công nghệ tưới phun mưa.
Đối với công nghệ tưới phun mưa tầm thấp, phun tia, hiện nay đang được người nông dân Ninh Thuận sử dụng rộng rãi ở nhiều xã trên khắp địa bàn tỉnh. Công nghệ này rất thích hợp cho các loại cây trồng lấy củ, cây trồng mật độ dày như hành, tỏi, củ cải, cà rốt và các loại rau màu khác. Nhờ đó, hệ thống tưới phun mưa luôn được người nông dân lựa chọn và nhân rộng nhiều hơn so với công nghệ tưới nhỏ giọt.
Mặc khác sử dụng công nghệ tưới phun mưa tầm thấp, phun tia kết hợp theo chảo bốc thoát hơi nước (mini-pan) giúp tính được lượng nước cần thiết trên mỗi loại cây trồng ở từng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận chúng tôi. Vì vậy, mô hình này được người dân sử dụng phổ biến nhân rộng, với chi phí đầu tư thấp hơn và dễ áp dụng hơn.
Với những lợi ích mang lại từ tưới tiết kiệm, ngành nông nghiệp Ninh Thuận định hướng như thế nào trong thời gian tới và có chính sách gì hỗ trợ người dân, thưa ông?
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi để kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp quản lý và điều tiết để sử dụng hợp lý nguồn nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống người dân.
Nhờ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm mà người trồng nho Ninh Thuận đã tiết kiệm được nguồn nước, chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: M.Hậu.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho các cây trồng nhằm đảm bảo mục tiêu, định hướng cho phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Ngành Nông nghiệp chúng tôi đã triển khai kịp thời, có hiệu quả nhiều Quyết định của UBND tỉnh về các chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chính sách nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; Chính sách đặc thù khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định về chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020; Chính sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông; Chính sách quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của hệ thống tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận…
Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn này đã tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư các mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình sản xuất an toàn VietGAP, các sản phẩm OCOP, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-HTX-hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Xin cảm ơn ông!
“Hiện chi phí đầu tư mỗi hệ thống tưới tiết kiệm trung bình hết 50 triệu đồng/ha, nhưng nó góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái, tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái của các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng nguồn nước hợp lý, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì sản xuất ổn định theo hướng bền vững“, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.
|
Công nghệ nuôi cá mật độ gấp 10 lần ao thường, cá săn chắc, thơm ngon
Công nghệ 'sông trong ao' cho phép nuôi cá với mật độ gấp 10 lần, sản lượng gấp 2 - 3 lần so với ao thường, cho chất lượng sản phẩm cá dai, thơm ngon...
Cẩn trọng trước vụ nuôi tôm mới
Để vụ nuôi thuận lợi, trước khi thả giống, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm để tránh thiệt hại.
Chú ý khi trồng cây hồng TL- 1
Hồng TL-1 đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng đây là giống cây ăn quả ôn đới, chỉ những địa phương có điều kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới trồng được.
Mô hình HTX thỏ sạch khép kín từ trang trại đến bàn ăn
Nắm bắt tốt thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đã giúp HTX thỏ sạch An Nhơn Tây gặt hái thành công cũng như chỗ đứng trên thị trường.
Trồng nấm hương hữu cơ, thắng ngay vụ đầu
Xác định trồng nấm hương 3 năm đầu cố gắng hòa vốn là may, nhưng ngay vụ đầu HTX Nông nghiệp Yên Công (TP Cao Bằng) đã có lãi khá.
Nuôi con 'ngày ngủ, đêm ăn', thân tỏa xạ hương
Thức ăn ưa thích của chồn hương là các loại hoa quả chín có vị ngọt, thơm... Thịt chồn hương là đặc sản, giá bán khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/kg.
Giảm chi phí sản xuất giống cá biển nhờ nuôi luân trùng
Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn trong ao lót bạt làm thức ăn sản xuất giống cá biển giúp chủ động được nguồn thức ăn thay thế hoàn toàn ấu trùng Artemia.
Lần đầu có sổ tay hướng dẫn chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh
Để nghề nuôi hươu sao phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phổ biến đến tận hộ dân.
Nuôi tôm sạch bằng thảo dược: Phát triển bền vững, gia tăng lợi nhuận
Sử dụng các sản phẩm thảo dược và chế phẩm sinh học sẽ tạo ra 'cú hích' cho ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Tận dụng phân bón hữu cơ: Cách làm của Nam Định
Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ làm phân bón hữu cơ đã giúp nhiều nơi ở Nam Định giải được bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất...
Bình luận