Bồi bổ đất Tây Nguyên: Hiệu quả thực chứng với phân bón hữu cơ

Với nhiều người dân ở Gia Lai, sử dụng phân bón hữu cơ đang trở thành xu hướng nhằm tiết giảm chi phí cũng như giúp cây trồng phát triển bền vững hơn.

p4.png

Sử dụng phân hữu cơ đang trở thành xu hướng của người dân Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Thay đổi để tránh thua lỗ
Giá phân bón đang tăng cao kỷ lục trong nhiều năm qua khiến người dân đứng ngồi không yên. Nếu như tầm này năm trước, phân bón NPK giá khoảng 10 triệu đồng/tấn, thì hiện tại đã tăng gấp đôi. Giá phân bón tăng cao, trong khi giá các mặt hàng nông sản thì lại bấp bênh, dẫn đến việc nhiều hộ dân không còn thiết tha chăm sóc vườn cây vì không có lời, thậm chí thua lỗ.

Vừa bán đợt cà phê thu được khoản tiền, vợ chồng ông Chu Quốc Dân (tổ 2, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) ngay lập tức đến đại lý phân bón trả các khoản nợ cũ. Cũng như phần lớn các hộ dân khác, vợ chồng ông Dân thường mua phân bón theo hình thức nợ gối đầu, đến vụ thu hoạch sẽ thanh toán.

Ông Dân cho biết, gia đình ông có hơn 2ha trồng cà phê, năm ngoái giá phân bón chưa cao như hiện nay, chi phí đầu tư cũng hết hơn 80 triệu đồng. Năm nay, giá phân bón tăng cao gần gấp đôi, vậy là xem như không có lời.

“Theo tính toán, trung bình 1ha cà phê thu hoạch được khoảng 4 tấn nhân, lợi nhuận thu về khoảng hơn 100 triệu đồng. Trong khi chi phí phân bón cho 1ha thời điểm hiện tại hết khoảng gần 80 triệu đồng, cộng với điện, nước, nhân công… như vậy xem như lỗ vốn”, ông Dân nói và cho biết, gia đình bắt đầu tính đến việc dần sử dụng phân hữu cơ để tiết giảm chi phí cho mùa vụ này.

Theo ông Dân, để giảm chi phí đầu tư, hiện nay rất nhiều người dân trong vùng chuyển qua sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, phân gà. Tuy nhiên, không phải ngưới dân nào cũng có sẵn tiền để mua bởi các đại lý phân bò không bán nợ.

Mặt khác, nếu chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ ngay lập tức sẽ khiến năng suất cây trồng không đạt như mong muốn. Chính vì vậy, dù chuyển sang sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn phải kết hợp phân vô cơ nhưng sẽ giảm dần hàm lượng.

p3.png

Nhiều người dân trồng cà phê đang chuyển dần sang sử dụng phân chuồng để thay thế phân vô cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại huyện Ia Grai, ông Trần Hoài Ngọc (tổ 2, thị trấn Ia Kha) cũng đang đau đầu với giá phân bón tăng cao kỷ lục, qua đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hơn 1ha cà phê xen cây ăn trái của gia đình. Nếu như trước đây, trung bình 1 đợt bón phân NPK hết khoảng 3,4 tạ, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng, thì hiện tại giá đã tăng lên 5,6 triệu đồng.

Ông Ngọc cho biết, mọi năm gia đình ông bón phân vô cơ trung bình 4 lần, nhưng năm nay rút lại chỉ còn 3 lần. Cùng với đó, hàm lượng phân bón cũng buộc phải giảm bớt xuống còn khoảng hơn 2 tạ cho 1 lần bón phân, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ.

“Gia đình đã bước đầu sử dụng phân vi sinh hữu cơ, qua đó giá thành giảm rõ rệt, trong khi năng suất, chất lượng vườn cây vẫn rất tốt”, ông Ngọc cho biết.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Du lịch Nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho biết, trước tình hình phân bón tăng phi mã như hiện nay, tất cả các thành viên trong hợp tác xã cũng đã từng bước chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ và giảm dần sử dụng phân bón vô cơ.

“Hợp tác xã đã đưa ra quy trình bón phân kết hợp hữu cơ và vô cơ cho cây cà phê giúp giảm chi phí xuống mức thấp nhất. Theo đó, nếu người dân áp dụng đúng quy trình, chi phí bón phân chỉ hết khoảng 30 triệu đồng/ha, giảm được gần 2/3 so với sử dụng phân vô cơ như hiện nay”, ông Thanh chia sẻ.

Bền vững hơn với hữu cơ
Kh giá phân bón ngày càng tăng cao, ông Nguyễn Văn Thiện (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) lại càng vui vì sự lựa chọn sử dụng phân hữu cơ của gia đình là đúng đắn.

p2.png

Ông Thiện bên những thùng phân hữu cơ vi sinh vật bản địa. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2016, bắt đầu thời điểm trồng cây, ông Thiện đã cương quyết không sử dụng hóa chất mà chỉ dùng phân sinh học, chất cải tạo đất để chăm sóc cho vườn cây của mình. Khoảng 2 năm trở lại đây, ông Thiện đã chuyển hẳn sang sử dụng phân hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO).

Theo ông Thiện, chỉ cần những những thứ sẵn có tại nơi mình sinh sống cũng có thể sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO. Cụ thể, chỉ cần dùng sữa chua, các chất men tiêu hóa của con người cùng hỗn hợp các loại rau, củ như chuối, đu đủ... sau đó bỏ vào thùng phi trộn thêm với men rượu, cám gạo, rỉ mật và nước sạch rồi ủ trong 7 ngày sẽ cho IMO gốc.

Bình thường với 10 lít chế phẩm IMO gốc, ông Thiện sẽ pha trộn thêm thêm rỉ đường, cám và nước sạch sẽ nhân lên thành 100 lít, qua đó thoải mái tưới cho cả vườn cây mà không cần các chất dinh dưỡng khác.

“Thời điểm này, vườn sầu riêng đang nở hoa rất cần dinh dưỡng nên tôi sử dụng phân cá được pha trộn với IMO gốc theo tỷ lệ phù hợp để tưới cho cây”, ông Thiện chia sẻ.

Theo ông Thiện, nếu sử dụng phân hóa học cho 1ha cây trồng, người dân phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đồng, chưa kể phải bón thêm phân chuồng. Còn với phân bón hữu cơ, gia đình ông chỉ đầu tư hết hơn 10 triệu đồng/ha trong 1 năm. Đặc biệt, sử dụng phân bón hữu cơ làm cho đất ngày càng giàu dinh dưỡng, về lâu dài càng ít tốn chi phí đầu tư, cây trồng phát triển bền vững hơn.

p1.png

Nhiều năm qua, bà Tự sử dụng phân chuồng kết hợp với vỏ cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng trung thành sử dụng phân bón hữu cơ, bà Phạm Thị Tự (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết, trước đây sử dụng phân hóa học, vườn cà phê xen hồ tiêu (1,4ha) của gia đình cho năng suất rất kém. Đến năm 2008, gia đình quyết định quay lại chăn nuôi để tận dụng nguồn phân chuồng, kết hợp vỏ cà phê trộn với men vi sinh làm thành phân hữu cơ.

Chính vì sử dụng phân hữu cơ trong nhiều năm qua nên vườn cà phê 700 cây dù trồng từ năm 1996 nhưng vẫn cho năng suất 10 tấn tươi. Trong khi nhiều gia đình mất mùa vì cây cà phê, hồ tiêu thì nhà bà Tự vẫn cho thu hoạch với sản lượng ổn định.

Theo bà Tự, chi phí sử dụng phân hữu cơ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với phân hóa học. Trung bình gia đình bà chỉ phải bỏ gần 10 triệu đồng để mua vỏ cà phê rồi kết hợp với phân chuồng có sẵn là có thể sử dụng quanh năm.

“Sử dụng phân hữu cơ giúp đất tươi xốp, cây trồng ngày càng hấp thụ chất dinh dưỡng, phát triển bền vững hơn. Nơi nào cây trồng chất lượng kém chỉ cần bón phân hữu cơ một thời gian sẽ xanh tốt ngay”, bà Tự chia sẻ.

Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, cho đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có rất nhiều hộ dân sử dụng phân bón hữu cơ, tập trung nhiều vào cây cà phê.

“Trước tình trạng giá phân bón hóa học tăng cao như hiện nay, phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo người dân cần tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, qua đó giúp tăng dinh dưỡng cho đất và giảm chi phí đầu tư”, ông Thắm cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần chú trọng, đẩy mạnh hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn phát triển diện tích cây xanh để dùng làm phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Đồng thời, các địa phương cần bố trí kinh phí để tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả; xây dựng các mô hình sản xuất phân bón hữu cơ để tận dụng nguồn phụ thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giải quyết nguồn gốc ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn; giảm giá thành vật tư đầu vào cho sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm cây trồng có lợi thế của địa phương.

 

Bình luận

Trồng nấm linh chi trên giá thể gỗ keo tươi, chất lượng như mọc tự nhiên

Phương pháp trồng này vừa đơn giản, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có của địa phương, cho sản phẩm có chất lượng như nấm mọc ngoài tự nhiên.

Đột phá cho ngành hàng cá tra từ ứng dụng công nghệ cao

An Giang, tỉnh sản xuất cá tra lớn ở ĐBSCL đang quyết tâm tạo đột phá cho ngành hàng này bằng việc thu hút đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, chế biến.

Nuôi lươn không bùn xuất khẩu ở Hậu Giang bán giá cao hơn lươn nuôi thông thường

Toàn tỉnh Hậu Giang có 266 hộ sản xuất áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn. Hiện nay, lươn được chọn trong nhóm 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh để tập trung phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu

Bình Định thí điểm 2 mô hình về bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đang triển khai thí điểm 2 mô hình áp dụng công nghệ tạo bọt khí nano (công nghệ UFB) trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu đi Nhật

Bao giờ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi?

Hiện đang có 3 công ty độc lập tiến hành nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi. Các nghiên cứu đều cho thấy vaccine dịch tả lợn châu Phi cho hiệu quả rất cao trong các mô hình khảo nghiệm.

Lộc 'đất thép' mắn đẻ sáng chế

Say mê nghiên cứu, Phạm Thành Lộc đã cho ra đời nhiều sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tối ưu hóa quy trình canh tác, tăng giá trị cho nông sản Việt.

Vừa lên Tây Nguyên, VNR10 đã được nông dân mê tít

Qua 2 vụ sản xuất, giống lúa VNR10 chất lượng cao đã được nông dân tại Đăk Lăk đánh giá cao và mong muốn tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Bộ giống lúa mới cho năng suất cao, phù hợp với đồng đất Bình Định

Những giống lúa mới do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo và chọn lọc cho hiệu quả cao trên đồng đất Bình Định.

Nuôi cá dìa thử nghiệm trong ao tôm bỏ hoang, nông dân Quảng Trị bắt 1,4 tấn, bán 140.000 đồng/kg

Với mục tiêu chuyển đổi đối tượng nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã đưa vào thí điểm mô hình nuôi cá dìa trong ao đất

Nuôi tôm công nghệ cao-[Bài 3]-Câu chuyện khuyến nông

Việc nông dân Cần Giờ, Nhà Bè phát triển mạnh nuôi tôm theo hướng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế, có vai trò lớn của Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông TPHCM.